Làng dệt trong lòng thành phố
Bà Trương Thị Hoa kiểm tra sản phẩm dệt thủ công của gia đình.
Một thời hoàng kim
Mấy phố nhỏ ở làng dệt Bảy Hiền bây giờ thấy còn khá ít nhà làm nghề dệt sử dụng khung cửi. Tiếng lạch cạch, xinh xích của khung dệt chỉ nghe văng vẳng, chứ không ồn ào, rộn rã như trước đây. Cụ Nguyễn Thị Huê, 80 tuổi, có lẽ là nghệ nhân nhiều tuổi nhất ở làng dệt, và cũng là một trong rất ít nghệ nhân theo trọn từng bước thăng trầm của làng nghề Bảy Hiền. Tuổi đã cao, cụ Huê vẫn minh mẫn, nhưng mắt đã kém, tay đã run và mấy năm nay, cụ không còn đứng dệt bên khung cửi. Nhấp chén trà, cụ hào hứng kể về quá khứ của làng dệt Bảy Hiền. Tất cả đọng lại trong cụ là những ký ức đẹp đẽ của một thời hoàng kim, đã xa nhưng tưởng như còn gần lắm. Sinh ra tại một xã nổi tiếng về nghề dệt ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam), 10 tuổi, như bao đứa trẻ trong làng, cụ được học xe chỉ, đưa thoi từ bố mẹ, người thân. Những năm 50 - 60 thế kỷ trước, chiến tranh ác liệt, mảnh đất Quảng Nam bị tàn phá, thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống của người dân ngày càng cơ cực. Nhiều người ở một số huyện di cư vào nam, chọn mảnh đất nay là phường 11 (quận Tân Bình) làm nơi sinh cơ, lập nghiệp, tạo nên một “xứ Quảng” thu nhỏ ngay giữa lòng đô thị.
Mới đầu, người dân vẫn chủ yếu mưu sinh bằng nghề bán mì Quảng, làm thuê, đạp xích-lô. Dần dần, một số hộ dân nhớ nghề dệt cũ ở quê hương, quyết tâm xây dựng nên một làng dệt đậm nét Quảng ngay giữa đất Sài Gòn. “Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu những người dân nơi đây gây dựng nên thương hiệu dệt Bảy Hiền. Hồi mới vào nam lập nghiệp, mang theo được đồ dùng thiết yếu đã khó, nói chi mang theo khung cửi. Thế là chúng tôi phải mất công tìm đến những gia đình có nghề mộc cũng ở Quảng Nam chuyển vào, theo trí nhớ mà thiết kế lại khung cửi. Những khung cửi đầu tiên được tạo ra, ai cũng tràn đầy xúc động vì lại được nghe tiếng lạch cạch quen thuộc của quê hương”, cụ Huê nhớ lại.
Theo một số nghệ nhân ở làng dệt Bảy Hiền, lúc mới làm, chỉ, sợi còn thiếu cho nên các hộ ở đây chỉ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đến năm 1965, nguyên vật liệu được người dân nhập về từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, lúc này nghề dệt ở Bảy Hiền dần khởi sắc. Cứ thế, qua bao năm tháng, lớp trước truyền nghề cho lớp sau, kỹ thuật dệt ngày càng được cải tiến, thương hiệu dệt Bảy Hiền trở nên nổi tiếng nhất nhì thành phố. Sản phẩm của Bảy Hiền được ưa chuộng không chỉ bởi chất lượng tốt mà còn nằm ở sự đơn giản, không mầu sắc, hoa văn, mang đậm nét tính cách giản dị, mộc mạc của những người con xứ Quảng. Vải áo, quần, vải bông nơi đây không chỉ tiêu thụ trong nội thành, các tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn được xuất khẩu đi một số nước trên thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Vào những năm 1980-1990, làng dệt Bảy Hiền phát triển cực thịnh với khoảng 4.000 lao động, sản lượng làm ra lên đến 35 triệu mét vuông vải mỗi năm.
Nhớ về thời hoàng kim của làng dệt Bảy Hiền, bà Trương Thị Loan, một nghệ nhân đã có gần 40 năm kinh nghiệm cho biết, trước đây, khi vào làng, gần như chỉ nghe thấy tiếng khung cửi. Không khí làm việc lúc nào cũng hối hả, khẩn trương. Vải ở đây được ưa chuộng vì sản xuất hoàn toàn thủ công cho nên thành phẩm không bóng sáng mà rất mềm mượt, lại không có hóa chất. Hàng sản xuất ra không kịp cho nhu cầu của thương lái khắp nơi đổ về. Nhờ đó, những gia đình xứ Quảng làm nghề dệt đều có cuộc sống sung túc, khấm khá. Nghề dệt phát triển cũng đã kéo theo một lượng đông đảo những người làm nghề phụ trợ như bán sợi tơ, may gia công từ đất Quảng Nam chuyển vào. “Xứ Quảng” ở thành phố thay da, đổi thịt từng ngày, với cảnh đông đúc, náo nhiệt. Người dân cũng rất biết cách nắm bắt thị trường để cải tiến máy móc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, vì thế đầu ra luôn ổn định. “Hồi đó, nhắc đến vải dệt, người dân thành phố nghĩ ngay đến Bảy Hiền. Ai cũng tự hào vì nghề dệt không chỉ giúp cộng đồng người Quảng Nam ở TP Hồ Chí Minh phát triển về kinh tế mà còn phát huy được giá trị văn hóa truyền thống xứ Quảng quê hương trên vùng đất mới”, bà Loan chia sẻ.
