Thứ tư, 01-06-2022 | 09:05GMT+7

Vải thiều Thanh Hà - Sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương

LNV - Huyện Thanh Hà (Hải Dương) là địa danh nổi tiếng với sản phẩm vải thiều Thanh Hà hay còn có tên Thanh Hà lệ chi có từ xa xưa. Với vị ngon ngọt đặc trưng, vải thiều nơi đây đã trở thành đặc sản nức tiếng được người tiêu dùng trong nước và thế giới yêu thích.
Vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap để nâng cao năng xuất, sản lượng và chất lượng sản phẩm

Hương vị ngon ngọt hấp dẫn người tiêu dùng

Giống vải thiều ở Thanh Hà là giống bản địa, được trồng và chọn lọc tự nhiên hàng trăm. Theo các tài liệu còn lưu lại hiện nay, cụ Hoàng Văn Cơm (sinh năm 1848) là người đã trồng cây “vải tổ” có tuổi đời hơn 200 năm tại thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. Ngày 16/11/2015 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã có quyết định Xác lập kỷ lục Việt Nam “Cây vải thiều lâu năm nhất (cây vải tổ)” cho cây vải tổ Thúy Lâm. Người dân coi đây là một vật báu, minh chứng cho nguồn gốc lâu đời của giống vải thiều Thanh Hà ngon trứ danh. Mặc dù cây vải tổ đã nhiều tuổi đời nhưng năm nào cũng cho ra quả ngon ngọt và đang thuộc quyền sở hữu của ông Hoàng Văn Thu, (cháu nội cụ Cơm). 

Sau này giống vải thiều được nhân giống trồng ở nhiều khu vực khác trong cả nước như huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, hay huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Năm 2007, Vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý. 

Vải thiều Thanh Hà có vỏ màu đỏ tươi khi chín, thịt quả có cùi màu trắng trong, dày và giòn, đặc biệt vải có hương vị ngọt thanh và mát, không chua, không chát, có hương thơm nhẹ. Vì vậy, người tiêu dùng cả trong và ngoài nước rất yêu thích hương vị thơm ngon đặc trưng của vải thiều Thanh Hà. 

Định hướng phát triển vải thiều Thanh Hà  
 Với điều kiện thời tiết thuận lợi, năm 2022 vải thiều Thanh Hà dự kiến được mùa cho quả chất lượng.

Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 8.900 ha cây vải, trong đó huyện Thanh Hà 3.250ha. Năm 2022, tổng sản lượng vải toàn tỉnh dự kiến đạt trên 60.000 tấn, tăng 5.000 tấn so năm 2021. Năm nay trà vải sớm có sản lượng ước trên 35.000 tấn; trà vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch với sản lượng ước trên 25.000 tấn. 

Diện tích vải sản xuất an toàn: 598ha, trong đó diện tích vải sản xuất GlobalGAP 100ha (xây dựng mới 50 ha GlobalGAP và và duy trì năm 2021 là 50ha); diện tích VietGAP 498ha (xây dựng mới 50 ha và và duy trì năm 2021 là 448ha). Sản lượng dự kiến 6.000 tấn. Ngoài ra các diện tích vải được tập huấn sản xuất theo VietGAP, BasicGAP khoảng 4.000ha, với sản lượng 27.000 tấn. Qua khảo sát ban đầu, các loại vitamin trong quả vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm nay cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với những năm trước.

Trong thời gian qua, Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ quả vải. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về xây dựng mô hình, ứng dụng công nghệ cao, cấp giấy chứng nhận VietGap, vải thiều xuất khẩu. 
 
 Vải Thanh Hà được giới thiệu và quảng bá ở nhiều sự kiện

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022, ông Phạm Xuân Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cho biết:  Những năm qua, vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Thái Lan... Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức thương mại, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, công tác xúc tiến, tiêu thụ quả vải thiều đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020.

Để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị vải thiều, thời gian tới Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu hướng 4.0. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa vải thiều và sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn... nhằm quảng bá kết nối giao thương, kết nối trực tuyến tới các đầu mối, các nhà nhập khẩu, góp phần tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Hải Dương tốt hơn nữa./
 
Bài, ảnh: Tường Vân