Nam Định: Làng Bịch giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống
Cầu ngói làng Bịch, xã Minh Thuận (Vụ Bản).
Theo cuốn “Lịch sử phát triển xã Minh Thuận”, làng Bịch có từ thời Hùng Vương, nổi tiếng là một làng quê trù phú. Cũng như nhiều làng cổ khác trong huyện Vụ Bản, làng Bịch có cảnh quan đẹp, phong thủy hữu tình. Làng có 1 ngôi đình nằm ở giữa làng, gần chợ nên người dân quen gọi là Đình Chợ, có 2 cung xây theo kiểu chữ Nhị. Cung đệ nhất gồm 5 gian bằng gỗ, các xà nóc, câu đầu được chạm trổ hoa văn đơn giản là nơi thờ Thành hoàng làng và các vị thần của làng. Cung ngoài là tiền đình gồm 5 gian, 2 chái. Trước kia, những năm được mùa, đến ngày hội làng, dân làng tổ chức lễ hội, rước kiệu các Nữ thần từ các phủ, miếu quanh làng về Đình Chợ để tế lễ và tổ chức các hoạt động vui chơi, ca hát từ 3-10 ngày. Cách Đình Chợ không xa là Đền thờ Câu Mang Đại Vương - vị thủy thần thời Hùng Duệ Vương. Hàng năm, vào ngày 30-3 âm lịch (ngày sinh) và ngày rằm tháng 7 âm lịch (ngày hóa) của Câu Mang Đại Vương, người dân làng Bịch lại tổ chức các hoạt động tế lễ trang trọng nhằm tri ân công lao trị thủy, giúp dân đánh giặc của ông. Trước Đền thờ Câu Mang Đại Vương là cây cầu Bịch cổ kính làm bằng chất liệu ngói và gỗ. Cầu bắc qua một lạch nước chảy ra sông Tiểu Liêm và sông Sắt. Vào thời Trần, trên hai tuyến sông này có nhiều thuyền bè đi lại, vận chuyển hàng hóa, lúa gạo vào Hành cung Thiên Trường. Cầu làng Bịch có dáng dấp “thượng gia, hạ trì” (trên là nhà, dưới là nước) dài hơn 20m, 7 gian, mái lợp ngói nam, dựng bằng cột lim vững chãi. Hai bên thành cầu là 2 hàng ghế để khách bộ hành nghỉ chân. Trên cầu có một khám thờ nhỏ, đặt bát hương, tương truyền thờ phụng bà chúa nước - Thủy tinh Công chúa. Cầu làng Bịch không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mà còn là địa điểm vui chơi của đám trẻ làng với các trò chơi dân gian, các cụ già ngồi uống nước chè, ngâm thơ, chơi cờ tướng… Cầu ngói làng Bịch là cây cầu có mái còn lại duy nhất ở huyện Vụ Bản và là 1 trong 4 cây cầu cổ nổi tiếng của tỉnh hiện vẫn bảo lưu được kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Nằm cách cầu ngói không xa là Chùa làng Bịch (tên chữ An Minh tự). Chùa 7 gian, xây theo kiểu chữ Công, phong cách kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Chùa hiện còn lưu giữ 3 văn bia thời Tự Đức 22 (1869). Trong Phật điện có nhiều tượng đẹp, đồ sộ như: tượng Cửu Long, tượng Phật Quan Âm. Bên trái chùa là nhà thờ tổ, phủ thờ Tam tòa Thánh Mẫu có tuổi đời trên 100 năm. Ngoài ra, làng Bịch còn có Điện thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Có thể thấy, làng Bịch là vùng đất cổ đậm đặc các di sản văn hóa vật thể phong phú, đa dạng gồm tổng thể các công trình tín ngưỡng thờ cúng dân gian của làng quê Việt Nam. Trong số các đình, đền, chùa, phủ, miếu, điện ở làng Bịch thì Đền làng Bịch là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nhất. Đây là