Làm gì để duy trì làng nghề?
Bây giờ, đến làng dệt Bảy Hiền, nhắc đến quá khứ huy hoàng, người dân ở đây không ai không tự hào. Nhưng khi nghĩ về tương lai, làng dệt sẽ đi về đâu, những nghệ nhân cao tuổi không ai giấu nổi sự bâng khuâng. Làm gì để duy trì làng nghề là câu hỏi khó với những người làm nghề. Đến thăm xưởng dệt thủ công của bà Trương Thị Hoa cũng là lúc bà và các con đang mải mê với con thoi, đường tơ, sợi chỉ. Biết có khách đến tìm hiểu về làng nghề, bà Hoa dừng tay, chỉ vào mấy chiếc máy ở góc không hoạt động cười buồn: “Trước chạy cả chục máy, bây giờ nhiều máy phải đắp chiếu vì hàng sản xuất ra bán chậm lắm!”.
Gia đình bà Hoa là một trong ít nhà ở Bảy Hiền còn giữ lại khung cửi truyền thống. Theo bà Hoa, khoảng những năm 1993 trở về sau, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hàng Trung Quốc xuất hiện ngày một nhiều, dù độ bền không bằng vải của Bảy Hiền, nhưng mẫu mã đẹp, giá lại rẻ hơn hẳn, khiến thị trường của nghề dệt nơi đây bị thu hẹp, hàng sản xuất ngày càng khó bán. Nhiều gia đình đã bỏ khung cửi, tìm nghề khác để mưu sinh. Có nhà tích góp được nhiều vốn lớn, chấp nhận đầu tư hàng trăm triệu đồng sắm máy dệt kim để sản xuất. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra cũng không cạnh tranh nổi trên thị trường, tiền bán vải không bù nổi tiền máy móc, trả công thợ. Lớp trẻ sinh ra và lớn lên tại đây cũng không mấy mặn mà với nghề dệt truyền thống của cha ông. Bởi thế, Bảy Hiền thưa dần tiếng khung cửi, tiếng máy dệt.
Từ một làng nghề tấp nập, đông đúc, lúc nào cũng vang vang tiếng máy dệt, nơi đây chỉ còn hơn chục hộ theo nghề, phần nhiều cũng chỉ vì tình yêu đối với nghề, thu nhập rất bấp bênh. “Nhiều lúc cũng định buông tay, vì thu nhập mang lại từ nghề dệt chỉ được vài triệu đồng một tháng, con cái phải kiếm thêm nghề khác để sống. Nhưng đã hơn 30 năm tôi gắn bó với khung cửi, bỏ không đành. Vì làm cầm chừng cho nên nhiều đêm cho máy nghỉ, không nghe tiếng rền đều đều của khung cửi tôi không ngủ được... Tiếc nuối nhưng không biết làm sao”, bà Hoa chia sẻ.
Anh Đình Chính (30 tuổi) là một trong những thợ dệt trẻ ở làng nghề Bảy Hiền. Chính cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở Bảy Hiền, đến anh đã là đời thứ ba làm nghề dệt vải. Tiếng máy móc, tiếng con thoi đã theo anh từ tấm bé. Lớn lên, anh cũng muốn kế tục nghề truyền thống nơi đây. Tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, anh cùng gia đình đầu tư máy dệt kim, để có sản lượng sản phẩm lớn hơn, giá thành rẻ hơn, tuy nhiên, vì thị trường cạnh tranh khốc liệt cho nên việc sản xuất cũng không ổn định, không ít lần sản xuất ra nhiều, không bán được, dẫn đến hàng tồn, thua lỗ. Nói về lớp trẻ kế tục, nghệ nhân Nguyễn Thị Huê không khỏi bâng khuâng: “Bây giờ chẳng mấy cháu làm nghề này nữa đâu. Suốt ngày phải đứng bên khung cửi, công việc rất vất vả mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Là nghề truyền thống, nhưng cũng chỉ là công việc chân tay, trong khi bây giờ lớp trẻ được học hành đầy đủ, lại có rất nhiều công việc khác để làm, thu nhập cao hơn hẳn. Ngày xưa, nhiều người đến xưởng dệt của tôi xin học việc, nhưng đã nhiều năm nay, chẳng thấy ai. Nghĩ đến tương lai của làng nghề thấy buồn lắm. Chỉ mong trước khi tôi nhắm mắt vẫn còn nghe được tiếng khung cửi”.
Theo Chủ tịch UBND phường 11 (quận Tân Bình) Đỗ Thành Danh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc làng dệt Bảy Hiền dần mai một là do bây giờ có nhiều máy móc hiện đại hơn, tự động hóa gần như hoàn toàn cho nên nhiều xưởng dệt mới ra đời, sản phẩm cần rất ít nhân công, giá thành rẻ hơn hẳn. Trong khi đó, với nghề dệt thủ công, phải cần nhiều người đứng máy, tốn nhân lực mà sản phẩm làm ra không nhiều. Đứng trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nếu không có những định hướng hợp lý, những máy móc thủ công ở Bảy Hiền sẽ dần bị thất thế. “Trong khi thu nhập từ nghề dệt truyền thống bây giờ rất thấp. Muốn giữ được làng nghề, phải lo được cuộc sống của những người làm nghề. Tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo phường cũng rất trăn trở trong việc gìn giữ, bảo tồn làng nghề truyền thống. Trước mắt, cần tìm hướng phát triển kinh tế cho những hộ còn giữ nghề truyền thống, để họ có thể vừa giữ được đam mê với khung cửi, con thoi, vừa bảo đảm được cuộc sống. Sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan sẽ là điều kiện, động lực giúp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề dệt Bảy Hiền”, ông Đỗ Thành Danh chia sẻ.
Chúng tôi rời làng dệt Bảy Hiền khi tiếng khung cửi vẫn còn dồn dập. Nghề vẫn đang được những nghệ nhân, những người thợ tâm huyết nơi đây gìn giữ, trân trọng. Thế nhưng chỉ chừng đó là không đủ. Phải có hướng đi cụ thể, để phát triển làng nghề, như lời một nghệ nhân già đã chia sẻ: “Vải dệt thủ công không cạnh tranh được, thì chuyển hướng, làm du lịch chẳng hạn. Tôi thấy không ít du khách, trong nước có, nước ngoài có, khi đến đây, họ rất thích thú với những chiếc khung cửi, con thoi đậm chất truyền thống của người Việt Nam. Khi những giá trị văn hóa được gìn giữ, được trân trọng, thì chắc chắn sẽ có hướng phát triển”.
Bài và ảnh: Hoàng Mộc Lan
Tin liên quan
Tin mới hơn
Festival nghề muối Việt Nam
09:51 | 15/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Giữ lửa nghề tò he Xuân La
09:50 | 15/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Đại Bái - Di sản vàng son của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam
09:50 | 15/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Quảng Ngãi: Nghề “bánh quê” rộn ràng vụ Tết
14:56 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Nghệ An: Nghề thủ công truyền thống nhiều thăng trầm
14:55 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng xôi Phú Thượng
14:55 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Tin khác
Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây vào vụ Tết
14:55 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Chàng trai “đất nhãn” tạo dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương
21:04 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Đào Thanh Hảo: Góp phần tạo dựng thương hiệu chè Thái Nguyên
21:03 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
18 điểm du lịch gắn với làng nghề và làng nghề truyền thống
14:07 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng chiếu Định Yên rộn ràng vào Tết
11:03 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Quảng bá, trình diễn nghề thủ công tại Văn miếu - Quốc Tử Giám
09:16 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Lễ giỗ tổ nghề may làng Trạch Xá: Tôn vinh nghề truyền thống và gìn giữ bản sắc tinh hoa
08:54 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Lễ công bố quyết định và giấy chứng nhận "Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gốm sứ Giang Cao, xã Bát Tràng."
21:18 | 10/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Bình Định: Làng nghề Bún – Bánh An Thái tất bật vào Tết
09:58 | 10/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng Nghề Nhôm Đúc Hải Vân – Nét Tinh Hoa Nghề Thủ Công Truyền Thống
13:59 | 09/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Gốm đỏ Mang Thít - Hồn gốm miền sông nước
10:21 | 09/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Hoa đào Nhật Tân sắp bung nở sắc hồng đón Tết
10:20 | 09/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Khô Cá Cơm Sông Đốc: Hương Vị Đậm Đà Từ Biển Cả
09:17 | 09/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Lượng tiêu thụ tăng vọt, người trồng rau hối hả vào vụ Tết
14:41 | 07/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
“Lụa nàng sen” và câu chuyện nghề dệt lụa tơ sen ở Mỹ Đức
08:57 | 07/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Huyện Đan Phương (Hà Nội): Xã Hồng Hà hướng tới sự hài lòng của người dân
14:08 Nông thôn mới
Tuyên Quang: Sức bật nông thôn mới tại huyện Yên Sơn
14:05 Nông thôn mới
Bình Thuận: Nước mắm OCOP 4 sao và con đường xuất ngoại
10:12 OCOP
Sóc Trăng: Thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
09:54 Tin tức
Bao lì xì Tết: Nghệ thuật từ những đôi tay đặc biệt hóa thành sắc màu mùa xuân
09:51 Văn hóa - Xã hội