Hà Nội: 28°C Hà Nội
Đà Nẵng: 26°C Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh: 28°C TP Hồ Chí Minh
Thừa Thiên Huế: 26°C Thừa Thiên Huế

Cần một tầm nhìn chiến lược đối với nghệ nhân làng nghề

LNV - Trong các làng nghề nước ta, đội ngũ nghệ nhân có vai trò rất quan trọng: là người lưu giữ, truyền bá và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của nghề thủ công nước ta. Tiếp nối công lao từ các vị Tổ nghề thời trước, đội ngũ các thế hệ nghệ nhân là niềm tự hào của làng nghề chúng ta. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chúng ta cũng cần chủ động trong việc xây dựng một hệ thống chính sách toàn diện thể hiện tầm nhìn chiến lược để khẳng định vai trò của nghệ nhân và phát huy trí tuệ, tài năng của họ.



ỨNG XỬ VỚI NGHỆ NHÂN CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Lâu nay, chúng ta thường tôn vinh nghệ nhân làng nghề với danh xưng “Báu vật nhân văn sống”. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn chưa thấy những hoạt động xứng tầm thể hiện rõ nhận thức về giá trị của “báu vật”; vì vậy, trước tiên, xin nhắc lại nội dung khái niệm “Báu vật nhân văn sống”. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), “Báu vật nhân văn sống là những người có kiến thức và kỹ thuật ở cấp độ rất cao cần thiết cho việc thực hành hay sáng tạo các yếu tố của di sản văn hóa phi vật thể mà các quốc gia thành viên đã lựa chọn như một bằng chứng cho truyền thống văn hóa sống của mình và cho tinh thần sáng tạo của các nhóm, các cộng đồng và các cá nhân hiện diện trên đất nước mình”. Khái niệm này được đưa ra trong Khuyến nghị của UNESCO về việc Bảo vệ văn hóa cổ truyền và văn hóa dân gian được thông qua tại kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 25 ở Paris (Pháp) vào ngày 15.11.1989. Khái niệm “Báu vật nhân văn sống” tiếp tục được sử dụng tại điều 2 của Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể do Đại hội đồng UNESCO thông qua vào năm 2003. Đến nay, hơn 80 quốc gia thành viên của UNESCO (trong đó có Việt Nam) đã tham gia và phê chuẩn công ước này.

Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đề ra chính sách tôn vinh Báu vật nhân văn sống. Luật Văn hóa tài bảo hộ pháp (Bảo vệ tài sản văn hóa) do chính phủ Nhật Bản ban hành năm 1950 đã sử dụng thuật ngữ “Trọng yếu vô hình văn hóa tài bảo đặc giả” để chỉ “những cá nhân (hoặc nhóm người) đang nắm giữ và phổ biến những kỹ năng và bí quyết nhằm lưu truyền những tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng của đất nước cho các thế hệ tương lai”. Từ sau năm 1955, người Nhật thường sử dụng khái niệm “Nhân gian quốc bảo” để thay thế cho thuật ngữ trên, không chỉ dành cho những cá nhân có cống hiến kiệt xuất mà còn dành cho những nhóm người đang nắm giữ, bảo tồn và truyền dạy cho cộng đồng những kỹ năng và bí quyết nghề nghiệp có nguy cơ thất truyền.

Tại Hàn Quốc, năm 1964, chính phủ Hàn Quốc bổ sung vào Đạo luật số 961 về Bảo vệ Tài sản Văn hóa (ban hành năm 1962) thuật ngữ “Bảo thủ giả” (người có bàn tay quý giá) để chỉ “những người (hay nhóm người) đang nắm giữ những tài sản văn hóa phi vật thể có giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật và học thuật”. Sau này, phỏng theo mô hình Nhật Bản, Hàn Quốc thường sử dụng thuật ngữ “Nhân gian văn hóa giả” thay cho thuật ngữ “Bảo thủ giả” đã sử dụng trong các văn bản trước đây. Hiện nay, Hàn Quốc gọi “Living National Treasure” (Bảo vật quốc gia sống), giống như Nhật Bản, Philippines, Campuchia.

Có thể thấy từ rất sớm, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đặc biệt coi trọng nghệ nhân; Họ đã có những chính sách bảo vệ và phát huy nghệ nhân cùng với nhiều chính sách khác nhằm phát huy vốn văn hóa dân tộc, tạo nên ‘sức mạnh mềm” của hai nước này, như chúng ta đã biết. Ngoài ra, trên thế giới, cũng đang có nhiều cách tôn vinh nghệ nhân bằng danh hiệu khác nhau, như: Bậc thầy nghệ thuật (Maître d’art, Pháp), Người mang truyền thống thủ công dân gian (Bearer of Popular Craft Tradition, Cộng hòa Séc), National Artist (Nghệ sĩ quốc gia, Thái Lan), Giải thưởng Te Waka Toi (New Zealand)...

