Người gìn giữ tinh hoa nghề cổ
Một góc ngôi đền cổ Đồng Xâm
Xuôi theo đường 219, chúng tôi về xã Hồng Thái một ngày cuối năm 2021. Không khí của làng nghề cổ nổi danh với đôi tay của những người thợ rộn rã cùng tiếng đục, tiếng búa cần mẫn thực hiện nhiều tác phẩm bằng đồng, bằng bạc tinh xảo.
Dừng chân bên con sông Vông hiền hòa, chúng tôi vào tham quan, chiêm bái ngôi đền cổ Đồng Xâm, một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn với tổng thể khoảng 1.000m² xây dựng có 12 hạng mục kiến trúc, trong đó thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) được đúc bằng đồng khảm vàng, thếp bạc và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa cổ được bài trí công phu với nhiều đại tự, cuốn thư, câu đối cùng Khán gian được phong kín bằng những tác phẩm tuyệt đẹp thể hiện nét độc đáo của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm với những lá đồng được chạm nhiều đề tài khác nhau như tứ linh, tứ quý, lưỡng long chầu nguyệt…
Hàng năm, theo định lệ, những ngày cuối tháng 3 âm lịch nhằm ngày 1/4, làng Đồng xâm vào đám và khai hội. Hội đền Đồng Xâm xưa và nay là ngày hội lớn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, tính sầm uất của hội phần được lý giải bởi làng Đồng Xâm là làng chạm bạc không chỉ giàu có mà còn có nhiều khách vốn làm nghề kim hoàn tứ xứ về dự hội để tế tổ nghề và giao lưu bày bán các sản phẩm mỹ nghệ kim hoàn đặc sắc.
Chưa kịp hỏi thăm nhà, đã thấy ông Nguyễn Văn Lương ra tận cửa đền đón rồi hồ hởi mời về nhà. Tiếng máy dập, máy đột, máy mài xình xịch, tiếng búa, tiếng đục chí chát của những người thợ cần mẫn vang lên hối hả theo dọc những con đường bê tông nông thôn mới thênh thang trong thôn Bắc Dũng đưa lối khách phương xa.
Ông Nguyễn Văn Lương đang hướng dẫn thợ hoàn thiện sản phẩm
Chén trà thơm đưa chuyện làm những con người gần lại với nhau hơn và cho chúng tôi thêm hiểu lịch sử thăng trầm của làng nghề cổ. Theo sử sách ghi lại vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời vua Lê Thái Tổ, ở làng Đồng Xâm lúc đó có ông Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề hàn xanh, hàn nồi đồng lên châu Bảo Lạc (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) hành nghề, rồi cũng ở đó ông học được nghề kim hoàn, trở về làng ông đem truyền dạy nghề cho dân. Lúc đầu ông mở xưởng tại nhà, sau truyền ra cả làng.
Từ làng Đồng Xâm đến các làng Tả Phụ, Hữu Bộc, Dương Cước, Xuân Cước... Ban đầu, mới chỉ làm nghề đồng doa, sửa chữa các đồ bằng đồng, qua năm tháng phát triển thành nghề mỹ nghệ chuyên chạm khắc các đồ gia dụng bằng đồng, dần dần làm được các đồ trang sức bằng vàng, bạc... Lúc đầu người Đồng Xâm làm tại quê, khi có sản phẩm thì đem đi bán ở khắp nơi, đến cả kinh kỳ. Có người mang đồ nghề đi làm ở các nơi. Đến cuối thời Lê Trung Hưng thì nghề chạm bạc Đồng Xâm đã nổi tiếng, phát triển thành các phường thợ, mỗi phường thợ làm một công đoạn: trơn, đầu, đậu, chạm; thợ làm ở công đoạn nào thì thấu hiểu công đoạn ấy, không biết việc ở công đoạn khác. Đây cũng là cách giữ bí mật nghề.
Thời ông Nguyễn Kim Lâu còn sống, ông là chủ phường, lúc đó đã ngót 150 thợ, ông đặt tên là phường Phúc Lộc, rồi chia phường thành 7 chi, mỗi chi phường cai quản một hạng thợ. Từ cuối thời Lê, thế kỷ XVIII, nhiều thợ bạc Đồng Xâm đã được triệu lên kinh đô phục vụ triều đình làm các vật dụng khảm, chạm vàng, bạc trên những ngai thờ, mũ thờ. Thời nhà Nguyễn, thợ bạc Đồng Xâm làm nhiều sản phẩm để triều đình mua dùng làm quà tiến cúng. Dân làng còn nhớ tới thời Tự Đức có cụ Lưu Quang Chế được vua triệu vào cung sửa chữa ngai vàng, làm các đồ trang sức cho hoàng cung sau được triều đình ban cho hưởng lộc bát phẩm.
