Những bài học kinh nghiệm qua 18 năm hoạt động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giai đoạn 1985 - 1994). |
Phóng viên:Thưa ông Vũ Quốc Tuấn, được biết từ những năm 2003 -2004, ông đã có ý tưởng và cùng một số đồng chí tiến hành các thủ tục xin phép các cơ quan chức năng, và tới năm 2005, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã được phép thành lập. Xin ông cho biết nguyên nhân nào đã tạo cho ông ý tưởng ấy và cũng có thể coi là “cơ duyên” nào đã thúc đẩy ông thực sự tâm huyết với nghề thủ công truyền thống và tích cực hoạt động trong Hiệp hội từ những năm đó cho đến nay.
Ông Vũ Quốc Tuấn: Xin cảm ơn Tạp chí Làng nghề Việt Nam đã cho tôi cơ hội này để chia sẻ với bạn đọc cảm nhận của tôi về những giá trị rất đặc sắc của nghề thủ công và làng nghề nước ta, thúc đẩy tôi thành lập Hiệp hội, cùng rút ra những bài học kinh nghiệm về hoạt động của Hiệp hội thời gian qua mà tôi nghĩ là rất quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ tới (2023 – 2028) đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trước hết, xin nói về việc thành lập Hiệp hội. Những năm ấy, tôi có may mắn là được bổ nhiệm là Trợ lý của Thủ tương Võ Văn Kiệt trong 10 năm, từ 1995 đến 2004, được tháp tùng Thủ tướng đi thăm và làm việc tại nhiều nước trên thế giới. Ý tưởng thành lập Hiệp hội làng nghề đã nảy sinh trong tôi sau những cuộc làm việc ấy, khi thấy ở những nước công nghiệp phát triển như Ý, Thụy Điển, Pháp, Đức, Nhật,… họ vẫn rất trân trọng bảo tồn và phát huy các ngành nghề thủ công nghiệp, tôn vinh làng nghề, nghệ nhân. Họ rất tự hào về những mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, thể hiện rõ tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc, được khách du lịch nước ngoài ngưỡng mộ. Đặc biệt là tại các nước ASEAN, như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, họ đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để tôn vinh những sản phẩm thủ công mỹ nghệ giá trị, bảo tồn những làng nghề tiêu biểu.
Xin nói thêm về Nhật Bản là nơi mà tôi đã có được nhiều ấn tượng nhất về làng nghề và thành lập Hiệp hội Làng nghề. Năm 1993, khi tôi tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm và làm việc tại Nhật Bản, tôi đã được giới thiệu về quan niệm và những chính sách cụ thể của đất nước này đối với nghề thủ công truyền thống. Họ cho biết: Năm 1974, Nhật Bản đã ban hành “Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống”; Những năm sau, trên 30 nhà triển lãm các sản phẩm thủ công truyền thống được thành lập trong cả nước; “Hiệp hội Làng nghề truyền thống” cũng được thành lập. Cũng đã có Trung tâm làng nghề truyền thống quốc gia chuyên cung cấp các thông tin, tư liệu, báo chí, phim ảnh về thủ công mỹ nghệ cả nước. Từ những năm đó, Nhật Bản đã ban hành một hệ thống chính sách khuyến khích bảo tồn nghề thủ công truyền thống như: Tài trợ cho các sản phẩm được bình chọn, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, tổ chức các cuộc thi sản phẩm, giáo dục thế hệ trẻ phát triển nghề, cấy nghề, truyền nghề, khuyến khích lập các bảo tàng,…
Những hiểu biết ở các nước trên thúc đẩy tôi tìm hiểu sâu thêm về các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nước ta, qua đó càng ý thức sâu sắc về giá trị văn hóa của các ngành nghề, có những nghề hình thành từ hàng trăm năm, thậm chí trên nghìn năm. Cũng có thể nói đây chính là “cơ duyên” thúc đẩy tôi càng thêm mong muốn sớm thành lập Hiệp hội Làng nghề cũng như gắn bó tôi với việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa rất đáng tự hào ấy của dân tộc ta từ đó đến nay, việc thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được chúng tôi bắt đầu triển khai từ những năm 2003-2004. Tôi đã tập hợp một số anh em cùng chí hướng, tìm hiểu các quy định về thành lập hội (thời đó là Nghị định 88/2003 ngày 30/7/2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội), rồi cùng nhau soạn thảo các văn bản, lập hồ sơ xin phép thành lập hội. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được Bộ Nội Vụ cho phép thành lập theo Quyết định số 22/2005/QĐ-BNV ngày 3/2/2005. Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội đã được tổ chức ngày 20 tháng 5 năm 2005. Từ đó đến nay, thấm thoát đã sang năm thứ 18, được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo hội viên trong cả nước, hoạt động tích cực của các ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường trực, với sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước liên quan, Hiệp hội chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các nghệ nhân và lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam ngày 24/11/2014 |
Phóng viên: Xin ông cho biết những nhận xét, cảm nhận của ông về giá trị các nghề thủ công và làng nghề nước ta và những chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với nghề thủ công từ những năm Đổi Mới đến nay.
Ông Vũ Quốc Tuấn: Theo lịch sử ghi lại, các nghề thủ công nước ta ra đời từ rất sớm. Từ thời kỳ Đồ đá cũ mà tiêu biểu là Văn hóa Tràng An (23.000 năm – 10.000 năm trước Công nguyên), người Việt đã biết tạo ra những công cụ thô sơ bằng đá để dùng trong đời sống. Từ thời đó đến nay, bằng lao động sáng tạo của các thế hệ, đã từng bước hình thành nghề thủ công truyền thống, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ngày càng có giá trị cao về kỹ thuật và mỹ thuật. Văn hóa nghề thủ công trở thành một bộ phận trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nước ta, đóng góp vào kho tàng văn hóa thế giới. Chúng ta tự hào về công lao của những người đi trước, càng nhận rõ trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.
Từ thời kỳ Đổi Mới (năm 1986) đến nay, nghề thủ công cũng từng bước được Đảng và Nhà nước chú trọng, với những chủ trương, chính sách như phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, v.v...Đến nay, nhiều nghề thủ công đang khởi sắc với mẫu mã ngày càng phong phú, với những nguyên vật liệu ngày càng đa dạng, những sản phẩm thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo của các lớp nghệ nhân, thợ giỏi trong các vùng, từ Bắc đến Nam. Đã có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề được tôn vinh là “Di sản văn hóa phi vật thể” hoặc “Di sản văn hóa vật thể”; Một số là “Bảo vật quốc gia”; Một số nghệ nhân làng nghề đã được công nhận là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cấp quốc gia. Khó có thể kể hết các làng nghề tiêu biểu nổi tiếng cả nước, cũng là những điểm du lịch được khách nước ngoài tìm đến. Nghề thủ công truyền thống đang được cả xã hội quan tâm, cổ vũ. Đài Truyền hình Việt Nam hầu như hàng ngày đều có các chương trình về nghề thủ công và làng nghề. Riêng Tạp chí Làng nghề Việt Nam cũng đã đăng tải nhiều điển hình các làng nghề, nghệ nhân từ khắp các vùng trong cả nước.
Đặc biệt là Đảng và Chính phủ đã liên tục đề ra những chủ trương, chính sách về phát huy sức mạnh của văn hóa dân tộc, xây dựng công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, trong đó nhấn mạnh vai trò của nghề thủ công và làng nghề. Có thể kể một số văn bản tiêu biểu của Chính phủ như Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Tiếp theo là Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó khẳng định các ngành nghề, tiêu chuẩn làng nghề truyền thống, ... Đáng chú ý nhất là ngày 7/7/2022, tại Quyết định số 801/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” Đây là một văn bản khá toàn diện, lần đầu tiên đề cập đầy đủ những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, đáp ứng đúng những yêu cầu đang được đặt ra từ thực tế trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghề thủ công và làng nghề nước ta. Có những vấn đề lâu nay chúng ta vẫn nói, nhưng lần này được Chương trình đề cập với những khía cạnh mới theo nhận thức mới, sâu sắc hơn. Cũng có những vấn đề mới được quy định (như các mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 và 2030). Chương trình nhấn mạnh nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy văn hóa làng nghề, mà điểm mới là khẳng định “bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, trong từng vùng, miền, địa phương, phát triển sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ”.
Mới đây nhất, ngày 14/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1085/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chiến lược này đã ghi rõ khá cụ thể những nội dung quan trọng như: Quan điểm, mục tiêu; Định hướng các nhóm ngành nghề nông thôn; Các giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn; Vai trò và nhiệm vụ của các hội, hiệp hội ngành nghề phối hợp với Bộ NN&PTNT trong việc thực hiện Chiến lược,... Có nhiều nội dung rất mới.