nơi thờ phụng Vua Đinh Tiên Hoàng và vợ chồng danh tướng thời nhà Đinh có công mở mang làng Bịch cách đây hơn 1.000 năm, được nhân dân suy tôn là thánh, thần. Đó là Khai Thiên Đại Vương và Quế Hoa Công chúa (tức Tướng quân Lê Khai và phu nhân Trần Thị Quế). Không chỉ có công lao khai khẩn cải tạo vùng đất trũng thành ruộng cấy, giúp dân sản xuất, vợ chồng Tướng quân Lê Khai và Trần Thị Quế còn cùng người dân địa phương xây thành, hào để làm căn cứ; quy tụ người dân tham gia nghĩa quân cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Cạnh đền làng Bịch còn có am thờ và lăng mộ Quế Hoa Công chúa. Tại Đền làng Bịch hiện còn bảo lưu được nguyên vẹn thần phả của Tướng quân Lê Khai và phu nhân Trần Thị Quế cùng 23 đạo sắc phong từ thời Vĩnh Trị đến thời Tây Sơn. Lễ hội Đền làng Bịch được dân làng tổ chức thường niên vào tháng Giêng với các nghi thức tế lễ và những sinh hoạt văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian đặc sắc. Trong đó, ngày mồng 6 tháng Giêng có tục dâng Thánh bằng các lễ vật gồm: bánh dầy nướng, chè kho, hoa quả... Bánh dầy được dân làng làm nặng chừng 1,5kg, cắt lát, tỉa thành hình voi, ngựa, gà, đầu rồng rồi được nướng cho nở phồng, tô màu sắc sặc sỡ để dâng Thánh. Từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng diễn ra lễ Khánh hạ (Kỳ phúc). Trong lễ hội có các nghi thức rước kiệu quanh làng rồi về đình để tế lễ. Kèm theo phần lễ, các hoạt động phần hội cũng diễn ra rất sôi nổi như: thi đấu cờ tướng, vật võ, múa roi vào ban ngày, hát chèo vào buổi tối.
Ngoài lễ hội Đền làng Bịch tổ chức vào tháng Giêng, những tục lệ đầu năm như: tục lệ trong đêm Trừ tịch, lễ Thần Nông, lễ Thượng điền, lễ Hạ điền, lễ Tân thường (cơm mới) hay cúng rằm tháng Giêng, cúng Thổ công từ xa xưa cũng được nhân dân ở địa phương lưu giữ, bảo tồn. Lễ Thượng điền (hội giằng cột xẻ) rất sôi nổi. Người dân dựng cây nêu cao khoảng 4m; thân cây quấn giấy xanh, đỏ; ngọn cây buộc lông đuôi gà trống và cờ ngũ sắc sặc sỡ. Sau khi tế trời đất và các vị thần xong, chủ tế cầm cây nêu lễ tạ rồi dựng cây nêu ở sân đền. Trai làng đầu chít khăn đỏ, đóng khố vàng chạy ra sân tranh nhau cây nêu. Người giành được cây nêu sau đó chạy đến khu ruộng cấy lúa cách đền 300m để cắm xuống. Sau lễ Thượng điền là lễ Hạ điền, dân làng nô nức xuống đồng đầu xuân với mong muốn một năm mới cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Khi nói đến văn hoá truyền thống làng Bịch, không thể không nhắc tới phiên chợ quê truyền thống. Chợ Bịch tương truyền có từ thời nhà Đinh do bà Trần Thị Quế lập ra trong lúc chuẩn bị lương thảo phục vụ nghĩa quân của Tướng quân Lê Khai tập luyện. Chợ có đình và lều quán buôn bán sầm uất khu vực miền thượng huyện Vụ Bản. Thời gian đầu chỉ là những phiên họp nhỏ với ít người trong vùng, hàng hóa chủ yếu là tại các địa phương lân cận trao đổi, buôn bán. Chợ Bịch ngày nay họp tất cả các ngày trong tháng, hàng hóa phong phú của các vùng miền.