Thắp sáng ngọn lửa nghề
Nghề chạm bạc có lúc thịnh lúc suy theo thời thế, bởi sản phẩm của người thợ chạm bạc Đồng Xâm làm ra là những mặt hàng cao cấp, xưa được bán cho triều đình, cho các nhà giàu có, thích làm sang. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có những nghệ nhân nổi tiếng và đến nay nhiều người trong làng được phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và thời kỳ bao cấp, nghề chạm bạc sống thoi thóp, một số gia đình đã bỏ nghề, một số HTX gần như phải giải thể. Nhưng từ giữa thập kỷ 1990 đến nay, nghề đã được phục hồi nhờ kinh tế chung của đất nước phát triển và chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước.
Nghệ nhân làng nghề chạm bạc Đồng Xâm chế tác sản phẩm hiện đại phục vụ nhu cầu thị trường.
Hiện nay, nghề chạm bạc đã thu hút hơn 50% số lao động của xã Hồng Thái, Lê Lợi với hơn 4.000 lao động có thu nhập ổn định, giá trị sản xuất đạt hàng trăm tỷ đồng/năm. Riêng làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm hiện có hơn 100 tổ, hộ làm nghề với khoảng 2.000 lao động. Trước nhu cầu của thị trường, ngoài sản phẩm bằng bạc, những người thợ nơi đây còn tạo ra vô số hàng hóa chất liệu đồng. Mỗi năm làng nghề tiêu thụ khoảng 300 tấn đồng nguyên liệu, thu về hơn 90 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất của địa phương, sản phẩm qua các đại lý ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xuất đi nhiều nước.
Khác với trước đây người dân làm theo kế hoạch giao, từ khi phát triển theo cơ chế thị trường, 9 người thợ trong xưởng của ông Lương làm nghề không hết việc, làm quanh năm không ngừng nghỉ và không bao giờ phải lo đầu ra do sản phẩm rất đa dạng bởi mỗi hộ có hướng đi riêng. Vừa nói chuyện ông Nguyễn Văn Lương vừa “khoe” với khách sản phẩm mới nhất ông và những người thợ đang hoàn thiện, chiếc cup của một giải Golf quốc tế bằng đồng với những đường nét chạm trổ tinh xảo, khỏe khoắn và thần thái.
Chế tác các sản phẩm mỹ nghệ thủ công tại làng chạm bạc Đồng Xâm, Kiến Xương, Thái Bình.
Theo ông Lương, theo nhu cầu của thị trường hoặc mẫu mã riêng khách đặt, bất kỳ sản phẩm gì người Đồng Xâm cũng có thể làm được. Khi khách hàng lên ý tưởng, bằng tư duy nghệ thuật, những người thợ thoàn thiện việc vẽ mẫu cho sản phẩm mới và thể hiện tài năng qua từng công đoạn đục, chạm, khắc, tỉa làm ra những sản phẩm dáng thanh thoát, chạm chuốt tinh xảo, đường ve, nước vuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ có độ chênh bong cao, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Từ những hoành phi, câu đối, lư hương, ống hoa, tranh dân gian, tranh hiện đại, trang trí kiến trúc hoành tráng sử dụng chất liệu vàng, bạc, đồng, hay các vật dụng bằng vàng, bạc như cối giã trầu, đôi khuyên tai hay bộ xà tích len lỏi về những vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, vừa duy trì, phát triển nghề truyền thống. Để phát triển bền vững, không bị rơi vào tình trạng “vang bóng một thời” như nhiều làng nghề khác, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, ông Lương và những người thợ của mình bằng tài năng, trí tuệ đã nghiên cứu và tìm hướng đi riêng chế tác các sản phẩm như thìa, nĩa, chén đựng nước, hộp đựng bánh, gạt tàn thuốc lá... sử dụng chất liệu bạc bọc vỏ trai, vỏ sò, ngà... để tăng tính thẩm mỹ, xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ... cho tổng doanh thu bình quân gần 1 tỷ đồng/năm.
