Thứ sáu, 01-07-2022 | 09:33GMT+7

Thái Nguyên: “Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh”

LNV - Thực hiện Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 – 2025. Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh” tại Khách sạn Crown Palace, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Toàn cảnh buổi tập huấn (Ảnh: ST)

Tham dự lớp tập huấn có ông Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cán bộ, công chức Chi cục Phát triển nông thôn và 40 đại biểu là thành viên Ban quản lý các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Tại đây, các học viên được trang bị kiến thức về phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Việc áp dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn được xem là xu thế tất yếu trong trong thời đại 4.0. Ngoài ra, các học viên còn được tìm hiểu về các công cụ hỗ trợ trong xúc tiến thương mại điện tử, các sàn giao dịch điện tử hiện nay, điều kiện để đưa thông tin hàng hoá dịch vụ lên các trang mạng, tìm hiểu về Digital Marketing, cách sử dụng Digital Marketing trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên môi trường mạng…, hướng dẫn lên sàn thương mại điện tử Shopee mall, vỏ sò ....
 

Nông sản được bán trên sàn thương mại điện từ Shopee đang là xu hướng trong quá trình chuyển đổi số (Ảnh: ST)

Với nhiều thông tin thiết thực, bổ ích, qua đó, các thành viên tham dự có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học để ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào chế biến, tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề trên sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Đây được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Hạ Linh (TH)