Như thế, có thể nói đã có khá đầy đủ những quy định pháp lý về cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động của Hiệp hội chúng ta mà Hiệp hội cần nắm bắt và có kế hoạch vận dụng, khai thác. Hiệp hội cần xây dưng Chương trình (hoặc Kế hoạch) thực hiện các Chương trình, Chiến lược ấy, lấy đó làm nội dung hướng dẫn hoạt động của Hiệp hội và của các cơ sở làng nghề cả nước, đồng thời cũng là văn bản để làm việc với các bộ, ban, ngành, tranh thủ thực hiện các dự án mà các văn bản ấy đề ra.
Phóng viên: Trong những năm qua, ông đã có nhiều bài viết đăng trên Tạp chí Làng nghề Việt Nam về đề tài nghề thủ công và làng nghề nước ta. Những bài này đều được độc giả đánh giá cao. Xin ông cho biết thêm về suy nghĩ của ông và những nội dung mà ông muốn gửi đến độc giả qua các bài viết ấy.
Ông Vũ Quốc Tuấn: Như trên tôi đã nói, càng tiếp cận thực tế và đi sâu nghiên cứu, tôi càng say mê tìm hiểu những giá trị văn hóa của nghề thủ công và làng nghề nước ta. Tôi nhận thức rằng đây là một kho báu có giá trị vô cùng to lớn, rất cần khai thác và phát huy. Chính vì niềm say mê ấy, tôi đã cố gắng thể hiện suy nghĩ của mình qua các bài viết gửi đăng riêng trên tờ báo của Hiệp hội - Tạp chí Làng nghề Việt Nam. Xin nói rõ là từ nhiều năm trước, đã có nhiều chuyên gia, học giả xuất bản những công trình nghiên cứu có giá trị về các nghề thủ công, về các vị Tổ nghề,...Tôi đã được đọc một số tác phẩm ấy và rất trân trọng những kiến giải của các tác giả; chính những nghiên cứu ấy đã giúp tôi có những nhận thức ban đầu và thôi thúc tôi tiếp tục nghiên cứu chuyên đề rất có ý nghĩa này.
Các bài viết của tôi mấy năm nay đều nhằm hai mục đích: một là, kịp thời truyền đạt những đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng làng nghề, đồng thời gợi ra những biện pháp chủ yếu để cộng đồng nắm bắt được và vận dụng, thực hiện. Hai là, góp phần nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề lý luận về nghề thủ công và làng nghề; Coi đây là một đề tài vô cùng phong phú, càng nghiên cứu càng phát hiện thêm những khía cạnh mới rất lý thú. Tôi vẫn nghĩ rằng hoạt động thực tiễn của Hiệp hội không thể không có lý luận soi đường; và ngược lại, chính thực tiễn lại là “nguyên vật liệu” để chúng ta tổng kết, khái quát lên thành lý luận, với kỳ vọng xây dựng hệ thống lý luận về nghề thủ công và làng nghề có bản sắc riêng của Việt Nam. Rất tiếc là trong Hiệp hội, số anh em tâm huyết về chuyện nghiên cứu lý luận này không nhiều, có thể vì thiếu sự động viên, khích lệ.
Nhân dịp này, xin gửi lời cảm ơn Tạp chí đã đăng các bài viết của tôi, đến nay, nhiều bài đã được chọn lọc và in trong 4 cuốn sách đã được xuất bản. Tôi rất vui vì qua đó, cộng đồng làng nghề đọc được và các cơ quan Nhà nước hiểu thêm một hoạt động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Phóng viên: Hiện nay, Thường trực Hiệp hội đang triển khai các hoạt động chuẩn bị Đại hội V, bầu Ban Chấp hành và Thường trực nhiệm kỳ 2023-2028. Theo ông, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì qua 18 năm hoạt động của Hiệp hội để góp phần vào hoạt động của lãnh đạo Hiệp hội nhiệm kỳ tới.
Ông Vũ Quốc Tuấn: Như tôi đã nói, tôi nhiệt tình đứng ra chủ trì việc thành lập Hiệp hội và tham gia các hoạt động của Hiệp hội từ 18 năm nay, chủ yếu là do đã tìm hiểu, trân quý giá trị văn hóa sâu sắc của nghề thủ công nước ta. Có thể nói, qua từng thời gian nghiên cứu, khảo sát thực tế, tôi càng được bổ sung thêm kiến thức, hiểu sâu sắc thêm, càng thêm say mê, hứng thú trong hoạt động của mình gắn bó với Hiệp hội suốt những năm qua.
Cũng xin nói thật là thực tiễn đã diễn ra nhiều vấn đề mà tôi chưa hình dung được khi bắt tay tham gia vào một hoạt động mới, đó là hoạt động trong tổ chức xã hội – nghề nghiệp, là Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khác hoàn toàn với hoạt động trong cơ quan Nhà nước. Bây giờ nhìn lại, đối chiếu những quy định tại các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội với thực tế hoạt động của Hiệp hội trong 18 năm qua, có thể thấy khoảng cách còn khá xa. Nguyên nhân thì có nhiều, từ thể chế, những chủ trương, chính sách của Nhà nước chưa đủ cụ thể cho đến việc cải cách những thủ tục hành chính không cần thiết còn chậm chạp, song theo tôi, nguyên nhân chủ quan thuộc bản thân Hiệp hội. Vì vậy, cần phân tích thật nghiêm túc những hạn chế, yếu kém trong quản trị, điều hành của Thường trực Hiệp hội. Tôi nghĩ rằng nếu các văn bản chuẩn bị Đại hội V được chuẩn bị công phu và thảo luận kỹ lưỡng trong Hiệp hội, có sự đóng góp trí tuệ của tập thể, thảo luận, mổ xẻ thật sâu sắc, thẳng thắn những vấn đề này chắc chắn sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị cho lãnh đạo Hiệp hội nhiệm kỳ tới. .
Theo tôi nghĩ, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của nước ta cùng những biến động trên thị trường thế giới ngày nay cũng như từ thực tế hoạt động của Hiệp hội chúng ta, Đại hội V có vị trí đặc biệt quan trọng, phải tạo bước ngoặt mới đáp ứng yêu cầu phát triển của nghề thủ công và làng nghề cả nước. Chúng ta tự hào về những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, song trước tình hình mới, nhất thiết phải có sự đổi mới trong hoạt động của Hiệp hội, trước hết là của Thường trực. Đó phải là một cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện: Đổi mới từ tư duy, nhận thức cho đến nội dung hoạt động và phong cách làm việc, trong đó, đổi mới về tư duy, nhận thức là quan trọng nhất. Muốn vậy, cần nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm qua hoạt động của Hiệp hội những năm qua, nhất là nhiệm kỳ 2016 – 2023.
Nói về bài học kinh nghiệm, có thể đề xuất theo nhiều góc độ khác nhau. Riêng tôi, xin sơ bộ nêu một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn có thể góp vào hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ 2023 – 2028 như sau.
Một là, quán triệt “bản sắc” riêng có của Hiệp hội chúng ta, đó là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của nghề thủ công và làng nghề nước ta. Những giá trị ấy là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua chiều dài lịch sử, thể hiện bản sắc văn hóa của cả dân tộc ta, của mỗi vùng, miền, ... cùng với trí tuệ và tài năng sáng tạo không có giới hạn của người thợ thủ công. Chúng ta có nghĩa vụ, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc này. Nhận thức này cần được Hiệp hội hướng dẫn, truyền đạt sâu sắc để mỗi cơ sở làng nghề cũng như toàn Hiệp hội thấu hiểu, thêm tự hào và thấy rõ trách nhiệm quán triệt trong hành động. Cần tiếp tục kiến nghị về “Ngày làng nghề Việt Nam” và “Luật Làng nghề” để khẳng định, tôn vinh và có những quy định pháp luật cơ bản làm nền tảng cho công cuộc bảo tồn và phát triển nghề thủ công và làng nghề nước ta.
Theo tôi, giá trị văn hóa của nghề thủ công cần được xuyên suốt, thể hiện rõ “hồn cốt văn hóa” trong từng hoạt động cụ thể của Hiệp hội, như tổ chức lễ hội, hội chợ, thi sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân,... Mỗi hoạt động ấy, qua từng thời gian, có thể có những cái mới trong hình thức thể hiện, nhưng nội dung cốt lõi là chất văn hóa thì không thể để phai nhạt. Cũng cần khuyến khích việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận như trên tôi đã nói, khuyến khích thực hiện trong nội bộ Hiệp hội và liên kết với các nhà khoa học nghiên cứu để triển khai. Tạp chí Làng nghề Việt Nam có thể giúp một phần quan trọng.
Hai là, hướng về cơ sở, tập trung nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề và sức mạnh văn hóa của làng nghề. Đây là một yêu cầu được coi như nguyên tắc trong hoạt động của Thường trực Hiệp hội, mà mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của cư dân làng nghề. Có những biện pháp cụ thể cần thực hiện: Trước hết là giúp các cơ sở tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những ưu đãi qua các hiệp định FTA, vận dụng phù hợp với từng cơ sở, mỗi sản phẩm. Tiếp theo là trợ giúp các cơ sở làng nghề triển khai các biện pháp cụ thể trong quá trình sản xuất kinh doanh, như: Giải quyết nguyên liệu; Cải tiến mẫu mã; Thực hiện chuyển đổi số; Triển khai thương mại điện tử; Nâng cao kiến thức quản trị cho chủ cơ sở; Nồi dưỡng, đào tạo nghệ nhân; Thực hiện “sản xuất xanh”; Khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; Tham gia chương trình OCOP... Đối với làng nghề, cần quan tâm những biện pháp xây dựng các làng nghề truyền thống thực sự trở thành những kho báu, bảo tàng sống của nghề thủ công; Mỗi làng nghề trở thành một làng nghề văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thực tế cho thấy: Nếu các hoạt động của Hiệp hội hướng về phục vụ cơ sở, đáp ứng trúng các yêu cầu của cơ sở, thì không chỉ giúp cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng hoạt động mọi mặt của làng nghề, mà quan trọng hơn là tạo niềm tin, gắn bó làng nghề với Hiệp hội. Về phía mình, Thường trực Hiệp hội sẽ có thêm thực tế để nâng cao kiến thức, có thêm căn cứ để đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp quy khi được tham vấn và cũng là thực hiện các dịch vụ tạo nguồn thu (phải coi đây là nguồn thu chủ yếu) cho Hiệp hội.
Ba là, tăng cường liên kết, hợp tác, tận dụng và phát huy các nguồn lực. Thực tế cho thấy, đang có rất nhiều nguồn lực có thể khai thác cho hoạt động của Hiệp hội, kể cả tinh thần và vật chất. Đảng, Nhà nước cũng như toàn xã hội ta đang đánh giá cao, rất quan tâm chấn hưng và phát huy các nghề thủ công truyền thống nước ta; Một hệ thống chính sách khuyến khích, trợ giúp cụ thể, trực tiếp với làng nghề đã được ban hành. Các hiệp định FTA cũng đề ra nhiều ưu đãi. Nhiều tổ chức xã hội, chuyên gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cũng đang quan tâm mong muốn hợp tác với Hiệp hội.
Như vậy, có thể nói là Hiệp hội chúng ta đang có những cơ hội hợp tác, liên kết rất rộng lớn để đạt hiệu quả cao trong triển khai các hoạt động; vấn đề đặt ra là cần có nhận thức đầy đủ, tiếp cận các nguồn lực tinh thần và vật chất rất phong phú ấy. Cụ thể như có chương trình (kế hoạch) với những biện pháp cụ thể để làm việc với các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách; Mở rộng hợp tác, liên kết với các cơ quan, tổ chức xã hội trong tổ chức các sự kiện, cuộc vận động, các phong trào trong các cơ sở và làng nghề; Cũng như liên kết với các cơ quan, tổ chức xã hội, các chuyên gia trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của làng nghề, trong việc tham gia xây dựng các văn bản pháp quy, trong các hội thảo nghiên cứu các chuyên đề lý luận và thực tiễn về nghề thủ công và làng nghề ở nước ta.
Bốn là, phát huy dân chủ, đề cao đồng thuận trong quản trị Hiệp hội. Theo tôi, đây là một vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành công của Hiệp hội trong mọi hoạt động. Trong thực tế, Hiệp hội chúng ta có rất nhiều người có trí tuệ, kiến thức; Họ đến với chúng ta vì tâm huyết với nghề thủ công và làng nghề, mong muốn đóng góp, xây dựng Hiệp hội bền vững, hoạt động hiệu quả. Đó là các thành viên các tổ chức trực thuộc (các trung tâm, viện, văn phòng đại diện ...), các vị trong thường trực Hiệp hội, Hội đồng Tư vấn,... Trong đó, có giáo sư, tiến sĩ, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, có một số vị đã từng giữ vị trí lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước. Yêu cầu đặt ra cho lãnh đạo Hiệp hội là trân trọng và phát huy các tài năng ấy. Tin cậy, hướng dẫn, giao việc cho các tổ chức trực thuộc; Tôn trọng, lắng nghe ý kiến và tạo điều kiện phát huy năng lực của các chuyên gia. Trong quan hệ làm việc, cần đoàn kết, khiêm tốn, tôn trọng cộng sự; Những việc quan trọng phải thảo luận dân chủ, lấy đồng thuận là chính. Thực thi nghiêm túc, sẽ bồi đắp tinh thần cố kết, thân ái, tạo nên sức mạnh của Hiệp hội.
Đó là một số ý kiến của tôi góp vào việc chuẩn bị Đại hội V của Hiệp hội, những suy nghĩ mà tôi tâm đắc qua 18 năm hoạt động trong Hiệp hội, xin gửi đến độc giả Tạp chí. Đại hội V phải là một mốc quan trọng, một bước ngoặt lịch sử đưa Hiệp hội chúng ta lên một tầm cao mới. Tôi rất tin tưởng, hy vọng lãnh đạo Hiệp hội nhiệm kỳ tới, vì sự nghiệp cao cả bảo tồn và phát triển nghề thủ công và làng nghề nước ta.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về những phát biểu tâm huyết và thẳng thắn trong cuộc phỏng vấn này, nhất là những bài học kinh nghiệm mà ông đề xuất.
Tin liên quan
Tạp chí Làng nghề Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển doanh nhân Việt Nam – ASEAN hợp tác chiến lược toàn diện
00:00 | 12/11/2024 Tin tức
Cải tiến mẫu mã bao bì tăng sức cạnh tranh sản phẩm thủ công mỹ nghệ
09:53 | 08/11/2024 Tin tức
Marketing, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề
09:26 | 25/10/2024 Nghiên cứu trao đổi
Tin mới hơn
Vì sao ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được giải quyết triệt để?
08:56 | 14/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng nghề Bát Tràng là thành viên mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu
13:43 | 07/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Thực trạng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam
08:50 | 04/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Diện mạo Thủ đô Hà Nội sau 70 năm giải phóng - Tầm nhìn tương lai
13:48 | 11/10/2024 Nghiên cứu trao đổi
Hiệp định FTA "cơ hội vàng" cho doanh nghiệp làng nghề xuất khẩu
09:55 | 30/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Phát triển làng nghề truyền thống: Cần có sự quan tâm cụ thể hơn từ phía Nhà nước
11:18 | 16/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Tin khác
Làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Phát triển bền vững làng nghề gốm gắn với du lịch
17:27 | 13/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Giải pháp đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc
11:04 | 11/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Nhận diện đặc trưng làng nghề gốm khu vực
11:21 | 10/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng gốm truyền thống miền Trung: Bảo tồn và phát huy giá trị hướng đến du lịch cộng đồng (Kỳ I)
10:44 | 01/08/2024 Nghiên cứu trao đổi
Quản lý và giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề
15:14 | 26/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Nghề dệt cổ truyền của người Thái ở Tây Bắc trong cuộc sống hiện đại
07:36 | 25/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Gốm cổ Quảng Đức di sản văn hóa tiêu biểu
14:26 | 11/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Tìm giải pháp phát triển làng nghề gắn với văn hóa, du lịch
09:11 | 05/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Cuốn sách của tư duy, tầm nhìn và sự tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam
09:54 | 24/06/2024 Nghiên cứu trao đổi
Nghề dát vàng bạc quì làng Kiêu Kỵ
09:10 | 18/06/2024 Nghiên cứu trao đổi
Khai thác nguồn lực phát triển kinh tế làng nghề tại Thủ đô
09:28 | 13/06/2024 Nghiên cứu trao đổi
Cần nâng tầm các sản phẩm làng nghề, lưu giữ giá trị văn hóa - lịch sử
10:45 | 07/06/2024 Nghiên cứu trao đổi
Marketing bán hàng online cho sản phẩm gốm bát tràng
10:07 | 30/05/2024 Nghiên cứu trao đổi
Nghề và Làng nghề truyền thống
09:22 | 16/05/2024 Nghiên cứu trao đổi
Vai trò, vị thế của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống Việt Nam
10:08 | 10/05/2024 Nghiên cứu trao đổi
Bình Định: Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia
09:39 Văn hóa - Xã hội
Kẹo dừa Bến Tre - Đặc sản truyền thống
14:19 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề gốm Gia Thuỷ hơn 60 năm đỏ lửa
14:19 Làng nghề, nghệ nhân
Quảng Ngãi: Xây dựng Nghị quyết quy định mức chi các hoạt động khuyến công
14:19 Khuyến công
Huyện Quốc Oai (Hà Nội): Xã Đồng Quang coi trọng công tác xã hội, giữ vững an ninh trật tự
14:19 Nông thôn mới