Bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5.411 làng nghề và làng có nghề. Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng cũng đặt ra thách thức lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
![]() |
Ô nhiễm khí thải từ các làng nghề có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân |
Quyết liệt "Giải cứu" môi trường làng nghề
Là một trong những cụm công nghiệp được thành lập sớm nhất tỉnh, từ năm 2000, các hộ dân làng nghề tái chế thép Đa Hội thuộc Cụm công nghiệp sản xuất sắt thép Châu Khê, thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh), đã được vận động vào Cụm công nghiệp sản xuất sắt thép Châu Khê để sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm trong khu dân cư.
Dự án do Ủy ban nhân dân cấp xã làm chủ đầu tư, được triển khai trước khi có quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, do vậy không có hạ tầng bảo vệ môi trường. Vào thời kỳ cao điểm, mỗi ngày, làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê thải ra môi trường 150 tấn rác thải công nghiệp, một tấn rác thải sinh hoạt và 15.000m3 nước thải... Các chất thải đều chưa qua xử lý, xả trực tiếp ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất của làng nghề; ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của hàng chục nghìn người dân trong khu vực.
Bà Trần Thị Hữu, chủ cơ sở sản xuất đúc phôi thép Vạn Hữu chia sẻ: Phần lớn các cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp đã tồn tại thời gian dài, máy móc lạc hậu, quy mô diện tích và đầu tư nhỏ, lại thiếu các kiến thức pháp luật cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Mạnh Cường, từ cuối tháng 3/2025 đến nay, thành phố đã tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các làng nghề, cụm công nghiệp, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành rà soát, kiểm tra được 314 cơ sở; trong đó có 135 cơ sở đã xin dừng hoạt động, hoặc tạm dừng hoạt động cho đến khi hoàn thành các thủ tục hành chính về môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn điện... Về lâu dài, thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở chuyển đổi ngành nghề, di chuyển địa điểm sản xuất khỏi các cụm công nghiệp và làng nghề tái chế thép Đa Hội.
Từ năm 2024 đến nay, tỉnh Bắc Ninh quyết liệt tập trung giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, làng bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) và làng nghề cô đúc nhôm xã Văn Môn (huyện Yên Phong), cụm công nghiệp giấy Phú Lâm (huyện Tiên Du); làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình); làng nghề tái chế thép Đa Hội (thành phố Từ Sơn).
![]() |
Làng nghề cô đúc nhôm (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) từng chìm trong khói bụi, hiện nay việc xả thải ô nhiễm đã được khắc phục, môi trường trong lành hơn. |
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình trạng ô nhiễm làng nghề và tại các cụm công nghiệp làng nghề của Bắc Ninh đã được cải thiện đáng kể.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 58/65 làng nghề được công nhận đang hoạt động. Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề của tỉnh Hà Nam luôn quan tâm triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2 làng nghề truyền thống nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần cấp bách xử lý: Làng nghề truyền thống dệt nhuộm Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (nay là xã Mộc Hoàn, thị xã Duy Tiên) và làng nghề truyền thống dệt nhuộm Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân.
Tại làng nghề Đại Hoàng có 1.146 hộ làm nghề, trong đó các hộ làm nghề dệt, nhuộm trong khu dân cư trước đây đã chấm dứt hoạt động tẩy nhuộm và di dời ra khu vực sản xuất tập trung có hệ thống thu gom, xử lý nước thải công suất 200m3/ngày đêm từ năm 2018. Hiện, làng nghề đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề được Ủy ban nhân dân huyện Lý Nhân phê duyệt.
Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng xảy ra với nhiều làng nghề tại Hà Nội khi các cơ sở sản xuất vẫn nằm đan xen trong các khu dân cư, nước thải chưa qua xử lý theo quy định được xả thẳng trực tiếp xuống môi trường tạo thành các “điểm đen” về ô nhiễm. Nhiều làng nghề đã trở thành nỗi ám ảnh khi vào vụ sản xuất như tại các xã Dương Liễu, La Phù, Lại Yên huyện Hoài Đức.
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề, từ nhiều năm nay, thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải; ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện, thành phố cũng đang tiến hành kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải từ làng nghề.
Đáng chú ý, tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu: Đến năm 2030, bảo đảm 100% làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực làng nghề vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc di dời các hộ, cơ sở sản xuất tại các làng nghề vào các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các làng nghề có hoạt động sản xuất gắn liền với nơi sinh sống, cư trú. Dù đã được hỗ trợ, song các cơ sở di dời phải nộp tiền thuê đất, đầu tư cơ sở vật chất bằng chi phí cao so với lợi nhuận thu được nên không đủ điều kiện để di dời.
Mặt khác, nhận thức về pháp luật của người dân và chủ các cơ sở sản xuất chưa cao; sản phẩm chủ yếu phục vụ cho tầng lớp có đời sống bình dân nên có lợi nhuận thấp, khó cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải không được các cơ sở quan tâm thực hiện…
Nhiều nơi áp dụng đưa làng nghề vào cụm làng nghề nằm bên cạnh các làng nghề, nhưng tại đó công nghệ vẫn còn lạc hậu, cũ kỹ, nên vấn nạn ô nhiễm không thể xử lý tận gốc. Bên cạnh đó, kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, tình hình thực tế. Một số cụm công nghiệp làng nghề đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, nhưng đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu xử lý nước thải.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước (khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề). Những năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Thủ đô. Thành phố cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục vấn đề này, song trong quá trình giải quyết có rất nhiều vấn đề phức tạp. Mỗi địa phương, mỗi làng nghề đều có đặc thù riêng và có thể gây ra một loại ô nhiễm khác nhau. Một số địa phương đã triển khai một số khu tập trung, hỗ trợ một số nơi có kinh phí để làm như ở làng miến Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội, song thực tế chưa phát huy được hết hiệu quả.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, các địa phương cũng như Hà Nội cần rà soát lại và thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả; kiên quyết đưa các hộ ra sản xuất tập trung, hỗ trợ điều kiện về cơ chế, kinh tế ban đầu cho các hộ làm nghề. Hiện nay, việc di dời các làng nghề chỉ khả thi khi Nhà nước tạo cơ chế hỗ trợ về kinh phí ban đầu để làm cơ sở hạ tầng cho tốt. Bên cạnh đó, phải phân loại các làng nghề, vừa vận động vừa tuyên truyền, phân tích để cho bản thân những người làm nghề hiểu và tự động thực hiện theo cơ chế, chính sách.
Tin liên quan
Tin khác

Sáng, xanh, sạch, đẹp nhờ giải pháp đồng bộ
09:33 | 27/05/2025 Môi trường

Bắc Ninh đồng thuận xử lý dứt điểm ô nhiễm làng nghề
14:01 | 26/05/2025 Môi trường

Hỗ trợ đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm tại các làng nghề
09:07 | 07/05/2025 Môi trường

Nam Định: Ô nhiễm bủa vây làng nghề thu 100 tỷ mỗi năm
08:51 | 22/04/2025 Môi trường

Phú Yên triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
13:41 | 07/03/2025 Môi trường

Bắc Ninh: Các cơ sở sản xuất giấy ở làng nghề Phong Khê dừng hoạt động
11:39 | 01/03/2025 Làng nghề, nghệ nhân

Hà Nội: Không khí ở ngưỡng tốt vào buổi sáng, chiều lại kém
10:16 | 18/02/2025 Môi trường

Cuộc sống mới ở làng nghề ô nhiễm nhất Bắc Ninh
08:41 | 14/02/2025 Môi trường

Để Hà Nội thực sự sáng - xanh - sạch - đẹp
11:14 | 07/02/2025 Môi trường

Hoài Đức phấn đấu trồng 15.000 cây các loại trong năm 2025
12:08 | 03/02/2025 Văn hóa - Xã hội

Bắc Ninh: Mạnh tay xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề
10:13 | 30/12/2024 Môi trường

Dự báo thời tiết ngày 30/12/2024: Hà Nội sương mù, rét ngày đầu tuần
09:56 | 30/12/2024 Môi trường

Nông nghiệp xanh gắn với bảo vệ môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long
09:54 | 19/12/2024 Môi trường

Gian Hàng Xanh ESG - Mô hình thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững
19:11 | 30/09/2024 Môi trường

HTX Nông nghiệp Sông Hồng nỗ lực khôi phục sản xuất sau bão lũ
09:33 | 27/09/2024 Môi trường

Làng nghề trầm hương Vạn Thắng hơn trăm năm tuổi
09:18 Làng nghề, nghệ nhân

Biến chủng COVID-19 tại Việt Nam có thể lây lan nhanh
09:18 Sức khỏe - Đời sống

Bình Định: Sắc màu văn hóa hội tụ mùa du lịch hè 2025
09:18 Du lịch làng nghề

Tiền Giang: Hoàn thành xây dựng nông thôn mới
09:17 Nông thôn mới

Huyện Ba Vì (Hà Nội): Xã Tiên Phong vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới
09:17 Nông thôn mới