Xác định liên kết là một trong những chìa khóa quan trọng giúp xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Chương Mỹ đã thực hiện thành công nhiều mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần đưa nền nông nghiệp huyện phát triển một cách bền vững. |
Phát huy hiệu quả từ liên kết chuỗi
Hợp tác xã thỏ Việt Nhật (thôn Đại Từ, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) là mô hình mới, điển hình của Hà Nội được triển khai theo chuỗi khép kín tại Chương Mỹ. Thành lập từ năm 2020, hiện HTX đang nuôi 400 con giống, diện tích 1 ha. |
Theo bà Lâm Thị Hương – Giám đốc HTX thỏ Việt Nhật: Đối với đầu ra của thỏ đã có công ty của Nhật Bản bao tiêu và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, mô hình nuôi thỏ của HTX được thực hiện theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số về thức ăn, trọng lượng, trên các lồng nuôi đều có bảng theo dõi cụ thể từng con, thỏ được quản lý theo tiêu chuẩn của Nhật Bản nên đòi hỏi rất khắt khe về thức ăn, nguồn nước. |
Tương tự, tại công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ). Năm 2020, công ty đã đăng ký 3 sản phẩm gồm trà túi lọc cà gai leo, trà hoàn ngọc và trà mật gấu dây thìa canh tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đạt chuẩn 4 sao của thành phố Hà Nội. Hiện các sản phẩm của công ty được tiêu thụ rộng rãi khắp các tỉnh thành thông qua qua nhiều kênh bán hàng khác nhau. “Tôi cùng bạn của mình thành lập công ty, ngoài vùng dược liệu hơn 20 ha tại thôn Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ tôi thực hiện liên kết sản xuất với bà con thu mua nguyên liệu tại vùng để sản xuất”. Anh Phan Trung Kiên- Giám đốc công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long nhấn mạnh. |
Không những vậy, sau khi sản phẩm trà có độ phủ nhất định, đến tháng 6/2020, công ty tiến hành nuôi gà, trong đó dùng chính cây cà gai leo để phối trộn thức ăn cho gà, không sử dụng các loại cám công nghiệp. Từ đó gà có sức đẻ tốt, quả trứng ngon hơn. Hiện nay, công ty giải quyết việc làm cho hơn 150 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5 - 8 triệu đồng/tháng/người. Đánh giá về hiệu quả của các mô hình liên kết trên địa bàn xã ông Đặng Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ cho rằng: Việc tổ chức liên kết sản xuất đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với sản xuất nhỏ lẻ trước kia, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân như; Bưởi VietGap; lúa VietGap, HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiên cà sản xuất trứng gà dược liệu, HTX thỏ Việt Nhật, các trang trại chăn nuôi bò, lợn. |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, đây là một trong những mô hình hiệu quả, từ vùng đất cằn cỗi, với sức lao động, sáng tạo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công của mô hình này, trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ… và lấy doanh nghiệp làm trung tâm để kết hợp hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Qua đó tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân. |
Tăng cường liên kết tạo sức bật xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiễu mẫu
Theo ông Nguyễn Đình Hoa - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ: Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện có 11 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, các sản phẩm chủ lực của huyện cơ bản đã được tiếp cận và tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản của các doanh nghiệp và các hợp tác xã. Chính điều này đã giúp cho sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ngày càng được thúc đẩy, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Tính đến tháng 6 năm 2023, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có tổng số 596 trang trại đạt theo tiêu chí Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT, tăng 37 trang trại so với năm 2020; trong đó, 158 trang trại thực hiện liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu liên kết với các doanh nghiệp theo hình thức chăn nuôi gia công. |
Hiệu quả trong liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp, mô hình kinh tế nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến hết năm 2022, toàn huyện có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Thủy Xuân Tiên, Đồng Phú, Hợp Đồng, Lam Điền, Quảng Bị. Năm 2023, huyện tập trung chỉ đạo 06 xã phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới nâng cao gồm: Đại Yên, Trường Yên, Thụy Hương, Trần Phú, Hồng Phong, Hoàng Diệu, xã Thủy Xuân Tiên phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện các địa phương trong huyện đang tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu. |
Việc nông dân chủ động tiếp cận khoa học - kỹ thuật và phát triển các mô hình theo chuỗi liên kết cũng sẽ góp phần quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân, đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn Hà Nội. |
Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn thành phố xây dựng được 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tính đến hết tháng 12-2021, trên địa bàn Hà Nội có 145 chuỗi đang hoạt động; trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Hình thức liên kết các chuỗi đa dạng và đều gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, do đó thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tham gia liên kết hợp tác xây dựng. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội |
Bài: Thanh Hậu - Quỳnh Thơ Đồ họa: Minh Vân |
(Bài viết có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội)