Theo chân nghệ nhân Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa, ghé thăm Vạn Phúc vào một ngày cuối hạ, chúng tôi vừa được chiêm ngưỡng những sản phẩm gấm, lụa đẹp mơ màng, độc đáo, vừa như được trở về cội nguồn với những nét xưa cũ, đắm mình vào chiều sâu của văn hóa nghệ thuật giữa lòng Hà Nội.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở xung quanh…
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Nghệ nhân Phạm Khắc Hà chia sẻ, thời loạn lạc, ông là một người lính chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương theo cha nối nghề dệt lụa truyền thống. Đối với ông, hình ảnh khung cửi, sợi tơ đã ăn sâu vào tiềm thức, tiếng thoi đưa lách cách, nhịp nhàng trở thành âm thanh quen thuộc của cuộc sống. Và chính chiếc áo sơ mi ông đang mặc hôm nay để tiếp những đoàn khách quý cũng là sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc, ông Hà bộc bạch.
Lụa Vạn Phúc quý giá bởi được dệt thủ công từ bàn tay cần mẫn và bằng tình yêu của nhiều nghệ nhân làng lụa. Hoa văn chìm nổi trên mỗi tấm lụa được tạo ra ngay từ công đoạn dệt, chứ không phải in lên như cách mà nhiều địa phương khác đang làm. Ông Hà kể lại, khoảng 5-7 năm về trước, một số vị khách ghé thăm đã phản ảnh với ông về sự nghèo nàn trong họa tiết và sự thiếu sáng tạo trong mẫu mã lụa Vạn Phúc khiến ông rất buồn.
Chính vì thế, dù đã ngoài 70 với nhiều hạn chế về sức khỏe và công nghệ, ông Hà vẫn tích cực tham gia các hội thảo, hội chợ và hội thi sáng tạo mẫu mã cho sản phẩm lụa do Thành phố tổ chức. Ông cũng vận động thêm nhiều hộ khác cùng tham gia. Kết quả mỗi năm đạt từ 5-6 giải thưởng, sáng tạo ra nhiều mẫu hoa văn độc đáo như mẫu Phúc Lộc Thọ, Trống Đồng, Song Hạc, Thọ Đỉnh, Tứ Quý…
Một số mẫu hoa văn độc đáo đạt giải thưởng tại hội thi sáng tạo mẫu mã cho sản phẩm lụa do Thành phố tổ chức.
Hiện nay, nhiều cơ sở ngành dệt đang đi theo hướng làm hoa điện tử. Hoa văn được dệt bằng đầu máy điện tử có ưu điểm là có thể sản xuất số lượng lớn với tốc độ nhanh vì được lập trình hoàn toàn bằng máy tính. Tuy nhiên công đoạn sáng tạo ra mẫu hoa chi tiết vẫn phải được làm thủ công thì mới cho ra thành phẩm như ý.
Nghệ nhân Hà cho biết, không phải ai cũng có thể thiết kế ra những mẫu hoa này, đó phải là những người thường xuyên tham gia các hội thi mới có thể làm được. Ông đang vận động các cơ sở sản xuất lớn, có năng lực về tài chính đầu tư công nghệ máy móc nhằm tăng giá trị về chất lượng và giá trị mỹ thuật cho lụa Vạn Phúc. Tuy nhiên, tất cả phải được thực hiện trên cơ sở giữ nguyên một số thủ pháp nghệ thuật truyền thống, một số công đoạn bắt buộc làm thủ công như thiết kế mẫu hoa, thêu hoa, trộn màu nhuộm…
Lụa Vạn Phúc chú trọng hoa văn đơn giản nhưng tinh tế, thiết kế cân xứng, hài hòa. |
Thời điểm năm 2017, lụa Vạn Phúc rơi vào cảnh thăng trầm do một vài cửa hiệu nhập hàng Trung Quốc về bán ảnh hưởng tới thương hiệu làng nghề, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Làng Lụa Vạn Phúc cũng như bao làng nghề truyền thống khác, đang gồng mình với dòng chảy thời gian để tìm hướng phát triển.
Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Lụa Vạn Phúc, đồng thời là một nghệ nhân tâm huyết với làng nghề, ông Phạm Khắc Hà đã điều hành hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh tại cửa hàng của mình rất tốt. Ông Hà cho rằng, không có gì bền vững bằng chính những yếu tố truyền thống, những giá trị gốc cần được bảo tồn và phát huy. Khách du lịch đến với Vạn Phúc bởi muốn tìm thấy tinh hoa của một làng nghề trên những tấm lụa bản địa, tìm hiểu nghề truyền thống, chứ không phải mua tấm lụa nhập từ nơi khác.
