Gió sẽ mãi thổi từ làng Vác
Ðối với rất nhiều người dân Việt Nam chiếc quạt luôn là vật dụng gần gũi, thân quen trong cuộc sống hằng ngày. Chiếc quạt không chỉ giúp xua đi cái nóng của những ngày hè oi ả mà còn trở thành đạo cụ phục vụ các nghi thức tôn giáo, là vật làm duyên của các thiếu nữ, chàng trai, thậm chí còn là vật bất ly thân của cụ già nông thôn vì chúng có thể thay nón che mưa, che nắng. Chính từ tính chất đa dụng đó, chiếc quạt sừng giấy dó đã làm nên thương hiệu cho cả một làng nghề ở xứ Ðoài, Hà Tây (cũ), làng Kẻ Vác, với những câu ca dao rất quen như: Hỡi cô thắt dải bao xanh/Có về Canh Hoạch với anh thì về/Canh Hoạch ít đất nhiều nghề/Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khuya.
Bà Trần Thị Công với chiếc quạt sừng giấy dó.
Từ thế kỷ 20, làng Vác đã nổi tiếng khắp cả nước nhờ chiếc quạt sừng giấy dó hay còn gọi là quạt châm kim. Có thể nói, không đâu có được chiếc quạt với những mẫu hoa văn tinh xảo như chiếc quạt làng Vác. Quạt được làm từ giấy dó, cán rất mỏng nhưng lại rất dai và dính với nhau bằng nhựa quả cậy, được kẹp sừng trâu ở hai nan ngoài cho cứng cáp rồi nối với nhau bằng chiếc nhài hình hoa bằng nhôm. Nét tinh xảo ở quạt chính là những đường kim châm tạo hình nghệ thuật như: lưỡng long chầu nguyệt; long, ly, quy, phượng; hoa sen; tùng, trúc, cúc, mai… Năm 1946, nhân kỷ niệm 56 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên làng Canh Hoạch gửi tặng Người chiếc quạt giấy, sau này được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ðiều thú vị, những người còn giữ được nghề của làng là vợ chồng bà Trần Thị Công, con của ông Trần Văn Niệm, người đã tham gia làm chiếc quạt đó.
Tuy nhiên, nếu ông Thứ, bà Công làm ra được những chiếc quạt sừng giấy dó thì người góp phần quan trọng biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật lại là bà Mai Thị Choi, người thôn Hoàng Văn Thụ, làng Canh Hoạch, với kỹ thuật châm kim tạo hình hoa văn trên quạt. Người phụ nữ 67 tuổi này kể lại rằng, năm 2015, nhân dịp Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ chín, bà cũng sử dụng kỹ thuật châm kim tạo hình cho chiếc quạt mà Nhà nước đặt hàng. Theo bà Choi, khi châm kim chiếc quạt này, bà trăn trở rất nhiều và cuối cùng đã chọn hình ảnh hoa sen làm chủ đề từ câu thơ Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ. Trên quạt, bà châm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người tặng lại ông Hoàng Ðạo Thúy, Tổng Thư ký Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương, vào năm 1948 chiếc quạt của thanh niên làng Canh Hoạch tặng Người: Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên.
Nổi tiếng là vậy, nghệ thuật là thế, vang bóng một thời, nhưng nghề làm quạt sừng giấy dó châm kim của làng Vác giờ đang đứng trước nguy cơ bị quên lãng. Theo bà Công, để làm ra một chiếc quạt sừng giấy dó cần nhiều công đoạn, chi phí cao cho nên giá không rẻ, giá từ 120 đến 130 nghìn đồng một chiếc. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến những chiếc quạt loại này không có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Hiện số quạt mà gia đình ông Thứ, bà Công đang làm chủ yếu là theo đơn đặt hàng của các chùa, nhu cầu của những người tham gia nghi lễ đạo Mẫu và một số cửa hàng lưu niệm. Ðó là trước đây, còn trong giai đoạn Việt Nam bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn hàng đã bị hủy và vì thế, số lượng quạt vốn đã không nhiều nay càng giảm sút.
Thực tế, người dân làng Vác từ lâu đã chuyển sang chủ yếu làm lồng chim, biến đây thành một nghề và mang lại thu nhập chính cho họ. Lác đác cũng có một số nhà làm quạt xoan (quạt giấy dán thông thường) cung cấp cho thị trường bình dân. Còn chiếc quạt được xem là tinh hoa, tinh túy của làng là quạt sừng giấy dó hay quạt châm kim thì chỉ còn ông Thứ, bà Công sản xuất (người con trai hai ông bà giờ làm lồng chim) và bà Choi châm kim.
Chiếc quạt sừng giấy dó châm kim lưỡng long chầu nguyệt.
Nỗi lòng người làm quạt
Nói vậy nhưng sau giai đoạn làm hàng cao điểm vào đầu hè và lễ Vu lan, gặp bà Choi vào một buổi trưa nóng bức không phải là hình ảnh một người phụ nữ đang tỉ mẩn, khéo léo trổ từng nét kim trên chiếc quạt giấy mầu nâu hay mầu tím thường thấy trước kia mà thay vào đó là hình ảnh bà Choi lụi cụi cắm từng thanh tre để hoàn thành từng chiếc lồng chim.
Vóc dáng nhỏ bé đầy vẻ lam lũ, bà Choi không như những gì tôi đã hình dung về một cụ bà phải rất lớn tuổi, tóc bạc nhưng vẫn giữ được phong thái của người nghệ nhân, nghệ sĩ. Bởi nếu không tài hoa, làm sao bà có thể trổ được những hoa văn đẹp như vẽ trên chiếc quạt sừng giấy dó, làm sao bà có thể châm được hình ảnh con rồng, tùng, cúc, trúc, mai… chỉ theo tưởng tượng và không cần vẽ phác họa. Vậy mà người thợ đó chẳng cần học qua một trường lớp nào cả vẫn có thể khiến bất cứ ai nhìn chiếc quạt đều phải thán phục về kỹ thuật châm kim của bà. Bà Choi tâm sự: “Tôi học châm kim quạt từ khi còn nhỏ đó, cứ phụ giúp theo bố rồi dần dần biết làm lúc nào không hay. Thế nhưng, giờ thì không còn nhiều cơ hội để châm kim theo nghề cha ông nữa bởi làm gì có nhiều quạt mà làm. Chỉ khi nào nhà bà Công có đơn hàng thì tôi mới làm. Tiền công không được là bao nhưng cũng phải làm để có tiền đi chợ và ở làng cũng không còn ai biết làm”. Ðược biết, bà Choi chỉ nhận được 5.000 đồng cho một chiếc quạt, chủ yếu là mẫu lưỡng long chầu nguyệt. Trong khi đó, với mỗi chiếc lồng chim ráp hoàn chỉnh, bà Choi nhận 2.500 đồng và tính cả ngày, bà làm được khoảng 20 lồng, tương đương 50.000 đồng. Như bà cho biết thì chừng đó là đủ để bà đi chợ cơm nước.
Cũng theo bà Choi chia sẻ, trước đây đã có người mời bà vào TP Hồ Chí Minh để châm kim trên quạt giới thiệu cho khách du lịch tham quan Khu di tích lịch sử Ðịa đạo Củ Chi nhưng vì lúc đó các con còn nhỏ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn cho nên bà quyết định ở lại làng gắn bó với nghề. Sau đó, một người thợ mộc gần làng được cắt cử đến học nghề và thay bà vào làm việc ở Củ Chi. Tuy vậy thì chỉ sau một thời gian, người thợ này cũng đã quay lại với nghề mộc của mình mà không thể gắn bó lâu dài với những chiếc quạt châm kim.
Ðau đáu với nghề, bịn rịn với nghề, bà Choi có truyền kỹ thuật châm kim cho một trong hai cô con gái, nhưng vì tiền công làm quạt thấp, không bảo đảm đủ chi phí sinh hoạt cho nên cô cũng không theo nghề của mẹ mà chuyển sang buôn bán ngoài chợ. Mỗi khi bà Choi có đơn hàng, cô vẫn sang giúp, có điều, cô cũng chỉ trổ được những nét kim châm đơn giản, còn những nét khắc phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao như lưỡng long trong mẫu lưỡng long chầu nguyệt thì vẫn chỉ mình bà Choi thực hiện được.
Khi cầm chiếc quạt lưỡng long chầu nguyệt, chúng ta có thể thấy rõ nét tinh xảo ở từng đường kim châm. Khi gấp vào, quạt chỉ như một chiếc thước dài vừa tay, thế nhưng, xòe chiếc quạt rộng 30 hay 40 cm ra soi lên trời, hình hai con rồng được trổ bằng kim châm như bay, như lượn hướng về mặt trăng hết sức sinh động theo tay người quạt. Ðể có được một tác phẩm nghệ thuật như vậy, cũng như rất nhiều mẫu hoa văn độc đáo khác, bà Choi sử dụng bộ kim gồm hơn 40 mẫu. Ðó là những chiếc kim khâu được chèn vào các khuôn gỗ và buộc lại hoặc dính keo, mỗi khuôn gỗ có từ vài kim đến hàng trăm kim. Một số khuôn có thể tạo ra những mẫu hoa văn đơn giản nhưng muốn châm được con rồng đẹp thì đòi hỏi bà Choi phải trổ kim như nét bút vẽ trên giấy của một người họa sĩ.
Kỹ thuật châm kim đã tạo nên nét độc đáo không đâu có ở chiếc quạt sừng giấy dó làng Vác. Nếu như những chiếc quạt giấy thông thường chỉ sơ sảy một chút là dằm đâm vào tay, quạt ngắn, bé nhưng lại rất thô cứng và dễ bị mốc khi thời tiết thay đổi, thì chiếc quạt sừng giấy dó tinh tế và chắc chắn hơn hẳn. Từng que nan được chuốt mượt mà và hai bên được gia cố bằng sừng trâu cho nên cảm giác cầm rất chặt, rất chắc nhưng không hề nặng vì các nan quạt được nối với nhau bằng lớp giấy dó bồi rất mỏng. Theo bà Công, việc bồi những tấm giấy dó mỏng vào từng nan quạt đòi hỏi kỹ thuật của người làm quạt làng Vác bởi dù tinh mắt đến mấy cũng khó tìm được điểm nối của những tấm giấy dó. Ðiều đặc biệt nữa là, quạt sừng giấy dó không bao giờ bị mọt nhờ được kết dính bằng nhựa quả cậy. Chính vì lẽ đó mà chiếc quạt bền mãi theo thời gian và làm hài lòng những người sử dụng dù là khó tính.
Tiếc là một nghề truyền thống gắn với lịch sử của làng Vác giờ đang dần bị mai một. Vì thế, cứ nghĩ chiếc quạt sừng giấy dó châm kim lưỡng long chầu nguyệt có thể biến mất hoàn toàn trong tương lai gần, cảm giác chung của những người từng được biết về loại quạt độc đáo này là không khỏi tiếc nuối, lo lắng. Tuy nhiên nếu thật sự cố gắng tìm cách để giữ lại nghề quý của cha ông, phát huy và trân trọng những tinh hoa dân tộc, chia sẻ khó khăn với những người thợ, bằng tình yêu và sự nỗ lực từ những nghệ nhân như ông Thứ, bà Công, bà Choi... và những ai đã lỡ yêu chiếc quạt sừng giấy dó, tin rằng những làn gió mát sẽ mãi còn thổi từ làng Vác.
Mạnh Hào/Theo Nhân dân
Tin liên quan
Tin mới hơn
Tơ lụa Tân Châu mang đậm dấu ấn văn hoá truyền thống
17:27 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Cao Bằng
17:27 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền
17:26 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề làm bút lông ở phố cổ Hà Nội
17:26 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Xưởng mộc Minh Mít làm nhà thờ gỗ sơn son thiếp vàng
17:26 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Triệu Đề
17:26 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Tin khác
Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Tự Lập: Khai thác, sản xuất, kinh doanh đá ốp lát - Đem lại những sản phẩm và chất lượng dịch vụ tốt nhất đến khách hàng
09:55 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Cụ ông 75 tuổi tự tay làm hơn 100 chiếc đèn Trung thu truyền thống
10:35 | 12/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Thừa Thiên Huế: Nghề làm đầu lân tất bật mùa trung thu
11:04 | 11/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Giữ gìn tinh hoa nghệ thuật khảm trai ở làng nghề Chuôn Ngọ
11:04 | 11/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Ngày hội mắm Châu Đốc Tôn vinh ẩm thực kết nối kinh tế vùng miền
11:20 | 10/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Ông “vua dép lốp” trở thành Nghệ nhân làng nghề
11:19 | 10/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề làm thuốc nam cổ truyền của dân tộc Dao Đỏ ở tỉnh Cao Bằng
10:31 | 09/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Kéo cắt cây cảnh của Làng nghề rèn Trung Lương
10:31 | 09/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Những ông “vua dép lốp” xứng tầm Nghệ nhân làng nghề
09:00 | 06/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Lào Cai: Phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa
15:14 | 05/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Một xưởng mộc ở Hà Tĩnh làm hàng trăm nhà thờ gỗ sơn son thếp vàng
09:00 | 05/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Bình Định: Phát triển Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8
11:42 | 04/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Triển lãm “Mạch di sản” tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống
10:27 | 30/08/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nữ Nghệ nhân tâm huyết với nghề thêu ren, đan móc truyền thống
10:26 | 30/08/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Bắc Kạn xây dựng làng nghề nông lâm nghiệp
11:01 | 29/08/2024 Tin tức
Làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Phát triển bền vững làng nghề gốm gắn với du lịch
17:27 Nghiên cứu trao đổi
Tơ lụa Tân Châu mang đậm dấu ấn văn hoá truyền thống
17:27 Làng nghề, nghệ nhân
Những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Cao Bằng
17:27 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền
17:26 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề làm bút lông ở phố cổ Hà Nội
17:26 Làng nghề, nghệ nhân