Hà Nội: 23°C Hà Nội
Đà Nẵng: 28°C Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh: 31°C TP Hồ Chí Minh
Thừa Thiên Huế: 25°C Thừa Thiên Huế

Quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam

LNV - Trong Dự thảo phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Dự thảo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Đảng và Nhà nước ta xác định: Để tăng trưởng, phát triển kinh tế ổn định, bền vững, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực tư nhân cũng như đảm bảo phát triển đội ngũ cán bộ, công chức (ĐNCBCC) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các địa phương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) thì công tác quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cần thiết phải được quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, phường tại cơ sở. Bài viết trình bày những nội dung cơ bản về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã để phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của xã hội, từ Quy hoạch phát triển nhân lực khu vực công giai đoạn 2021-2030, từ những yêu cầu phát triển nguồn nhân lực quản lý Nhà nước (CBCC) tại địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn hiện nay nhằm hình thành một số yếu tố năng lực, nhân cách mới cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và thực hiện thắng lợi cuộc CMCN 4.0.
1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành xu thế chung, lôi cuốn nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để các tỉnh thành trong cả nước đẩy mạnh CNH-HĐH. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quán triệt quan điểm “coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển”. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức cấp xã ở Việt Nam là chiến lược đột phá, góp phần nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhân lực khu vực công, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp hơn với cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao lợi thế cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là trong tình trạng phải ứng phó với đại dịch Sars-Covid hiện nay. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “…Đảng ta xác định nội dung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được cụ thể hơn trong giai đoạn 5 năm tới là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo…”. Để đạt được các mục tiêu phát triển xã hội, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước nhằm phát triển đội ngũ CBCC cấp xã trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết hàng đầu để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

2. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

2.1. Đôi nét về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - được gọi là công nghiệp thế hệ 4.0 đã và đang tạo ra những biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống con người trong thế kỷ 21. Theo Gartner, cách mạng công nghiệp 4.0 xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.

Theo Klaus Schwab, chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra quan điểm về cách mạng công nghiệp 4.0: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.(Hình 1)

2.2. Yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Cán bộ cấp xã là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị tại các xã, phường. Công chức cấp xã là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền địa phương cấp xã, tổ chức chính trị xã hội cấp xã, được giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn và năng lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế, cán bộ, công chức cấp xã cần đáp ứng một số yêu cầu:

Thứ nhất, cán bộ, công chức cấp xã cần có năng lực, trình độ ngày càng cao. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và để phục vụ người dân tốt hơn, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải có năng lực quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, cung ứng dịch vụ công một cách hiệu quả. Điều đó đặt ra những yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức vừa phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vừa thông thạo kỹ năng hành chính, hiểu biết pháp luật, có năng lực làm việc và ứng xử phù hợp đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền địa phương hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhất nhu cầu của công dân.

Thứ hai, cán bộ, công chức cấp xã cần có đạo đức, tư cách tốt, có phẩm chất chính trị vững vàng, có trách nhiệm công vụ, tuân thủ các giá trị, đáp ứng tốt các nhu cầu của người dân, góp phần tạo niềm tin của nhân dân, xã hội đối với chính quyền địa phương. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cần có năng lực thực thi công vụ, tính chuyên nghiệp, đạo đức, liêm chính, minh bạch, trách nhiệm và đảm bảo chất lượng dịch vụ công cung ứng cho người dân, phải có ý thức trách nhiệm và thái độ, hành vi chuẩn mực trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.

Thứ ba, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ cán bộ, công chức cần có tư duy sáng tạo, đổi mới và có năng lực thích ứng với sự thay đổi, có khả năng nắm bắt, tiếp thu các kiến thức, kỹ năng mới trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và chuyển đổi số được ứng dụng sâu, rộng trong quá trình thực hiện công việc của cán bộ, công chức tại chính quyền địa phương. Có như vậy, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, chất lượng dịch vụ công mà đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cung ứng cho xã hội mới đảm bảo tính nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, đầy đủ, phục vụ tốt nhất cho các tổ chức và công dân.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần phải tuân thủ các chuẩn mực trong giao tiếp công vụ, chuẩn mực trong xây dựng văn hóa công vụ, tích cực xây dựng văn hóa thực thi công vụ theo hướng phục vụ. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần phải hướng đến việc thực thi đầy đủ các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức công vụ để xây dựng, phát triển đội ngũ công chức cấp xã đạt về cả chất và lượng.

2.3. Đặc điểm đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam

2.3.1. Về mặt quy mô đội ngũ cán bộ công chức cấp xã ở Việt Nam


Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2021, số lượng cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên có 247.344 người, trong đó ở Trung ương có 106.836 người, địa phương cấp tỉnh và huyện có 140.508 người. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 226.210 người và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 171.894 người, trong đó về mặt quy mô đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có 226.210 người với quy mô và cơ cấu, chất lượng.



2.3.2. Về mặt chất lượng, trình độ, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam

Qua bảng 2 ta thấy, về mặt quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của Việt Nam có vào năm 2021 như sau:

Về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam.


- Về trình độ chuyên môn kỹ thuật: Trong tổng số 226.210 cán bộ, công chức cấp xã, có 27.258 CBCC có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (chiếm 12,05%); trình độ đại học có 180.991 người (chiếm tỷ lệ đại bộ phận 80,01%); trình độ cao đẳng có 12.306 người (chiếm tỷ lệ 5,44%); trình độ trung cấp và lao động phổ thông chưa qua đào tạo có 5.655 CBCC (chiếm 2,21%).

- Về trình độ lý luận chính trị: Trong tổng số 226.210 cán bộ, công chức cấp xã có: Cao cấp lý luận chính trị có 10.587 người (chiếm 4,68%); trung cấp lý luận chính trị có 32.325 người (chiếm 14,25%); sơ cấp: 74.310 người (32,85%); chưa qua đào tạo có 108.988 người (48,22%).

- Về trình độ quản lý nhà nước: Trong tổng số 226.210 cán bộ, công chức cấp xã: Đã qua đào tạo có 204.313 người (chiếm 90,32%); chưa qua đào tạo có 21.897 người (9,68%).
- Về phẩm chất, năng lực thực hiện công việc: Trong năm 2021, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tỷ lệ CBCC cấp xã hoàn thành nhiệm vụ trở lên chiếm 98,25% tổng số CBCC, tỷ lệ công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 1,75% tổng số CBCC cấp xã. Mặc dù kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đội ngũ CBCC cấp xã ở Việt Nam năm qua có nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên ở phía các chính quyền địa phương cấp xã đã và đang tiếp tục ban hành nhiều kế hoạch,
chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển CBCC cấp xã nhằm kiện toàn về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý CBCC cấp xã trong bối cảnh cuộc CMCN
4.0. Đây là những ưu điểm trong chiến lược phát triển đội ngũ CBCC cấp xã, là tiền đề vững chắc đảm bảo sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội và cuộc CMCN 4.0 của các chính quyền hành chính cấp xã.

Bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được nêu trên, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn những yếu kém, bất cập về nhiều mặt, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã chưa được đào tạo một cách bài bản về chuyên môn nghiệp vụ còn cao, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn còn thấp so với yêu cầu. Nhiều cán bộ, công chức cơ sở chưa nắm vững chức năng nhiệm vụ và các quy định của pháp luật, vì vậy quá trình chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc còn mang tính chủ quan, tuỳ tiện, cảm tính. Năng lực ngoại ngữ, tin học còn thấp, đặc biệt năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức tại chính quyền cấp xã còn yếu. Năng lực sáng tạo, năng lực thích ứng và năng lực quản lý điều hành chưa ngang tầm với nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước và địa phương trong bối cảnh gắn với cuộc CMCN 4.0 hiện nay.

3. Thực trạng quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

3.1. Cơ sở pháp lý về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức

Chương trình tổng thể cái cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 30cNQ-CP của Chính phủ ngày 08 - 11 - 2011 đã xác định nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là khâu then chốt trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước[1]. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18 - 10 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, trong đó đề ra nhiệm vụ phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Gần đây nhất, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định mục tiêu “…Đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, công tác tổ chức cán bộ”. Với cơ quan quản lý theo ngành dọc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 01/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP nhấn mạnh những yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, chức danh, yêu cầu công việc. Theo đó, xác định đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển bền vững của quốc gia. Đây là các căn cứ pháp lý quan trọng cho các chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở tổ chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng, năng lực lao động giỏi, phẩm chất nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý theo ngành, theo thành phần kinh tế, theo khu vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại chính quyền xã trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 theo đúng các Luật, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương cấp xã nhanh, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

3.2. Công cụ quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là việc giáo dục, đào tạo, bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm làm cho họ trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định về mặt trình độ chuyên độ, kỹ năng, năng lực.

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những định hướng chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam sau năm 2021 là căn cứ chiến lược tổng hợp cấp quốc gia để định hướng cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các kế hoạch, chính sách, chương trình và đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ căn cứ của các UBND tỉnh, Sở, Ban, ngành, tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, đối với chính quyền địa phương cấp xã, các công cụ quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức bao gồm kế hoạch, chương trình, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã.

Quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam là nhiệm vụ quản lý vĩ mô quan trọng của cấp tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh do các chủ tịch, phó chủ tịch, ban tổ chức thành ủy, sở, ban, ngành quản lý CBCC triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện.

3.2.1. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã: Các Sở, Ban, ngành, các tổ chức công trực thuộc chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã tiến hành khảo sát nhu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, công chức cần đào tạo, bồi dưỡng làm cơ sở lập kế hoạch dài hạn và kế hoạch ngắn hạn nâng cao trình độ CMKT cho đội ngũ CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các chính quyền địa phương cấp xã để thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, từ Trung ương đến cơ sở, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật để cụ thể hóa đường lối của Đảng, trong đó có lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Các cấp ủy, chính quyền đã coi trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức các mặt của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được phát triển cả số lượng và chất lượng.

Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức chuyên môn, đủ năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn ở chính quyền cơ sở. Từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn và vượt chuẩn các chức danh theo quy định, đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện thắng lợi cuộc CMCN 4.0 của chính quyền địa phương.

Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp xã đã mang lại những thành tựu to lớn: Trong thời gian qua, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, Nhà nước và chính quyền địa phương đã thực hiện xây dựng kế hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã áp dụng linh hoạt một số hình thức đào tạo sau: Tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng tập trung do Trung ương và địa phương mở, qua đó tạo điều kiện cho số lượng lớn CBCC cấp xã đi học tập, góp phần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ CBCC cấp xã. Việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC đã gắn liền với việc bố trí sử dụng sau đào tạo, luân chuyển, điều động CBCC. Đào tạo, bồi dưỡng tập trung dài hạn qua việc phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước. Tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương các lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo cấp phòng, các lớp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ một cách thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ CBCC đáp ứng mục tiêu tổng thể cải cách hành chính nhà nước, được xác định bắt đầu từ cấp xã trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã ở Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế như đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với quy hoạch, kế hoạch; đào tạo và sử dụng CBCC cấp xã chưa ăn khớp với nhau; đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự đồng bộ với yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Chưa có kế hoạch đào tạo cụ thể đội ngũ CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực khu vực công trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam.

3.2.2. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói riêng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, Ban Thường vụ tỉnh ủy, Sở, Ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp đã ban hành các nghị quyết, chuyên đề về công tác cán bộ như: Các Nghị quyết, các chương trình, đề án về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2021 - 2025”. Hàng năm chính quyền địa phương các cấp, các ngành rà soát, đánh giá thực trạng trình độ đội ngũ CBCC cấp xã hiện có, chủ động quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng các chức danh gắn với quy hoạch, bố trí, sắp xếp CBCC phù hợp với vị trí việc làm. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã dự nguồn, CBCC nữ. Rà soát toàn diện CBCC cấp xã để lập kế hoạch đào tạo, phát triển theo phương châm thiếu tiêu chuẩn nào thì đào tạo, bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn đó.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước về nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương cấp xã trong bối cảnh CMCN 4.0. Có được kết quả này là do Nhà nước, các địa phương đã chỉ đạo rà soát quy hoạch phát triển cán bộ, công chức cấp xã, thu hút, tuyển dụng theo chức danh nghề nghiệp, theo vị trí việc làm; dành một lượng ngân sách cho đào tạo CBCC cấp xã, đồng thời áp dụng Thông tư số 06/2012/TT-BNV và Thông tư số 13/2019/TT-BNV để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ CBCC cấp xã giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã ở Việt Nam đã có những ưu điểm: Đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã gắn liền với đặc thù điều kiện kinh tế kỹ thuật tại chính quyền địa phương cấp xã, căn cứ vào tình hình thực tiễn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã, trong những năm gần đây, chính quyền các cấp đã tổ chức các chương trình, các lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã đảm bảo: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCC cấp xã; Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận quản lý Nhà nước cho CBCC cấp xã; Đào tạo, bồi dưỡng chương trình tiền công vụ, chương trình quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, ngạch chuyên viên chính và bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo quản lý cấp phòng cho CBCC cấp xã; Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học cho CBCC cấp xã….

Tuy nhiên, mặc dù đã được sự quan tâm của chính quyền và Nhà nước về công tác, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các chương trình cấp trên, nhưng do còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, sự thiếu thốn về nguồn lực và những hạn chế về không gian đối với các xã ở vùng sâu, vùng xa, chưa đủ điều kiện áp dụng công nghệ 4.0 vào trong giải quyết công việc, vẫn sử dụng phương pháp truyền thống nên còn những hạn chế trong đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giữa các vùng, các địa phương với nhau vẫn chưa đồng bộ giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu. Các nhóm đối tượng cán bộ, công chức còn chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt đội ngũ CBCC xã, phường trình độ còn thấp, đặc biệt chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế về nhân sự trong khu vực công.

3.2.3. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, chính quyền các cấp, từ tỉnh ủy, UBND tỉnh đến cấp xã cần phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh ban hành các chính sách đào tạo, bồi dưỡng như chính sách phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức; chính sách đầu tư nguồn nhân tài vật lực cho phát triển giáo dục, chính sách đầu tư tài chính cho phát triển giáo dục, đào tạo, kiện toàn hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục nghề nghiệp; chính sách phát triển đội ngũ giáo viên (chính sách đầu tư, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đãi ngộ); chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giáo dục… trong các trường cao đẳng, đại học nhằm góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng, phát triển trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam hiện nay.

Như vậy, địa phương các cấp đã tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đào tạo, bồi dưỡng về nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ CBCC cấp xã, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong bối cảnh CMCN 4.0 và đã đạt được các kết quả sau: Trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ CBCC cấp xã ở Việt Nam tăng nhanh và tích cực qua các năm (tỷ lệ CBCC có trình độ cao - thạc sĩ, tiến sĩ và đại học tăng nhanh, tỷ lệ CBCC có trình độ cao đẳng, trung cấp giảm rõ rệt hàng năm). Trong những năm qua, từ Trung ương đến địa phương cấp xã đều gia tăng đầu tư các nguồn lực cho giáo dục, đào tạo đội ngũ CBCC cấp xã cho khu vực công trong bối cảnh CMCN 4.0. Điều này đã góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công việc của đội ngũ CBCC cấp xã và góp phần tích cực vào thực hiện nhanh, mạnh mục tiêu tổng thể cải cách hành chính của Việt Nam giai đoạn hiện nay.

3.3. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã tại Việt Nam

Thực hiện các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương cấp tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp xã, bảo đảm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực, chất lượng đội ngũ CBCC, thực hiện có năng suất, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội của chính quyền địa phương cấp xã theo hướng công nghiệp, hiện đại trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 hiện nay, lãnh đạo các tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ CBCC cấp xã đạt các kết quả:

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ CBCC cấp xã : Theo kết quả báo cáo của Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ, năm 2021 kết quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp xã của toàn Việt Nam đạt 79,92% có trình độ, sơ cấp lý luận chính trị trở lên trong đó có trên 4,68% có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn: Đạt 92,06% cán bộ công chức cấp xã được đào tạo có trình độ đại học trở lên.

Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ CBCC cấp xã: Năm 2021 kết quả bồi dưỡng cho đội ngũ CBCC cấp xã của toàn Việt Nam đã đạt: 100% được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; 100% cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học theo chuẩn Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT và Thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT.

Năm 2021, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Bộ đã chỉ đạo các địa phương cấp tỉnh rà soát quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển CBCC theo từng chức danh nghề nghiệp, từng vị trí việc làm, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý điều hành đến tận cấp xã hàng năm và 5 năm; hàng năm Bộ Nội vụ đề xuất với Quốc hội, Bộ Tài chính dành trung bình 20% ngân sách cho đào tạo, phát triển CBCC giai đoạn 2020-2025.

Như vậy, nhờ có kết quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã mà trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2021 có chất lượng tăng khá đồng đều, năm 2015, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm 8,06%,…, đến năm 2021, đạt 12,05% trong khi khối tư nhân tỷ lệ này chỉ đạt dưới 3%. Về trình độ đại học của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chiếm đại bộ phận, năm 2015 tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo đại học chiếm 68,50%, đến năm 2021 đạt tỷ lệ 80,01%. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng giảm, năm 2021, cán bộ, công chức có trình độ cao đẳng chỉ còn trình này chỉ còn 5,44%. Đạt được kết quả này là do có định hướng của Đảng, Nhà nước, Bộ chủ quản (Bộ Nội vụ) và chính quyền địa phương các cấp đã nỗ lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói riêng. Các địa phương và tổ chức lãnh đạo khu vực công đã áp dụng Thông tư số 06/2012/TT-BNV và Thông tư số 13/2019/TT-BNV yêu cầu công chức cấp xã phải tốt nghiệp đại học trở lên. Điều này đã góp phần phát triển chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã toàn Việt Nam tăng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 giai đoạn 2015 - 2021.

Đứng trước tình hình diễn biến căng thẳng của đại dịch Sars-Covid diễn ra khó lường, trong 3 năm 2019 - 2021, Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương các cấp đã nhanh chóng chuyển hướng kịp thời, tạo ra sự thích ứng nhanh chóng trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ CBCC cấp xã về trình độ chuyên môn, năng lực thích ứng, năng lực sáng tạo, các kỹ năng cần có (đã triển khai hàng vạn lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về CNTT và kỹ năng sử dụng phần mềm họp trực tuyến Meeting, Trans và Zoom. Kết quả thực hiện là 100% cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam đã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đủ về CNTT và các phần mềm trực tuyến để phục vụ thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao) để giải quyết, thực hiện nhiệm vụ chính trị ứng phó với đại dịch Sars-Covid nhằm tạo sự bình ổn, phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp, hiện đại và tinh nhuệ.

Thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã đáp ứng về kỹ năng, năng lực và phẩm chất nghề nghiệp của CBCC trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam, cụ thể như sau:

Về năng lực của đội ngũ CBCC cấp xã: Trong điều kiện làm việc của quá trình lao động trong điều kiện CMCN 4.0 thực tế hiện nay, năng lực của đội ngũ CBCC cấp xã cần có các năng lực gồm: Năng lực hành nghề, năng lực khởi nghiệp, năng lực tự phát triển, năng lực đổi mới, sáng tạo, thích ứng. Theo đánh giá của các cơ quan thì đội ngũ CBCC cấp xã của Việt Nam hiện nay sau đào tạo, bồi dưỡng cơ bản có đủ năng lực để thực hiện công việc, với nhiều năng lực đạt mức khá tốt như năng lực khởi nghiệp, năng lực tự phát triển và khả năng thích ứng đạt mức khá và có đủ năng lực làm việc trong bối cảnh CMCN 4.0.

Về kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chính trị của đội ngũ CBCC cấp xã: Trong bối cảnh CMCN 4.0, các địa phương cấp xã dần chuyển đổi từ mô hình quản lý nông nghiệp, sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp hiện đại thì đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần có đủ kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu thực hiện công việc có tính công nghiệp ngày càng cao như hiện nay. Theo kết quả khảo sát ở một số xã, về kỹ năng thực hiện công việc của đội ngũ CBCC cấp xã đã đạt mức khá, đặc biệt với kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp, làm việc tập thể đạt mức khá tốt, đặc biệt trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan. Chỉ có kỹ năng KHCN, kỹ năng CNTT còn đạt mức trung bình khá. Điều này cũng cho thấy năng lực CNTT và năng lực ngoại ngữ của đội ngũ CBCC cấp xã còn nhiều hạn chế và cần phải được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, kỹ năng, năng lực về KHCN, CNTT, ngoại ngữ, tin học cho CBCC cấp xã để họ làm tốt các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh CMCN 4.0.

Về phẩm chất nghề nghiệp của đội ngũ CBCC cấp xã trong bối cảnh CMCN 4.0: Thực tế, ở các địa phương, đội ngũ CBCC cấp xã thường có sự cạnh tranh gay gắt để có được vị trí việc làm trong khu vực công vì vậy, đội ngũ CBCC cấp xã luôn nỗ lực rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp, luôn cầu thị, thực hiện đúng chủ trương, đường lối, luật pháp, có kỷ luật lao động tốt để duy trì công việc. Tuy nhiên, họ có mức thu nhập không cao, do đó CBCC cấp xã có chiều hướng dịch chuyển ra ngoài làm việc để mưu cầu công việc và cuộc sống, làm chảy máu chất xám sang khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, hiện còn bộ phận nhỏ CBCC cấp xã vẫn bị ảnh hưởng của phương thức sản xuất nông nghiệp, tự do, tùy tiện và chậm rãi trong thực hiện công việc…Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã trong bối cảnh CMCN 4.0 ở Việt Nam hiện nay.

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0

Một là, phải xác định đúng đắn mục tiêu đào tạo, phát triển CBCC cấp xã: Thực tế cho thấy, mục tiêu đào tạo, phát triển CBCC ở Việt Nam nói chung đang bị xác định sai lệch. Nhiều CBCC cấp xã tham gia các lớp, các khóa đào tạo, bồi dưỡng chỉ để lấy chứng chỉ, bằng cấp nhằm hợp thức hóa những đòi hỏi về bằng cấp theo yêu cầu của cơ quan. Như vậy, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ CBCC cấp xã để đạt được kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đã bị đẩy lùi về phía sau. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ CBCC cấp, các cơ quan quản lý cán bộ, công chức, bản thân người cán bộ, công chức và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần phải đẩy mục tiêu kiến thức lên đúng vị trí số một. Muốn vậy, phải xác định đào tạo, phát triển đúng đối tượng CBCC cấp xã, đúng nhu cầu, đúng địa điểm và đúng yêu cầu công việc, cụ thể CBCC cấp xã nào cần phải đi đào tạo, bồi dưỡng thì cho đi; cán bộ, công chức nào thiếu kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ gì thì cho đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đó. Có như vậy, mới kích thích được nhu cầu lĩnh hội kiến thức một cách tự giác và hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã góp phần nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hai là, phải đổi mới, cập nhật liên tục tính mới, tính thời sự, tính khoa học đối với tài liệu, giáo trình phục vụ đào tạo, phát triển CBCC cấp xã: Theo đánh giá của các chuyên gia đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã, hiện nay hệ thống giáo trình, bài giảng, tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC còn lạc hậu, nhiều tài liệu, giáo trình quá cũ. Có những tài liệu đưa vào giảng dạy đến thời điểm hiện tại vẫn chưa cập nhật kiến thức mới kể từ khi Hiến pháp mới ra đời (2013). Để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã của các địa phương, các cơ quan quản lý CBCC cấp xã, các cơ sở giáo dục cần phải cập nhật tính mới, tính khoa học, tính thời sự và đảm bảo tính quốc tế đối với hệ thống giáo tình, bài giảng, tập tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Ba là, giảm thiểu tính hình thức trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, mang các lớp học đến các cơ sở làm việc tại các địa phương: Ở Việt Nam, hiện nay vẫn đang diễn ra hiện tượng mở lớp đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên viên chính, giảng viên chính cho nhiều cán bộ, công chức bản thân đã là chuyên viên chính, giảng viên chính theo quy định cứng nhắc của nhà nước. Điều này đã dẫn đến hiện tượng nhiều cán bộ, công chức cấp xã tham gia học cho có, hoặc học nhưng không tập trung, lướt điện thoại hoặc làm việc riêng và chờ đợi được nhận tấm chứng chỉ để hợp thức hóa điều mà CBCC đã đạt được trước đó - chuyên viên chính, giảng viên chính. Vì vậy các cơ quan quản lý chuyên môn, quản lý hành chính cần xem xét, nếu CBCC đã là chuyên viên chính, giảng viên chính thì không bắt buộc tham gia những lớp này nữa nhằm giảm tính hình thức, tránh lãng phí nhân tài vật lực trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Bên cạnh đó, hiện nay điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC tại các xã cũng đảm bảo vì vậy việc mang lớp học đến với CBCC cấp xã tại cơ sở sẽ tránh lãng phí về cơ sở vật chất, giảm xáo trộn trong giải quyết công việc tại địa phương, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng do CBCC được thực hành tại cơ sở, vừa học vừa vận dụng vào thực tiễn công việc.

