Làng nghề và các ngành nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Yên Bái. Việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, làng nghề mới trong thời gian vừa qua đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm thu nhập ổn định cho một bộ phận cư dân nông nghiệp, giảm nghèo bền vững. |
Thế mạnh từ các làng nghề |
Theo Kế hoạch 236/KH – UBND tỉnh Yên Bái về Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030 nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ duy trì và phát triển 2 nghề truyền thống, 13 làng nghề đã được công nhận. Khôi phục và bảo tồn công nhận phát triển mới 15 làng nghề gắn với du lịch. Có 75% các làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn, 60% các làng nghề hoạt động có hiệu quả. 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào lại lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề… Làng nghề sản xuất miến đao Ngòi Đong thôn 6 xã Giới Phiên, TP Yên Bái nằm trong Kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thông của tỉnh. Từ lâu miến đao xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái được người dân trong tỉnh cũng như cả nước biết đến như một sản vật địa phương với đặc điểm nổi bật là sợi nhỏ, màu trong hơi xám, có độ dai, giòn, nấu chín không bị nát. Ngày 25/6/2012, xã Giới Phiên được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận là làng nghề nông thôn đầu tiên của thành phố Yên Bái với nghề sản xuất miến đao. Tại xã Giới Phiên, nghề làm miến đao được du nhập từ những năm 1970, xuất xứ từ làng miến Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Từ vài hộ ban đầu ngày càng có nhiều hộ tham gia, sản lượng sản xuất ngày một nhiều và kinh nghiệm sản xuất của nhân dân ngày được tích lũy. Người biết làm miến có ở khắp các thôn nhưng tập trung chủ yếu ở làng Ngòi Đong. Chị Phạm Thị Thu Hà - Giám đốc HTX Miến đao Giới Phiên chia sẻ: sản phẩm miến đao Giới Phiên đạt OCOP 4 sao năm 2021, do HTX chịu trách nhiệm liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi. Thu nhập trung bình đạt 150 triệu/ 1 hộ/ 1 năm. Hiện nay, HTX miến đao Giới Phiên đã mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ ở các tỉnh thành phía Bắc và trong các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội, mà miến đao Giới Phiên còn được đưa vào tiêu thụ ở thị trường các tỉnh phía Nam. Ngoài việc tăng thu nhập cho các hộ gia đình, nghề sản xuất miến đao ở Giới Phiên đã tạo việc làm cho một lượng lao động đáng kể tại địa phương. |
Vùng nguyên liệu dong riềng tại xã Giới Phiên, tỉnh Yên Bái. |
Cùng với sự quan tâm của chính quyền cũng như bản thân tự vươn lên của các hộ, thời gian qua nhờ có việc sản xuất miến đao mà nhiều gia đình đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/hộ/tháng, nhiều gia đình đã trở nên khá giả có thu nhập 50-70 triệu đồng/năm Ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, xã Giới Phiên có 50 hộ dân sản xuất miến, sản lượng đạt trên 500 tấn/năm, giá bán giao động từ 60 - 65 ngàn đồng/kg, mỗi năm doanh thu từ sản xuất miến đạt trên 30 tỷ đồng. Đặc biệt, khi xã xây dựng thành công Dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể miến đao Giới Phiên” cho sản phẩm miến đao thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, miến đao được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao thì không chỉ giúp các hộ dân ở Giới Phiên nâng cao được uy tín sản phẩm miến đao Giới Phiên trên thị trường mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân xóa nghèo nhanh bằng nghề truyền thống. Hay các làng nghề, làng có nghề mang văn hóa dân tộc như: Thổ cẩm Yên Thành, Mây tre đan Phúc Ninh đã giải quyết được công việc nhàn rỗi cho nhiều phụ nữ địa phương với mức lao động gần 100.000 nghìn đồng/ngày. Ông Nguyễn Văn Yên - chủ tịch UBND xã Yên Thành chia sẻ: Nghề truyền thống của người Dao trắng trên địa bàn xã từ khâu trồng bông, se sợi đến dệt vải. Thời kỳ thịnh hưng nhất của dệt thổ cẩm tại đây là vào khoảng giữa những năm 80 của thế kỉ XX, hầu như toàn bộ dân số trên địa bàn xã đều làm nghề. Sản phẩm chủ lực là quần áo, khăn, mũ. Song, hiện tại xã chỉ còn giữ lại vài hộ sản xuất thổ cẩm. Giải quyết được bài toán lao động nhàn rỗi cho những hộ gia đình không có việc làm cố định, thu nhập thấp. |
Miến đao Giới Phiên được làm hoàn toàn bằng dong riềng nguyên chất, không trộn các loại bột khác, không sử dụng hóa chất để tẩy trắng nên sợi miến có màu trong hơi xám |
Các làng nghề truyền thống, làng nghề và nghề truyền thống đã đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế ở các địa phương của tỉnh Yên Bái, giúp người dân có thu nhập cao và ổn định góp phần thành quả lớn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. |
Tạo sức bật xây dựng nông thôn mới |
Mới đây, Chính phủ đã ban hành quyết định 150/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1318/QĐ-TTg về kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 2025, cụ thể hóa quyết định 340/QĐ-TTg, Quyết định 801/QĐ-TTg về chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia OCOP… là cơ sở quan trọng cho làng nghề Yên Bái phát triển đột phá trong thời gian tới. Theo ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái: Quan điểm của tỉnh là tập trung phát triển các làng nghề hiện có song song với nâng cấp, mở rộng và hình thành các làng nghề mới, phục dựng các làng nghề có truyền thống lâu đời theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm tạo sinh kế và sự phát triển bền vững cho người dân làm nghề. Tại Yên Bái, sự đa dạng về nghề, làng nghề thể hiện văn hóa các dân tộc, qua lịch sử mỗi địa phương. Tuy nhiên, với mỗi làng nghề, Yên Bái đều có xác định hướng đi cụ thể, chi tiết gắn với liên kết chuỗi và thị trường đích. Chính nhờ có nghề mà nhiều nơi đã xây dựng phát triển kinh tế, tạo được sức bật trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Nguyễn Thế Phước đánh giá, các làng nghề, làng nghề truyền thống của Yên Bái đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với phát triển làng nghề ngày càng phát triển. Nhiều HTX đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, tham gia các hoạt động của câu lạc bộ theo ngành, lĩnh vực, các HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường. Đồng thời, các HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân, người lao động. Tuy nhiên những làng nghề, làng có nghề của tỉnh cần có được một chương trình hành động cụ thể, riêng biệt. Một chương trình bao trùm từ khởi nguồn văn hóa, nguồn lực, đầu vào/vùng nguyên liệu, lựa chọn sản phẩm… đến đầu ra ổn định theo từng phân khúc thị trường. Theo quyết định 801/QĐ-TTg, giá trị văn hóa, hạ tầng, kinh tế, KHCN, môi trường…luôn cần đầu tư song song. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và vùng nguyên liệu tập trung cho làng nghề là yêu cầu tất yếu. Mỗi một nội dung lại là một sự đầu tư bài bản đòi hỏi phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế chung toàn vùng. |
Sản phẩm thủ công tại làng nghề mây tre đan Phúc Ninh, tỉnh Yên Bái. |
Đến nay toàn tỉnh có 15 làng nghề, nghề truyền thống (Thành phố Yên Bái 01 làng nghề; huyện Yên Bình 01 làng nghề; huyện Trấn Yên 02 làng nghề; huyện Lục Yên 05 làng nghề; huyện Văn Chấn 02 làng nghề; huyện Mù Cang Chải 04 làng nghề, nghề truyền thống). Tổng số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến thời điểm hiện tại: Có 103 xã (Thành phố Yên Bái 06 xã; thị xã Nghĩa Lộ 10 xã; huyện Trấn Yên 20 xã; huyện Văn Yên 18 xã; huyện Yên Bình 22 xã; huyện Lục Yên 15 xã; huyện Văn Chấn 11 xã; huyện Trạm Tấu 01 xã). Số xã hoàn thành 19 tiêu chí là: 82 xã/150 xã đạt 54,67%; Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là: 21 xã, chiếm 14,0%; Số xã đạt từ 9-14 tiêu chí là: 20 xã, chiếm 13,33%; Số xã đạt từ 6-8 tiêu chí là: 19 xã, chiếm 12,67%; Số xã đạt từ 3-5 tiêu chí là 08 xã, chiếm 5,33% (theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025). |
Quỳnh Anh Đồ họa: Minh Vân |
( Trang thông tin có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)