Nghề trồng nấm ở An Giang
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang giới thiệu mô hình xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái kết hợp trồng nấm ăn và nấm dược liệu của chị Châu Thị Nương (ngụ ấp Tân Bình, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Mô hình kết hợp này mang về hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nấm rơm được trồng công nghệ mới cho năng suất cao và chất lượng |
Năm 2020, gia đình chị mạnh dạn đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, diện tích trên 1 héc-ta. Được sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn, chị lắp đặt 3.192 tấm pin năng lượng mặt trời. Tổng kinh phí đầu tư, lắp đặt hệ thống khoảng 14 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn được hỗ trợ 10 tỷ đồng (chiếm hơn 70%). Khi dự án hoàn thành, nguồn điện năng lượng mặt trời được gia đình chị bán lại cho công ty điện lực địa phương. Mỗi tháng, họ thu khoảng 300 triệu đồng.
Khởi nghiệp trồng nấm lúc ban đầu còn thiếu kinh nghiệm, nấm bị bệnh và hư hỏng khá nhiều. Chị Nương được trung tâm khuyến nông huyện dạy nghề trồng nấm sao cho đạt hiệu quả. Quá trình học hỏi và ý chí quyết tâm không những mang lại thành công cho chị, mà còn giúp năng suất nấm tăng qua mỗi vụ.
Hiện nay, gia đình chị Nương canh tác nấm mối, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo. Chị Nương cho biết, nguyên liệu sản xuất nấm dễ tìm, như: Mùn cưa, rơm rạ, gỗ mục, cám bắp, cám gạo... Nhờ mái che có sẵn, chỉ cần đầu tư thêm khung sắt, giúp tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, mái che là tấm pin năng lượng mặt trời còn giúp giảm bớt việc tưới tiêu, ổn định trước mưa gió. Ngoài ra, nguồn điện mặt trời được sử dụng cho sản xuất nấm, góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Cũng theo chị Nương, các loại nấm trên tương đối dễ trồng, chỉ cần bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng thích hợp sẽ phát triển tốt, đạt năng suất cao. “Chu kỳ sinh trưởng của các loại nấm ăn và dược liệu tương đối ngắn, khoảng 4 tháng/vụ; vòng quay vốn nhanh nên có thể ngừng sản xuất bất kỳ lúc nào khi thời tiết không thuận lợi, từ đó hạn chế tối đa rủi ro. Mặt khác, việc sơ chế nấm không phức tạp, phù hợp với trình độ lao động ở nông thôn” - chị Nương chia sẻ.
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nấm của người dân tăng cao, thị trường ngày càng lớn. Kỹ thuật trồng đơn giản, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có; thu hoạch sớm, giá bán cao nên gia đình chị Nương nhân rộng mô hình tại phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, diện tích 1,5 héc-ta.
Từ việc trồng nấm, gia đình chị Nương tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, vào lúc cao điểm, chị Nương phải thuê thêm từ 20 - 30 lao động, thù lao 250.000 - 300.000 đồng/ngày.
Hiện tại, chị Nương vẫn không ngừng mở rộng thị trường, tìm thêm nhiều đầu mối tiêu thụ lớn hơn, hướng đến liên kết tiêu thụ đầu ra với nông dân. Đây là hướng đi bền vững, vừa cung cấp phôi giống, vừa hướng dẫn kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm sau khi thu hoạch. Chị Nương còn hướng đến việc cung ứng phôi nấm mối đen cho người dân tự trồng tại nhà với số lượng ít, vừa được trải nghiệm chăm sóc, vừa có được nguồn thực phẩm sạch cho gia đình.
Chị Nương chia sẻ kinh nghiệm trống nấm |
Về huyện Phú Tân có mô hình trồng nấm rơm của vợ chồng chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến và Trần Tấn Tài ở xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã học hỏi, thử nghiệm để đưa nấm vào nhà trồng quanh năm. Mô hình không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định, mà sản phẩm nấm đạt năng suất cao hơn, đảm bảo sạch, an toàn.
Được biết, vợ chồng chị Ngọc Yến sau khi được tham dự lớp dạy nghề về kỹ thuật sản xuất nấm và đúc kết kinh nghiệm học được, họ về xây dựng cách làm của riêng mình. Trại nấm được thiết kế 135m2 với 3 nhà trồng: 2 nhà trồng theo dạng trụ với 28 trụ/nhà, 1 nhà trồng kết hợp có 14 trụ và 1 kệ. Khác biệt tiếp theo trong kỹ thuật trồng so với truyền thống nông dân thường làm là chị Yến sử dụng tro để phủ bề mặt meo nấm.
“Tro có tác dụng giữ ấm, kích thích tạo quả thể nhanh và đồng đều, sức đề kháng của nấm mạnh, giảm tỷ lệ nấm chết non, giảm chi phí nguyên liệu so với sử dụng bông vải (công nghệ trồng nấm bằng rơm có phối hợp bông vải), từ đó góp phần tăng năng suất. So với trồng nấm rơm ngoài trời, kỹ thuật này cho năng suất cao hơn 2,5 lần, lợi nhuận cao gấp 3 lần do nấm trồng trong nhà chất lượng tốt hơn” - chị Yến chia sẻ.
Yếu tố quyết định thành công trong quy trình sản xuất nấm rơm là nguyên liệu rơm mới thu hoạch, không bị nhiễm nấm mốc và tạp chất. Các thành phần khác như meo cũng phải mua từ nơi có uy tín, chất lượng. Anh Tài chia sẻ, đối với nguyên liệu rơm, được thực hiện các bước kỹ càng, sau khi mua về được tưới nước, rải lớp vôi mỏng để làm mềm rơm và thấm đều nước, kế đến xả cuộn và cho vào đống ủ theo chiều rộng 2m, chiều cao 1,5m và chiều dài tối thiểu 1,5m. Sau thời gian ủ 3-4 ngày, tiến hành đảo đống lần 1, đảo từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên và ngược lại để rơm được “chín” đều, đồng thời xử lý các mầm nấm dại. Sau 3-4 ngày tiếp theo, tiến hành đảo đống lần 2, ủ thêm 3 ngày là đạt chuẩn để đem chất vào trong nhà. Tùy điều kiện diện tích có thể trồng theo dạng trụ, kệ hoặc liếp.
Việc đưa rơm vào nhà để trồng nấm chất theo dạng kệ, trụ hoặc các dạng chất khác trên cao còn tiết kiệm được lượng rơm chân, giảm hao hụt đáng kể nguyên liệu. Nếu thông thường, chất ngoài trời phải sử dụng ít nhất 100 cuộn rơm cho lần chất, còn cách làm của chị Yến chỉ khoảng 35 cuộn rơm cho 1 nhà trồng. Nhờ có thị trường nên nghề trồng nấm ở huyện Phú Tân ngày càng phát triển mạnh. Riêng xã Phú Hưng có nhiều hộ trồng và hình thành tổ trồng các loại nấm hơn 4 năm nay. Toàn huyện Phú Tân có trên 10 nhà nấm áp dụng kỹ thuật mới đem lại năng suất vượt trội, chất lượng sạch, được thị trường đón nhận.
Mô hình trồng nấm rơm trong nhà được đánh giá khá thích hợp với những hộ không có mặt bằng lớn, dễ thực hiện nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập. Đáng chú ý, qua các lớp đào tạo nghề trồng nấm và các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đã tạo điều kiện cho nông dân các hộ nghèo học hỏi, tham quan thực tế để áp dụng hiệu quả ở địa phương.
Tin liên quan
Tơ lụa Tân Châu mang đậm dấu ấn văn hoá truyền thống
17:27 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Ngày hội mắm Châu Đốc Tôn vinh ẩm thực kết nối kinh tế vùng miền
11:20 | 10/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
An Giang: Chợ Mới có thêm 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao
09:50 | 22/08/2024 OCOP
Tin mới hơn
Phường Quảng An, quận Tây Hồ đón nhận 2 danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội
10:26 | 18/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề trồng nấm ở An Giang
10:25 | 18/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Tin khác
Quảng Ngãi: Nghề làm muối Sa Huỳnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
09:20 | 17/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Hằng Khoa - nơi dòng tranh độc đáo hội ngộ nghệ thuật thêu tay và hội họa
19:35 | 16/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Cu Đơ Ông Bà Thư Viện - Mật ngọt gừng cay thấm đượm tấm lòng người dân xứ Nghệ
09:00 | 13/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Đan quyện tinh hoa và sáng tạo
09:41 | 12/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Bình Định: Làng nghề trồng mai tất bật chuẩn bị vụ Tết
14:47 | 11/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng Cụm kinh tế của các tổ chức thành viên năm 2024
14:14 | 09/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề hối hả vào vụ sản xuất phục vụ Tết
13:55 | 06/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề làm người tuyết bằng xốp trên phố cổ Hà Nội
13:53 | 06/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Hà Nội: Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân
13:52 | 06/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng miến truyền thống Bình Lư hối hả vào vụ Tết
14:00 | 05/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Hành trình Khát vọng Việt Nam Hùng cường – Phát triển nền kinh tế xanh bền vững, tôn vinh làng nghề và sản phẩm Ocop
10:41 | 04/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Sản phẩm OCOP, làng nghề Hà Nội vươn tầm thế giới
15:18 | 03/12/2024 Tin tức
"Giữ lửa" nghề tại làng hương xạ truyền thống gần 300 năm ở Hưng Yên
13:31 | 03/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Rèn Đa Sỹ - Top 10 thương hiệu quốc gia
13:31 | 03/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng hương trăm năm tuổi Quảng Phú Cầu nhộn nhịp những ngày cận Tết rực rỡ sắc Xuân
15:00 | 02/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
300 nghệ nhân, doanh nhân tham gia Liên hoan sinh vật cảnh Thủ đô năm 2024
10:27 Tin tức
Lễ phát động Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2024
10:27 Tin tức
Phường Quảng An, quận Tây Hồ đón nhận 2 danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội
10:26 Làng nghề, nghệ nhân
Tay ngang lập chuỗi nhà hàng
10:26 Kinh tế
Nghề trồng nấm ở An Giang
10:25 Làng nghề, nghệ nhân