Tiến tới Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Để du lịch làng nghề không chỉ mãi là tiềm năng
Tiềm năng phát triển
Du lịch làng nghề là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng bởi tính sinh động, đa dạng và phong phú, nó chứa đựng và phản ánh lịch sử phát triển cuộc sống lao động của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ. Sản phẩm du lịch làng nghề không chỉ giúp du khách tiếp nhận, thưởng thức, mua các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo, đặc sắc mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ tinh hoa nghệ thuật.
Được hun đúc qua lao động sáng tạo, làng nghề nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, vừa sinh động, cụ thể, góp phần làm nên hệ giá trị của văn hóa dân tộc. Đây chính là yếu tố thu hút sự quan tâm của du khách.
Du lịch và làng nghề có mối quan hệ tương hỗ. Làng nghề góp phần tạo ra sản phẩm du lịch và du lịch là một trong những kênh tạo đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống đang là hướng đi đầy triển vọng của Việt Nam.
Trải theo chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam, chúng ta có cả một hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng, như vậy rõ ràng du lịch làng nghề đang là một tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam thậm chí có khả năng cạnh tranh với các nước cùng khu vực.
Những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề ở Việt Nam đã khá phát triển và bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định. Ý thức được lợi ích nhiều mặt của việc phát triển du lịch làng nghề, một số tỉnh, thành phố đã tích cực xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, đề án nhằm kết hợp du lịch với các làng nghề thủ công truyền thống của địa phương.
Những bước khởi sắc mới
Trong thời gian gần đây, với danh xưng là “mảnh đất trăm nghề”, thành phố Hà Nội đã thu hút số lượng lớn khách du lịch đến tham quan các làng nghề truyền thống như làng dệt Vạn Phúc - nơi sản xụất các loại lụa tơ tằm, đặc biệt nổi tiếng với thứ lụa gấm lâu đời (tương truyền có từ thời Cao Biền), làng dệt the lụa La Khê chuyên dệt sa màu và các thứ lụa bạch, lụa vân, làng Nón Chuông nổi tiếng hàng trăm năm với sản phẩm thế mạnh là nón trắng và nón quai thao, hệ thống các làng nghề sơn mài truyền thống như Hạ Thái, Sơn Đồng, Bối Khê với các sản phẩm sơn mài mỹ nghệ độc đáo mang đậm phong cách Việt Nam... và điển hình là làng gốm Bát Tràng đã và đang đón nhiều lượt khách đi tour trong ngày với các hoạt động tham quan nơi sản xuất, tự tay nặn và tô vẽ lên đồ gốm sứ, mua hàng làm quà lưu niệm. Quận Long Biên đang triển khai đề án phát triển làng nghề nuôi rắn Lệ Mật kết hợp du lịch sinh thái, ẩm thực, cũng gắn kết với các doanh nghiệp lữ hành, các khu, điểm du lịch để tổ chức các tour du lịch phục vụ khách tham quan, tuy nhiên cũng chưa có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng.
Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phụ trách Văn hóa Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Có thể nói, du lịch làng nghề ở nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã đạt được những thành công đáng ghi nhận khi ngày càng có đóng góp tích cực, bước đầu thể hiện nỗ lực của các cơ quan quản lý cũng như các ban ngành địa phương sở hữu thế mạnh về loại hình du lịch đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng nghề hiện vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn bởi tình trạng phát triển manh mún, tự phát và chưa xứng tầm với những lợi thế sẵn có. Lý do có thể dễ dàng nhìn nhận ra là hiện nay, hầu hết các công ty du lịch lữ hành mới chỉ dừng lại khai thác những giá trị bề nổi của làng nghề, nhiều địa phương chưa có chủ trương, cơ chế chính sách phù hợp để phát triển du lịch làng nghề và các dịch vụ hỗ trợ không đảm bảo cho phát triển du lịch, đường giao thông không thuận lợi xuống cấp nghiêm trọng, hàng hóa tràn lan hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, du khách bị chặt chém. Bên cạnh đó, một thực trạng cũng cần được đánh giá đến đó là các làng nghề ở nước ta, nhiều về số lượng, phong phú về loại hình sản xuất, nhưng chưa cho ra được sản phẩm hàng hóa thay đồ lưu niệm đặc trưng của du lịch Việt Nam. Có nhiều làng nghề đã xuất khẩu đến nhiều nước các đồ mỹ nghệ nhưng chưa gắn nhiều với việc thu hút khách đến Việt Nam, việc xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch lại không được lưu tâm. Đối với việc phát triển du lịch làng nghề thì đây thực sự là một thiếu sót lớn, các làng nghề chưa quan tâm tới thị trường lưu niệm bình dân. Các sản phẩm còn quá đơn điệu và chưa thích ứng với nhu cầu thị trường. Kỹ thuật sản xuất chủ yếu còn rập khuôn theo truyền thống mà chưa có nhiều sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch. Khách nước ngoài rất thích khám phá, tìm hiểu làng nghề truyền thống của nước ta nhưng chúng ta chưa gây được ấn tượng để khách muốn quay trở lại.
Giải pháp phát triển
Để khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững - đảm bảo hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái trong thời gian tới, cần quan tâm giải quyết một số vấn đề dưới đây:
1. Cần tìm được tiếng nói chung giữa ngành du lịch và các làng nghề. Ở đây đòi hỏi sự phối kết hợp tích cực từ hai phía, về phía du lịch, cần mở rộng khai thác không gian làng nghề chứ không chỉ có sản phẩm của làng nghề. Nhiều người làm du lịch thừa nhận, rất ít tour du lịch làng nghề đặc thù, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng hầu như không có. Nhìn về phía làng nghề, làng nghề chưa được đầu tư chiều sâu cho cách làm du lịch, người làng nghề chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Sản phẩm làng nghề vì thế cũng đơn điệu, kém hấp dẫn.
2. Để phát huy được giá trị đặc sắc của các làng nghề, kết hợp với phát triển du lịch cần có sự đồng bộ và chuyên nghiệp ở nhiều khâu như: phát triển hoạt động của nghề trên diện rộng, có lộ trình tham quan tốt tại làng nghề, đào tạo cho người dân địa phương kiến thức du lịch, triển khai quy hoạch làng nghề, xử lý môi trường... Xây dựng môi trường du lịch văn hoá tại làng nghề thông qua một số hoạt động như: Bồi dưỡng, giáo dục ý thức cho cộng đồng dân cư làng nghề về văn hoá giao tiếp với khách du lịch; mở các lớp tập huấn ngắn hạn tại làng nghề nhằm trang bị cho cán bộ địa phương và nhân dân làng nghề những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong hoạt động du lịch.
3. Để phát triển du lịch làng nghề, có thể học tập kinh nghiệm các nước trong khu vực, đặc biệt như Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã thực hiện dự án OTOP (One tampon, one product: mỗi làng nghề một sản phẩm). Chính phủ hỗ trợ kết nối địa phương với toàn cầu, thông qua việc hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn tất đóng gói, tiếp thị, tổ chức kênh phân phối ở nước ngoài. Việc tổ chức lại các làng nghề truyền thống ở Thái Lan đã không chỉ góp phần bảo tồn và nâng cao kỹ năng tay nghề nghệ nhân, tạo công ăn việc làm ở nông thôn mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch.
4. Hỗ trợ các làng nghề trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề như mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông ra - vào làng nghề, hình thành các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề, liên kết giữa bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ kết hợp với các dịch vụ ăn nghỉ, giới thiệu ẩm thực Việt Nam, trình diễn cách làm sản phẩm làng nghề. Mục tiêu lớn nhất là gắn hoạt động của làng nghề với du lịch, đưa những sản phẩm của làng nghề đến gần người tiêu dùng, kết nối làng nghề với một số doanh nghiệp du lịch nước ngoài.
5. Quan tâm tới công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của làng nghề, tạo sức hút với du khách. Trước hết, các làng nghề phải tự thân vận động và làm những việc cụ thể như xây dựng phòng trưng bày hoặc bảo tàng nhỏ của làng xã, giới thiệu về sản phẩm, quá trình hình thành, phát triển của sản phẩm và sự thay đổi mẫu mã qua các giai đoạn, những câu chuyện xung quanh những sản phẩm của chính làng nghề mình.
6. Môi trường cảnh quan của làng nghề có tác động mạnh đến tâm lý của du khách. Vì vậy, không gian sản xuất cũng cần được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ nhằm tạo thiện cảm với khách du lịch. Những công đoạn sản xuất tại làng nghề phải được bố trí riêng và có phương án xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường chung.
7. Tăng cường hợp tác và khuyến khích các công ty du lịch, các hãng lữ hành trong việc tổ chức các tour tham quan làng nghề truyền thống. Xúc tiến quảng bá, giới thiệu các làng nghề và sản phẩm làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, qua các triển lãm, festival, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tại nước ngoài.
8. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam có thể chỉ đạo thực hiện ngay trong những năm tới một số hoạt động cụ thể như:
- Phối hợp với các doanh nghiệp có khả năng thế mạnh thuộc các làng nghề như: Công ty cổ phần Bát Tràng Việt Nam tổ chức giới thiệu và ra mắt chuỗi các sự kiện Gốm tâm linh - Gia tộc Việt phục vụ khách thăm quan du lịch. Lập hồ sơ và vận động xã hội hóa các nguồn lực nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa phương có CLB nghệ thuật truyền thống và vùng lân cận để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch.
- Phối hợp với chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, quận như huyện Đông Anh và Ban Quản lý di tích cổ Loa xây dựng đề án trình UBND Thành phố Hà Nội về việc xin được sử dụng 01 địa điểm để xây dựng thành không gian văn hóa hát Chầu Văn gắn với giới thiệu sản phẩm các làng nghề. Thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu, giao lưu (các cuộc thi, liên hoan) về nghệ thuật Hát Chầu Văn hoặc các loại hình nghệ thuật khác cho cộng đồng trong và ngoài nước tham gia ngay từ Hội Xuân 2018…
Rõ ràng, để du lịch làng nghề không chỉ mãi là tiềm năng đang là một vấn đề lớn, ở đó không chỉ cần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong đó có Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các làng nghề, nghệ nhân Việt Nam. Vấn đề phát triển, quảng bá du lịch làng nghề vốn đã khó, song việc gìn giữ bản sắc hay những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn rất nhiều. Do vậy, không chỉ chú trọng tới làm du lịch để làm kinh tế mà quên đi vấn đề căn bản nền tảng là làng nghề thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa quan trọng của dân tộc.
Ông Nguyễn Khắc Lợi
Phụ trách Văn hóa Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Tin liên quan
Tin mới hơn

Chuẩn bị cho Festival Quốc tế 2025: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống
12:15 | 03/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

"Gieo mầm số" cho đất nghề Phú Xuyên
09:31 | 03/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ
14:07 | 02/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Mùa sen ở hồ Tây
11:48 | 02/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Nghề Đúc Đồng Đại Bái: Tinh Hoa Văn Hóa Bắc Ninh
14:01 | 01/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Đưa sản phẩm làng nghề lên sách, tăng cơ hội xuất khẩu
10:30 | 30/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Tin khác

Bảo tồn văn hóa làng nghề qua sản phẩm OCOP của Hà Nội
10:30 | 30/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Gia Lâm: Địa danh “Dương Xá” được bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản chế biến
10:24 | 26/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Gìn giữ tinh hoa làng nghề xứ Quảng
11:03 | 25/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Chuyện của “Vua gỗ lũa Trai Vàng”
11:02 | 25/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Nghệ nhân sinh vật cảnh năng động, sáng tạo
11:02 | 25/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Làng nghề xứ Thanh – Nơi kết tinh tinh hoa văn hóa cha ông
10:49 | 23/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Giữ lửa nghề bánh tráng Thuận Hưng
10:21 | 23/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt
10:08 | 23/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám – Nét văn hóa Mông trên Cao nguyên đá
09:01 | 19/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Nghệ nhân “hồi sinh” các con giống bột cổ
11:09 | 18/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Phú Yên công nhận 11 nghề truyền thống năm 2025
15:44 | 13/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Người âm thầm dùng cây kim, sợi chỉ lưu giữ hồn cốt văn hóa Việt
15:42 | 13/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Văn hoá Bắc Bộ qua các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội
15:41 | 13/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt nghệ nhân làng nghề tiêu biểu toàn quốc
13:19 | 12/06/2025 Tin tức

Cao Bằng gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống: Nét đẹp văn hóa gắn liền phát triển kinh tế
09:17 | 12/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Chuẩn bị cho Festival Quốc tế 2025: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống
12:15 Làng nghề, nghệ nhân

"Gieo mầm số" cho đất nghề Phú Xuyên
09:31 Làng nghề, nghệ nhân

Đời sống mới ở xã Lê Lợi
09:30 Nông thôn mới

Dự báo, giá xăng, dầu giảm mạnh 6,8 - 7,5% trong ngày 3-7
09:29 Kinh tế

Trí thức trẻ Lê Bảo Hưng đam mê với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương
09:26 Kinh tế