Ở nước ta, với nhận thức về giá trị của nghề thủ công - “di sản văn hóa phi vật thể”, Nhà nước đã ban hành Luật Di sản văn hóa (2001, 2009, 2013) và thực hiện một số chính sách để bảo vệ, bồi dưỡng, tôn vinh và phát huy nghệ nhân; một số tổ chức xã hội đã tham gia. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một văn bản pháp quy riêng về nghệ nhân thủ công; những chính sách hiện hành được quy định lẻ tẻ, còn thiếu toàn diện, chưa đủ tầm để hình thành đội ngũ nghệ nhân nghề thủ công một cách bền vững trong làng nghề nước ta.

Thực tiễn đòi hỏi nâng cao nhận thức và khẳng định sâu sắc hơn nữa giá trị của nghệ nhân. Họ là niềm vinh dự, tự hào của làng nghề chúng ta. Đó là vì: (i) Nghệ nhân nghề thủ công là người mang trong mình tinh hoa văn hóa truyền thống của nghề thủ công; họ không chỉ góp phần vào nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa, mà góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới; (ii) Nhiều nghệ nhân đang say mê, tâm huyết sáng tạo nhiều sản phẩm mới, phát huy những giá trị nghề thủ công truyền thống lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường; (iii) Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nghệ nhân là kết tinh của tâm hồn, trí tuệ và kỹ năng được mài dũa đến tinh tế của nghệ nhân, luôn luôn đổi mới, sáng tạo không có điểm dừng; ngày nay, dù có sử dụng máy móc hoặc công nghệ 4.0 trong một số công đoạn, song nghệ nhân vẫn là người “thổi hồn” vào sản phẩm; (iv) Nghệ nhân đang là người gần như duy nhất truyền dạy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn cho lớp thợ giỏi, đào tạo đội ngũ kế tiếp bảo đảm tiếp nối truyền thống và sáng tạo văn hóa nghề thủ công nước ta.

Sôi nổi nhất trong thời gian qua là các cuộc phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Những nghệ nhân có thực tài đều mong muốn tài năng của mình được xã hội công nhận, coi đó là “thương hiệu” của mình; Địa phương cũng vinh dự vì có nghệ nhân được phong tặng; Do đó, việc phong tặng các danh hiệu nghệ nhân là cần thiết, đáp ứng yêu cầu chính đáng của nghệ nhân. Song đáng tiếc là có nơi đã lợi dụng yêu cầu này, tổ chức những cuộc phong tặng thực chất là “mua-bán”, “thương mại hóa” danh hiệu nghệ nhân với những mánh lới, thủ đoạn trục lợi lộ liễu hoặc tinh vi; Nhiều cuộc đã bị báo chí phê phán.

Trong thực tế, đang có xu hướng chỉ quan tâm tìm nghệ nhân đã có thành tích để tôn vinh, khen thưởng theo kiểu “ăn sẵn”, thể hiện một tầm nhìn hạn hẹp, đầu óc thực dụng, chỉ chú ý khai thác phần ngọn, lại không đủ kiến thức để thực hiện những công việc cần làm từ gốc: trước, trong và sau tôn vinh, để bảo đảm hình thành đội ngũ nghệ nhân một cách bài bản, căn cơ, bền vững. Sau những cuộc phong tặng nặng về hình thức, rộn ràng “loa, đèn, kèn, trống”, nghệ nhân lại bị rơi vào quên lãng.





CẦN MỘT TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC

Bài viết này đề xuất một “tầm nhìn chiến lược” đối với nghệ nhân làng nghề, cũng tức là yêu cầu một hệ thống cơ chế, chính sách đúng tầm đối với nghệ nhân nghề thủ công làng nghề - người mang giá trị văn hóa, hồn cốt của làng nghề cần được trân quý, bảo vệ, tri ân và phát huy. Đó là những chương trình, kế hoạch toàn diện xuyên suốt cả quá trình, từ bồi dưỡng, đào tạo, hình thành nghệ nhân tại mỗi cơ sở đến phát huy nghệ nhân trong cuộc sống, bảo đảm một đội ngũ nghệ nhân nghề thủ công đủ đức và tài, có trí tuệ, tài năng và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, đồng thời giới thiệu các giá trị nghề thủ công nước ta hội nhập với thế giới. Một tầm nhìn chiến lược như thế – cũng có thể gọi là “tầm nhìn văn hóa” là rất cần thiết đối với các cơ quan Nhà nước cũng như của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện một cách bài bản hệ thống chính sách, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và phát huy đội ngũ nghệ nhân làng nghề nước ta.

Làm được như vậy chính là quán triệt, thực hiện chủ trương về phát huy vai trò của nghệ nhân trong “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030” đã được Chính phủ phê duyệt ngày 7/7/2022: “Duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị”. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam rất nên có sự đóng góp xứng đáng trong việc này




MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỤ THỂ

Một là, có kế hoạch đào tạo nghệ nhân ngay từ cơ sở và liên tục hoàn thiện tri thức và kỹ năng nghề cho nghệ nhân. Thực tế cho thấy việc đào tạo nghệ nhân phải bắt đầu ngay từ gốc, trong mỗi cơ sở sản xuất làng nghề bằng một kế hoạch cụ thể, căn cơ. Lao động trong cơ sở cần được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để làm tốt công việc của mình. Thợ giỏi cần được phát hiện và bồi dưỡng thành nghệ nhân. Nghệ nhân cần được bồi dưỡng bằng nhiều hình thức phù hợp để tăng thêm kiến thức, bổ sung kỹ năng mới, ứng dụng công nghệ 4.0 trong công việc, v.v... Mỗi cơ sở phải là một “vườn ươm” nghệ nhân cho làng nghề cả nước. Chỉ có quan tâm từ gốc như thế, mới có thể hình thành đội ngũ nghệ nhân một cách bền vững.

Việc bồi dưỡng, hoàn thiện tri thức và kỹ năng nghề cho nghệ nhân phải được tiến hành có kế hoạch thường xuyên, liên tục. Đội ngũ nghệ nhân làng nghề hiện đang có nhiều lớp khác nhau: có những nghệ nhân ở tuổi 70-80, những nghệ nhân khoảng 50-60 tuổi, lại có những nghệ nhân ở độ tuổi 30-40; mỗi độ tuổi có thế mạnh, chỗ yếu khác nhau. Lớp cao tuổi thường được đào tạo tại chỗ, theo kiểu truyền miệng “cha truyền, con nối”, trưởng thành chủ yếu bằng kinh nghiệm bản thân. Lớp trung niên có nhiều người được học tập bài bản, qua các trường, lớp mỹ thuật công nghiệp; cũng có một số trưởng thành do nghệ nhân hoặc cha, anh hướng dẫn tại chỗ. Các lớp nghệ nhân này cần được liên tục bồi dưỡng không chỉ về kiến thức, kỹ năng mỹ thuật công nghiệp một cách bài bản kịp với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật hiện đại, mà quan trọng nhất, chính là ý chí, khát vọng nối tiếp và phát huy tinh hoa nghề thủ công của dân tộc, đưa nghề thủ công nước ta hội nhập xứng đáng với thế giới.

Tình hình mới với những yêu cầu mới của thị trường cũng đang đòi hỏi nghệ nhân những nhận thức, kiến thức mới, nhất là trong xu hướng “sản xuất xanh”, “tiêu dùng xanh” thân thiện với môi trường. Trên thế giới, trước những khó khăn về năng lượng, lạm phát, lương thực, tác động của đại dịch Covid-19 ... người tiêu dùng đang phải tính lại các khoản chi tiêu; Nhu cầu về hàng thủ công mỹ nghệ cũng khác trước. Nghệ nhân phải được thông tin, nắm được sự chuyển biến của thị trường trong nước cũng như nước ngoài để đổi mới, sáng tạo trong thiết kế, hình thành sản phẩm phù hợp.

Hai là, tạo không gian thuận lợi cho nghệ nhân phát huy tài năng, sáng tạo. Nếu như bản chất của nghề thủ công là sáng tạo và sáng tạo không điểm dừng, thì nghệ nhân cũng luôn luôn sáng tạo, sáng tạo suốt đời. Nghệ nhân gắn bó với cơ sở sản xuất làng nghề ngay từ khi còn là lao động phổ thông và từ trong lao động sáng tạo mà trưởng thành. Vì vậy, cơ sở sản xuất làng nghề phải là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy ý chí và tạo môi trường thuận lợi cho nghệ nhân sáng tạo.

Để trợ giúp nghệ nhân trong nghiên cứu, sáng tạo mẫu mã mới, kiểu dáng mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, rất cần những trợ giúp cụ thể, từ nguyên vật liệu, thời gian và chi phí. Cần tổ chức các nhóm nghệ nhân cùng nghiên cứu một chuyên đề (gồm nghệ nhân trong cơ sở hoặc liên kết với nghệ nhân cơ sở khác) để cùng bổ sung cho nhau trong nghiên cứu. Giúp tổ chức các cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân cùng nghề trong địa phương hoặc trong vùng. Cũng nên thành lập các câu lạc bộ nghệ nhân (theo nghề nghiệp và theo vùng) làm nơi chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Báo chí cần tuyên truyền, giới thiệu đầy đủ hơn các sáng kiến, sáng tạo, sản phẩm mới của nghệ nhân.

Ba là, chăm lo đời sống vật chất của nghệ nhân. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn về các mặt như: trợ cấp khó khăn hằng tháng; Bảo hiểm y tế; chi phí mai táng và giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, số nghệ nhân được hưởng các hỗ trợ này chưa nhiều; phạm vi chính sách cũng còn hẹp, thủ tục có phần rườm rà. Cũng chưa có các chính sách chăm lo đời sống vật chất đối với nghệ nhân do các tổ chức xã hội-nghề nghiệp phong tặng. Đây là một thiếu sót lớn cần được khắc phục, Nghị định 109/2015 cũng cần được bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh trách nhiệm trước hết là của các cơ sở trong toàn bộ công việc chăm sóc dời sống, chữa trị bệnh cho nghệ nhân; Cũng không chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, mà cần có sự chung tay của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Có những hoạt động có thể triển khai để mang lại thu nhập cho nghệ nhân, đó là: Đưa sản phẩm của nghệ nhân vào trưng bày và bán tại các cuộc hội chợ, triển lãm (kể cả trong nước và ra nước ngoài); Nghệ nhân được miễn, giảm một số chi phí; Giúp nghệ nhân tổ chức triển lãm cá nhân, qua đó, nghệ nhân trực tiếp giới thiệu giá trị của sản phẩm, thao tác tại chỗ, ký tên vào sản phẩm, hoặc hướng dẫn du khách thực hành trải nghiệm; Một số nghệ nhân biết ngoại ngữ có thể được mời làm hướng dẫn viên du lịch khi có khách du lịch tham quan cơ sở làng nghề.

Bốn là, tổ chức tôn vinh, xét duyệt các danh hiệu công khai, minh bạch, đúng thực chất. Có thể khẳng định: Danh hiệu “nghệ nhân” tự thân đã là một giá trị văn hóa; Danh hiệu “nghệ nhân làng nghề” cần phải được ứng xử với tư cách là một giá trị văn hóa của cộng đồng làng nghề, một chuẩn mực của xã hội. Khi cộng đồng thừa nhận, xã hội tôn vinh thì danh hiệu đó sẽ có sức lan tỏa sâu rộng trong làng nghề; ngược lại, lạm dụng quá mức, phong tặng tràn lan sẽ dẫn đến loạn danh hiệu. Khi đó, danh hiệu không những trở nên ít ý nghĩa, kém giá trị, không chỉ gây phản cảm trong cộng đồng làng nghề mà còn làm đảo lộn các giá trị văn hóa của xã hội. Vì vậy, việc khen thưởng, tôn vinh nghệ nhân cần được thực hiện hết sức cẩn trọng.

Trong làng nghề chúng ta, nghề nào cũng có những nghệ nhân đáng được tôn vinh. Nhà nước ta đã có Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân", “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và giao cho Bộ Công thương chủ trì. Từ năm 2010 đến năm 2020, đã có 22 nghệ nhân nhân dân và 192 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng (theo số liệu của Bộ Công thương). Tuy nhiên, việc xét tặng danh hiệu này còn thiếu vắng sự tham gia đầy đủ của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp liên quan đến nghề của nghệ nhân được xét tặng; do vậy, việc xét duyệt có thể chưa thật sát đúng. Thủ tục có phần rườm rà, khó thực hiện, nhất là đối với nghệ nhân làng nghề cao tuổi.
Thời gian qua, đã có nhiều tổ chức xã hội-nghề nghiệp thực hiện các hình thức tôn vinh nghệ nhân. Riêng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, từ năm 2001 đến 2019, qua chín lần tổ chức, đã phong tặng 835 nghệ nhân, 115 bảng vàng gia tộc nghề truyền thống. Song nhìn chung, việc xét phong tặng ở các tổ chức xã hội-nghề nghiệp cũng còn nhiều bất cập, yếu kém.

