Phát triển làng nghề
Sơn Đồng gắn với du lịch
...nhưng nguy cơ bị mai một?
Những năm qua, làng nghề Sơn Đồng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm cho hơn 500 hộ dân trong khu vực. Nhưng hiện nay làng nghề Sơn Đồng đang đối diện với nhiều bất cập, khó khăn về thiếu mặt bằng sản xuất, chưa có quỹ đất phát triển làng nghề…đòi hỏi những giải pháp căn cơ, kịp thời và hiệu quả hơn.
Làng nghề tạc tượng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng với nghề đục, khắc tượng, làm đồ thờ truyền thống cùng với đó là kỹ thuật sơn son, thếp vàng tinh xảo được các khách hàng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. |
Là nghề tạc tượng phật và làm đồ thờ bằng gỗ nổi tiếng trong và ngoài nước, có lịch sử tồn tại và phát triển hơn 1.000 năm. Bằng tình yêu, tài hoa và niềm đam mê nghề mảnh liệt những người thợ lành nghề đã chế tạo ra những tác phẩm tượng phật đa dạng, độc đáo.
Xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) có trên 2000 hộ dân, trong đó hơn 90% hộ giữ nghề, tham gia sản xuất đồ gỗ, tạc tượng phật và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ. Từ những hộ nhỏ lẻ, nhiều hộ sản xuất đã thành lập công ty chuyên buôn bán, phân phối và hình thành mạng lưới kinh doanh ổn định, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế vượt trội. Đời sống người dân phát triển nhanh, bộ mặt nông thôn thay đổi, hầu hết các hộ dân tại đây đều xây được nhà cao tầng, biệt thự, mua sắm ô tô và các phương tiện tiện nghi cao cấp.
Ông Nguyễn Viết Lợi – Nghệ nhân có tiếng làm nghề trong làng cho biết: Từ nghề sơn, tạc tượng phật mà nhiều hộ dân nơi đây có của ăn, của để, cuộc sống sung túc hơn…Tuy nhiên việc sản xuất lâu dài trong khu dân cư, thiếu mặt bằng sản xuất, người dân không thể đầu tư nhiều thiết bị máy móc để phát triển nghề. Vì thế chính quyền địa phương và các hộ dân mong muốn làng nghề Sơn Đồng có được mặt bằng sản xuất tập trung. Nhưng các dự án đều chậm triển khai, có dự án không phê duyệt được.
Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng kỳ công như nghệ thuật làm vóc sơn mài. |
Theo ông Nguyễn Viết Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng: Kết quả thực hiện Nghị quyết 04 ngày 8 tháng 4 năm 2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Về điểm công nghiệp phát triển làng nghề kết hợp du lịch làng nghề tại xã Sơn Đồng, theo quyết định số 351 QĐ/UB/19/01/2018 và theo kết quả rà soát các đồ án, dự án tổng hợp tại 140/BC- UBND ngày 15/10/2020, của UBND TP báo cáo Thủ tướng thì Dự án thuộc danh mục không phù hợp quy hoạch (QH) chung của Thủ đô. Theo QH phân khu S2 dự án nằm trong ô quy hoạch đất ở mới, cây xanh công cộng, trường học, giao thông nên không phù hợp quy hoạch.
Đồng thời, theo Nghị định 68/2007/NĐ - CP ngày 25/5/2017, 66/2020/NĐ - CP ngày 11/6/2020 không còn khái niệm điểm công nghiệp, dự án cụm CN không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư. Theo quyết định số 1292/QĐ - UBND ngày 14/3/2018 của UBND TP về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố đến năm 2020 có xét đến năm 2023, thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt, điểm công nghiệp không phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị S2 được duyệt, phải tìm địa điểm khác trên địa bàn huyện (ngoài khu vực phát triển đô thị).
Tuy nhiên, nhiều hộ dân nơi đây vẫn mong bám được nghề tại đất nghề. Ông Nguyễn Xuân Đoàn - Bí thư chi bộ làng nghề, chủ cơ sở Đoàn Trang chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại đất nghề Sơn Đồng, Hoài Đức bản thân người làm nghề rất mong muốn được giữ nghề tại quê hương. Đặc biệt Thành phố đang có chủ trương xây dựng Sơn Đồng thành địa điểm làng nghề gắn với du lịch, mặc dù nhiều phương án di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư nhưng người dân chưa mặn mà. Người làm nghề, bám nghề với mong muốn tương lai sẽ có mặt bằng sản xuất để phát triển.
Những bức tượng phật tại xưởng chế tác tượng tại làng Sơn Đồng. |
Nhận định về sự phát triển nghề tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức, ông Nguyễn Như Hải chuyên viên văn phòng UBND Sơn Đồng, cũng là nghệ nhân của người làm nghề cho biết: Bản thân người làm nghề rất mong muốn khao khát có được mặt bằng sản xuất phát triển. Ông Hải bộc bạch: “Nếu không có quỹ đất phát triển rồi không biết làng nghề Sơn Đồng sẽ đi đâu về đâu?’’.
Về quy trình chế tác, ngoài công thức chung kế thừa của cha ông thì mỗi nghệ nhân ở Sơn Đồng cũng có những thủ pháp, những bí truyền với cách phân, quân tỷ lệ không hoàn toàn giống nhau. |
Trong những năm qua, làng nghề Sơn Đồng đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Bình quân thu nhập từ nghề tại đây với sức lao động nhàn rỗi từ 250.000 – 300.000 nghìn/ngày công, làng nghề đã tạo thêm nhiều việc làm cho các lao động dôi dư trong quá trình đô thị hóa.
Nhưng công tác phát triển làng nghề có tính chất bền vững, hiệu quả đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Mặt bằng sản xuất chật hẹp do chủ yếu cơi nới tại gia đình, vừa sản xuất vừa sinh hoạt cho cả nhà vì thế nhiều cơ sở không có điều kiện đầu tư trang bị máy móc mở rộng sản xuất. Đường đi chật hẹp, phần lớn người dân phải di chuyển bằng xe máy, xe thồ, các phương tiện giao thông tránh nhau rất khó… công tác vận chuyển, giao thương hàng hóa gặp một số trở ngại.
Mặt bằng sản xuất chật hẹp do chủ yếu cơi nới tại gia đình, vì thế nhiều cơ sở không có điều kiện đầu tư trang bị máy móc mở rộng sản xuất. |
Ngày 23/7/2022, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Mục tiêu tìm giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 03/3/2022 về việc Bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Theo kế hoạch này, Hà Nội sẽ tổ chức xét công nhận 50 danh hiệu “làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống”; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 100 làng nghề; hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề cho 100 làng nghề; hỗ trợ 50 dự án phát triển ngành nghề nông thôn.
Qua đó, Hà Nội mong muốn Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế giảm lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn cho làng nghề phù hợp cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; có cơ chế, chính sách về đất đai xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cải tiến thủ tục giao đất, thuê đất lâu dài... Hà Nội phát triển làng nghề gắn với du lịch, trong đó du lịch làng nghề được đặc biệt quan tâm, phát triển theo hướng du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, du lịch xanh; tạo thuận lợi về thủ tục cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP Hà Nội; phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống.
Nghề quý trong tay người thợ Sơn Đồng còn lan tỏa đi khắp vùng miền, góp phần phục dựng và bảo tồn rất nhiều công trình văn hóa tâm linh. |
Từ nghề để thoát nghèo, làm giàu và đổi đời thì chắc rằng ai cũng mong muốn nhưng để xây dựng và phát triển được nghề đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành. Mặc dù đứng trước những khó khăn và thử thách nhưng những người làm nghề tại xã Sơn Đồng vẫn hi vọng về một ngày mai rạng rỡ, một ngày hạnh phúc nhất khi tất cả những người làm nghề có được mặt bằng để phát triển.
Sau này chắc rằng sẽ có những ngày những người làm nghề nhắc lại về quá khứ, một quá khứ tươi nguyên về mảnh đất làm nghề: về những khó khăn, về hướng giải quyết. Nhưng điều đó chỉ còn là quá khứ và sẽ có những ngày hân hoan hơn khi xã Sơn Đồng, Hoài Đức đã có hướng phát triển nghề một cách bền vững, hiệu quả.
Làng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là nơi có nghề tạc tượng và đồ thợ phụng Phật giáo lớn nhất cả nước. Nơi đây từng được xác lập kỷ lục Việt Nam về số lượng, chất lượng tượng gỗ được tạc khắc, cũng như số lượng người làm tượng. Không chỉ là một làng nghề đơn thuần, Làng nghề Sơn Đồng đã trở thành một biểu tượng, là nơi tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước và là nét đẹp về văn hóa của Thủ đô. Năm 2007, sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi danh Sơn Đồng là “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam”. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng không chỉ phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,... |
Thực hiện: Thanh Hậu Ảnh: Minh Vân |
( Bài viết có sự phối hợp với Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội)