Làng nghề khai thác các hiệp định thương mại tự do
Cho đến nay, đã có 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) được nước ta ký kết với các nước trên thế giới và đã có hiệu lực. FTA có nghĩa là hiệp định về “khu vực mậu dịch tự do”, là một hình thức xóa bỏ những rào cản thuế quan nhằm liên kết, xây dựng và hình thành thị trường thống nhất về cả hàng hóa lẫn các loại dịch vụ, tạo nền tảng kết nối và phát triển kinh tế khu vực. Đối với nước ta, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Trong các FTA, ngoài thương mại, còn có một số nội dung khác như: Đầu tư, lao động... Dưới đây, xin giới thiệu tóm tắt về thương mại trong những FTA quan trọng nhất (theo các thông tin đăng trên sách, báo).
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện nay, bao gồm 15 quốc gia (10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc), một thị trường khổng lồ với 2,2 tỷ người chiếm 30% dân số thế giới, với GDP 27.000 tỷ USD chiếm 30% GDP toàn cầu. Hiệp định RCEP đã kết thúc đàm phán vào tháng 11/2020 và hy vọng các nước tham gia sẽ ký kết và có hiệu lực vào đầu năm 2022. Theo các chuyên gia, việc hình thành RCEP sẽ là khuôn khổ ràng buộc pháp lý về nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Với Việt Nam, Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định trong dài hạn, đặc biệt là đối với nhiều loại hàng Việt Nam có thế mạnh như: Sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến; Dịch vụ logistics, viễn thông.
“Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương” (CPTPP). Hiệp định này gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP chiếm 15% GDP và 15% giá trị thương mại toàn cầu. Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại Chile; Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/01/2019.
Theo CPTPP, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada và Australia giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tác động tích cực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nước ta. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tham gia CPTPP sẽ giúp tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn; Các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn sẽ là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và một số trang thiết bị khác.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 6/2020 với 27 nước châu Âu (EU). EVFTA sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Cùng với EVFTA, còn có Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) với EU, bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư sẽ góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU. Hiện nay, EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là giày dép; Hàng dệt may; Thủy sản; Cà phê, hạt điều; Đồ gỗ; Máy vi tính, điện thoại và các loại và linh kiện; Túi xách, ví, vali; Mũ và ô dù; Sản phẩm từ thép; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Máy móc, thiết bị. Sau một thời gian, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu; Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.
Trên đây là những điểm chính về thương mại trong ba FTA quan trọng nhất cho đến nay. Có thể rút ra hai nhận xét sau đây.
Một là, bằng việc giảm mạnh thuế suất nhập khẩu, các FTA đã tạo thuận lợi rất lớn cho hàng Việt Nam, trong đó có sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề mở rộng xuất khẩu. Ví dụ như với EVFTA, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Hai là, về quy tắc xuất xứ. Trước khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng dệt may, da giày xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc không được hưởng ưu đãi thuế quan; Tương tự như Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản về sản xuất hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng khi thực thi RCEP, thì toàn bộ hàng hóa có nguồn gốc nguyên vật liệu từ các thành viên đều được hưởng mức thuế ưu đãi 0%, cũng có nghĩa là thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan, mang lại lợi thế rất lớn cho các mặt hàng này.
Đương nhiên, khi thực hiện các FTA, hàng hóa xuất khẩu của làng nghề chúng ta cũng không chỉ có thuận lợi, mà sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ hai phía: (i) Các nước sẽ thực hiện các hàng rào phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa nội địa của họ; (ii) Những nước có hàng thủ công đồng dạng với nước ta sẽ tìm mọi cách để cạnh tranh với chúng ta.
Biện pháp chủ yếu: Nâng cao sức cạnh tranh
Trong tình hình mới, để khai thác có hiệu quả các thị trường trong FTA, biện pháp chủ yếu là các làng nghề phải nâng cao sức cạnh tranh của hàng thủ công xuất khẩu, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ. Quan điểm xuyên suốt là thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề với sức sáng tạo vô tận của nghề thủ công nước ta, coi đây là cội nguồn và niềm tự hào tạo nên sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề chúng ta.
Trong khi thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Chính phủ số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa chống dịch, vừa từng bước khôi phục và phát triển sản xuất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề cần triển khai các hoạt động trên các mặt. (i) Trước hết là nghiên cứu các FTA, tìm hiểu sâu các quy định, qua đó phân tích những thuận lợi, khó khăn đối với các mặt hàng của cơ sở và đề ra các biện pháp xử lý phù hợp; Nhất là trong tình hình mới, các nước đều yêu cầu sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; (ii) Thực hiện đồng bộ các biện pháp: Cơ cấu lại sản phẩm; Tăng cường khâu thiết kế; Tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; Nâng cao kiến thức cho đội ngũ lao động, nhất là nghệ nhân; Khắc phục ô nhiễm môi trường... trên nền tảng ứng dụng từng bước công nghệ 4.0. Đó là những biện pháp lâu nay đã được đề cập, nay cần thực hiện hiệu quả hơn với những đột phá mới. Thời gian qua, đã có những cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề trong cả nước chuyển hướng kịp thời, đạt được nhiều kết quả rất đáng biểu dương.
Dưới đây, để khai thác hiệu quả các FTA, xin nhấn mạnh thêm về hai vấn đề đang được đặt ra trong tình hình mới cần được các làng nghề quan tâm.
Tìm hiểu về văn hóa tiêu dùng của các nước đối tác. Trong điều kiện bình thường, văn hóa tiêu dùng của mỗi nước vẫn là một nhân tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến chiến lược kinh doanh của cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề chúng ta, đặc biệt là bốn chính sách: Chính sách sản phẩm, chính sách giá cả, chính sách phân phối và chính sách xúc tiến thương mại. Ngày nay, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều vấn đề đang cần những nhận thức mới, trong đó có văn hóa tiêu dùng của các nước đối tác. Khi thực hiện các hiệp định thương mại FTA, lại càng cần quan tâm nghiên cứu sâu hơn nữa văn hóa tiêu dùng của từng đối tác trong hiệp định.
Theo các chuyên gia, văn hóa tiêu dùng là một thành tố của văn hóa nói chung, bao gồm tổng thể các yếu tố triết lý, giá trị, chuẩn mực, tâm lý tiêu dùng, biểu hiện qua hành vi tiêu dùng của cá nhân, nhóm, cộng đồng nhất định. Nghiên cứu văn hóa tiêu dùng tức là nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, thói quen tiêu dùng, phương thức thanh toán của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tiêu dùng. Nghiên cứu văn hóa tiêu dùng là một khâu quan trọng trong nghiên cứu thị trường, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề đưa ra các sản phẩm phù hợp với sở thích cá nhân, nhóm xã hội và bản sắc văn hóa của dân tộc các FTA, nhằm thu được lợi nhuận cao và kinh doanh bền vững.
Xin nêu một ví dụ. Theo các nhà nghiên cứu, do mức sinh hoạt cao, nên đa số người tiêu dùng Nhật Bản đặt yêu cầu cao về chất lượng, độ bền, độ tin cậy và sự tiện dụng khi mua sắm; chú trọng dịch vụ hậu mãi. Người Nhật thích nhưng sản phẩm nhỏ, xinh xắn hơn là những thứ cồng kềnh;Thích gam màu nhẹ nhàng, thanh lịch. Họ sẵn sàng trả tiền nhiều cho một món hàng mà mình ưa thích, nhưng lại yêu cầu sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, những sản phẩm có thương hiệu.
Thực hiện tăng trưởng xanh, lối sống xanh. Ngày 1/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Đây là một chủ trương mới rất quan trọng phù hợp với xu hướng chung của thế giới và đòi hỏi của các FTA.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
Đối với các ngành kinh tế, Chiến lược đặt ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đối với đời sống nhân dân, Chiến lược đặt mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới bảo đảm tăng trưởng xanh, bền vững.
Thực hiện các FTA, đồng thời là triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp phấn đấu nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng. Cần sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch (ví dụ dùng gaz thay than); Đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Để bảo vệ môi trường, làng nghề cũng cần thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa: Thay thế túi nilông bằng túi giấy, túi vải; Thay thế các chai nước nhựa, hộp cơm, bát, đĩa, thìa, cốc nhựa… bằng các sản phẩm làm bằng thủy tinh hoặc sứ, hình thành lối sống xanh trong làng nghề văn hóa chúng ta.
CGCC Vũ Quốc Tuấn
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn – Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Tin liên quan
Tin mới hơn
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ
09:22 | 17/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
Giải pháp phát triển thủ công mỹ nghệ bền vững
09:24 | 09/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
Một số nghề thủ công truyền thống của người Mường ở Tân Lạc Hòa Bình
09:23 | 09/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
Cần đa dạng mẫu mã sản phẩm làng nghề để đẩy mạnh xuất khẩu
13:51 | 06/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
Thực trạng xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam
09:08 | 28/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Cần sự gắn kết giữa nhà sản xuất, nhà thiết kế mẫu mã sản phẩm, mẫu bao bì và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ
11:00 | 26/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Tin khác
Vì sao ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được giải quyết triệt để?
08:56 | 14/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng nghề Bát Tràng là thành viên mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu
13:43 | 07/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Thực trạng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam
08:50 | 04/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Marketing, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề
09:26 | 25/10/2024 Nghiên cứu trao đổi
Diện mạo Thủ đô Hà Nội sau 70 năm giải phóng - Tầm nhìn tương lai
13:48 | 11/10/2024 Nghiên cứu trao đổi
Hiệp định FTA "cơ hội vàng" cho doanh nghiệp làng nghề xuất khẩu
09:55 | 30/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Phát triển làng nghề truyền thống: Cần có sự quan tâm cụ thể hơn từ phía Nhà nước
11:18 | 16/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Phát triển bền vững làng nghề gốm gắn với du lịch
17:27 | 13/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Giải pháp đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc
11:04 | 11/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Nhận diện đặc trưng làng nghề gốm khu vực
11:21 | 10/09/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng gốm truyền thống miền Trung: Bảo tồn và phát huy giá trị hướng đến du lịch cộng đồng (Kỳ I)
10:44 | 01/08/2024 Nghiên cứu trao đổi
Quản lý và giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề
15:14 | 26/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Nghề dệt cổ truyền của người Thái ở Tây Bắc trong cuộc sống hiện đại
07:36 | 25/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Gốm cổ Quảng Đức di sản văn hóa tiêu biểu
14:26 | 11/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Tìm giải pháp phát triển làng nghề gắn với văn hóa, du lịch
09:11 | 05/07/2024 Nghiên cứu trao đổi
Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân - Ninh Bình
14:17 Làng nghề, nghệ nhân
Nuôi hươu lấy nhung: Điểm sáng kinh tế của Hương Sơn
14:16 OCOP
Huyện Lộc Bình: Lực lượng vũ trang tích cực góp sức xây dựng nông thôn mới
14:12 Nông thôn mới
Chào năm đặc biết 2025!
14:11 Tin tức
Huyện Ba Vì (Hà Nội) : Tổ chức Lễ công bố nghị quyết của UBTV Quốc Hội về việc thành lập xã Phú Hồng
10:29 Tin tức