Nhớ lại những ngày đầu thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Xin nói thêm về Nhật Bản là nơi mà tôi đã có được nhiều ấn tượng nhất về làng nghề và thành lập Hiệp hội Làng nghề. Năm 1993, khi tôi đang là trợ lý, tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm và làm việc tại Nhật Bản, tôi đã được nghe giới thiệu về bước phát triển thần kỳ của đất nước này, mà một nguyên nhân chủ yếu là họ đã “kết hợp văn hóa Nhật với khoa học, kỹ thuật phương Tây”, từ đó phát triển rất nhanh mà vẫn đặc biệt quan tâm gìn giữ các di sản văn hóa, trong đó có các nghề thủ công truyền thống. Từ năm 1974, Nghị viện Nhật đã ban hành Luật “Phát triển nghề thủ công truyền thống”; những năm sau, trên 30 nhà triển lãm các sản phẩm thủ công truyền thống được thành lập; Hiệp hội Làng nghề truyền thống cũng được thành lập. Cũng đã có Trung tâm làng nghề truyền thống quốc gia chuyên cung cấp các thông tin, tư liệu, báo chí, phim ảnh về thủ công mỹ nghệ cả nước. Nhật Bản cũng đã ban hành một hệ thống chính sách khuyến khích bảo tồn nghề truyền thống như: tài trợ cho các sản phẩm được bình chọn, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, tổ chức các cuộc thi sản phẩm, giáo dục thế hệ trẻ phát triển nghề, cấy nghề, truyền nghề, khuyến khích lập các bảo tàng, v.v…
Những hiểu biết ở các nước trên thúc đẩy chúng tôi tìm hiểu sâu thêm về các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nước ta, ý thức sâu sắc thêm về giá trị văn hóa của các ngành nghề ấy, có những làng nghề hình thành từ hàng trăm năm, thậm chí nghìn năm. Qua đó, chúng tôi càng thêm mong muốn sớm thành lập Hiệp hội Làng nghề để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa rất đáng tự hào ấy của dân tộc ta.
Việc thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được chúng tôi bắt đầu triển khai từ những năm 2003-2004. Trước hết là tập hợp một số anh em cùng chí hướng, tìm hiểu các quy định về thành lập hội (thời đó là Nghị định 88/2003 ngày 30/7/2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội), rồi cùng nhau soạn thảo các văn bản, lập hồ sơ xin phép thành lập hội theo yêu cầu của Nghị định, từ danh sách Ban vận động đến dự thảo Điều lệ, Phương hướng hoạt động, v.v… Hồi đó, cùng tham gia rất tích cực với tôi là các anh: Lưu Duy Dần, Hoàng Kênh, Nguyễn Văn Miện, Đặng Thế Truyền…Anh em chúng tôi chia nhau làm việc với Bộ Nội vụ (là cơ quan quản lý nhà nước về hội) rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (là cơ quan quản lý về lĩnh vực mà hội hoạt động); làm việc hăng say, nhiệt tình, trước hết vì tâm huyết với công việc mình theo đuổi, thật ra cũng chưa hình dung hết các khó khăn.
Một trục trặc đã xảy ra trong quá trình xin phép công nhận Ban Vận động – cũng tức là xin phép thành lập hội. Theo đúng quy định, chúng tôi gửi hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sau một thời gian chờ đợi, được một vị thứ trưởng trả lời rằng: việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Công nghiệp! Chúng tôi rất buồn, ngỡ ngàng. May thay, thời gian đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đang cùng là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cùng với tôi. Tôi trình bày vấn đề này với anh Phát và được anh bảo: anh đưa hồ sơ cho tôi, tôi quyết định. Thế là qua được cửa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến Bộ Nội vụ, tình hình dễ dàng hơn: được Vụ trưởng Vụ Phi chính phủ Nguyễn Ngọc Lâm vui vẻ tiếp nhận hồ sơ và chỉ sau một thời gian ngắn sau đó, Bộ đã ra quyết định cho chúng tôi được tổ chức Đại hội thành lập. Xin nhắc lại sự kiện này để ghi nhận tầm nhìn và quyết đoán của anh Phát đã tạo cho chúng tôi thuận lợi trong việc thành lập Hiệp hội. Cũng xin ghi nhận đóng góp của anh Lâm ngay từ những ngày đầu; đến năm 2009, sau khi nghỉ hưu, anh Lâm đã tham gia Hiệp hội với tư cách là Phó chủ tịch, hoạt động rất tích cực cho đến nay.
Đối với cộng đồng làng nghề cũng như đối với giới chuyên gia, nhà nghiên cứu về tiểu thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống, việc thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là một dấu mốc lịch sử. Tôi thực sự rất xúc động nhớ mãi lời cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, một chuyên gia đầu ngành về văn hóa dân gian, đã phát biểu trong một cuộc họp của Ban Vận động thành lập Hiệp hội, đại ý: các anh đã làm được một việc mà hai mươi năm nay, chúng tôi mong mỏi, song không làm được!
Trên cơ sở ấy, Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội đã được tổ chức ngày 20/5/2005. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã đến dự. Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn bản quan trọng, trong đó có 06 chương trình hành động mà nhiều nội dung đến nay vẫn còn giá trị (Chấn hưng và phát triển làng nghề; Phát triển doanh nghiệp làng nghề; Xúc tiến thương mại; Thông tin; Văn hóa, du lịch làng nghề; Đối ngoại). Xin được nói thêm về việc lựa chọn nhân sự thời kỳ đó. Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ I (2005 – 2008) gồm 49 thành viên, là những người tâm huyết với thủ công mỹ nghệ truyền thống, với làng nghề, bao gồm đại diện các tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp các làng nghề nổi tiếng (hồi đó, chủ yếu mới là ở miền Bắc), chuyên gia kinh tế, chuyên gia mỹ thuật công nghiệp. Ban Thường trực gồm tôi là Chủ tịch cùng 06 vị phó chủ tịch: Lưu Duy Dần, Hoàng Kênh, Nguyễn Văn Miện, Nguyễn Hữu Phước, Đặng Thế Truyền và Trần Thị Tuyết Nga. Chúng tôi nhất trí cử anh Lưu Duy Dần làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, một chức vụ cực kỳ quan trọng trong điều hành hoạt động của Hiệp hội và thực tế đã chứng minh đây là một sự lựa chọn đúng: anh Dần đã luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Điều này dã được chứng minh qua các năm sau đó cho đến bây giờ, khi anh Dần đã nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hiệp hội từ khóa III (năm 2012 đến nay). Anh Dần đã bẩy năm làm Giám đốc Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam (Vân Hồ, Hà Nội), hiểu rất sâu các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, lại có quan hệ rộng rãi với nhiều làng nghề, nhiều nghệ nhân, có sức tập hợp, khai thác các nguồn lực. Với tâm huyết với làng nghề, bề dầy kinh nghiệm cùng nhiều sáng kiến có giá trị, anh Dần đã chèo lái Hiệp hội khắc phục nhiều khó khăn, góp phần quyết định tạo nên những thành tựu quan trọng của Hiệp hội trong những năm qua.
Qua các hoạt động của Hiệp hội thời gian qua, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; cũng từ đó, nhận thức sâu sắc hơn về vinh dự và trách nhiệm của Hiệp hội trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề, góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Có thể khẳng định rằng, thời đó, chúng tôi dồn tâm huyết vào việc thành lập Hiệp hội là đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy: thành lập được Hiệp hội đã khó, song khó hơn nữa là làm sao duy trì, phát triển Hiệp hội, để Hiệp hội phát huy được tác dụng, được làng nghề cả nước tín nhiệm như ngày nay, là cả một quá trình. Đến nay, Hiệp hội đã hình thành được tổ chức thống nhất trong cả nước, bộ máy hoàn chỉnh bao gồm các trung tâm, ban chuyên môn, văn phòng đại diện, báo Thời báo Làng nghề Việt và Trang thông tin điện tử … trong đó, có những trung tâm hoạt động đạt hiệu quả thiết thực, Thời báo Làng nghề Việt vượt qua nhiều khó khăn, ra báo đều đặn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Cần khẳng định: Hiệp hội đạt được những thành tựu quan trọng trong các năm qua, công lao có ý nghĩa quyết định thuộc về Ban Thường trực - những người tâm huyết với làng nghề; đoàn kết, nhất trí; bền bỉ sáng tạo, kiên trì khắc phục khó khăn. Đồng thời, cũng cần nhắc đến Văn phòng Hiệp hội. Văn phòng được đặt ngay trong nhà anh Dần, giúp cho Hiệp hội có trụ sở ổn định để Ban Thường trực làm việc; cán bộ, nhân viên Văn phòng làm việc tận tụy, hết mình vì Hiệp hội, mặc dù thu nhập còn thấp; có người đã gắn bó với Hiệp hội ngay từ những năm đầu, như chị Nguyễn Thị Liên, nay đã được giao nhiệm vụ Tổng Thư ký.
Bước sang năm thứ 13, Hiệp hội chúng ta bước sang một thời kỳ phát triển mới, cùng với thời kỳ mới của công cuộc phát triển đất nước. Kể lại kỷ niệm của những ngày đầu thành lập Hiệp hội, cũng là để cùng suy nghĩ về những kinh nghiệm, những bài học, phát huy hơn nữa tác dụng của Hiệp hội trong thời gian tới.
CGCC.Vũ Quốc Tuấn
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Tin liên quan
Tin mới hơn

Chuẩn bị cho Festival Quốc tế 2025: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống
12:15 | 03/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

"Gieo mầm số" cho đất nghề Phú Xuyên
09:31 | 03/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ
14:07 | 02/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Mùa sen ở hồ Tây
11:48 | 02/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Nghề Đúc Đồng Đại Bái: Tinh Hoa Văn Hóa Bắc Ninh
14:01 | 01/07/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Đưa sản phẩm làng nghề lên sách, tăng cơ hội xuất khẩu
10:30 | 30/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Tin khác

Bảo tồn văn hóa làng nghề qua sản phẩm OCOP của Hà Nội
10:30 | 30/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Gia Lâm: Địa danh “Dương Xá” được bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản chế biến
10:24 | 26/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Gìn giữ tinh hoa làng nghề xứ Quảng
11:03 | 25/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Chuyện của “Vua gỗ lũa Trai Vàng”
11:02 | 25/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Nghệ nhân sinh vật cảnh năng động, sáng tạo
11:02 | 25/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Làng nghề xứ Thanh – Nơi kết tinh tinh hoa văn hóa cha ông
10:49 | 23/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Giữ lửa nghề bánh tráng Thuận Hưng
10:21 | 23/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt
10:08 | 23/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám – Nét văn hóa Mông trên Cao nguyên đá
09:01 | 19/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Nghệ nhân “hồi sinh” các con giống bột cổ
11:09 | 18/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Phú Yên công nhận 11 nghề truyền thống năm 2025
15:44 | 13/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Người âm thầm dùng cây kim, sợi chỉ lưu giữ hồn cốt văn hóa Việt
15:42 | 13/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Văn hoá Bắc Bộ qua các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội
15:41 | 13/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt nghệ nhân làng nghề tiêu biểu toàn quốc
13:19 | 12/06/2025 Tin tức

Cao Bằng gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống: Nét đẹp văn hóa gắn liền phát triển kinh tế
09:17 | 12/06/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Chuẩn bị cho Festival Quốc tế 2025: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống
12:15 Làng nghề, nghệ nhân

"Gieo mầm số" cho đất nghề Phú Xuyên
09:31 Làng nghề, nghệ nhân

Đời sống mới ở xã Lê Lợi
09:30 Nông thôn mới

Dự báo, giá xăng, dầu giảm mạnh 6,8 - 7,5% trong ngày 3-7
09:29 Kinh tế

Trí thức trẻ Lê Bảo Hưng đam mê với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương
09:26 Kinh tế