Ngày 30/6, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn. Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì hội nghị.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Trong xu hướng môi trường xanh, kinh tế tăng trưởng xanh thì vấn đề nguyên liệu thô cũng đang là một xu hướng phát triển, muốn phát triển các làng nghề và hướng tới xuất khẩu thì phải chủ động được vùng nguyên liệu.
“ Có vùng nguyên liệu chúng ta mới chủ động được sản xuất, chủ động được đầu ra cho sản phẩm … nhưng lợi ích lâu dài đó là công ăn việc làm người lao động, phát huy được thế mạnh của nghệ nhân làng nghề, bảo tồn những giá trị văn hóa của làng quê”…- Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Gỡ khó cho nguyên liệu phát triển làng
nghề truyền thống
Hiện nay cả nước có khoảng 2008 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, tăng 80 làng nghề so với năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 5- 6 triệu đồng/năm. Đặc biệt các sản phẩm của làng nghề, ngành nghề nông thôn được làm từ nhiều vùng nguyên liệu khác nhau, việc sử dụng nguyên liệu ngày càng đa dạng và có sự kết hợp nhiều chủng loại trong một sản phẩm đã hình thành sự liên kết…Tuy nhiên các vùng nguyên liệu tập trung thiếu quy hoạch, bị thu hẹp do gặp sự canh tranh với các loại cây trồng khác…
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. |
Theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, vùng nguyên liệu đan lát hiện cả nước có 600 làng nghề với các nguyên liệu sản xuất chủ yếu là tre, song, mây, cói. Nguyên liệu họ tre, nứa với diện tích 1,5 triệu ha, trong đó có khoảng 600 ha được cấp chứng chỉ FSC, tổng dự trữ lượng khoảng 9,5 tỷ cây, bình quân khai thác từ 500- 600 triệu cây nhưng nhu cầu tiêu thụ từ 900 – 1000 triệu cây/năm. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Lào, Camphuchia…Hay nguyên liệu cói, song mây, đan lát diện tích còn thiếu và thường xuyên biến động theo giá nguyên liệu…
Vì vậy đối với người dân trong vùng nguyên liệu cần tổ chức liên kết để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm. Với hiệp hội, hội ngành nghề cần cung cấp thông tin về nhu cầu, yêu cầu về nguyên liệu cho các địa phương và doanh nghiêp. Các địa phương cần tiến hành rà soát quy hoạch đất đai của địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, tập trung, quy mô lớn. Phía các cơ quan trung ương cần nghiên cứu cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ… nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, HTX xây dựng vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với việc cấp chứng chỉ bền vững, truy suất nguồn gốc.
Ông Vũ Thành Nam - Đại diện Cục Lâm Nghiệp. |
Ông Vũ Thành Nam – Đại diện Cục Lâm Nghiệp cho rằng: Định hướng phát triển vùng nguyên liệu cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, hiện có về phát triển làng nghề như; Nghị định số 75/2015/NĐ – CP, chương trình phát triển làng nghề bền vững theo Quyết định số 809/QĐ- TTg.
Xây dựng bổ sung cơ chế, chính sách (Đề án rừng đa dụng), Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết trong phát triển, chế biến, tiêu thụ lâm sản ngoài rừng theo quy định tại Nghị định 98/2018/NĐ ngày 05/7/2018, bổ sung, hoàn thiện các hướng dẫn quy định kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác bền vững vùng nguyên liệu rừng, tre, song, mây tự nhiên các loại… xây dựng lựa chọn các mô hình khuyến nông về liên kết trồng lâm sản ngoài gỗ, thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững, các địa phương cần rà soát, đánh giá diện tích rừng tre, song, mây… và xác định cụ thể nhu cầu sử dụng nguyên liệu trên cơ sở đó quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với cơ sở, chế biến làng nghề.
Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa. |
Còn ông Nguyễn Đức Cường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh có diện tích tre, nứa, luồng, vầu lớn nhất cả nước, với 128.000 ha. Với diện tích lớn, quy mô rộng, tre, nứa, luồng, vầu đã trở thành loại cây sinh kế cho người dân khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, giá trị sản xuất vấn được đánh giá thấp so với tiềm năng, lợi thế do tỷ lệ tre luồng đưa vào chế biến còn thấp, sản phẩm chế biến mới ở dạng sơ chế nên giá trị kinh tế chưa cao. Các cơ sở sản xuất, chế biến tre luồng trong tỉnh mới chỉ tiêu thụ được khoảng 40% sản lượng tre, luồng khai thức hàng năm, 60% còn lại được thương lái thu mua, tiêu thụ ở các tỉnh ngoài.
Hiện nay, Thanh Hóa đang thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, thực hiện có hiệu quả việc liên doanh, liên kết chuỗi giá trị. Định hướng đến năm 2030 ổn định diện tích vùng nguyên liệu 128 nghìn ha, trong đó vùng sản xuất tre, luồng vầu tập trung 112 nghìn ha; Có 12% diện tích tre, luồng, vầu được liên kết cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Tìm giải pháp cho các vùng nguyên liệu
Theo ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Với vùng nguyên liệu mây tre, đan cần có quy hoạch và phát triển một số trung tâm nguyên liệu mây tre đan lớn phục vụ các làng ngề mây tre lá của cả nước. Một số vùng có tiềm năng như Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng…cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thâm canh, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung vào chất lượng mục đích sử dụng. Nên thành lâp Trung tâm thiết kế sáng tạo và chuyển giao công nghệ chế biến mây tre đen theo quyết định 11 của Thủ tướng chính phủ. Hay với vùng nguyên liệu gốm sứ cần quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét và cao lanh cho các trung tâm sản xuất gốm sứ lớn của cả nước, bao gồm vùng nguyên liệu đất sét và cao lanh cho sản xuất gốm sứ bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long...
Ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Đồng quan điểm, bà Hà Thị Vinh – Giám đốc công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh trăn trở với sản phẩm gốm, nguyên liệu sét còn nhiều cấp bách. Đối với doanh nghiệp sản xuất cần có vùng nguyên liệu ổn định, nhà cung cấp nguyên liệu chất lượng, không những vậy, vấn đề khai thác cũng cần phải có kỹ thuật khai thác…Nên chăng đưa về cho các hiệp hội cùng được tham gia với vai trò khai thác để được đầu tư, chất lượng tốt hơn.
"Đối với sản phẩm gốm, nguyên liệu sét còn nhiều cấp bách" bà Hà Thị Vinh – Giám đốc công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh. |
Cần liên kết bền vững vùng nguyên liệu
Phát biểu kết luận Hội nghị Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Đối với vùng nguyên liệu, cần thực hiện đúng Nghị định 98/2018/NĐ-CP “muốn phát triển vùng nguyên liệu không còn cách nào khác đó là liên kết sản xuất, liên kết giữa các doanh nghiệp và HTX, và người dân”. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp là phát triển vùng nguyên liệu phải gắn với liên kết, Bộ sẽ xây dựng các đề án…
Cần có tổng thể liên kết, nên có một Hiệp hội đứng ra khảo sát, nghiên cứu, và đưa vào danh mục những nơi có thể phát triển vùng nguyên liệu như: ngành gốm, mây tre, ngành lụa…Thứ trưởng đề nghị các lãnh đạo tỉnh cần quan tâm.
Thứ trưởng chỉ ra một vài điểm còn hạn chế của các doanh nghiệp hiện nay đó là vai trò liên kết, các doanh nghiệp hãy chuyển hướng vừa đầu tư vừa kết hợp liên kết thay vì chỉ đầu tư khoa học công nghệ. Bởi chính cái liên kết sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều về nhân lực, vốn…
Thứ trưởng mong muốn các đơn vị Ban ngành cần xác định xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, chính sách hỗ trợ, vấn đề chỉ đạo…nhằm hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp…Bộ sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, và cơ chế chính sách như: giống, quy trình sản xuất, quy trình canh tác…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, chúng ta cần xây dựng các ý tưởng thiết kế, ý tưởng sản phẩm cho các sản phẩm làng nghề…Các doanh nghiệp nên hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, xây dựng hiệp hội có tiếng nói chung trong việc phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề…Nên chăng cần xây dựng các trung tâm logictic của ngành nghề nông thôn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hình thành công nghiệp phụ trợ cho làng thủ công mỹ nghệ…đóng gói bao bì, sơ chế, đóng gói sản phẩm,…
Đối với cây gai xanh, cây lanh… nên làm đề tài chứng minh được đây là giống cây trồng mới, có thể phát triển thành cây chủ lực, giúp xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc. Đây sẽ là cơ sở để phát triển nhân rộng cây trồng các địa phương.
Hiện nay cả nước có khoảng 2008 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, tăng 80 làng nghề so với năm 2020 (bao gồm: 1356 làng nghề và 652 làng nghề truyền thống); doanh thu của các làng nghề đã được công nhận là 75.720 tỷ đồng, tăng 17.332 tỷ đồng so với năm 2020; số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh 270.760 cơ sở, tăng 59.705 cơ sở so với năm 2020 (trong đó: có 3.307 doanh nghiệp, 401 hợp tác xã, 508 tổ hợp tác và 266.544 hộ sản xuất); tạo việc làm cho khoảng 1,58 triệu lao động, tăng 0,96 triệu lao động so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 05 - 06 triệu đồng/người/năm. - Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. |
Bài viết:Thanh Hậu |
Ảnh: Quỳnh Thơ |
Thiết kế: Minh Vân |