Thứ năm, 02-02-2023 | 13:53GMT+7
Những điều thú vị về chiếu Cà Mau
LNV - Từ lâu, dù không ai bảo ai nhưng nhắc đến Cà Mau người ta lại nghĩ đến xứ xở nghề dệt chiếu. Chiếu Cà mau không đơn thuần là vật phẩm phục vụ cho sinh hoạt của con người mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa đáng tự hào của người dân nơi đây. Đến nay, đất mũi Cà Mau đã hình thành và nuôi dưỡng nên nhiều làng nghề dệt chiếu truyền thống.
Thương hiệu “tắc kè bông”
Tuổi thơ của “dân 9X” trở về trước, nhất là ở miền tây sông nước, chắc chắn đều nghe qua khúc vọng cổ:
“Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công anh cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu này tôi chẳng bán đâu
Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm”
Người ta biết đến chiếu Cà Mau không chỉ qua bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu do cố nghệ sĩ Út Trà Ôn thể hiện mà còn vì chất lượng vô cùng khác biệt so với những thương hiệu chiếu khác. Ngày nay, tuy bị cạnh tranh bởi những loại chiếu ngoại nhập nhưng thương hiệu chiếu Cà Mau vẫn bền bỉ tồn tại và phát triển. Các làng nghề dệt chiếu truyền thống thầm lặng cống hiến vào sự nghiệp bảo tồn và phát triển thương hiệu chiếu Cà Mau. Dù được làm thủ công nhưng với những bí quyết riêng, chiếu Cà Mau như một chú tắc kè bông, giúp người dùng thích nghi với mọi thời tiết. Chiếu mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng, “mát rượi” khi trời oi bức, đến khi thời tiết se lạnh mưa gió thì lại “ấm áp”. Cùng với đó, họa tiết trên chiếu được dệt trực tiếp bằng những sợi lát nhuộm màu chứ không in họa tiết như các loại chiếu khác. Chiếu Cà Mau còn mang mùi hương thoang thoảng, dịu nhẹ từ cây lác, sợi đay, đặc trưng của vùng quê đất mũi. Điểm khác biệt này đã đưa thương hiệu chiếu Cà Mau đến gần hơn với trái tim người tiêu dùng, chiều lòng được cả những khách hàng khó tính nhất.

Hoa hậu Hoàn vũ Ngọc Châu và trang phục dân tộc “Chiếu Cà Mau” tại bán kết cuộc thi Miss Universe 2023
Điểm đến du lịch làng nghề
Đất mũi Cà Mau nổi tiếng với những làng nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng, có thể kể đến như Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), Tân Lộc (huyện Thới Bình), Tân Thành (TP Cà Mau). Theo nghệ nhân dệt chiếu Châu Thị Niệm, người có 72 năm tuổi nghề, nghề dệt chiếu cà Mau hình thành từ hàng trăm năm trước. Có nguồn gốc từ nước ngoài, sau đó du nhập vào miền Nam Việt Nam vào khoảng thế kỷ 15, thời Vua Lê Thánh Tông. Sau đó, nghề dần dần gắn bó với đời sống, sinh hoạt, kinh tế của người dân nơi đây như một người bạn đồng hành không thể tách rời. Nếu như trước đây, những làng nghề này chỉ tập trung đến sản xuất chiếu thủ công thì ngày nay với sự phát triển du lịch, những địa danh này đã trở thành điểm đến du lịch của bạn bè trong nước và quốc tế. Mô hình du lịch nông thôn, thăm làng nghề truyền thống những năm gần đây luôn có sức hấp dẫn đối với khách du lịch, nghề dệt chiếu Cà Mau cũng không ngoại lệ. Cà Mau mỗi độ vào ngày vụ, từ trong nhà ra đầu ngõ, đâu đâu cũng ngập tràn sắc màu của sợi lát xanh, đỏ, tím, vàng… làm cho những làng nghề dệt chiếu ở đất mũi tràn đầy sức sống. Hòa chung với nhịp sống tất bật, ngược xuôi với nghề, những làng nghề dệt chiếu Cà Mau mang một nét đẹp lao động rất chân chất, mộc mạc và dẻo dai.
Trang phục dân tộc Việt Nam tại cuộc thi Miss Universe 2023
Không ít lần các cuộc thi sắc đẹp lấy cảm hứng từ chiếu Cà Mau để thiết kế trang phục dân tộc. Phải kể đến như mẫu thiết kế Nguyễn Quốc Việt với tên gọi “Chiếu Cà Mau” đã giành giải nhất trong phần thi trang phục dân tộc cho cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022. Vinh dự hơn khi trang phục “Chiếu Cà Mau” sau khi chỉnh sửa còn trở thành trang phục dân tộc, đồng hành cùng đại diện Việt Nam – Hoa hậu Hoàn vũ 2022 Nguyễn Thị Ngọc Châu chinh chiến trên đấu trường nhan sắc lớn nhất thế giới diễn ra vào tháng 1/2023. Ngay sau khi ra mắt, “Chiếu Cà Mau” nhận được rất nhiều sự quan tâm, thích thú, ủng hộ từ khán giả và truyền thông. Cũng có rất nhiều ý kiến đóng góp để trang phục hoàn thiện hơn nhằm tôn vinh nguyên bản giá trị Việt, điều này chứng tỏ sức sống của chiếu Cà Mau trong đời sống tinh thần người Việt Nam là rất lớn. Lấy cảm hứng từ nét đẹp văn hóa và con người làng nghề dệt chiếu vùng đất mũi, “Chiếu Cà Mau” chính là làn gió mới, mang một thứ gì đó rất bình dị, nhân văn nhưng tràn đầy sức sống dân tộc. Trang phục dân tộc “Chiếu Cà Mau” chính là tình yêu quê hương, tinh thần giữ gìn làng nghề dệt chiếu, những giá trị cổ truyền mà tác giả gửi gắm vào nó. Thương hiệu chiếu Cà Mau xuất hiện trên đấu trường nhan sắc quốc tế chính là niềm tự hào to lớn của những làng nghề dệt chiếu truyền thống và đất mũi Cà Mau.
Những làng nghề dệt chiếu truyền thống góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc biệt về đất và người Cà Mau. Chiếu Cà Mau đã trở thành một nét đẹp không thể thay thế trong văn hóa Việt. Với mỗi nghệ nhân nơi đây, chiếu là gốc rễ của đời sống và văn hóa. Dệt chiếu không đơn thuần chỉ để mưu sinh mà với họ đó là sự nghiệp và đam mê.
Tuổi thơ của “dân 9X” trở về trước, nhất là ở miền tây sông nước, chắc chắn đều nghe qua khúc vọng cổ:
“Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công anh cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu này tôi chẳng bán đâu
Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm”
Người ta biết đến chiếu Cà Mau không chỉ qua bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu do cố nghệ sĩ Út Trà Ôn thể hiện mà còn vì chất lượng vô cùng khác biệt so với những thương hiệu chiếu khác. Ngày nay, tuy bị cạnh tranh bởi những loại chiếu ngoại nhập nhưng thương hiệu chiếu Cà Mau vẫn bền bỉ tồn tại và phát triển. Các làng nghề dệt chiếu truyền thống thầm lặng cống hiến vào sự nghiệp bảo tồn và phát triển thương hiệu chiếu Cà Mau. Dù được làm thủ công nhưng với những bí quyết riêng, chiếu Cà Mau như một chú tắc kè bông, giúp người dùng thích nghi với mọi thời tiết. Chiếu mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng, “mát rượi” khi trời oi bức, đến khi thời tiết se lạnh mưa gió thì lại “ấm áp”. Cùng với đó, họa tiết trên chiếu được dệt trực tiếp bằng những sợi lát nhuộm màu chứ không in họa tiết như các loại chiếu khác. Chiếu Cà Mau còn mang mùi hương thoang thoảng, dịu nhẹ từ cây lác, sợi đay, đặc trưng của vùng quê đất mũi. Điểm khác biệt này đã đưa thương hiệu chiếu Cà Mau đến gần hơn với trái tim người tiêu dùng, chiều lòng được cả những khách hàng khó tính nhất.

Hoa hậu Hoàn vũ Ngọc Châu và trang phục dân tộc “Chiếu Cà Mau” tại bán kết cuộc thi Miss Universe 2023
Điểm đến du lịch làng nghề
Đất mũi Cà Mau nổi tiếng với những làng nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng, có thể kể đến như Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), Tân Lộc (huyện Thới Bình), Tân Thành (TP Cà Mau). Theo nghệ nhân dệt chiếu Châu Thị Niệm, người có 72 năm tuổi nghề, nghề dệt chiếu cà Mau hình thành từ hàng trăm năm trước. Có nguồn gốc từ nước ngoài, sau đó du nhập vào miền Nam Việt Nam vào khoảng thế kỷ 15, thời Vua Lê Thánh Tông. Sau đó, nghề dần dần gắn bó với đời sống, sinh hoạt, kinh tế của người dân nơi đây như một người bạn đồng hành không thể tách rời. Nếu như trước đây, những làng nghề này chỉ tập trung đến sản xuất chiếu thủ công thì ngày nay với sự phát triển du lịch, những địa danh này đã trở thành điểm đến du lịch của bạn bè trong nước và quốc tế. Mô hình du lịch nông thôn, thăm làng nghề truyền thống những năm gần đây luôn có sức hấp dẫn đối với khách du lịch, nghề dệt chiếu Cà Mau cũng không ngoại lệ. Cà Mau mỗi độ vào ngày vụ, từ trong nhà ra đầu ngõ, đâu đâu cũng ngập tràn sắc màu của sợi lát xanh, đỏ, tím, vàng… làm cho những làng nghề dệt chiếu ở đất mũi tràn đầy sức sống. Hòa chung với nhịp sống tất bật, ngược xuôi với nghề, những làng nghề dệt chiếu Cà Mau mang một nét đẹp lao động rất chân chất, mộc mạc và dẻo dai.

Trang phục dân tộc Việt Nam tại cuộc thi Miss Universe 2023

Không ít lần các cuộc thi sắc đẹp lấy cảm hứng từ chiếu Cà Mau để thiết kế trang phục dân tộc. Phải kể đến như mẫu thiết kế Nguyễn Quốc Việt với tên gọi “Chiếu Cà Mau” đã giành giải nhất trong phần thi trang phục dân tộc cho cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022. Vinh dự hơn khi trang phục “Chiếu Cà Mau” sau khi chỉnh sửa còn trở thành trang phục dân tộc, đồng hành cùng đại diện Việt Nam – Hoa hậu Hoàn vũ 2022 Nguyễn Thị Ngọc Châu chinh chiến trên đấu trường nhan sắc lớn nhất thế giới diễn ra vào tháng 1/2023. Ngay sau khi ra mắt, “Chiếu Cà Mau” nhận được rất nhiều sự quan tâm, thích thú, ủng hộ từ khán giả và truyền thông. Cũng có rất nhiều ý kiến đóng góp để trang phục hoàn thiện hơn nhằm tôn vinh nguyên bản giá trị Việt, điều này chứng tỏ sức sống của chiếu Cà Mau trong đời sống tinh thần người Việt Nam là rất lớn. Lấy cảm hứng từ nét đẹp văn hóa và con người làng nghề dệt chiếu vùng đất mũi, “Chiếu Cà Mau” chính là làn gió mới, mang một thứ gì đó rất bình dị, nhân văn nhưng tràn đầy sức sống dân tộc. Trang phục dân tộc “Chiếu Cà Mau” chính là tình yêu quê hương, tinh thần giữ gìn làng nghề dệt chiếu, những giá trị cổ truyền mà tác giả gửi gắm vào nó. Thương hiệu chiếu Cà Mau xuất hiện trên đấu trường nhan sắc quốc tế chính là niềm tự hào to lớn của những làng nghề dệt chiếu truyền thống và đất mũi Cà Mau.

Những làng nghề dệt chiếu truyền thống góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc biệt về đất và người Cà Mau. Chiếu Cà Mau đã trở thành một nét đẹp không thể thay thế trong văn hóa Việt. Với mỗi nghệ nhân nơi đây, chiếu là gốc rễ của đời sống và văn hóa. Dệt chiếu không đơn thuần chỉ để mưu sinh mà với họ đó là sự nghiệp và đam mê.
Tâm Thanh
Tag :