Sống lại làng nghề làm chuồn chuồn tre
Nhấp ngụm trà nóng, nghệ nhân Đỗ Văn Liên - người đàn ông tuổi ngoài 50, phong độ và thuần chất - thủ thỉ mở lời: “Khởi thủy nghề làm chuồn chuồn tre ở xã Thạch Xá bắt đầu từ thôn Tây Phương này. Tên gọi thôn Tây Phương vì lẽ, xóm tôi nằm dưới chân núi Câu Lâu trầm mặc có ngôi chùa Tây Phương cổ kính!”.
Như lời ông Liên, con chuồn chuồn tre ở Thạch Xá có “tuổi đời” rất trẻ. Chuyện kể rằng, hơn 20 năm trước, một hôm có đoàn khách du lịch thăm chùa Tây Phương, trong số đó có một người mang theo chú chuồn chuồn tre ngộ nghĩnh. Vì lạ mắt thành ra hiếu kỳ nên người dân xóm chùa ngó nghiêng trầm trồ, dẫu cho chú chuồn chuồn tre không lấy gì là tinh xảo cho lắm.
Thế rồi, phần vì tò mò muốn khám phá điều mới lạ mà chẳng ai bảo ai vợ chồng ông Liên cùng một vài gia đình trong thôn bắt tay làm chuồn chuồn tre. Bà Xoan, vợ ông Liên xúc động kể: “Lúc đầu dân chúng em làm chuồn chuồn cũng chỉ muốn thỏa mãn những kỷ niệm ngày còn bế em cùng chúng bạn chơi ô ăn quan. Mới lại, trong lúc buồn tình vì cái nghề làm mây tre đan xuất khẩu lâm cảnh “vỡ trận” bởi cơ chế thị trường, vì muốn cho con trẻ trong nhà có thứ đồ chơi lạ mắt mà bà con làm ra chúng thôi!”. “Ai ngờ cái thứ đồ chơi con trẻ ấy lại được du khách tham quan chùa Tây Phương thi nhau mua” - Ông Liên bồi hồi đỡ lời vợ - “Thế là chúng tôi lập tức tìm cách chế ra hàng loạt. Sau 20 năm, giờ thì việc làm chuồn chuồn tre của dân xóm chùa Tây Phương thành nghề truyền thống thật rồi!”.
Thấy những chú chuồn chuồn tre có cơ hội phát triển thay vì chỉ trông cậy vào cây lúa, người Thạch Xá đua nhau mở xưởng sản xuất.
Nhà nhà, người người hối hả “chế tác” chuồn chuồn tre, theo đó cơ man sản phẩm ra đời. Nhưng những chú chuồn chuồn tre còn chưa kịp “cất cánh bay” để nghề phụ thăng hoa giúp người dân có thêm đồng tiền bát gạo thì “cơn bão” suy thoái kinh tế quét qua làng, khiến “đầu ra” cũng “chết yểu”. Việc tiêu thụ sản phẩm rơi vào cảnh khó khăn, hàng loạt cơ sở phải đóng cửa, nghề làm chuồn chuồn tre cũng sớm thoi thóp, mai một... Dẫu vậy, vẫn còn không ít người tâm huyết, bền bỉ gây dựng, phát triển nghề như ông Đỗ Văn Liên, anh Nguyễn Văn Tái...
Anh Nguyễn Văn Tái là một trong số người đầu tiên ở xóm chùa Tây Phương đến với những chú chuồn chuồn tre cười buồn: “Người ta bỏ nghề vì không say nghề, yêu nghề đấy thôi!”. Vợ anh - chị Khương Thị Tân tiếp lời chồng: “Chả giấu gì bác! Cả hai vợ chồng em đều mê chuồn chuồn từ cái ngày còn chăn trâu cắt cỏ nên mặc ai bỏ nghề, nhà em vẫn chả thể dứt ra được, cứ như duyên tiền định ấy!”.
Tiếp lời vợ, anh Tái thổ lộ: “Nói thật, để mỗi tháng gia đình xuất bán ra thị trường trong nước cũng như những bạn hàng khó tính ở Anh, Pháp, Nhật, Mỹ... hàng vạn con chuồn chuồn tre mang “thương hiệu” Thạch Xá, thuở ban đầu vợ chồng nhà này đã phải qua biết bao phen khốn đốn, “lên bờ xuống ruộng” đấy!”.
Ông Liên phấn chấn góp chuyện: “Anh thấy đấy, xứ Đoài quê tôi cũng như Hà Nội và các địa phương lân cận đều không thiếu các loại tre pheo. Nhưng chúng không thể làm nên những con chuồn chuồn tre mang hồn vía người Thạch Xá được. Muốn có được những chú chuồn chuồn đậu thăng bằng trong bất cứ hoàn cảnh nào thì trước hết phải có được loại tre nguyên liệu như ý. Vậy nên người Thạch Xá phải lặn lội lên vùng rừng Tây Bắc lùng mua cho bằng được”.
Mua được tre, việc đầu tiên người ta cạo bỏ hết phần vỏ xanh bên ngoài. Sau đó tre được đem phơi (hoặc sấy) khô. Tiếp theo, người nghệ nhân bắt buộc phải tiến hành thêm 12 công đoạn tỉ mẩn, công phu và cực kỳ chính xác thì may ra mới có được những chú chuồn chuồn tre ở dạng thô như ý.
Anh Tái chia sẻ bí quyết: “Khó nhất và quan trọng nhất là công đoạn ghép cánh vào thân những chú chuồn chuồn. “Nhất dáng nhì da!”. Dáng là linh hồn của sản phẩm, do đó phải gắn cánh chuồn chuồn vào thân sao cho chúng giữ được thăng bằng ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Muốn thế, hai cánh chuồn chuồn phải được căn đối xứng thật chính xác để nó tự thăng bằng khi đậu trên bề mặt cái đế nào đó hay trên đầu ngón tay. Thậm chí là đậu được trên một sợi chỉ!”.
Sau khi hoàn thành sản phẩm ở dạng thô, những người thợ mới chính thức tạo “phần hồn” cho chúng bằng việc quét sơn, vẽ họa tiết làm đẹp bằng hơn chục loại sơn màu khác nhau với cảm hứng nghệ thuật mang hơi thở đời sống thôn quê dân dã. Được tạo hồn tạo vía, bấy giờ những chú chuồn chuồn tre mới thật sự trở nên lung linh, sống động, như cất cánh bay ra từ trong cổ tích.
Khi chuồn chuồn tre chính thức có thị phần ổn định ở trong và ngoài nước, ông Đỗ Văn Liên mời gọi những người có tình yêu với chuồn chuồn tre trong và ngoài làng cộng tác với mình. “Với tôi, hễ giúp được gì cho người khác thì làm thôi!” - ông Liên chân tình tâm sự - “Lộc bất tận hưởng! Mình có bát cơm đầy thì cũng nên san sẻ cho bà con!”.
Ông Vũ Đình Tiên người làng Yên Thôn, tuổi ngoài 60, hỉ hả khoe đã làm cho vợ chồng ông Liên hàng chục năm nay. “Tuổi cao thành ra mỗi ngày tôi cũng chỉ làm được hơn trăm con chuồn chuồn tre thôi!” - ông Tiên thật thà kể - “Những người khác mỗi ngày “chế” hơn 200 con là chuyện thường!”. Hỏi mức thu nhập thế nào, ông Tiên phấn chấn hẳn lên: “Bình quân mỗi tháng tôi được anh Liên trả tầm 5 triệu đồng. Nhờ có khoản ấy mà vợ chồng già chúng tôi không những chả phiền hà tới con cháu mà còn có tí giắt lưng phòng xa lúc nọ, lúc kia!”.
Dáng nhỏ nhắn, hoạt bát, chị Bùi Thị Bính người thôn Thạch cùng xã Thạch Xá cởi mở: “Không có hai bác Liên - Xoan đây thì chả biết đến bao giờ vợ chồng nhà em mới thoát cảnh giật gấu vá vai. Bác tính, nhà có mấy sào ruộng khoán, hai vợ chồng với ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, làm sao mà đủ. Nhưng 8 năm nay vợ chồng nhà em được vợ chồng bác Liên tạo công ăn việc làm, tháng nào cũng có thu nhập ổn định”.
Phương Linh, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Lâm nghiệp, người làng Bình Xá, xã Bình Phú kế bên háo hức kể: “Cháu làm cho vợ chồng bác Liên được hơn hai năm rồi, chuyên việc “làm đẹp” cho “các em” chuồn chuồn thôi ạ. Nhờ chúng, chẳng những cháu chủ động được khoản học phí mà còn có tiền chi tiêu cá nhân. Nhưng quan trọng nhất với cháu là được thỏa mãn đam mê nghệ thuật cùng “các em” chuồn chuồn tre này đấy ạ!”.
Như những chủ cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre khác ở Thạch Xá, anh Nguyễn Văn Tái cũng ký hợp đồng lao động với mấy chục thành viên trong làng, ngoài xã. Anh Tái tâm sự: “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân! Mình có tiền tiêu thì giúp bà con có thêm đồng ra đồng vào. Giúp người chính là giúp mình mà anh!”. Anh cũng phấn khởi cho biết, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người địa phương, mấy năm gần đây, vợ chồng anh còn phối hợp với một số tổ chức xã hội, trong đó có Cenforchil - Trung tâm Nghiên cứu và Bảo trợ trẻ em (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và MyHanoi thực hiện Dự án nghiên cứu - bảo tồn đồ chơi dân gian Việt Nam.
Người nghệ nhân giàu lòng nhân ái ấy tâm sự, anh làm việc đó nhằm gửi gắm hy vọng: Những chú chuồn chuồn tre của mình sẽ mang lại kỷ niệm lãng mạn cho các thế hệ thiếu nhi, để tuổi thơ của các em không thiệt thòi, thiếu hụt.
Thì ra bên cạnh một Hà Nội văn hiến, anh hùng và hào hoa, thanh lịch còn có một Thủ đô với những công dân năng động - thông minh - cần cù - sáng tạo và biết chia sẻ, đắp đổi với cộng đồng.
Những phẩm chất cao quý ấy của một Hà Nội thời hiện đại sẽ làm lắng đọng hơn, sâu sắc hơn tầng vỉa trầm tích ngàn năm văn hiến đất Thăng Long - Hà Nội và gom tích thành “của để dành” vô giá cho muôn đời sau!
Theo HNM
Tin liên quan
Tin mới hơn
Sản phẩm OCOP, làng nghề Hà Nội vươn tầm thế giới
15:18 | 03/12/2024 Tin tức
"Giữ lửa" nghề tại làng hương xạ truyền thống gần 300 năm ở Hưng Yên
13:31 | 03/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Rèn Đa Sỹ - Top 10 thương hiệu quốc gia
13:31 | 03/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng hương trăm năm tuổi Quảng Phú Cầu nhộn nhịp những ngày cận Tết rực rỡ sắc Xuân
15:00 | 02/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Đã có 144 cơ sở tự nguyện phá dỡ lò đốt, lò tái chế kim loại tại Mẫn Xá
23:50 | 01/12/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Xã Sơn Đông, TX Sơn Tây (Hà Nội): Tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận làng nghề mộc Vạn An đạt danh hiệu " Làng nghề Hà Nội"
23:38 | 30/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Tin khác
Nhọc nhằn nghề trồng dâu nuôi tằm Hồng Đô
09:53 | 29/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại các làng nghề dịp cuối năm
09:08 | 28/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
“Hội An - Làng nghề lên số” đạt giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024
09:08 | 28/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Ninh Bình: Xã Khánh Dương đón nhận Bằng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
11:46 | 27/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề vùng hồ Thác Bà
09:43 | 27/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Huyện Gia Lâm phát triển du lịch xanh gắn với làng nghề
11:01 | 26/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Về làng “May mặc đệ nhất Hà thành”
11:00 | 26/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Thu hút 120.000 nghệ nhân, chuyên gia và 3.000 nhà khoa học vào trường nghề
11:00 | 26/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Ngọt ngào mùa nhãn quê tôi
10:59 | 26/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Khai mạc triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”
14:13 | 24/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Kẹo dừa Bến Tre - Đặc sản truyền thống
14:19 | 21/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề gốm Gia Thuỷ hơn 60 năm đỏ lửa
14:19 | 21/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Hành trình từ bản đến thế giới của hợp tác xã Hoa Tiến
14:18 | 21/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Hội Làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo tổ chức Đại hội III, nhiệm kỳ 2024 - 2029
09:23 | 18/11/2024 Tin tức
Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hành tím Duyên Hải – Trà Vinh”
10:41 | 15/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
"Tự hào một dải biên cương": vinh danh tác phẩm ảnh bảo vệ độc lập chủ quyền, giữ gìn bờ cõi thiêng liêng
15:24 OCOP
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã
15:23 Tin tức
Sản phẩm OCOP, làng nghề Hà Nội vươn tầm thế giới
15:18 Tin tức
Đồng Tháp: Phát huy vai trò hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới
13:31 Nông thôn mới
"Giữ lửa" nghề tại làng hương xạ truyền thống gần 300 năm ở Hưng Yên
13:31 Làng nghề, nghệ nhân