Cùng với các di sản văn hoá, làng Bịch còn bảo lưu được các giá trị văn hóa thông qua việc duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ. Người dân ai cũng ý thức thực hiện quy định nếp sống văn hóa. Nhiều thuần phong mỹ tục truyền thống vẫn được duy trì qua việc thực hiện hương ước. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã góp phần bồi dưỡng, gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống như: lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước của người dân làng Bịch từ xưa đến nay. Dòng họ Đào là dòng họ lớn nhất làng, có từ đường dòng họ cổ kính thờ tổ Đào Đăng Soạn. Dòng họ Đào Duy có truyền thống về y học. Thời Lê - Nguyễn dòng họ có nhiều người được vào chữa bệnh cho người trong Hoàng cung. Ngày nay, nhiều con cháu trong dòng họ Đào Duy là những y, bác sĩ giỏi. Dòng họ Nguyễn có truyền thống hiếu học với nhiều người thi đỗ khoa cử, nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Làng Bịch là làng có nhiều người học hành đỗ đạt cao nhất ở xã Minh Thuận. Với truyền thống hiếu học, hoạt động khuyến học - khuyến tài trong các dòng họ ở làng Bịch đang ngày càng được phát huy.
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM ở làng Bịch được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều năm liền làng Bịch giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”./.
Khánh Dũng/báo Nam Định
Tin liên quan
Tin mới hơn
Giải pháp phát triển thủ công mỹ nghệ bền vững
09:24 | 09/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
Một số nghề thủ công truyền thống của người Mường ở Tân Lạc Hòa Bình
09:23 | 09/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
Cần đa dạng mẫu mã sản phẩm làng nghề để đẩy mạnh xuất khẩu
13:51 | 06/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
Thực trạng xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam
09:08 | 28/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Cần sự gắn kết giữa nhà sản xuất, nhà thiết kế mẫu mã sản phẩm, mẫu bao bì và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ
11:00 | 26/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Vì sao ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được giải quyết triệt để?
08:56 | 14/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Tin khác
Làng nghề Bát Tràng là thành viên mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu
13:43 | 07/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Thực trạng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam
08:50 | 04/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Marketing, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề
09:26 | 25/10/2024 Nghiên cứu trao đổi
Diện mạo Thủ đô Hà Nội sau 70 năm giải phóng - Tầm nhìn tương lai
13:48 | 11/10/2024 Nghiên cứu trao đổi
Hiệp định FTA "cơ hội vàng" cho doanh nghiệp làng nghề xuất khẩu
09:55 | 30/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Phát triển làng nghề truyền thống: Cần có sự quan tâm cụ thể hơn từ phía Nhà nước
11:18 | 16/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Phát triển bền vững làng nghề gốm gắn với du lịch
17:27 | 13/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Giải pháp đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc
11:04 | 11/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Nhận diện đặc trưng làng nghề gốm khu vực
11:21 | 10/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng gốm truyền thống miền Trung: Bảo tồn và phát huy giá trị hướng đến du lịch cộng đồng (Kỳ I)
10:44 | 01/08/2024 Nghiên cứu trao đổi
Quản lý và giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề
15:14 | 26/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Nghề dệt cổ truyền của người Thái ở Tây Bắc trong cuộc sống hiện đại
07:36 | 25/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Gốm cổ Quảng Đức di sản văn hóa tiêu biểu
14:26 | 11/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Tìm giải pháp phát triển làng nghề gắn với văn hóa, du lịch
09:11 | 05/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Cuốn sách của tư duy, tầm nhìn và sự tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam
09:54 | 24/06/2024 Nghiên cứu trao đổi
Khai mạc hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tại huyện Ba Vì
15:13 Tin tức
Sáng kiến Tủ sách Tiếng Việt đạt giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X
15:10 Tin tức
Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: Trình chiếu 8 bộ phim đặc sắc
15:09 Tin tức
Cu Đơ Ông Bà Thư Viện - Mật ngọt gừng cay thấm đượm tấm lòng người dân xứ Nghệ
09:00 Làng nghề, nghệ nhân
Hòa Bình: Khởi nghiệp từ trồng rau sạch
15:15 Khởi nghiệp