Xây dựng “Hệ giá trị” trong làng nghề
YÊU CÀU CỦA PHÁT TRIỂN
Đất nước ta đã có hệ giá trị từ hàng nghìn năm theo lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, là nền tảng, điểm tựa cho phát triển ở mọi thời đại, tạo ra sự ổn định lâu dài cho quốc gia, dân tộc qua các biến cố lịch sử như: bị xâm chiếm, đô hộ và âm mưu đồng hóa về văn hóa của kẻ thù. Trong thời kỳ mới, đất nước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, giá trị đó cần được bảo tồn và phát huy với những thành tố mới.
Từ những năm Đổi mới đến nay, yêu cầu xây dựng hệ giá trị được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Đại hội XIII của Đảng (2021) và gần đây nhất là Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.
Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, giá trị là hệ thống những đánh giá của con người về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, hay chính là những giá trị chân, thiện, mỹ giúp khẳng định và nâng cao
bản chất người.
Nhiều giá trị có mối liên hệ hữu cơ với nhau tạo thành hệ giá trị. Khi nhận thức giá trị được định hình, nó sẽ chi phối suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và hành động của con người. Hệ giá trị quốc gia là sự đúc kết, chưng cất những giá trị nền tảng, cốt lõi của một quốc gia, thường là những giá trị lớn mang tính vĩ mô, phổ quát như tự do, dân chủ, công bằng, phồn vinh, thịnh vượng. Hệ giá trị văn hóa thể hiện những nét đặc trưng, tiêu biểu, chủ đạo của một nền văn hóa như yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, cần cù, hiếu học. Hệ giá trị gia đình khuôn lại ở những giá trị, chuẩn mực ứng xử trong cuộc sống gia đình như hiếu thảo, chung thủy, hạnh phúc, yêu thương, chia sẻ (Báo Tuổi trẻ, 28/11/2022). Trong đó, chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm, hệ giá trị gia đình là cơ bản, hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác.
Nội dung các vấn đề mà Hội thảo quốc gia về “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” ngày 29/11/2022 đề cập rất rộng, bài viết này chỉ tập trung vào hai vấn đề “Hệ giá trị quốc gia” và “Chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, nêu lên một số điều về lý luận, quan điểm và giải pháp thực hiện để làng nghề chúng ta tham khảo, vận dụng.
HỆ GIÁ TRỊ QUỐC GIA
1.Trước hết, xin giới thiệu về khái niệm lý luận. “Hệ giá trị” (Value System, Values Code, Ethics Code) ban đầu được hiểu là thuật ngữ/khái niệm dùng để chỉ “một tập hợp các giá trị, được thể hiện dưới dạng các phẩm chất, các nguyên tắc, các lý tưởng, và cả các triết lý”… định hướng cho hoạt động của một tổ chức thuộc các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, dịch vụ, sản xuất và đôi khi cả trong các lĩnh vực xã hội, giáo dục, quân sự, chính trị, tôn giáo… Sau đó, Hệ giá trị với nghĩa là “bảng giá trị lý tưởng, chính thống, chủ yếu, cơ bản của một dân tộc - quốc gia hay một vùng văn hóa” đã được định hình và sử dụng rộng rãi.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ giá trị quốc gia có ba chức năng cơ bản, đó là: định hướng, đánh giá, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Cụ thể là: (i) xác lập các giá trị cơ bản định hướng cho suy nghĩ và hành động của xã hội, hướng dẫn niềm tin của xã hội vào thực hiện các giá trị tích cực đã xác định; (ii) thể hiện sự phán xét, đánh giá của xã hội đến từng cá nhân hoặc cộng đồng về quá trình thực hiện các giá trị được tuyên bố; (iii) điều tiết các hành vi của cá nhân và xã hội thông qua các thể chế, thiết chế xã hội để hướng các hoạt động xã hội vào thực hiện các giá trị được xã hội thừa nhận, xử lý các hành vi lệch chuẩn. Các giá trị này được giáo dục, khuyến khích trong các gia đình, nhà trường và xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc quy tụ các cộng đồng, dân tộc để củng cố sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Hiện nay, trên thế giới, có những khu vực hoặc quốc gia đã đề ra các giá trị quốc gia làm biểu tượng chung cho khu vực và quốc gia mình, dựa trên khát vọng phát triển, phản ánh đặc trưng và bản sắc văn hóa riêng
biệt của họ.
Thí dụ như hệ giá trị phương Tây được xác định bẩy giá trị cốt lõi: Công bằng và chính nghĩa; Quyền/quyền lợi; Bình đẳng; Tự do; Khoan dung; Tự trị/tự lập; Dân chủ. Năm 2012, Ủy ban châu Âu đưa ra năm giá trị được người dân châu Âu đề cao là: Hòa bình; Dân chủ; Nhân quyền; Tuân thủ pháp luật; Tinh thần đoàn kết.
Ở châu Á, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra bốn giá trị châu Á nổi bật là: Đề cao đức tính cần cù, yêu lao động; Đề cao giá trị hiếu học; Đề cao giá trị gia đình, huyết tộc; Đề cao giá trị cộng đồng, trách nhiệm xã hội. Có thể kể thêm như sau (theo Tạp chí Lý luận chính trị, số 03/2021):
Hệ giá trị truyền thống Nhật Bản gồm tám giá trị: Đoàn kết; Kỷ luật; Nhẫn nại; Trung thành; Trách nhiệm; Lịch sự; Tự chủ; Tránh làm phiền người khác. Đáng chú ý là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Nhật Bản xác định năm giá trị cốt lõi để hội nhập: Cộng sinh, cộng tồn; Biết điều chỉnh bản thân; Tư duy độc lập; Biết sáng tạo cái mới; Tôn trọng sự khác biệt.
Malaysia xác định năm nguyên tắc quốc gia gồm:Tin vào Thượng đế; Trung thành với Nhà vua và đất nước; Tuân thủ Hiến pháp; Cai trị bằng pháp luật; Hành vi tốt, đạo đức tốt.
Singapore đã xây dựng hệ giá trị quốc gia cũng được gọi là “Các giá trị chung Singapore” gồm năm giá trị: Dân tộc trước cộng đồng, xã hội trên cá nhân; Gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội; Hỗ trợ cộng đồng và tôn trọng cá nhân; Đồng thuận, không xung đột; Hòa hợp chủng tộc và tôn giáo.
Tại Trung Quốc (Theo Báo Tuổi trẻ, 29/11/2022) , Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012) đã ban hành "hệ giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa mới Trung Quốc" gồm bốn giá trị quốc gia: thịnh vượng, dân chủ, văn minh, hài hòa; bốn giá trị xã hội: tự do, bình đẳng, công bằng, pháp trị; và bốn giá trị cá nhân: yêu nước, trọng nghề, thành tín, thân thiện.
2. Ở nước ta, với bản Tuyên ngôn độc lập (1945) và Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất sáng suốt khi vận dụng những quan niệm tiến bộ của thế giới văn minh với nguyện vọng tha thiết của dân tộc, đúc kết hệ giá trị quốc gia thời dân chủ cộng hòa trong sáu chữ “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Từ đó đến nay, Hệ giá trị quốc gia đã liên tục được khẳng định, tiếp nối, bổ sung và hoàn thiện từng bước, được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng, mở dầu từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI. Đến năm 2021, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, phù hợp với định hướng phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”. Ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về những thành tố cơ bản của các hệ giá trị nói trên cần được tiếp tục nghiên cứu và quán triệt
trong cuộc sống.
CHUẨN MỰC CON NGƯỜI
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là chủ thể của mọi sáng tạo. Con người cũng là chủ thể tạo dựng nên các giá trị văn hóa, giá trị gia đình và quốc gia. Hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam hôm nay phải được xây dựng trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của con người và văn hóa Việt Nam
trong lịch sử.
Đề cập vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) đã nhấn mạnh: bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…”.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) đã xác định năm đức tính cần xây dựng gồm:
- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
- Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.
- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) đã nhấn mạnh “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Có thể coi bảy đặc tính cơ bản này là định hướng xây dựng các giá trị cốt lõi trong chuẩn mực con người Việt Nam.
Do vậy, hệ giá trị con người có những giá trị tương đồng với hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia, lại có những giá trị riêng biệt. Giá trị con người chính là nhân tố cốt lõi và liên kết giữa các tầng nấc giá trị: yêu nước có thể vừa là giá trị con người, vừa là giá trị văn hóa, nhưng những giá trị thể hiện phẩm chất, đạo đức, năng lực cá nhân như trung thực, liêm khiết, cần kiệm, sáng tạo… thì sẽ thuộc giá trị con người. Vấn đề đặt ra hiện nay là trên cơ sở định hướng chung về hệ giá trị con người, cần phải cụ thể hóa thành hệ giá trị của từng chủ thể đáp ứng với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tới, đồng thời hiện thực hóa các hệ giá trị này trong đời sống thực tiễn.
Với các làng nghề chúng ta, trên cơ sở xây dựng và thực hiện Chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cần cụ thể hóa và vận dụng các chuẩn mực ấy đối với các con người trong làng nghề. Có thể nêu lên những nhóm chuẩn mực như sau:
- Đối với quốc gia, dân tộc: đó là nêu cao lòng yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường; ra sức phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp ngày càng nhièu cho kinh tế-xã hội quốc gia;
- Đối với nghề thủ công: đó là niềm tự hào về giá trị văn hóa nghề thủ công, ý chí và quyết tâm tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống trong thời đại mới;
- Trong quan hệ giữa các thành viên trong cơ sở: phát huy ý chí đổi mới, sáng tạo trong công việc, quan tâm đời sống tinh thần và vật chất của con người, coi con người là chủ thể; chú trọng đào tạo và phát huy nghệ nhân;
- Trong quan hệ với các đối tác trên thị trường: kinh doanh đúng luật pháp, nêu cao chữ “tín”, cạnh tranh lành mạnh, chú trọng liên két theo chuỗi giá trị, thực hiện liên kết nhiều chiều để tăng giá trị, tăng lợi nhuận;
- Thực hiện trách nhiệm xã hội: góp phần xây dựng làng nghề văn hóa, quê hương, làng xóm giàu đẹp, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, trợ giúp các thành phần yếu thế, tham gia thực hiện các chương trình xã hội, từ thiện, “xóa đói, giảm nghèo”, xây dựng nông thôn mới.
- Đối với bản thân: chịu học hỏi, cầu tiến bộ, sinh hoạt giản dị, tiết kiệm; vun đắp tình cảm gia đình thương yêu, hòa thuận; ông, bà, cha, mẹ gương mẫu, con, cháu hiếu thảo.
Để mỗi con người trong các làng nghề xây dựng và thực hiện các chuẩn mực nói trên, rất cần những chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp. Đó là hệ thống thể chế khai phóng tư duy, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa làng nghề. Đối với Nhà nước, cần xây dựng Chính phủ kiến tạo: “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả”, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính. Với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đó là sự trợ giúp trong các hoạt động thiết thực như: hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, tư vấn và trợ giúp pháp lý, v.v...
GCC Vũ Quốc Tuấn
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn-Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Tin liên quan
Tin mới hơn

Hà Nội: Thành lập 2 cụm công nghiệp làng nghề vốn gần 370 tỷ đồng
09:40 | 09/05/2025 Nghiên cứu trao đổi

Bảo tồn làng nghề truyền thống trước thách thức của thời đại
09:08 | 15/04/2025 Nghiên cứu trao đổi

Những yếu tố sống còn của làng nghề
14:31 | 10/04/2025 Nghiên cứu trao đổi

Sức sống ở làng nghề Yên Bái
09:31 | 04/04/2025 Nghiên cứu trao đổi

Đồng Tháp: Bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống
11:34 | 02/04/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một việt nam thịnh vượng
10:03 | 21/03/2025 Nghiên cứu trao đổi
Tin khác

Bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc làng nghề truyền thống
09:45 | 13/03/2025 Nghiên cứu trao đổi

Nâng cao năng lực marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt nam
15:44 | 06/03/2025 Nghiên cứu trao đổi

Bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống tích hợp văn hóa đa giá trị
11:40 | 01/03/2025 Nghiên cứu trao đổi

Bao bì và thương hiệu sản phẩm làng nghề
21:08 | 20/02/2025 Nghiên cứu trao đổi

Giải bài toán bảo vệ môi trường làng nghề
19:28 | 13/02/2025 Nghiên cứu trao đổi

Kết nối nhà thiết kế - doanh nghiệp Tăng giá trị hàng thủ công mỹ nghệ
15:29 | 21/01/2025 Nghiên cứu trao đổi

Gian nan hành trình vươn tầm đặc sản OCOP 5 sao
14:44 | 14/01/2025 Nghiên cứu trao đổi

Kết nối nhà thiết kế - doanh nghiệp Tăng giá trị hàng thủ công mỹ nghệ
15:28 | 05/01/2025 Nghiên cứu trao đổi

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ
09:22 | 17/12/2024 Nghiên cứu trao đổi

Giải pháp phát triển thủ công mỹ nghệ bền vững
09:24 | 09/12/2024 Nghiên cứu trao đổi

Một số nghề thủ công truyền thống của người Mường ở Tân Lạc Hòa Bình
09:23 | 09/12/2024 Nghiên cứu trao đổi

Cần đa dạng mẫu mã sản phẩm làng nghề để đẩy mạnh xuất khẩu
13:51 | 06/12/2024 Nghiên cứu trao đổi

Thực trạng xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam
09:08 | 28/11/2024 Nghiên cứu trao đổi

Cần sự gắn kết giữa nhà sản xuất, nhà thiết kế mẫu mã sản phẩm, mẫu bao bì và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ
11:00 | 26/11/2024 Nghiên cứu trao đổi

Vì sao ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được giải quyết triệt để?
08:56 | 14/11/2024 Nghiên cứu trao đổi

Ba Vì (Hà Nội): Chi hội cựu Công an xã Phú Đông góp phần xây dựng nông thôn mới
09:59 Nông thôn mới

Diễu hành xe đạp làng nghề
09:41 Tin tức

Hà Nội: Thành lập 2 cụm công nghiệp làng nghề vốn gần 370 tỷ đồng
09:40 Nghiên cứu trao đổi

Thành phố biển Quy Nhơn rực rỡ sắc vàng hoa lim xẹt
09:39 Du lịch làng nghề

Những làng dệt thổ cẩm ở Tây Bắc
09:38 Làng nghề, nghệ nhân