Bàn về xây dựng Luật Bảo tồn và phát triển Làng nghề
Bài viết này xin nêu lên một số kiến nghị, chủ yếu là về tư duy, quan điểm, nguyên tắc trong việc xây dựng một đạo Luật về Làng nghề, xuất phát từ đường lối, quan điểm của Đảng, thực tiễn các làng nghề và thực trạng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA LUẬT VỀ LÀNG NGHỀ
Thực tiễn các nước trên thế giới đã chứng minh tầm quan trọng của thể chế: một đất nước phồn vinh hay nghèo nàn, không phải do điều kiện đia lý, dân số hoặc một nhân tố nào khác, mà chính là do thể chế quyết định. Vì vậy, Đảng ta, từ Đại hội XII (năm 2016) đến Đại hội XIII (năm 2021) đều coi hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược phát triến đất nước trong thời gian tới (hoàn thiện đồng bộ thể chế; Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng). Trong hệ thống thể chế, Luật là văn bản có vị trí quan trọng nhất vì Luật là một loại văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, có hiệu lực pháp lý cao nhất, chỉ dưới Hiến pháp.
Đối với làng nghề nước ta, thực tiễn đã khẳng định những giá trị to lớn về nhiều mặt, như: (i) Quan trọng nhất là những giá trị về văn hóa: làng nghề truyền thống là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nghề thủ công được lưu truyền trong nhân dân từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay, góp phần vào kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước ta và giới thiệu văn hóa Việt Nam với thế giới; (ii) Về kinh tế: làng nghề là nơi giải quyết việc làm phi nông nghiệp cho hàng triệu lao động nông thôn; Tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho đời sống nhân dân, đóng góp vào GDP; Có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới; (iii) Về xã hội: Cư dân làng nghề sống lành mạnh, hầu như không có tệ nạn xã hội; Làng nghề phát triển góp phần làm phong phú bộ mặt nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như các làng nghề vẫn hoạt động theo các quy định tại các quyết định, nghị định, như: Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 về một số chính sách phát triển ngành, nghề nông thôn; Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 về phát triển ngành, nghề nông thôn; Nghị định số 52/2018//NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành, nghề nông thôn, v.v... Cho đến nay, chưa có một đạo Luật về làng nghề, có thể coi đây là một thiệt thòi lớn cho làng nghề nước ta.
Trong tình hình hiện nay, nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19, rất cần có những nhận thức mới trong bảo vệ và phát triển làng nghề. Đáng chú ý hơn nữa là tại Đại hội Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cần “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại” (Báo Tuổi trẻ điện tử ngày 24/11/2021). Ý kiến của Tổng bí thư càng cổ vũ, động viên làng nghề chúng ta thêm tự hào về giá trị của văn hóa làng nghề, càng nhận thức sâu sắc thêm về sự cần thiết có một đạo Luật về làng nghề, để làng nghề đóng góp ngày càng xứng đáng hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước ta.
XÂY DỰNG LUẬT TRÊN CƠ SỞ PHÁT HUY DÂN CHỦ
Trước hết Luật về làng nghề cần thể hiện yêu cầu bảo tồn và phát triển làng nghề. “Bảo tồn” tức là lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, kể cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, không để chúng mai một qua thời gian. Đồng thời, lại phải “Phát triển” cũng có nghĩa là “Phát huy” những giá trị ấy trong điều kiện mới, tức là những giá trị truyền thống được nhận thức mới, sâu sắc hơn, qua đó có những cách vận dụng, các hình thức biểu hiện mới, để các giá trị truyền thống phát huy tác dụng thiết thực, có ý nghĩa trong đời sống xã hội ngày nay. Vì vậy, xin đề nghị tên luật là “Luật Bảo vệ và phát triển làng nghề” (dưới đây, xin gọi tắt là Luật).
Luật phải lấy “con người là trung tâm, đồng thời là chủ thể của phát triển”, là động lực của mọi đột phá, sáng tạo trong làng nghề; Vì vậy, luật phải tạo điều kiện để mọi người đều phát huy hết sức mình trong phát triển làng nghề. Hiện nay, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề, thường có ba thành phần chủ yếu (i) người bỏ vốn lập cơ sở - nhà đầu tư, người quyết định phương hướng, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của cơ sở; (ii) Nghệ nhân - người sáng tạo nên các mẫu mã, kiểu dáng của sản phẩm; và (iii) nhà khoa học kỹ thuật, người ứng dụng công nghệ mới, nhất là công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Điều quan trọng là Luật cần đề ra các chính sách nhằm tạo không gian, môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của mọi người trong làng nghề, nhất là nghệ nhân, để họ kịp thời nắm bắt xu thế “kinh tế xanh”, “kinh tế số” của thế giới hiện đại, từng bước hình thành “làng nghề xanh”, “làng nghề số”.
Luật phải bao quát các loại hình sản xuất, kinh doanh làng nghề: Về hình thức tổ chức, có các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; Về quy mô, chủ yếu là nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ; Về thành phần, đều thuộc kinh tế tư nhân (trong đó có hộ kinh doanh) và hợp tác. Vì vậy, nội dung Luật phải quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các loại hình sản xuất kinh doanh nói trên. Tôn trọng các nguyên tắc của thị trường: Các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh theo pháp luật; Làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước; Đề cao văn hóa kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng; Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực, quyền lợi của người lao động; v.v... Cần có những quy định đối với các “hộ kinh doanh” đang rất phổ biến trong các làng nghề, giúp họ liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ chuyển lên hình thức doanh nghiệp để có thêm thuận lợi trong kinh doanh.
Một nguyên tắc đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng Luật là tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh, của các làng nghề. Việc lấy ý kiến cần được tổ chức một cách dân chủ: Mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến của mình, mọi ý kiến đều cần được trao đổi, thảo luận, tranh luận về những điểm chưa nhất trí và bộ phận soạn thảo cần tiếp thu một cách nghiêm túc. Việc lấy ý kiến có thể thực hiện với nhiều hình thức như: Tổ chức các cuộc họp trực tiếp hoặc trực tuyến; Dùng phiếu khảo sát (điều tra xã hội học) theo một số nghề tiêu biểu hoặc theo vùng.
Luật cần quy định rõ chức năng quản lý của Nhà nước, chủ yếu là hình thành khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động của làng nghề, không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của cơ sở. Nhà nước có chính sách trợ giúp đỡ những ngành nghề, cơ sở bằng những hình thức phù hợp (ví dụ qua các dự án, mua sắm của Chính phủ, chuyển giao dịch vụ công, v.v…), không bao cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, tạo thuận lợi cho hoạt động của cơ sở và làng nghề.
Một vấn đề khác được rút ra từ thực tiễn: Tốt nhất là Luật nên cụ thể, dễ hiểu; Càng dễ hiểu, dễ áp dụng thì càng tốt; Khi trình dự Luật ra Quốc hội, phải có nghị định hướng dẫn Luật đi kèm và nghị định là văn bản duy nhất hướng dẫn luật, không cần có thông tư nữa. Làm được như vậy, sẽ khắc phục tình trạng Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, có nơi thông tư còn phải chờ hướng dẫn của Sở (ở tỉnh, thành phố) nữa, thời gian chờ đợi có khi đến cả năm; hoặc tình trạng văn bản hướng dẫn có những quy định sai trái, làm méo mó tư tưởng đúng đắn của Luật.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI
Theo các nhà nghiên cứu, một đất nước hiện đại phải bảo đảm sự phát triển hài hòa của ba thành tố: Nhà nước, thị trường, xã hội dân sự (ta thường gọi là “tổ chức xã hội”). Các tổ chức xã hội (bao gồm các hội, câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện, các quỹ ...) có tác dụng thực hiện những hoạt động mà Nhà nước không làm và khỏa lấp những khiếm khuyết của thị trường, như bảo vệ môi trường; xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí; hoạt động từ thiện, nhân đạo; ... Đối với các tổ chức xã hội, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; Đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; Phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật “ (trích Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng).
Trong bài này, xin nêu một số việc cụ thể mà Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp khác có liên quan cần thực hiện: (ii) Thông tin cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm bắt kịp thời những nội dung của Luật về làng nghề đang được soạn thảo; (ii) Chuẩn bị ý kiến và tham gia các cuộc tư vấn, phản biện và thẩm định văn bản dự thảo Luật; (iii) Tham gia giám sát việc thực hiện Luật và kịp thời đề xuất những sửa đổi cần thiết. Để các ý kiến đóng góp có chất lượng, các tổ chức xã hội cần có bộ máy, nhân sự đủ tâm huyết và kiến thức, đồng thời thu hút rộng rãi ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Tóm lại, Luật Bảo tồn và phát triển làng nghề đang được nghiên cứu xây dựng cần thể hiện những quan điểm chủ yếu như sau: (i) Bảo tồn những giá trị văn hóa làng nghề, đồng thời có những biện pháp để phát huy các giá trị văn hóa ấy trong thời kỳ phát triển mới của đất nước; (ii) Lấy con người là trung tâm, chủ thể của mọi hoạt động trong làng nghề; tạo không gian sáng tạo cho người lao động, trước hết là các nghệ nhân; (iii) Nhà nước ban hành Luật và các quy định cần thiết để thi hành Luật, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức xã hội để Luật đi vào cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát triển làng nghề.
CGCC Vũ Quốc Tuấn
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn – Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Tin liên quan
Tin mới hơn

