PHÁT HUY HIỆU QUẢ LÒNG DÂN, SỨC DÂN
TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, nhân dân toàn huyện Sóc Sơn đã tự nguyện hiến trên 10.000m²đất thổ cư, đất vườn trị giá trên 70.000 triệu đồng phục vụ công tác xây dựng nhà văn hóa, mở rộng đường làng, ngõ xóm. Nhờ vậy, các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn huyện được mở rộng từ 2-3m lên trung bình 4-7m, tạo bộ mặt giao thông khang trang, rộng rãi.
Điển hình tại xã Đức Hòa, các hội, đoàn thể đang tích cực xây dựng khu dân cư an toàn, sáng, xanh, sạch, đẹp. Trong đó, hội phụ nữ xã Đức Hòa đã tiến hành phân loại xử lý rác thải bằng chế phẩm IMO nhằm nỗ lực xây dựng mô hình cánh đồng không khói; Các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng được hội nông dân thu gom, xử lý triệt để theo mô hình sạch đồng ruộng. Toàn bộ trang trại chăn nuôi trên địa bàn luôn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc giữ khoảng cách với trường học, trạm y tế, khu dân cư… tối thiểu 200m. Đức Hòa đang hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023, ông Nguyễn Quốc Đoàn - Phó chủ tịch UBND xã Đức Hòa cho biết.
Hệ thống đường giao thông được trải nhựa, đổ bê tông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Hiện nay, hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện Sóc Sơn ngày một khang trang với 198 đoạn đường phụ nữ tự quản, 52 đoạn đường chất lượng cao, biến 15 điểm rác thành điểm hoa và xây dựng 59 tuyến đường xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu.
Đến tháng 3/2023, huyện có 03 xã hoàn thành nhiệm vụ xã đạt chuẩn NTMNC Phù Linh, Đức Hòa, Phù Lỗ, hiện đang trình Hội đồng thành phố thẩm định, xem xét trình UBND Thành phố phê duyệt. Phê duyệt xong toàn bộ 25/25 đề án XDNTM nâng cao làm căn cứ để triển khai thực hiện đến hết năm 2025.
TÍCH CỰC ĐỔI MỚI CÂY TRỒNG
KIẾN TẠO VÀNH ĐAI XANH CHO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Phát huy thế mạnh về nông nghiệp, huyện Sóc Sơn tiếp tục duy trì vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại Phú Minh, Bắc Phú, Tân Hưng. Tỷ lệ cơ giới hóa trong gieo trồng, sản xuất, thu hoạch lúa đạt 100%. Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn cũng đã từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, xây dựng các vùng chuyên canh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Huyện Sóc Sơn xây dựng được 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến. Tiêu biểu là chuỗi rau hữu cơ xã Thanh Xuân, do HTX nông nghiệp Thanh Xuân tổ chức.
Đại diện HTX chuỗi rau hữu cơ Thanh Xuân cho biết chuỗi có 26 nhóm với 157 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 34ha, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “5 không” và được kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn PGS. Mỗi tháng, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân tiêu thụ 60-80 tấn rau tại thị trường Hà Nội thông qua hợp đồng thu mua trực tiếp với các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
Còn tại xã Bắc Sơn và xã Xuân Giang phát triển mạnh mô hình chuyên canh sản xuất cây dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO quốc tế. Mô hình được vận hành theo phương thức liên kết sản xuất: Doanh nghiệp góp vốn và công nghệ, nông dân góp đất và công lao động. HTX Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn có 20ha trồng dược liệu trên địa bàn xã Bắc Sơn và 6 ha tại xã Xuân Giang, tạo công ăn việc làm cho 32 lao động địa phương, góp phần làm tăng thu nhập của người dân trồng cây dược liệu lên từ 280 - 420 triệu/ha.
Hiện, Sóc Sơn đã hoàn thành xây dựng phát triển nhãn hiệu cho 08 sản phẩm, 10 thương hiệu hàng nông sản, trên 100 sản chủng loại sản phẩm được truy xuất nguồn gốc QR code. Toàn huyện có 97 sản phẩm được UBND Thành phố công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 31 sản phẩm 03 sao, 66 sản phẩm 04 sao, phát triển hiệu quả 08 điểm giới thiệu, bán hàng OCOP trên địa bàn.
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO, KIỂU MẪU KIẾN TẠO VÀNH ĐAI XANH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Theo Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh: Bám sát Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình 02 của Huyện ủy Sóc Sơn về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, UBND huyện đang yêu cầu các xã rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, đặt chỉ tiêu hoàn thành 30% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong năm 2023, Huyện Sóc Sơn phấn đấu có thêm 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Đức Hòa, Phù Linh, Phù Lỗ) và 5 xã nông thôn mới nâng cao (Nam Sơn, Xuân Giang, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường ).
Ông Nguyễn Quốc Đoàn - Phó chủ tịch UBND xã Đức Hòa cho hay xã Đức Hòa là một trong 3 xã của Sóc Sơn đang nỗ lực về đích NTM kiểu mẫu trong năm 2023. Địa phương đang tập trung xây dựng NTM kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực chủ đạo là Y tế và văn hóa. Theo đó, xã đã có trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia, có bác sĩ đa khoa công tác tại trạm. 100% số thôn trong xã đã có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khuôn viên nhà văn hóa tại 7/7 thôn trong xã đều được lắp đặt đầy đủ các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, có sân bóng đá và 1 đến 4 sân bóng chuyền thu hút đông người tập luyện mỗi ngày. Xã đang từng bước thí điểm mô hình thôn thông minh tại thôn Thanh Huệ Đình, nhận được sự đồng tình ủng hộ từ nhân dân.
Tương tự tại xã Phù Linh và Phù Lỗ, tính đến tháng 3/2023, xã đã hoàn thành nhiệm vụ xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đang xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đến nay, địa phương không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Riêng xã Phù Linh có một số tiêu chí đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa asphan; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng, 4/4 thôn có nhà văn hóa khang trang, lắp đặt camera an ninh, wifi miễn phí, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2.
Chất lượng dịch vụ công từng bước nâng cao. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ cấp xã đến cấp huyện, tạo thuận lợi và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn. |
Nhờ tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Sóc Sơn đã gặt hái được nhiều trái ngọt trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2022 đạt 61.5 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%. Công tác đào tạo nghề được chú trọng, giải quyết được 8.225 việc làm cho người lao động. Đặc biệt cuối năm 2021, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo.
Kế hoạch đến hết năm 2023, huyện sẽ có thêm từ 40 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở nên. Phấn đấu hình thành thêm 3-4 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh kinh tế trang trại, nâng cao hơn nữa chất lượng sống cho nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, huyện Sóc Sơn được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị cũng đã định hướng huyện Sóc Sơn trong tương lai sẽ là một phần quan trọng để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô. Những định hướng quan trọng nêu trên sẽ mở ra cho Sóc Sơn những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Song cũng đòi hỏi huyện Sóc Sơn nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung cần quyết tâm hơn nữa, biến những tiềm năng, lợi thế thành hành động để xây dựng huyện trở thành thành phố phía Bắc trực thuộc Thủ đô. |
Kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến hết 2023 của Huyện Sóc Sơn: Thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí tại 25/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thực hiện hoàn thành thêm 5 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 19 xã còn lại hoàn thành từ 6 - 10 tiêu chí NTM nâng cao trở lên trong năm 2023. |
Bài viết có sự phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội.