Kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đặc biệt là Chương trình 02 và nay là Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, ngoại thành ở Thủ đô đã trở thành những miền quê đáng sống.
Thời gian qua, huyện Phúc Thọ đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, tập trung khai thác cây trồng chủ lực của địa phương theo quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành những mô hình, vùng sản xuất riêng biệt theo điều kiện từng địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Thực - Trưởng thôn 6, xã Hát Môn cho biết: Nhận thấy bưởi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng lại đem lại hiệu quả kinh tế cao, thôn có gần 260 hộ đã chuyển đổi sang mô hình trồng giống bưởi Diễn và bưởi Tam Vân trên diện tích gần 5ha. Các hộ đẩy mạnh trổng bưởi theo quy trình Vietgap, xây dựng hệ thống tưới tự động, phân bón hữu cơ để gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng. Với giá bưởi trung bình 25.000đ/quả, thời điểm tết giá có thể cao hơn, nhiều gia đình đã làm giàu từ bưởi, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Còn tại xã Võng Xuyên, xã có 115 ha hành được trồng rải rác ở 11 thôn, hành lá đang trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Võng Xuyên và đang giúp nhiều hộ nông dân từ cuộc sống khó khăn do ít đất sản xuất đã vươn lên có cuộc sống ổn định.
Bà Lê Thị Tuyến (thôn Võng Nội) phấn khởi chia sẻ: hành là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian quay vòng gối vụ nhanh nên hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm người dân có thể trồng từ 7 - 8 lứa hành lá, mỗi lứa có thời gian từ 40-45 ngày, thời tiết lạnh có thể thu hoạch sớm hơn khoảng 30 ngày. Nếu được chăm sóc tốt thì mỗi sào canh tác có thể cho thu hoạch 5-6 tạ/lứa. Theo kinh nghiệm nhiều năm của bà, để hành sinh trưởng và phát triển tốt, người dân cần chủ động nguồn nước tưới tiêu, cung cấp độ ẩm kịp thời cho cây sinh trưởng và phát triển.
Tại Chương Mỹ Bức tranh nông thôn mới sáng, xanh, sạch đẹp đã minh chứng cho quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của nhân dân địa phương. Từ đó tạo động lực để xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, đặc biệt mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025.
Lam Điền với những mô hình kinh tế nổi bật như: Bưởi VietGap, lúa VietGap, HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiên cà sản xuất trứng gà dược liệu, HTX Thỏ Việt Nhật, các trang trại chăn nuôi bò 3B, lợn…đã khơi dậy sức dân tại xã phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn, kinh tế xanh bảo vệ môi trường
Bà Lâm Thị Hương – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hợp tác xã thỏ Việt Nhật (thôn Đại Từ) cho biết: Mục tiêu phát triển của HTX là kinh tế bền vững, hiệu quả thân thiện với môi trường nên mô hình nuôi thỏ Việt Nhật đã đáp ứng được điều đó. HTX thường xuyên cùng với công ty Nhật Bản áp dụng các phương pháp nuôi chăm sóc đặc biệt, khép tín từ đầu vào, đầu ra được công ty Nhật bao tiêu trực tiếp, hướng dân nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tương tự tại huyện Ba Vì nhiều xã đang phát triển mô hình chăn nuôi đà điểu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Trại…Với những lợi thế “thiên thời, địa lợi” hiệu quả kinh tế từ nuôi đà điểu cao hơn nhiều lần so với các loại cây, con giống truyền thống.
Anh Phan Ngọc Tú – chủ trang trại chăn nuôi đà điểu Tú Hường (thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa) cho biết, không quá kén ăn, đà điểu có thể ăn nhiều loại rau cỏ như: cỏ voi, rau muống, rau khoai, cỏ hoa trắng…Với quy trình chăm sóc được hướng dẫn nghiêm ngặt theo giai đoạn. Thời gian sinh trưởng của đà điểu thương phẩm từ 11- 14 tháng sẽ đạt trọng lượng 90 -100kg. Giá bán thị trường từ 250 nghìn đồng/kg thịt. Độ tuổi thịt vào khoảng hơn một năm thì đạt chất lượng ngon phục vụ thị trường.
Giống ban đầu được lấy từ Viện quốc gia chăn nuôi Hà Nội, từ con ban đầu khoảng tầm 1 cân với những hộ chưa có kinh nghiệm, thì hộ trang trại anh Tú hỗ trợ bà con chăm sóc hơn 1 tháng tuổi. Với những hộ có kinh nghiệm thì được cấp thẳng để cho hộ gia đình trực tiếp nuôi chăm sóc. Nhờ mô hình chăn nuôi phát triển mạnh, trang trại đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
Hiện nay, chỉ còn 2 huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức chưa đạt chuẩn, còn Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Huyện Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Lũy kế từ năm 2019 đến nay, Thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP (năm 2019 công nhận 301 sản phẩm, năm 2020 công nhận 753 sản phẩm, năm 2021 công nhận 595 sản phẩm, năm 2022 công nhận 518 sản phẩm). Đến nay có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (do thời gian hiệu lực của sản phẩm OCOP là 3 năm), với 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao).
Ngoài ra, để tạo điều kiện các sản phẩm OCOP được công nhận, hàng năm Thành phố cũng quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, trong 02 năm 2021 và 2022, Thành phố đã phát triển thêm 52 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố đến nay là 85 địa điểm, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2020 (năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm). Trong đó có một số huyện thu nhập cao như: Thạch Thất 91 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng đạt 73 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 72 triệu đồng/người/năm…
Theo ông Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội cho biết, Theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao gồm 19 tiêu chí, 78 chỉ tiêu. Trong đó có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 và một số chỉ tiêu yêu cầu cao hơn hoặc cụ thể so với quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước, như: mô hình thôn thông minh, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực,…trong khi đó nguồn lực đầu tư cho Chương trình trong giai đoạn này còn hạn chế.
Vì vậy, Thời gian tới, Hà Nội tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.
Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021, theo đó Kế hoạch đã cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng năm, từng địa phương, từng sở ngành kèm theo kinh phí để thực hiện. Mục tiêu Chương trình đến năm 2025: Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Ðại cho biết, Hà Nội ngày càng có nhiều huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, nông thôn Hà Nội có cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa-xã hội, thể thao có chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú; bản sắc văn hóa được giữ gìn, tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững. Chương trình số 04 là chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thủ đô. Sau hơn hai năm triển khai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của nông dân, Chương trình đạt kết quả tích cực.
Mục tiêu Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với phương châm, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.
Giai đoạn 2023-2025, Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có.
Các huyện phấn đấu lên quận đến năm 2025 tập trung triển khai song song việc thực hiện huyện, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu với các tiêu chí xã thành phường, quận thành huyện; phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận. Các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, chưa đạt chuẩn nông thôn mới.
(Bài viết có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)
Bài viết: Hoàng Quỳnh Anh Đồ họa: Hậu Nam |