Hà Nội trao chứng nhận cho 518 sản phẩm OCOP |
Ngày 16/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội công bố quyết định, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022 cho 518 sản phẩm đạt từ ba sao trở lên của 191 chủ thể.Trong số 518 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng, các quận, huyện, thị xã: Nam Từ Liêm có 22, Bắc Từ Liêm 14, Hoàn Kiếm 6, Hoàng Mai 6, Tây Hồ 6, Ba Đình 5, Hà Đông 2, Đống Đa 2, Thanh Xuân 2 sản phẩm, thị xã Sơn Tây có 11 sản phẩm. Các huyện Quốc Oai có 31, Ba Vì 37, Mỹ Đức 16, Sóc Sơn 28, Chương Mỹ 46, Ứng Hòa 23, Hoài Đức 27, Đông Anh 40, Gia Lâm 30, Đan Phượng 23, Thanh Oai 29, Thường Tín 17, Phú Xuyên 40, Mê Linh 20, Phúc Thọ 9, Thanh Trì 26 sản phẩm. |
Sản phẩm OCOP cần được chuẩn hóa quy trình |
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội đã được phát huy rất tốt, đảm bảo tính toàn diện, thể hiện qua việc số lượng, chất lượng sản phẩm đều được đảm bảo. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; qua đó thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP. Để tiếp tục gìn giữ và tiếp tục phát triển Chương trình OCOP năm 2023, ông Nguyễn Minh Tiến đề xuất Hà Nội cần hỗ trợ các chủ thể khắc phục các vấn đề như bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ. Thành phố cũng cần định hướng xuất khẩu các sản phẩm OCOP trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phấn đấu số sản phẩm OCOP đạt 5 sao chiếm 3 - 5%. Sản phẩm OCOP cần được chuẩn hóa quy trình, đảm bảo tính ổn định; tránh tình trạng khi đem đi dự thi thì đạt chất lượng tốt mà để nhân rộng sản xuất thì chất lượng lại không được đảm bảo ổn định. |
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị lãnh đạo các ban ngành của Hà Nội cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã. |
Ông Nguyễn Minh Tiến đề nghị lãnh đạo các ban ngành của Hà Nội cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt là vấn đề về mẫu mã, bao bì; dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung chưa có sự đột phá và chưa có sự thiết kế chuyên biệt cho các phân loại sản phẩm… |
Trong thời gian tới, OCOP Hà Nội định hướng phát triển gian hàng đầu tiên tại thị trường quốc tế, cụ thể là châu Âu. |
Trong thời gian tới, OCOP Hà Nội định hướng phát triển gian hàng đầu tiên tại thị trường quốc tế, cụ thể là châu Âu. Công tác gắn liền phát triển các sản phẩm OCOP với việc phát triển du lịch các làng nghề cũng cần được Hà Nội đẩy mạnh và phát huy. Từ đó, giới thiệu với bạn bè quốc tế, không chỉ những sản phẩm đặc trưng của các địa phương mà còn có thể đem đến cho họ cái nhìn sâu hơn về quy trình sản xuất cũng như bối cảnh làm nên thương hiệu đặc biệt đó. |
Đại biểu thăm quan gian hàng OCOP. |
Phát triển sản phẩm OCOP để phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn |
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM TP Hà Nội cho rằng: Hà Nội xác định đây là Chương trình có ý nghĩa quan trọng; phát triển sản phẩm OCOP để phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Ông Nguyễn Văn Chí nhận định, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 148 ngày 24/02/2023 có điểm mới là: UBND cấp xã tổ chức đánh giá một số tiêu chí, nội dung về: nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương. Đồng thời việc đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao do UBND cấp huyện thực hiện. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện trong đánh giá, phân hạng sản phẩm. |
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực - Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị. |
Để bảo bảo mục tiêu của thành phố, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ: Một là, tiếp tục tăng cường tập trung công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP; Hai là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững; Ba là, triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP thành phố; Bốn là, tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP, ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường; Năm là, đề nghị các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. |
Thành phố phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận |
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, với những kết quả đạt được, để bảo đảm mục tiêu của Thành phố phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận (năm 2021 và 2022 có 1.113 sản phẩm được công nhận đạt 56% kế hoạch), các cấp ngành từ Thành phố đến cơ sở và chủ thể OCOP cần tiếp tục tăng cường tập trung công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy chương trình; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững… |
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị. |
Bên cạnh đó, triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP Thành phố; |
Làng nghề Việt luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là tại khu vực nông thôn. |
Tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường. Các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. |
Một từ trong những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của đất Hà Thành, đó là món bún ốc “Bà ngoại”. Thương hiệu quen thuộc tại mảnh đất Quảng An, Tây Hồ. |
Tại sự kiện, Ban tổ chức cũng đã tiến hành cắt băng khai mạc gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô. Tại đây, rất nhiều sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được giới thiệu, thu hút đông đảo người dân và các đại biểu ghé thăm quan, mua sắm... |
Thanh Hậu - Nguyễn Nam |