Phú Thọ: Gỡ khó cho nhân lực làng nghề
Làng nghề ủ ấm Sơn Vi đang đứng trước nguy cơ mai một.
“Khát” thợ có tay nghề
Toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề đã được công nhận, trong đó, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm chủ yếu với 58,7%; nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm 26,6%; còn lại là nhóm làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh và xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Tổng doanh thu các làng nghề hàng năm ước đạt trên 1.420 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 16.700 người lao động, trong đó có trên 11.700 lao động thường xuyên với hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là quy mô gia đình. Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động nông thôn; khai thác một cách có hiệu quả các nguồn nguyên liệu sẵn có; tạo ra khối lượng sản phẩm, hàng hóa phong phú; góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cũng như thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn nhân lực tại không ít làng nghề đang lâm vào tình trạng già hóa, thiếu hụt lao động, vắng bóng đội ngũ kế cận với những nhân lực trẻ, có tay nghề cao.
Được UBND tỉnh công nhận từ năm 2005, thời kỳ mười năm sau đó được coi là “hoàng kim” của làng nghề đan lát Ba Đông, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy với hơn 300 hộ sản xuất các mặt hàng đan lát từ tre, nứa phục vụ nông nghiệp, đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, đến nay làng nghề chỉ còn hơn 40 hộ với trên 80 lao động nhưng cũng không làm nghề thường xuyên mà tranh thủ thời gian nông nhàn với thu nhập bình quân khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, làng nghề thiếu thợ giỏi, người có tay nghề cao, nên sản phẩm làm ra chưa được cải tiến, giá thành thấp, thị trường tiêu thụ lại bấp bênh khiến việc giữ chân các lao động ở làng nghề đan lát Ba Đông khó khăn hơn bao giờ hết. Đồng chí Đào Công Thọ - Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá cho biết: “Số người gắn bó với nghề trong xã hiện nay chủ yếu là người già từ 60 tuổi trở lên, còn thế hệ trẻ và những người trong độ tuổi lao động chủ yếu đi làm tại các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Hoàng Xá hoặc các ngành nghề khác vì có thu nhập cao và ổn định hơn”.
Thiếu hụt lao động và lớp trẻ kế cận, một số làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một. Đó chính là nỗi lo thường trực của những người còn gắn bó với nghề cha ông ở làng nghề ủ ấm Sơn Vi, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao. Thời kỳ thịnh vượng cách đây vài chục năm, làng nghề có cả trăm hộ sản xuất tấp nập. Chiếc ủ ấm dần vươn ra khỏi lũy tre làng, trở thành vật dụng phổ biến được nhiều người ở các tỉnh, thành sử dụng và thậm chí còn được xuất ngoại, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình và lao động địa phương. Tuy nhiên, trước những biến động và sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, nghề làm ủ ấm dần “thất thế”. Đến nay, làng Sơn Vi chỉ còn lác đác hai, ba hộ sản xuất chính với gần mười lao động thường xuyên, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng năm triệu đồng/người. Ông Nguyễn Đình Hảo - Trưởng làng nghề ủ ấm Sơn Vi, người đã có gần nửa thế kỷ sống cùng nghề tâm sự: “Nếu trước đây, đa số các hộ dân trong làng đều làm ủ ấm thì hiện tại con số đó đã “rơi rụng” gần hết. Những người còn bám nghề làm ủ ấm hiện còn rất ít và đều đã có tuổi. Đầu ra không ổn định, thu nhập thấp nên lớp trẻ không có ai theo nghề cha ông mà chuyển hướng sang các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Thiếu đi đội ngũ kế cận, nghề ủ ấm Sơn Vi đang đứng trước nguy cơ thất truyền”.
Cũng như hai làng nghề trên, nhiều làng nghề khác, đặc biệt là các làng nghề truyền thống cũng đang phải đối mặt với những khó khăn tương tự về nguồn nhân lực: Chất lượng lao động còn thấp, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật; số lượng thợ có tay nghề cao, tay nghề tinh xảo tại nhiều làng nghề chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1,5-2% trong tổng số lao động làng nghề. Không chỉ vậy, lực lượng lao động tại các làng nghề hiện nay đa số là lớp người trung niên hoặc cao tuổi, sức lao động kém hơn, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ và tiến bộ khoa học vào sản xuất còn hạn chế. Trong khi đó, lớp lao động trẻ có thế mạnh là năng động, nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu thế mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất lại không mặn mà, hứng thú và có xu hướng “thoát ly”, quay lưng lại với làng nghề, “di cư” sang nghề mới có thu nhập hấp dẫn hơn để cải thiện cuộc sống.
Một bất cập nữa là hiện nay, những người thợ giỏi, nghệ nhân - “tinh hoa” của làng nghề, những người giữ vai trò hết sức quan trọng trong công tác đào tạo, truyền nghề và bảo tồn làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm, tạo điều kiện để phát huy hết khả năng, thế mạnh. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có một nghệ nhân thuộc lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng từ năm 2014.
Những người còn gắn bó với nghề ở Làng nghề đan lát Ba Đông, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy hiện nay hầu hết đều đã cao tuổi.
“Giữ chân” lao động
Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng thiếu hụt nhân lực làng nghề kể trên xuất phát từ việc lao động trẻ, lao động có tay nghề chuyển dịch sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương để tìm kiếm mức thu nhập và chế độ hấp dẫn hơn. Trong khi đó, nhiều nghề truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn cao, nhưng điều kiện làm việc còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; nguồn vốn ít, thu nhập hạn chế, không ổn định; các chế độ về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động làng nghề chưa được quan tâm đúng mức... Cùng với đó, việc dạy nghề tại làng nghề chưa được chú trọng, phần lớn theo lối “cầm tay chỉ việc” từ kinh nghiệm của thế hệ trước hoặc tổ chức lớp học ngắn ngày, chưa có các lớp đào tạo nghề một cách bài bản; công tác dạy nghề ở một số trường đào tạo chưa gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội,... khiến việc truyền nghề tại các làng nghề chưa đạt hiệu quả như mong muốn và không khuyến khích được người trẻ quyết tâm giữ nghề truyền thống.
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, lớp lao động trẻ và lao động có tay nghề cao đóng vai trò rất quan trọng trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới công nghệ trong làng nghề để vừa bảo tồn và phát huy các sản phẩm truyền thống của địa phương, vừa nâng cao chất lượng, độ đa dạng và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Chính vì vậy, bên cạnh việc khơi thông thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập thì việc thu hút lao động trẻ sung sức, lao động có kỹ năng cao, chú trọng khâu đào tạo nghề cho lớp thanh niên và đội ngũ lao động làng nghề đóng vai trò then chốt, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán thiếu hụt nhân lực, giúp làng nghề phát triển bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thành Chung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, giải pháp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực là thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường liên kết giữa các trường, các trung tâm và các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề tham gia đào tạo nghề. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo kiến thức về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, tổ chức sản xuất, quản lý doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề; mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại cơ sở sản xuất, làng nghề.
“Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3750/KH-UBND ngày 26/9/2022 về thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 5074/KH-UBND ngày 15/12/2022 về Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, mục tiêu kế hoạch đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân lao động của các làng nghề tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2021. Đến năm 2030, có trên 80% làng nghề hoạt động có hiệu quả; ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. Bình quân mỗi năm sẽ tổ chức hai lớp đào tạo nghề cho lao động các làng nghề”.
Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh tôn vinh nghệ nhân và có cơ chế chính sách hỗ trợ để duy trì phát triển đội ngũ nghệ nhân, khích lệ động viên các nghệ nhân tham gia thúc đẩy công tác đào tạo nghề, truyền nghề; tổ chức các Hội chợ làng nghề, hội thi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... để tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi nhằm duy trì, bảo tồn phát triển nghề, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị. Tổ chức phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và các sản phẩm làng nghề tiêu biểu. Đồng thời, rà soát, ban hành chính sách, quy trình để phong tặng danh hiệu nghệ nhân, làm cơ sở để đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân Ưu tú, nghệ nhân Nhân dân.
Hàng năm, căn cứ theo Kế hoạch mà UBND tỉnh đã ban hành, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ triển khai từ một đến hai lớp bồi dưỡng kiến thức cho trưởng các làng nghề trên địa bàn tỉnh trên cơ sở lựa chọn các nội dung tập huấn phù hợp, đảm bảo các trưởng làng nghề được tiếp cận các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Cùng với đó, Chi cục cũng sẽ đẩy mạnh bồi dưỡng những nội dung, kiến thức về vấn đề môi trường làng nghề và các vấn đề liên quan đến xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, nhãn hiệu, logo… giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm của làng nghề, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo chế độ để người lao động yên tâm gắn bó với làng nghề, sẵn sàng tiếp nối nghề truyền thống ở địa phương.
Cẩm Nhung/Báo Phú Thọ
Tin liên quan
Tin mới hơn
Bình Định: Khôi phục và phát triển Làng nghề nón lá Nhơn Mỹ
09:35 | 05/02/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Huyện Phú Xuyên từng bước khai thác tiềm năng du lịch làng nghề
15:37 | 04/02/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề làm muối Bạc Liêu Tinh hoa đến từ biển cả
08:29 | 26/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Tài hoa của nghệ nhân
09:19 | 25/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Bến Tre: Ý tưởng điêu khắc độc đáo từ cây, trái quê hương
09:18 | 25/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Bình Định: Mai khoe sắc vàng đón Tết
10:03 | 21/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Tin khác
Nghệ nhân Đào Thanh Hảo góp phần tạo dựng thương hiệu chè Thái Nguyên
15:00 | 20/01/2025 OCOP
Cộng đồng làng nghề sẽ bước sang thời kỳ mới
15:00 | 20/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề “trình làng” những trái cây độc lạ dịp Tết
14:59 | 20/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Chủ thể OCOP 5 sao nói về câu chuyện xuất khẩu
09:56 | 17/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Festival nghề muối Việt Nam
09:51 | 15/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Giữ lửa nghề tò he Xuân La
09:50 | 15/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Đại Bái - Di sản vàng son của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam
09:50 | 15/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Quảng Ngãi: Nghề “bánh quê” rộn ràng vụ Tết
14:56 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Nghệ An: Nghề thủ công truyền thống nhiều thăng trầm
14:55 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng xôi Phú Thượng
14:55 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây vào vụ Tết
14:55 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Chàng trai “đất nhãn” tạo dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương
21:04 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Đào Thanh Hảo: Góp phần tạo dựng thương hiệu chè Thái Nguyên
21:03 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
18 điểm du lịch gắn với làng nghề và làng nghề truyền thống
14:07 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng chiếu Định Yên rộn ràng vào Tết
11:03 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Bình Định trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc
09:44 Tin tức
Bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ từ những ngày đầu Xuân mới, quyết tâm hoàn thành mục tiêu cả năm 2025
09:42 Tin tức
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ phát động Tết trồng cây tại Hưng Yên
09:40 Văn hóa - Xã hội
Quảng Ngãi: Những “điểm tựa” nơi vùng cao
09:36 Nông thôn mới
Bình Định: Khôi phục và phát triển Làng nghề nón lá Nhơn Mỹ
09:35 Làng nghề, nghệ nhân