Triển khai “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”: Những nội dung chủ yếu
Đây là một văn bản khá toàn diện, lần đầu tiên đề cập đầy đủ những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, đáp ứng đúng những yêu cầu đang được đặt ra từ thực tế trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghề thủ công và làng nghề nước ta. Có những vấn đề lâu nay chúng ta vẫn nói, nhưng lần này được Chương trình đề cập với những khía cạnh mới theo nhận thức mới, sâu sắc hơn. Cũng có những vấn đề mới được quy định (như các mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 và 2030), đòi hỏi nhận thức và thực hiện sao cho có hiệu quả. Đây là một cơ hội mới rất quan trọng, có ý nghĩa như một cột mốc về chủ trương, chính sách của Chính phủ đối với làng nghề mà Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chúng ta cần nắm bắt, khai thác, để làng nghề cả nước có thêm căn cứ pháp lý trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề. Trong bài này, xin giới thiệu những nội dung chủ yếu để làng nghề chúng ta cùng nghiên cứu.
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1.Chương trình đã đề ra 04 quan điểm, trong đó nêu lên những nội dung rất quan trọng cần được thấm nhuần trong toàn bộ các hoạt động về bảo tồn và phát triển làng nghề. Đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của làng nghề trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trong phần “Quan điểm” cũng như trong phần “Mục tiêu” và nhiều phần khác trong văn bản, Chương trình đều luôn nhấn mạnh nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy văn hóa làng nghề, mà điểm mới là khẳng định “bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, trong từng vùng, miền, địa phương, đặc biệt là thông qua phát triển sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ”. Đây là một điểm mới, được Chương trình nhấn mạnh chính là sự thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) khi xác định văn hóa là “sức mạnh mềm” của quốc gia và “văn hóa còn, đất nước còn”. Làng nghề chúng ta rất vinh dự và tự hào khi nghề thủ công đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể” và cũng rất xứng đáng là một bộ phận chủ yếu trong “sức mạnh mềm” của nước ta.
Một điểm mới về quan điểm mà Chương trình nêu ra, kịp thời tiếp cận xu hướng của xã hội hiện đại, đó là “thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”; “ứng dụng công nghệ số, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống trong quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề” (trong bài này, những câu đặt trong ngoặc kép là trích từ Chương trình).
Chương trình đã có những quy định về việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước, coi đây là một giải pháp chủ yếu để bổ sung nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề.
2.Điểm rất mới trong Chương trình là đã đề ra những mục tiêu cho năm 2025 và 2030.
Mục tiêu chung là: “Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững”. Trong mục tiêu này, điểm mới là có đủ hai nội dung: vừa có mục tiêu cho bản thân mỗi làng nghề, lại vừa có mục tiêu đóng góp của làng nghề vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong thực tế, hai nội dung này gắn bó chặt chẽ với nhau.
Về các mục tiêu cụ thể - đây là điểm rất mới thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đã được hiệu triệu từ Đại hội XIII của Đảng, nay đã được cụ thể hóa cho làng nghề.
Đó là các mục tiêu khá toàn diện cần được thực hiện đến năm 2025 và 2030, như: khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống và làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới nghề và làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề gắn với du lịch; số làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; số người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; số làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề; thu nhập bình quân của lao động; kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề; số cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Có thể thấy các mục tiêu được Chương trình quy định đều rất cần thiết, đáp ứng đúng yêu cầu của các làng nghề; đây cũng là một nội dung rất mới lần đầu để ra một cách toàn diện với các làng nghề. Những mục tiêu này cần được nhận thức đầy đủ, biến thành hành động và kết quả thiết thực trong từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong mỗi làng nghề cũng như trong mỗi cư dân làng nghề. Cũng có những mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của các cơ sở sản xuất kinh doanh mới có thể đạt được, ví dụ như các mục tiêu: từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 4 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD vào năm 2030; năm 2025, thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; năm 2025 có 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
CÁC NHIỆM VỤ DO CHƯƠNG TRÌNH ĐỀ RA
Chương trình đã đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, đó là (i) Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi; (ii) Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; (iii) Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; và (iv) Phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Qua nghiên cứu các nhóm nhiệm vụ do Chương trình đề ra, có thể rút ra những điểm mới mà các văn bản trước đây chưa đề cập hoặc chưa nhấn mạnh như sau.
1.Chương trình đã chú ý nhấn mạnh yếu tố văn hóa nghề thủ công truyền thống trong các nhiệm vụ, từ duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi đến việc bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống, bảo tồn làng nghề hiện có và phát triển làng nghề mới, v.v...
Thực tiễn đã chứng minh văn hóa nghề thủ công nước ta đã thể hiện rất sâu sắc tâm tư, tình cảm, ... cũng tức là bản sắc của nghề trong mỗi địa phương, vùng miền, thậm chí của mỗi nghệ nhân, do đó, hết sức phong phú, đa dạng, mang rõ bản sắc Việt Nam. Văn hóa nghề thủ công bắt nguồn từ trái tim, trí tuệ và bàn tay khéo léo của nghệ nhân, cho nên đây là sự sáng tạo được phát triển liên tục không có điểm dừng. Có thể coi đây là một điểm mới của Chương trình khi đã quán xuyến nhận thức về giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống nước ta trong tất cả các hoạt động sản xuất, cải tiến mẫu mã, đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mà nếu không nhấn mạnh giá trị văn hóa thì sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nước ta sẽ không còn là của nước ta, lúc đó, sản phẩm chỉ có xác mà không có hồn.
2.Chương trình đã đề ra rất đúng nhiệm vụ phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi. Chúng ta đều hiểu rằng nghệ nhân là “Báu vật nhân văn sống”, vốn quý của mỗi cơ sở sản xuất và của làng nghề. Phải bảo vệ, bồi dưỡng và phát huy đội ngũ thợ giỏi trong mỗi cơ sở. Đúng như Chương trình đã xác định “Duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị”. Chương trình cũng đã khẳng định những nhiệm vụ quan trọng như: sưu tầm, lưu giữ và tổ chức trưng bày các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của các nghệ nhân, thợ giỏi, nghệ nhân tiêu biểu của các ngành nghề; tổ chức phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam và các sản phẩm làng nghề tiêu biểu. Đó là những hoạt động lâu nay chúng ta đã triển khai, nay cần tiếp tục với nhận thức mới, sâu sắc hơn để đạt hiệu quả thiết thực hơn, tránh tình trạng hình thức, nhất là tiêu cực “xin-cho”, “mua-bán” trong phong tặng, tôn vinh nghệ nhân.
3. Chương trình đề ra nhiệm vụ “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống” với những nội dung cụ thể, thiết thực, như: điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại danh mục các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; xây dựng quy hoạch phát triển nghề, làng nghề với các nội dung như: khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả. Đây chính là những nội dung của hai vế “bảo tồn” và “phát triển” mà trong thực tế, hai việc này cũng rất cần tiến hành song song, không tách rời, trên cơ sở rà soát, thống kê, phân loại cụ thể và lập quy hoạch, làm căn cứ cho việc triển khai Chương trình.
4.Chương trình đã đề ra nhiệm vụ “Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới” với những điểm nhấn mạnh cần chú ý như: phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống; khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch. Điểm cần nhấn mạnh trong tổ chức các lễ hội, tôn tạo các di tích là thể hiện cho rõ nội dung “văn hóa” của mỗi hoạt động, tránh “thương mại hóa”, hình thức, phô trương, “loa, đèn, kèn, trống”.
5.Nhiệm vụ cuối cùng cần chú ý trong Chương trình là “Phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững”. Điểm mới ở đây là đối với các làng chưa có nghề: cần thúc đẩy phát triển ngành nghề, sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; bằng các hình thức như du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các làng nghề đang hoạt động có hiệu quả. Có thể coi đây là một nhiệm vụ mới rất cần được đặt ra trong tình hình nông thôn hiện nay, nhằm phát triển nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển các đô thị nhỏ, qua đó, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn, để người lao động có việc làm, có thu nhập, làm giàu ngay tại quê hương, tránh việc di cư ồ ạt đến các đô thị lớn gây ra nhiều vấn đề xã hội (như nhà ở, khám chữa bệnh, học tập,...) rất khó giải quyết.
Bài viết trên đây nhằm giới thiệu tóm tắt những nội dung chủ yếu, trong đó có những điểm rất mới của “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030” mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 7//2022 vừa qua. Bài tiếp theo, tác giả sẽ đề cập những vấn đề về tổ chức thực hiện để đưa Chương trình vào cuộc sống.
CGCC Vũ Quốc Tuấn
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn-Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Tin liên quan
Tin mới hơn

Cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc " của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
09:27 | 01/12/2023 Nghiên cứu trao đổi

Bình Dương: Kỳ vọng có thêm sản phẩm OCOP thủ công mỹ nghệ
10:00 | 29/11/2023 Nghiên cứu trao đổi

Tìm hiểu về phòng, chống tham nhũng và đức thanh liêm của người xưa
08:57 | 24/11/2023 Nghiên cứu trao đổi

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ V
14:25 | 16/11/2023 Nghiên cứu trao đổi

Bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội “Hội tụ - kết tinh - lan tỏa”
14:24 | 16/11/2023 Nghiên cứu trao đổi

Thực trạng và giải pháp phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn
10:22 | 09/11/2023 Nghiên cứu trao đổi
Tin khác

Kết nối văn hoá biển Quảng Ninh - Hải Phòng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
09:58 | 13/10/2023 Nghiên cứu trao đổi

Hải Phòng xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, văn minh
09:58 | 13/10/2023 Nghiên cứu trao đổi

Những bài học kinh nghiệm qua 18 năm hoạt động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
15:41 | 05/10/2023 Nghiên cứu trao đổi

Làng nghề Việt Nam - Sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng hướng tới phát triển bền vững
09:00 | 22/09/2023 Nghiên cứu trao đổi

Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ
11:22 | 13/09/2023 Nghiên cứu trao đổi

Nghệ nhân giữ gìn “hồn cốt” của một làng nghề
15:53 | 08/09/2023 Nghiên cứu trao đổi

Vai trò của tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng thay thế để giảm chi phí sản xuất, cái thiện môi trường làng nghề
08:10 | 17/08/2023 Nghiên cứu trao đổi

Vấn đề tiết kiệm năng lượng tại các làng nghề
08:00 | 17/08/2023 Nghiên cứu trao đổi

Thực trạng mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện nay
14:20 | 10/08/2023 Nghiên cứu trao đổi

Các doanh nghiệp, cở sở sản xuất Làng nghề: Ứng dụng công nghệ thông tin - Giành nhiều lợi thế trên thị trường
09:39 | 08/08/2023 Nghiên cứu trao đổi

Xây dựng thương hiệu OCOP - Nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống
08:00 | 06/08/2023 OCOP

Nên lấy ngày 20 tháng 2 hằng năm là “Ngày Làng nghề Việt Nam”
15:57 | 04/08/2023 Nghiên cứu trao đổi

Định hướng phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ trong giai đoạn hiện nay
10:51 | 20/07/2023 Nghiên cứu trao đổi

Tạo mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề
10:47 | 20/07/2023 Nghiên cứu trao đổi

Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
09:09 | 14/07/2023 Nghiên cứu trao đổi



Thái Bình: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2023 – 2026
17:45 Tin tức

Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất
13:50 Tin tức

Tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - ẩm thực làng nghề truyền thống
11:23 Văn hóa - Xã hội

Hà Giang: Lễ hội văn hóa ẩm thực và làng nghề rượu ngô truyền thống
11:23 Văn hóa - Xã hội

Đắk Lắk: Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ khuyến công
11:22 Khuyến công