Bốn là, tăng dần kinh phí đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã. Sẽ không có hiệu quả thích đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã nếu kinh phí đầu tư hạn hẹp. Vì vậy các nhà quản lý, các cơ quan chủ quản, các chính quyền các cấp cần tăng cường đầu tư tài chính, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Năm là, gắn đào tạo, phát triển với sử dụng CBCC cấp xã đồng thời tăng cường sự kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện của CBCC cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng. Đây là biện pháp không thể thiếu trong đào tạo, bồi dưỡng CBCC ở bất kỳ cấp nào bởi hiệu quả sử dụng CBCC là kết quả trực tiếp của quá trình đào tạo, phát triển mang lại. Đào tạo, bồi dưỡng CBCC mà không sử dụng tốt, không đúng vị trí sẽ không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nguồn nhân lực và lãng phí tiền bạc, thời gian. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ các tỉnh cần phối hợp với các Phòng Nội vụ ở các huyện tăng cường rà soát, đánh giá kết quả thực hiện công việc của CBCC trước, trong và sau khi đào tạo, bồi dưỡng nhằm đo lường chính xác hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng mang lại.

5. Kết luận

Trong định hướng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của nói riêng, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Đào tạo và phát triển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững đất nước”. Chính vì vậy, việc phân tích để đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các chính quyền địa phương Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh và rộng như hiện nay thực sự có ý
nghĩa to lớn.

Trần Lệ Hường
Trường Đại học Nội vụ phân hiệu TP. Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nội vụ (2021), Báo cáo số lượng cán bộ, công chức cấp xã năm 2015 - 2021, Hà Nội.
2. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2021-2030 và Dự thảo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, năm 2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, X, XI, XII, XIII, Văn phòng Trung ương Đảng,
Hà Nội.
4. Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (2021), Báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2021, Hà Nội.
5. Trần Thị Thanh Bình (2020), Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản, Hà Nội.

Tin liên quan

Tin mới hơn

Hướng đi bền vững để bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống

Hướng đi bền vững để bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống

LNV - Phát triển kinh tế nông thôn không thể bỏ qua vai trò của các làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống. Thực tế cho thấy, làng nghề đã và đang tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ cho người trong độ tuổi lao động mà còn cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em, giúp tăng thu nhập và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo tại nông thôn. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển làng nghề, cần có những hướng đi bền vững.
Văn hóa làng nghề trong văn hóa xứ Nghệ

Văn hóa làng nghề trong văn hóa xứ Nghệ

LNV - Làng nghề truyền thống là một nhân tố quan trọng trong văn hóa vùng miền. Với một vùng văn hóa độc đáo như xứ Nghệ, làng nghề có vai trò to lớn, là bông hoa đẹp trong bức tranh văn hóa chung. Làng nghề thể hiện sự đa dạng của văn hóa, thể hiện tính đặc sắc của địa phương. Và trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển làng nghề hợp lý là hướng đi đúng đắn để gắn bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế.
Phát triển bền vững du lịch làng nghề Thừa Thiên Huế

Phát triển bền vững du lịch làng nghề Thừa Thiên Huế

LNV - Du lịch lễ hội văn hoá, du lịch làng nghề truyền thống là một thế mạnh và nét đặc trưng vốn có của du lịch Thừa Thiên Huế hiện tại và trong tương lai. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống như một chiến lược phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng dân cư địa phương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Gìn giữ tinh hoa làng nghề thời 4.0

Gìn giữ tinh hoa làng nghề thời 4.0

LNV - Người Việt Nam tự hào có những làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, vang danh xứ người. Thế nhưng, theo năm tháng, các làng nghề truyền thống đang ngày càng mai một. Bên cạnh đó, thời đại công nghệ 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho các làng nghề, đòi hỏi công tác duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề cần sự chung tay của nhiều thế hệ và chính quyền các cấp.
Lợi ích của việc bán hàng online với sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Lợi ích của việc bán hàng online với sản phẩm thủ công mỹ nghệ

LNV - Nhiều năm qua, việc bán hàng online đã khá phổ biến với nhiều lĩnh vực và đã quen thuộc với nhiều khách hàng, nhưng trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ rất ít cơ sở tham gia bán hàng online. Cho đến nay, chủ yếu là các cơ sở sản xuất đồ gốm và điêu khắc gỗ bắt đầu thực hiện bán hàng online.
Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

LNV - Bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tăng tốc và phát triển.

Tin khác

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam

LNV - Công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ giúp cho việc mua bán hàng hóa trực tuyến thuận tiện và phổ biến hơn bao giờ hết. Hơn nữa, khi dịch Covid-19 bùng nổ trên nhiều quốc gia với tốc độ lây lan nhanh chóng thì mua bán trực tuyến là giải pháp tối ưu thay thế cho phương thức mua bán truyền thống.
Hà Nội phát triển làng nghề truyền thống, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội phát triển làng nghề truyền thống, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa

LNV - Thành phố Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Lợi ích bán hàng online với sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Lợi ích bán hàng online với sản phẩm thủ công mỹ nghệ

LNV - Nhiều năm qua, việc bán hàng online đã khá phổ biến với nhiều lĩnh vực và quen thuộc với khách hàng, nhưng trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ rất ít cơ sở tham gia bán hàng online. Cho đến nay, chủ yếu là các cơ sở sản xuất đồ gốm và điêu khắc gỗ bắt đầu thực hiện bán hàng online.
Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc kinh doanh online trên nền tảng kỹ thuật số

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc kinh doanh online trên nền tảng kỹ thuật số

LNV - Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng bởi nét tài hoa của những nghệ nhân làng nghề. Với những ai yêu lụa Vạn Phúc khi về nơi đây như được trở lại cội nguồn với nhiều nét xưa cũ. Bao đời nay, lụa Vạn Phúc chỉ sử dụng chất liệu tơ tằm truyền thống, do bàn tay của người lao động tạo nên. Điều đáng quý là các sản phẩm ở đây được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có nhiều ưu điểm khác hẳn với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Những khó khăn cần tháo gỡ của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam ra thị trường quốc tế

Những khó khăn cần tháo gỡ của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam ra thị trường quốc tế

LNV - Quyết định số: 801/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt nam giai đoạn 2021 – 2030” đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN lên 4 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, hàng loạt khó khăn lớn nhỏ cần được tháo gỡ ở mọi khu vực, từ trung ương đến địa phương. Chúng ta có thể điểm qua một số khó khăn cần được ưu tiên tháo gỡ như sau:
Đề xuất giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước ở các làng nghề

Đề xuất giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước ở các làng nghề

LNV - Làng nghề có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn ở nước ta. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, sự phát triển của các làng nghề cũng gây ra hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước thải làng nghề, Việt Nam cần thiết phải có các biện pháp đồng bộ từ chính sách tới giải pháp như quy hoạch lại không gian sản xuất, tổ chức tốt quy trình sản xuất, vệ sinh môi trường, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường... đặc biệt là các giải pháp về kỹ thuật xử lý nước thải với mức đầu tư thấp, dễ vận hành, phù hợp với yêu cầu của làng nghề.
Nâng cao kỹ năng bán hàng online, marketing cho các cơ sở công nghiệp nông thôn làng nghề

Nâng cao kỹ năng bán hàng online, marketing cho các cơ sở công nghiệp nông thôn làng nghề

LNV - Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, sản phẩm làng nghề phải cạnh tranh rất khốc liệt về mẫu mã, chất lượng, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để mở rộng thị trường, ngoài việc bán sản phẩm làng nghề tại các cửa hàng truyền thống, phương thức bán hàng on line ngày càng quan trọng mở ra hướng mới để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Để nâng cao kỹ năng bán hàng online, maketing cho sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ tại các cơ sở công nghiệp nông thôn làng nghề cần thực hiện những bước sau đây:
Thực trạng và giải pháp thương mại điện tử của các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề hiện nay

Thực trạng và giải pháp thương mại điện tử của các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề hiện nay

LNV - Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến. Thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến dần dần đã trở thành những hoạt động cần thiết tại các cơ sở công nghiệp nông thôn, nhất là tại các làng nghề.
Cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc " của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc " của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

LNV - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật là cơ quan xuất bản sách lý luận chính trị Trung ương của Đảng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật đã xuất bản nhiều bộ sách, cuốn sách lý luận chính trị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường nối chủ trương của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Bình Dương: Kỳ vọng có thêm sản phẩm OCOP thủ công mỹ nghệ

Bình Dương: Kỳ vọng có thêm sản phẩm OCOP thủ công mỹ nghệ

OVN - Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, hiện nay, trên địa bình tỉnh đã có 103 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 đến 4 sao. Trong đó, có 93 sản phẩm OCOP 3 sao và 10 sản phẩm OCOP 4 sao.
Tìm hiểu về phòng, chống tham nhũng và đức thanh liêm của người xưa

Tìm hiểu về phòng, chống tham nhũng và đức thanh liêm của người xưa

LNV - Trong xã hội phong kiến Việt Nam, với cấu trúc hệ thống Nhà nước “Quân – Thần – Nhân”, chưa có nền dân chủ, thì tệ quan liêu, hối lộ, nhũng nhiễu, lộng quyền… là phổ biến. Song, ta hãy tìm hiểu xem trong xã hội quân chủ ấy, các triều đại, các vị vua và quan đã làm được gì để chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền, giúp cho ổn định xã hội và quản lý Nhà nước phong kiến, cùng giảm bớt đau khổ cho muôn dân.
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ V

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ V

LNV - Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được thành lập năm 2005, trải qua 4 kỳ đại hội. Hiện Hiệp hội đang hoàn thiện hồ sơ xin phép tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến quý IV năm 2023 tại Hà Nội.
Bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội  “Hội tụ - kết tinh - lan tỏa”

Bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội “Hội tụ - kết tinh - lan tỏa”

LNV - Hà Nội vốn nổi tiếng vùng đất “Địa linh nhân kiệt” và Hà Nội đẹp, thơ mộng không chỉ bởi vẻ đẹp của 36 phố phường mà còn nổi bật bởi những làng nghề truyền thống nổi tiếng đã đi vào trong sử sách, thơ ca. Hà Nội – mảnh đất trăm nghề hội tụ đã tạo nên giá trị của một nền văn hóa.
Thực trạng và giải pháp phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn

Thực trạng và giải pháp phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn

LNV - Trong những năm qua, làng nghề, ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn một cách bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kết nối văn hoá biển Quảng Ninh - Hải Phòng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Kết nối văn hoá biển Quảng Ninh - Hải Phòng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

LNV - Hải Phòng là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; đứng thứ hai trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cùng với thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng là một trong ba đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Trong sáng kiến hợp tác kinh tế “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, thành phố Hải Phòng là một trung tâm kinh tế quan trọng.
Xem thêm
qc-vinamilk-100-thanh-trung
Mới nhất Đọc nhiều
Nguyễn Duy Cường – người “thổi hồn” vào gỗ

Nguyễn Duy Cường – người “thổi hồn” vào gỗ

LNV - Với dáng người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tháo vát – đúng phong thái của một người thợ thủ công làng nghề. Anh Nguyễn Duy Cường được sinh ra và lớn lên tại làng nghề điêu khắc gỗ Dư Dụ (xã Thanh Thùy – Thanh Oai – Hà Nội). Niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc gỗ gần như ăn vào “máu thịt”. Anh là một người có tay nghề giỏi trong làng, anh gắn bó với nghề gần 30 năm nay. Anh đã lặng lẽ biến những khúc gỗ vô tri vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật sống động có giá trị nghệ thuật cao.
Dưa lưới Thắng Tân: Nói không với thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc

Dưa lưới Thắng Tân: Nói không với thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc

LNV - Những năm gần đây, vấn nạn “thực phẩm bẩn” đang là nỗi lo của cả xã hội, khi một số bộ phận người dân vì lợi ích cá nhân đã đem ra thị trường bán những thực phẩm không rõ nguồn gốc, được ngâm, tẩm hóa chất, phun chất kích thích sinh trưởng…
Mặn mòi vị muối Bạc Liêu

Mặn mòi vị muối Bạc Liêu

LNV - Hàng năm, khi con nước nổi cuối cùng rút xuống để lại lớp phù sa màu mỡ đôi bờ, từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa khô chạm khẽ những cơn nắng đầu tiên vào miền Tây. Lúc này, Bạc Liêu đẹp nhất khi từng cánh đồng muối trở nên nhộn nhịp, diêm dân tất bật vào vụ thu hoạch.
Bình Định: Hoài Nhơn phát triển sản phẩm OCOP

Bình Định: Hoài Nhơn phát triển sản phẩm OCOP

OVN - Từ năm 2024 đến năm 2025, thị xã Hoài Nhơn tập trung phát triển sản phẩm OCOP thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm, nhằm khẳng định sản phẩm có thương hiệu, uy tín, đưa sản phẩm OCOP của thị xã đến với thị trường trong cả nước và hướng đến xuất kh
Cao Bằng: Nghệ nhân giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Cao Bằng: Nghệ nhân giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

LNV - Với 48 năm trong nghề, bà Nông Thị Thược ở xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng, Cao Bằng) là người dệt thổ cẩm dân tộc Tày đầu tiên ở Cao Bằng được phong tặng Nghệ nhân làng nghề truyền thống.
qc-vinamilk-dinh-duong-vang
vf
ban-qlda-dau-tu-xay-dung-huyen-quan-son
the-92-coffee
cong-ty-tnhh-xay-dung-va-thuong-mai-duy-thang
cong-ty-tnhh-xay-dung-manh-truong-son
cong-ty-co-phan-tan-phong
dang-uy-ubnd-mttq-huyen-yen-thanh-nghe-an
cong-ty-tnhh-mtv-tan-anh
chao-mung-70-nam-chien-thang-dbp-49-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-138-nam-ngay-qtld
Giao diện di động