Thứ bảy, 22-06-2019 | 21:50GMT+7

Hiệu quả từ việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ba Vì

TBV - Trong chương trình hội thảo "Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới " do Tổng cục du lịch (Bộ VHTT& Du lịch) tổ chức ngày 19/6/2019 tại huyện Ba Vì (Hà Nội), chúng tôi được Ban tổ chức đưa tới tham quan khảo sát thực tế tại Làng sản xuất, chế biến chè khô xã Ba Trại và Làng Thuốc nam người Dao bản Yên Sơn xã Ba Vì.
Điểm đến đầu tiên là làng nghề sản xuất và chế biến chè búp khô của xã Ba Trại, huyện Ba Vì, xã Ba Trại cách trung tâm Hà Nội trên 60km, là một trong 7 xã vùng núi của huyện Ba Vì. Hơn 50 năm trước người dân nơi đây đã lấy giống cây chè trung du lá nhỏ từ Vĩnh Phú, nay là Phú Thọ về trồng trên quê hương mình và đã thành công.
 

 Ông Nguyễn Quang Hùng, xóm Đô, Ba Trại, Ba Vì.

Ông Nguyễn Văn Dần - Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết: xã có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao, tổng diện tích đất tự nhiên là 2.017 ha, diện tích đất nông nghiệp là 1.578,28 ha, trong đó toàn xã hiện có diện tích đất đang trồng chè là 451 ha, là xã có diện tích chè lớn nhất của thành phố Hà Nội. Ba Trại có 10 thôn thì đã có 9/10 thôn được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè búp khô, về hình thức sản xuất, chế biến còn thô sơ lạc hậu, sản phẩm chè cũng chỉ là đồ uống sinh hoạt hàng ngày của người dân, những năm gần đây nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, sự phát triển của vùng chè và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đặc biệt là được thị trường biết đến cây chè trở thành cây chủ lực, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
 

Cụ Đào Thị Tỵ (81tuổi) mẹ vợ ông Hùng. 

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, Giám đốc công ty TNHH ATC Việt Nam - Trang trại Đồng Quê Ba Vì, là người thường xuyên gắn bó với các làng nghề, hoạt động du lịch của huyện Ba Vì cho biết: Từ thập kỷ 80 - 90 (Thế kỷ 20) sản phẩm chè búp khô của địa phương xã Ba Trại đã được coi trọng và là một trong những hàng hóa chủ yếu của xã, đến nay đã vươn ra các thị trường khu vực và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất tiến bộ, thân thiện với môi trường, nên chất lượng của sản phẩm chè luôn ổn định, đảm bảo các điều kiện an toàn. Năm 2012, sản phẩm chè búp khô Ba Trại đã vinh dự được Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận "Chè an toàn Ba Trại", được Sở Khoa học công nghệ, Cục sở hữu trí tuệ cấp mã vạch cho sản phẩm.
 

Bà Bùi Thị Trường (vợ ông Hùng).

Tới gia đình ông Nguyễn Quang Hùng (63 tuổi) ở thôn 3, xóm Đô xã Ba Trại chúng tôi được thưởng thức nước chè búp khô, nước chè tươi ngon của gia đình kèm với kẹo lạc, bánh sữa mang thương hiệu Ba Vì thật sự ngon tuyệt vời, hình như vị đất, hương trời cùng với tình người nơi đây đã hòa quyện tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của sản phẩm chè, ông Hùng tự hào giới thiệu, gia đình ông hiện có 7 nhân khẩu, trong đó có 4 lao động và 3 cháu nhỏ. Chỉ với 01 ha chè giống bản địa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn Viet GAP thu nhập của gia đình khá ổn định, vui nhất là làng nghề trồng chè quê hương ông luôn được đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới tham quan, trải nghiệm, cũng do sản xuất an toàn gắn với hoạt động du lịch nên ý thức vệ sinh bảo vệ môi trường của người dân quê ông luôn được đề cao, cảnh quan môi trường sinh thái ở đây rất trong lành, bộ mặt nông thôn mới quê hương ông đổi mới một cách nhanh chóng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, không có đất cho bọn tội phạm và các tệ nạn xã hội hoạt động. 

Điểm tham quan tiếp theo của chúng tôi là Làng Thuốc nam của người Dao tại bản Yên Sơn xã Ba Vì, giáp ranh với xã Ba Trại, về lịch sử, các tài liệu khoa học, dân tộc học cho thấy người Dao xã miền núi Ba Vì có nguồn gốc xuất xứ từ Tây Tạng Trung Quốc, sau quá trình di cư 700-800 năm đã đến núi Ba Vì với nghề thuốc nam làm từ các loại thảo dược phong phú được thu hái trên môi trường tự nhiên của vùng rừng núi Ba Vì. Người Dao xã Ba Vì có 450 hộ gồm trên 2000 nhân khẩu chỉ chuyên sống bằng nghề thuốc nam với các bài thuốc nổi tiếng như gan, thận, dạ dày, đại tràng, phong thấp, cơ xương khớp; viêm trĩ, viêm xoang, có cả các loại thuốc hỗ trợ và chữa các bệnh nan y trong đó có ung thư...tại đây chúng tôi được gặp trực tiếp các lương y nổi tiếng như Triệu Thị Lan, Triệu Thị Khang, Triệu Đại Thành, Lý Thị Duyên, Lý Thị Thanh, Triệu Thị Thu Hà và các hội viên chi Hội đông y Yên Sơn Ba Vì, tham quan vườn cây thuốc và các thư tịch gia phả nôm Dao, tham quan và mua các sản phẩm thuốc, càng thấy được sự đoàn kết, gắn bó của người Dao với rừng núi Ba Vì, sự quyết tâm của dân bản trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái vì đây là nguồn sống chính của họ và người dân địa phương Ba Vì thực sự là lá phổi xanh của Thủ Đô, đây cũng chính là hiệu quả của việc kết hợp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với hoạt động du lịch tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. 
Bài và ảnh: Phạm Trường Sơn