Độc đáo nghề làm hương của người Tày – Nùng xứ Lạng
Để làm ra que hương thành phẩm phải qua nhiều công đoạn tỷ mẩn.
Thoảng hương truyền thống
Làng hương Đông Kinh (Thành phố Lạng Sơn) có truyền thống hàng trăm năm nay. Những dịp cuối năm là thời điểm bận rộn nhất để sản xuất ra những mẻ hương kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện nay, làng hương Đông Kinh còn hơn 50 hộ đa số là nghề do “cha truyền con nối”. Bí quyết để nghề làm hương nơi đây tồn tại chính là sự độc đáo từ nguyên liệu. Nhìn bề ngoài, mỗi thẻ hương không có gì đặc biệt, nhưng sự cầu kỳ trong việc chọn nguyên liệu đã giúp người làm nghề tạo nên những nén hương với hương thơm đặc biệt.
Ngay từ đầu tháng, người dân đã tìm mua một loại tre (tiếng Tày – Nùng gọi là Mạy Mười) – loại tre dóng dài, thẳng làm chân hương; lên rừng tìm lá dính (còn gọi là lá Bơ hắt) có nhiều nhựa, mọc thành bụi ven khe suối. Ngoài ra, họ còn tìm vỏ cây nghiến đỏ, mùn cưa, cây thung… để tạo mùi. Trong làng, người già, người trẻ, ai cũng biết làm hương nhưng chủ yếu là phụ nữ do công việc đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn.
Nhìn các bà, các chị, đôi bàn tay thoăn thoắt, lúc xòe bó nan tre ra thành hình phễu, tung bột hương, lúc chụm lại, cảm thấy công việc này khá thú vị và dễ dàng. Nhưng kỳ thực để tạo ra một bó hương đều, tròn đẹp, trăm cây như một, đòi hỏi người làm hương phải có thao tác rất thành thục.
Học làm hương từ khi còn nhỏ, chị Lương Thị Đào cho biết: làm hương gồm nhiều công đoạn như chẻ tăm, trộn bột, se hương,… nhưng quan trọng và mất thời gian nhất là công đoạn phơi khô.
“Nắng nhiều thì phơi một ngày, không nắng nhiều thì phải phơi hai ngày tùy theo cho đến lúc khô. Nhưng mà không được phơi nắng quá nó nứt, chỉ cháy được đến vết nứt là hương tắt. Nắng to quá thì phải đậy vào hoặc cất vào chỗ râm. Toàn bộ đều làm thủ công, không hóa chất, 100 que bán ra chỉ được khoảng 12.000 đồng, lấy công làm lãi thôi”, chị Đào cho biết.
Bà Lục Thị Sầm, người có nhiều năm làm nghề cho biết: Làm hương có nhiều công đoạn phức tạp. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây tre, mùn cưa và đặc biệt là cây lá dính – một loại lá cây trên rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau.
“Chỉ có tỉ mẩn xếp từng que, tách riêng từng que như thế thì hương mới không bị vỡ, dập…”- bà Sầm giải thích.
Ông Lương Văn Quỳnh, một người bán hương ở chợ Kỳ Lừa cho biết: Gia đình ông gắn bó với nghề làm hương truyền thống từ mấy chục năm nay. Vừa bán ở chợ vừa giao cho nhiều nơi ngoài tỉnh và trong thành phố Lạng Sơn, chủ yếu là giao cho những người làm nghi lễ, thực hành Then; rồi những đám cưới đám hỏi của người dân.
Đa số người dân Lạng Sơn chỉ thích thắp loại hương này mà không dùng hương nơi khác. Do hương ở những nơi khác có mùi khét, hương xứ Lạng ít khói, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những bó tăm hương được người dân vót đều tăm tắp và phơi nắng.
Nỗ lực gìn giữ văn hóa bản địa
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày – Nùng ở Lạng Sơn, nghề làm hương không chỉ là nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc, mà nó còn gắn liền với tục thắp hương của người Việt đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Người dân ở Lạng Sơn gọi hương do đồng bào Tày sản xuất là hương thổ. Hương thổ có ưu điểm ở chỗ khói tỏa ra không cay mắt, mùi thơm nhẹ và dễ chịu. Vào những dịp cúng bái, ma chay, bà con sử dụng hương rất nhiều, vậy nên hương thổ được lòng người dân xứ Lạng hơn hương có thành phần dược liệu.
Mỗi vùng ở Lạng Sơn, tùy điều kiện mà bà con làm hương có những kinh nghiệm khác nhau khi lựa chọn nguyên vật liệu. Bột hương của người Tày Lạng Sơn có thành phần chính là mùn gỗ. Ở các làng nghề thuộc khu vực thành thị như Tổ 4, khối 6, phường Đông Kinh, bà con tận dụng mùn gỗ từ các xưởng mộc. Mùn gỗ được lựa chọn, đem về xát lại để đạt độ mịn mong muốn trước khi dùng để làm hương.
Còn ở các vùng quê như xã Đại Đồng (huyện Tràng Định) bà con ở làng hương Pác Cam có điều kiện để lấy nguyên liệu cầu kỳ hơn. Đó là mùn của cây sâu sâu – một loại cây thân gỗ mọc trong rừng. Theo kinh nghiệm của bà Dương Thị Nhình, thợ làm hương ở Pác Cam, gỗ sâu sâu mục có màu trắng, làm ra được nén hương có màu sắc đều và đẹp.
Hơn nữa, lá cây sâu sâu ăn được nên bà con chắc chắn thứ nguyên liệu này thân thiện với sức khỏe con người.
Bột hương mỗi vùng mỗi khác, nhưng nan hương thì cách chọn ở đâu cũng vậy. Chọn tre, mai làm nan hương phải lấy cây bánh tẻ, không quá già, cũng không quá non. Tre mai khoảng 1 năm tuổi là vừa lấy. Người ta cưa tre thành từng đốt, chặt bỏ mắt, chẻ nhỏ rồi vuốt cho đều. Sau đó đem hơ lửa để loại bỏ những sợi gỗ vuốt chưa sạch.
Nghề làm hương truyền thống là nghề mang tính thời vụ, vì thế mỗi dịp Tết đến xuân về mới vào thời vụ chính và sức tiêu thụ nhiều nhất. Hiện nay, nghề làm hương truyền thống được bà con làm rải rác ở thành phố Lạng Sơn và các huyện trong tỉnh. Trong đó, tập trung nhiều ở thôn Nà Phiêng, Pác Cam, xã Đại Đồng (huyện Tràng Định); thôn Bắc Nga, xã Gia Cát (huyện Cao Lộc); các khối: 6, 7, 8, phường Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn); thôn Khum Khuông, xã Nhân Lý (huyện Chi Lăng); xã Chiêu Vũ, Vũ Lễ (huyện Bắc Sơn)… Nét chung của nghề làm hương ở đây chính là các công đoạn đều được người dân làm bằng phương pháp thủ công, sử dụng nguyên liệu tự nhiên không có hóa chất độc hại.
Gánh hàng chuẩn bị đem hương ra chợ.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện nay, nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề làm hương đang dần bị mai một. Để bảo tồn nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề làm hương, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đề án bảo tồn, khuyến khích người dân phát triển nghề và quy hoạch vùng sản xuất…
Nghề làm hương đã và đang góp phần bảo tồn những nét văn hóa tâm linh đẹp đẽ. Những nén hương thắp lên cùng mùi thơm ngào ngạt trong những nếp nhà của đồng bào Tày, Nùng xứ Lạng như gợi lên trong ký ức mỗi người về khoảnh khắc sum họp bên gia đình trong đêm giao thừa hay ngày lễ Tết đầm ấm, an vui. Mặc dù mang tính thời vụ và không đem lại nhiều lợi nhuận nhưng nhiều gia đình vẫn duy trì nghề truyền thống, góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng.
Bài, ảnh: Thái Sang
Làng hương Đông Kinh hiện còn hơn 50 hộ làm hương truyền thống, đa số là nghề do “cha truyền con nối”. Bí quyết để nghề làm hương nơi đây tồn tại hàng trăm năm nay chính là sự độc đáo từ nguyên liệu. Nhìn bề ngoài, mỗi thẻ hương không có gì đặc biệt, nhưng sự cầu kỳ trong việc chọn nguyên liệu đã giúp người làm nghề tạo nên những nén hương với hương thơm đặc biệt.
Tin liên quan
Tin mới hơn
Huyện Gia Lâm phát triển du lịch xanh gắn với làng nghề
11:01 | 26/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Về làng “May mặc đệ nhất Hà thành”
11:00 | 26/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Thu hút 120.000 nghệ nhân, chuyên gia và 3.000 nhà khoa học vào trường nghề
11:00 | 26/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Ngọt ngào mùa nhãn quê tôi
10:59 | 26/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Khai mạc triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”
14:13 | 24/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Kẹo dừa Bến Tre - Đặc sản truyền thống
14:19 | 21/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Tin khác
Làng nghề gốm Gia Thuỷ hơn 60 năm đỏ lửa
14:19 | 21/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Hành trình từ bản đến thế giới của hợp tác xã Hoa Tiến
14:18 | 21/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Hội Làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo tổ chức Đại hội III, nhiệm kỳ 2024 - 2029
09:23 | 18/11/2024 Tin tức
Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hành tím Duyên Hải – Trà Vinh”
10:41 | 15/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Phú Yên: Say đắm hương vị nước mắm Gành Đỏ
16:04 | 14/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Thanh Hoá: Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch
09:01 | 14/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Phụ nữ Nghệ An bảo tồn và phát huy nghề truyền thống
15:53 | 12/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề gốm Gia Thuỷ - Nơi ngọn lửa nung rực cháy suốt 5 thập kỷ
09:40 | 11/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nam Định: Làng nghề nước mắm truyền thống Sa Châu tập trung sản xuất hàng Tết
09:56 | 08/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề chiếu Định Yên bảo tồn nét đẹp thủ công giữa thời đại mới
09:52 | 08/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Trên 1000 sản phẩm có mặt tại Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn Hà Nội
23:00 | 06/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Làng nghề làm đá Bửu Long hàng trăm năm tuổi
14:17 | 06/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Nồng nàn hương vị rượu Quán Đế Phú Yên
10:22 | 04/11/2024 OCOP
Chiếc mâm mây được ví như linh hồn của dân tộc Hà Nhì
08:50 | 04/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Tranh gốm Kim Lan - Di sản văn hoá
08:49 | 04/11/2024 Làng nghề, nghệ nhân
Huyện Ba Vì (Hà Nội): Trường THCS Phú Sơn duy trì danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp Thành phố
13:46 Tin tức
Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp sáng tạo, làng nghề của Phụ nữ Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng
11:01 Tin tức
Huyện Gia Lâm phát triển du lịch xanh gắn với làng nghề
11:01 Làng nghề, nghệ nhân
Khen thưởng nghệ nhân, thợ lành nghề có nhiều đóng góp trùng tu điện Thái Hòa
11:01 Tin tức
Cần sự gắn kết giữa nhà sản xuất, nhà thiết kế mẫu mã sản phẩm, mẫu bao bì và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ
11:00 Nghiên cứu trao đổi