Vì vậy, cơ sở sản xuất và kinh doanh của ông Hà chú trọng làm ra những sản phẩm chất lượng cao từ 100% sợi tơ tự nhiên óng ánh, mềm mại, khác xa các sản phẩm khác trên thị trường. Đồng thời mở rộng sản xuất đa dạng các sản phẩm lụa cao cấp làm quà tặng như quần áo, khăn, túi, ví, cà vạt, đồ lưu niệm bằng lụa… đáp ứng thị hiếu của khách tham quan, đặc biệt là du khách nước ngoài. Các sản phẩm này bắt buộc phải ghi rõ xuất xứ, chất lượng và niêm yết giá thành rõ ràng. Trên mỗi lô vải lụa sẽ được dập mẫu logo riêng, du khách chỉ cần nhìn logo là có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Thời điểm dịch Covid 19, khách đến tham quan làng nghề bị hạn chế, ông Hà cùng với cháu gái là chị Nguyễn Thị Thanh Vân đã phát triển kinh doanh các sản phẩm lụa Vạn Phúc trên các kênh Online, sàn TMĐT.
Đặc biệt, thời gian gần đây, chị Vân bắt đầu tiếp cận khách hàng thông qua hình thức livestream trên Fanpage “Lụa tơ tằm Hà Đông Chất lượng cao • Phuc Hung silk CO.,LTD”. Trung bình 1 tuần cơ sở duy trì từ 3-4 buổi livestream, mỗi buổi livestream thu được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt xem, lượng đơn hàng bán được nhờ hình thức này cũng rất khả quan, chị Vân chia sẻ.
Để dần khôi phục cách dệt truyền thống, giữ lại vẹn nguyên những giá trị cổ truyền trên từng tấm lụa, ông Hà đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề, đào tạo nghề dệt lụa truyền thống cho thế hệ kế cận tại địa phương, giúp các em “ngấm” được cái nghề ngay từ khi còn bé.
Ông cũng gửi gắm tới thế hệ trẻ rằng, lao động sản xuất thôi chưa đủ, phải có lòng say mê, xem nghề như là máu thịt thì mới có thể gắn bó và phát triển nghề trở nên thịnh vượng. Nhất là với nghề dệt cần biết vận dụng và sáng tạo ra những mẫu hoa văn mới thường xuyên.
Ông Hà tâm huyết giới thiệu từng mẫu hoa văn với khách tham quan.
Bước đường chinh phục thị trường vẫn còn dài. Trăn trở về tương lai của làng nghề, ông Hà cho biết, khó khăn lớn nhất của Vạn Phúc hiện tại là chưa chủ động được vùng nguyên liệu. Các vùng trồng dâu nuôi tằm, cơ sở sản xuất tơ tằm ở Hà Nội nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung không còn. Người dân trong làng buộc phải nhập nguyên liệu từ tận Bảo Lộc, Lâm Đồng với chi phí rất cao. Sản phẩm vẫn bán đi nước ngoài, nhưng không có hợp đồng mua bán. Đó cũng chính là lý do tại sao, các sản phẩm OCOP của làng lụa Vạn Phúc chưa thực sự phát huy được giá trị vốn có của nó.
Theo ông Hà, để làng nghề Vạn Phúc tiếp tục vươn xa, bên cạnh việc chú trọng đến vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm, cần kết hợp phát triển du lịch văn hóa tại địa phương. Bởi nghề dệt lụa không đơn thuần là một nghề kiếm sống, mà còn là nét đặc trưng văn hóa, là niềm tự hào của mỗi người con đất lụa.
Vì vậy, mỗi khi có khách từ phương xa đến, bên cạnh việc giới thiệu cửa hàng của gia đình, tư vấn cho khách tham quan những sản phẩm lụa tơ tằm cao cấp làm quà tặng, ông còn nhiệt tình dẫn đoàn ghé thăm các công trình làm lụa, đền thờ tổ nghề, chùa Vạn Phúc, miếu cổ Vạn Phúc thờ Thành hoàng làng…
Không gian cổ kính tại miếu thờ Thành Hoàng Làng LụaVạn Phúc.
Nghệ nhân Phạm Khắc Hà nhấn mạnh: "Các hộ sản xuất tại làng thường xuyên, chủ động học hỏi, tiếp cận với công nghệ 4.0 để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt, các cơ sở, xưởng sản xuất cam kết thực hiện nghiêm các quy định về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường".
Nhờ những đóng góp tích cực trong lĩnh vực phát triển làng nghề truyền thống, ông Phạm Khắc Hà liên tục được người dân tín nhiệm, giữ cương vị Chủ tịch hiệp hội làng nghề Vạn Phúc. Năm 2015, ông Hà là nghệ nhân duy nhất được vinh danh bảng vàng gia tộc, được Ban tổ chức “Kí ức Hà Nội” tặng Giấy khen nghệ nhân lụa truyền thống. Cùng thời điểm này, ông được nhận Danh hiệu “Thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi Thủ đô” - là một trong những Cựu chiến binh tiêu biểu được Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Hà Nội vinh danh.
Bằng khen, giải thường cho những đóng góp tích cực của ông Phạm Khắc Hà trong phát triển làng nghề truyền thống.
Về phía chính quyền địa phương, để phát triển du lịch bền vững, góp phần quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc cũng đã chủ trương xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm…
Theo Chi cục phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ những điểm có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống. Trong đó tập trung đầu tư cho 3 làng nghề: Bát Tràng, Vạn Phúc và Đường Lâm. Tiến hành xây dựng cơ chế và thực hiện chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn, làng nghề; chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch...
Bài/ Đồ họa: Minh Vân. Ảnh: Quỳnh Thơ. Bài viết có sự phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội |