Thứ ba, 14-03-2023 | 15:36GMT+7

Kon Tum: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu

LNV - Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người Ba Na và cảnh quan núi rừng Tây Nguyên. Đây là điểm du lịch đầu tiên của tỉnh Kon Tum được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch hạng 3 sao.
Người dân làng Kon Kơ Tu với bản chất hiền lành, thật thà, thân thiện, mến khách cùng tính cách vô tư, hồn nhiên… trở thành nét đặc trưng góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Làng Kon Kơ Tu.

Điểm đến với công trình và dịch vụ độc đáo
 

Nhà Rông tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu - đặc trưng văn hóa dân tộc Ba Na

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu cách trung tâm thành phố Kon Tum hơn 5km. Làng có nhiều hệ thống sông, suối chảy qua sông Đăk Bla, suối Đăk Htô, Đin Ja, Teng Tong... gắn với địa hình đồi núi, rừng cây và diện tích canh tác nương rẫy tạo ra cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hội tụ nhiều yếu tố cảnh quan của vùng đất Tây Nguyên. 

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu thu hút du khách bằng cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt và đời sống của đồng bào dân tộc Ba Na. Trung bình mỗi năm có gần 1000 lượt khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm tại Làng Kon Kơ Tu, trong đó có khoảng 300 khách quốc tế, tập trung ở độ tuổi từ 20 - 50 tuổi.
 

Nhà bên sông homestay thuộc Làng Kon Kơ Tu

Đến với Làng Kon Kơ Tu du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi tại các homestay (Homestay A Ben, Homestay A Kâm... ) để trải nghiệm các dịch vụ tại nơi đây như: trải nghiệm đi thuyền độc mộc truyền thống trên sông Đăk Bla, xuống suối bắt cá, gội đầu bằng nước lá truyền thống, giao lưu văn hóa cồng chiêng ¬- múa xoang, tham gia các hoạt động cũng như tập quán đời sống của người Ba Na, trải nghiệm ẩm thực văn hóa truyền thống, tham quan và trải nghiệm thực hành các nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm rượu ghè, đan lát, chế tác và chơi các loại nhạc cụ dân tộc như T'rưng, cồng chiêng... ) với sự hướng dẫn của các nghệ nhân trong làng.

Đối với dịch vụ trải nghiệm ẩm thực, Làng Kon Kơ Tu còn thành lập tổ ẩm thực của làng để du khách có thể tự tay chế biến nên những món ăn đặc sản nơi đây. Đó là các món ăn truyền thống văn hóa của người Ba Na như: gà nướng, cơm lam, gỏi lá, heo làng nướng xiên... 

Đặc biệt, Làng Kon Kơ Tu nổi tiếng với những công trình kiến trúc mang đặc trưng riêng của người Ba Na như: nhà sàn, nhà Rông, nhà thờ... Trong đó, những ngôi nhà sàn truyền thống tại Làng Kon Kơ Tu được xây dựng vây quanh nhà Rông truyền thống. Ngoài ra, Làng Kon Kơ Tu còn có các công trình kiến trúc mang đậm nét cổ xưa của văn hóa truyền thống Tây Nguyên pha chút nét văn hóa phương Tây. Điển hình, Nhà thờ Kon Kơ Tu được làm hoàn toàn bằng gỗ, mang phong cách kết hợp giữa kiến trúc Châu Âu và bản sắc văn hóa truyền thống của người Ba Na. 

Phát triển các sản phẩm OCOP du lịch

Hiện tại, tỉnh Kon Tum đã có ba sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 sao thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch đó là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, Điểm du lịch A Biu (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) và Du lịch trải nghiệm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy).

Để hình thành điểm đến du lịch phát triển bền vững, cung cấp dịch vụ chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương, tỉnh Kon Tum đã và đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch văn hóa.
 

Hoạt động trải nghiệm văn hóa tại Làng Kon Kơ Tu  

Nhờ những nỗ lực không ngừng cùng sự giúp đỡ của các cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, Làng Kon Kơ Tu đã thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động tại địa phương.

Anh A Kâm - Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ du lịch Làng Kon Kơ Tu cho biết: “Từ quý II năm 2022, số lượng khách du lịch và người dân địa phương đến tham quan, nghỉ ngơi tăng dần, nhất là vào những ngày cuối tuần và dịp lễ. Một số hoạt động như dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát, múa xoang, cồng chiêng, ẩm thực dân tộc luôn được các thành viên người dân tộc Ba Na trong Tổ hợp tác duy trì nhằm đảm bảo nhu cầu tham quan, trải nghiệm cho du khách”.

Có thể nhận thấy, đầu tư đúng hướng sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú. Nếu có được sự kết hợp chặt chẽ, phù hợp giữa sản phẩm OCOP là các điểm du lịch với các sản phẩm OCOP lợi thế khác, sẽ góp phần phát huy lợi thế của các sản phẩm OCOP ở nhiều loại hình khác nhau. Trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch, ngoài việc quan tâm đầu tư hạ tầng và sản phẩm du lịch, cần chủ động tạo thêm nhiều hàng hóa đặc trưng gắn với yêu cầu phục vụ du lịch.
Bạch Nhạn