Thứ tư, 15-03-2023 | 11:55GMT+7

Quả bơ Đắk Lắk

LNV - Quả (Trái) bơ có nguồn gốc từ châu Mỹ xa xôi, là loại quả có dưỡng chất phong phú. Cây bơ được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1940, xuất hiện đầu tiên ở Lâm Đồng. Ngày nay, loài cây này được trồng ở nhiều địa phương những khu vực như: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Thọ và cũng được trồng thử thành công ở Chợ Lách - Bến Tre. Tuy nhiên, nhờ dưỡng chất tốt nên quả bơ Đắk Lắk luôn được nhiều khách hàng yêu thích và coi như là một loại đặc sản làm quà mỗi khi có dịp tới thăm Buôn Ma Thuột.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, diện tích trồng bơ của tỉnh trong năm 2021 đạt trên 9.446 ha, tăng 537 ha so với năm 2020, trong đó trồng mới 674 ha, diện tích cho sản phẩm 7.228 ha; năng suất thu hoạch bình quân đạt 157,96 tạ quả/ha, sản lượng 114.167 tấn/năm, tăng 32.047 tấn so với năm 2020 với các giống bơ phổ biến như: bơ Booth 7, bơ Tứ quý, bơ 034.
 
Bơ thương hiệu Dakado Đắk Lắk
 
Cây bơ thường được trồng vào đầu mùa mưa, theo điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh Đắk Lắk: Cây bơ Đắk Lắk có 2 vụ thu hoạch: Chính vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7 và vụ thu muộn vào từ tháng 9 tới tháng 11. Quả bơ rất giàu giá trị dinh dưỡng, lượng chất béo chiếm đến ¾ khối lượng của quả, ngoài ra, bơ còn là nguồn cung cấp kali, axit folic, đồng, vitamin C, B3, K… và giàu chất xơ, glucid, protid…

Tại Đắk Lắk, Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được triển khai từ năm 2018 với sự tuyên truyền mạnh mẽ của cơ quan chức năng, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đã vào cuộc tiếp cận xây dựng sản phẩm nâng dần chất lượng, hạng sao, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước một cách thiết thực. Bên cạnh các sản phẩm đặc thù như hạt cà phê, hạt tiêu, bước đầu Đề án OCOP của tỉnh xác định quả bơ nằm trong nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, quả bơ luôn được các cơ quan quản lý của tỉnh đặc biệt quan tâm. Trung tâm Ứng dụng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao chất lượng quả bơ cho các nhà trồng bơ và chủ vựa, từ đó, xây dựng thương hiệu cho quả bơ “sáp” của Tỉnh.
 
Bơ Đắk Lắk
 
Hiện nay, một số hợp tác xã bơ của tỉnh nhờ áp dụng OCOP đã đạt được nhiều hiệu quả và nâng cao thành tích trồng trọt. Nhờ chú ý chăm lo giữ chất lượng sản phẩm, nên những năm vào vụ thu hoạch được mùa nhưng lo mất giá, bơ Đắk Lắk với sản lượng hàng chục ngàn tấn, phong phú về chủng loại như: Bơ Sáp, bơ Đặc sản, bơ 034 Cuba, bơ Hồng Ngọc, bơ Booth… loại nào cũng có chất lượng tuyệt hảo.

Trong rất nhiều thương hiệu Bơ của Đắk lắk, sản phẩm Bơ tươi Dakado là một thương hiệu đi đầu trong việc sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Sản phẩm quả bơ tươi Dakado đã được cấp giấy chứng nhận số GL 0135/2013-PRO về Quy phạm thực hành sản xuất tốt, phù hợp với tiêu chuẩn GMP của tổ chức Globalcert, và được chứng nhận sản phẩm sản xuất phù hợp Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (mã số chứng nhận: VietGAP-TT-12-02-66-0035). Năm 2020, sản phẩm Bơ Dakado của Công ty TNHH Thu Nhơn đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, nằm trong top 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh.

    Nhờ có thương hiệu uy tín được “gắn sao” OCOP và canh tác theo quy chuẩn VietGAP, đến nay, năng suất cây trồng của các hộ trong Liên minh sản xuất bơ sáp Dakado tăng bình quân từ 1,5 tạ quả quả/cây/năm lên hơn 2 tạ/cây/năm cho ra sản phẩm bơ sáp chất lượng cao: không phun thuốc trừ sâu, không bón nhiều phân hóa học, được bao bì đóng gói, dán nhãn, bảo quản và vận chuyển đúng quy cách. Với hình ảnh quả bơ Dakado tươi ngon đạt chuẩn sản xuất theo VietGAP, giá bán bơ Dakado luôn ổn định và cao hơn 15%-20% so với loại bơ thông thường trên thị trường, góp phần gia tăng thu nhập cho bà con nông dân trong Liên minh sản xuất bơ Dakado.

Công ty TNHH Thu Nhơn đã phát triển, quảng bá nhãn hiệu bơ Dakado trên thị trường, từng bước phát huy được các chuỗi giá trị của trái bơ trong đời sống. Sản phẩm bơ với nhãn hiệu Dakado đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn trong nước như Metro, Co.op Mart, Big C, Fivimart… Hàng năm Công ty TNHH Thu Nhơn cung cấp cho thị trường hơn ngàn tấn bơ tươi đạt chuẩn.

Nhờ áp dụng đề án OCOP, trái bơ Đắk Lắk đã, đang và sẽ tiếp tục hiện diện mạnh mẽ tại các tỉnh, thành trong cả nước, người tiêu dùng sẽ có ngày càng nhiều cơ hội được thưởng thức trái bơ ngon, chất lượng cao, an toàn cho sức khoẻ. Ngoài mặt hàng bơ trái ăn liền, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng như: Bơ sấy lạnh dạng miếng, dầu bơ, bột dinh dưỡng từ trái bơ tách dầu. Dự kiến trong thời gian tới, với việc áp dụng phương pháp xanh tác xanh – sạch và có các chính sách hỗ trợ từ các cấp chính quyền, thương hiệu bơ Đắk Lắk sẽ được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng. Từng bước, đưa bơ Đắk Lắk trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực mạnh của địa phương. 
Hoàng Yến