Không chỉ giữ lửa nghề, nhờ thu nhập khá nên nhiều hộ trong làng, trong xã đã cải thiện và nâng cao mức sống, có điều kiện tích cực đóng góp vào các hoạt động phúc lợi, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Gia đình ông Nguyễn Văn Lương cũng vừa nhận danh hiệu gia đình học tập xuất sắc trong thực hiện Đề án 281 của Chính phủ giai đoạn 2013 – 2020, cậu con trai út đang học cấp 3 cũng dần quen với tay búa, tay đục được ông từng bước hướng dẫn, truyền nghề để tiếp nỗi truyền thống cha ông.
Bắt kịp với xu thế và nhu cầu của thị trường, nhiều hộ đã sắp xếp lại sản xuất, đầu tư mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, kết hợp hài hòa giữa máy móc với chế tác thủ công để bảo tồn tinh hoa của làng nghề trên từng sản phẩm. Qua đó, nhằm đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại hàng hóa, tăng năng suất, hạ giá thành, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng để duy trì và phát triển làng nghề.
Cùng với đó, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, nhiều sản phẩm làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm đã được đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể của làng nghề giúp thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đó cũng là những tín hiệu khởi sắc để những người như ông Lương và nhiều nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú làng Đồng Xâm thêm động lực để giữ và truyền lửa nghề cho những thế hệ sau.
Vẫn tiếng đục, tiếng búa hối hả âm vang trong những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại theo những ngõ xóm thênh thang tiễn chúng tôi rời làng cổ Đồng Xâm chiều cuối năm. Những người như ông Lương và bao người thợ tài hoa khác vẫn cần mẫn trổ vàng, chạm bạc, làm giàu cho quê hương như lời bài hát “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An viết tặng Thái Bình.
Hải Nam _Tiến Dũng
Tin liên quan
Tin mới hơn
Hải Dương: Làng nghề tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn
13:54 | 18/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Phú Yên phấn đấu công nhận mới từ 1 đến 2 làng nghề
11:06 | 18/09/2024 OCOP
Nông dân Hồ Trọng Lập được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
14:59 | 17/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Bình Định triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
14:45 | 17/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Du lịch trải nghiệm nghề truyền thống
09:50 | 17/09/2024 Du lịch làng nghề
Nông dân Phú Thọ "kiếm bộn tiền" nhờ một thứ quả đặc biệt không thể thiếu trên mâm ngũ quả Tết Trung thu
09:43 | 17/09/2024 Kinh tế
Tin khác
Hàng trăm ha Đào Nhật Tân bị lụi tàn sau Cơn bão số 3 (Yagi)
09:39 | 17/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Người "Thổi hồn" cho nghề làm bánh oản cổ truyền
16:03 | 16/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Cơ hội để phát huy tiềm năng của làng nghề truyền thống
11:17 | 16/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Tơ lụa Tân Châu mang đậm dấu ấn văn hoá truyền thống
17:27 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Cao Bằng
17:27 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền
17:26 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề làm bút lông ở phố cổ Hà Nội
17:26 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Xưởng mộc Minh Mít làm nhà thờ gỗ sơn son thiếp vàng
17:26 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Triệu Đề
17:26 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Tự Lập: Khai thác, sản xuất, kinh doanh đá ốp lát - Đem lại những sản phẩm và chất lượng dịch vụ tốt nhất đến khách hàng
09:55 | 13/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Cụ ông 75 tuổi tự tay làm hơn 100 chiếc đèn Trung thu truyền thống
10:35 | 12/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Thừa Thiên Huế: Nghề làm đầu lân tất bật mùa trung thu
11:04 | 11/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Giữ gìn tinh hoa nghệ thuật khảm trai ở làng nghề Chuôn Ngọ
11:04 | 11/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Ngày hội mắm Châu Đốc Tôn vinh ẩm thực kết nối kinh tế vùng miền
11:20 | 10/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Ông “vua dép lốp” trở thành Nghệ nhân làng nghề
11:19 | 10/09/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Phú Yên tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới đến năm 2025
15:20 Nông thôn mới
Khoác áo mới có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Định
14:55 Khuyến công
Xây dựng vùng chè hơn 500ha theo hướng VietGAP ở huyện Kỳ Anh
09:57 Khuyến nông
Triển vọng phát triển kinh tế từ nghề nuôi rắn ở Đồng Hỷ
09:57 Kinh tế
Vệ sinh giếng nước, bể chứa, xử lý môi trường sau lũ lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế
09:56 Sức khỏe - Đời sống