Một số nghề thủ công truyền thống của dân tộc Khơ Mú ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam
09:49 | 25/06/2025 Nghiên cứu trao đổi

Làng nghề - “mắt xích” cho công nghiệp văn hóa
10:50 | 23/06/2025 Nghiên cứu trao đổi

Nghị quyết 57 mở đường phát triển làng nghề
09:39 | 09/06/2025 Nghiên cứu trao đổi

Ứng dụng công nghệ số phát triển làng nghề
09:18 | 30/05/2025 Nghiên cứu trao đổi

Làng nghề với bài toán “chuyển đổi xanh”
14:25 | 23/05/2025 Nghiên cứu trao đổi

Đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch làng nghề Việt Nam
09:15 | 13/05/2025 Nghiên cứu trao đổi
Tin khác

Hà Nội: Thành lập 2 cụm công nghiệp làng nghề vốn gần 370 tỷ đồng
09:40 | 09/05/2025 Nghiên cứu trao đổi

Bảo tồn làng nghề truyền thống trước thách thức của thời đại
09:08 | 15/04/2025 Nghiên cứu trao đổi

Những yếu tố sống còn của làng nghề
14:31 | 10/04/2025 Nghiên cứu trao đổi

Sức sống ở làng nghề Yên Bái
09:31 | 04/04/2025 Nghiên cứu trao đổi

Đồng Tháp: Bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống
11:34 | 02/04/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một việt nam thịnh vượng
10:03 | 21/03/2025 Nghiên cứu trao đổi

Bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc làng nghề truyền thống
09:45 | 13/03/2025 Nghiên cứu trao đổi

Nâng cao năng lực marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt nam
15:44 | 06/03/2025 Nghiên cứu trao đổi

Bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống tích hợp văn hóa đa giá trị
11:40 | 01/03/2025 Nghiên cứu trao đổi

Bao bì và thương hiệu sản phẩm làng nghề
21:08 | 20/02/2025 Nghiên cứu trao đổi

Giải bài toán bảo vệ môi trường làng nghề
19:28 | 13/02/2025 Nghiên cứu trao đổi

Kết nối nhà thiết kế - doanh nghiệp Tăng giá trị hàng thủ công mỹ nghệ
15:29 | 21/01/2025 Nghiên cứu trao đổi

Gian nan hành trình vươn tầm đặc sản OCOP 5 sao
14:44 | 14/01/2025 Nghiên cứu trao đổi

Kết nối nhà thiết kế - doanh nghiệp Tăng giá trị hàng thủ công mỹ nghệ
15:28 | 05/01/2025 Nghiên cứu trao đổi

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ
09:22 | 17/12/2024 Nghiên cứu trao đổi

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cấp xã
14:33 Tin tức

Nghề Đúc Đồng Đại Bái: Tinh Hoa Văn Hóa Bắc Ninh
14:01 Làng nghề, nghệ nhân

Hoà Bình: Lan tỏa phong trào nông dân chung tay vì nông thôn mới bền vững
14:01 Nông thôn mới

Thanh Hoá: Phát huy vai trò của chi bộ trong xây dựng nông thôn mới
14:01 Nông thôn mới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thêm 2 làng nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
14:00 Tin tức