Cần khẳng định: việc xét duyệt, phong tặng các danh hiệu nghệ nhân nghề thủ công làng nghề phải nhằm mục đích là: biểu dương, tri ân gắn với trao trách nhiệm, khắc phục những tiêu cực đang làm giảm ý nghĩa cao quý của việc tôn vinh. Do vậy, cần đổi mới tư duy, tổ chức lại toàn bộ hệ thống khen thưởng theo các hướng như sau: (i) Có bộ tiêu chí cụ thể, sát hợp từng đối tượng, ngành nghề; thủ tục đăng ký, đề nghị xét thưởng cần đơn giản, dễ thực hiện; (ii) Tiến hành công khai, minh bạch từ cơ sở, có sự giám sát của cộng đồng; (iii) Đối với một số nghệ nhân có đủ tiêu chí, nhưng vì lý do nào đó mà chưa đăng ký (do già yếu, do không nắm được thông tin về tổ chức phong tặng, v.v...), các tổ chức xã hội-nghề nghiệp cần tìm hiểu, giúp đỡ họ đăng ký; (iv) Nhà nước nên chuyển giao việc phong tặng các danh hiệu nghệ nhân ở cấp cơ sở, cấp ngành nghề cho các tổ chức xã hội-nghề nghiệp thực hiện; (v) Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý nhất trên cơ sở đề xuất của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, kèm theo là cấp các loại huân chương tương xứng.

Năm là, phát huy nghệ nhân trong giảng dạy, truyền nghề. Lâu nay, một số nghệ nhân được mời tham gia truyền nghề tại địa phương hoặc giảng dạy tại các lớp tập huấn do nhà nước tổ chức, được mời hướng dẫn quy trình sản xuất, công nghệ thao tác tại các làng nghề, nhưng trong thực tế, số lượng này chưa nhiều. Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg vẫn có nhiều khiếm khuyết.

Qua khảo sát tại các làng nghề cho thấy, để phát huy vai trò của nghệ nhân trong việc giảng dạy, truyền nghề, cần có sự đổi mới toàn diện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Đó là: (i) Nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của việc đào tào nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm, thực hiện phong trào khởi nghiệp của thanh niên nông thôn; (ii) Các cơ quan chuyên ngành, các cơ sở đào tạo nghề xây dựng kế hoạch đào tạo nghề lao động gắn với yêu cầu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề; (iii)Tổ chức biên soạn các bộ giáo trình đào tạo các nghề cơ bản về kiến thức, kỹ thuật nghề phục vụ cho đào tạo nghề ở các làng nghề gắn liền với các nghệ nhân bậc thầy trong đào tạo kỹ năng chế tác; (iv) Tăng cường trang bị máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ cho giảng dạy, học tập; (v) Có các chính sách đãi ngộ đúng mức đối với các nghệ nhân tham gia đào tạo, truyền nghề. Thực hiện các quy định trong Nghị dịnh 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn: “Các nghệ nhân trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm nghề nghiệp, kỹ năng dạy học; được thù lao theo quy định khi tham gia đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Khi nghệ nhân trực tiếp truyền nghề được thu tiền học phí của người học trên nguyên tắc thỏa thuận”.

Cũng xin nói thêm là việc phát huy nghệ nhân trong đào tạo, truyền nghề lại càng cấp thiết, vì có những nghệ nhân có kiến thức đã lớn tuổi, cần được khai thác kịp thời trước khi các cụ ra đi; đồng thời lại có những nghề thủ công có nguy cơ thất truyền, cần có các nghệ nhân nắm được nghề này tham gia trình diễn làm tư liệu cho đời sau.

Tóm lại, trên đây là những vấn đề rút ra từ thực tiễn, đề xuất một tầm nhìn chiến lược về nghệ nhân, để việc biểu dương, tri ân và phát huy những “báu vật nhân văn sống” này được thể hiện cụ thể trong cuộc sống, một việc mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện trước ta hàng chục năm. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cần chủ động xây dựng một đề án tạm gọi là “Đề án về Đào tạo và phát huy nghệ nhân làng nghề” để cùng các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp khác thảo luận và triển khai, góp phần hình thành hệ thống cơ chế, chính sách xứng tầm chiến lược xây dựng một cách bền vững đội ngũ nghệ nhân làng nghề nước ta.


CGCC Vũ Quốc Tuấn
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn-Hiệp hội Làng nghề Việt Nam


Tin liên quan

Tin mới hơn

Hiến pháp sửa đổi năm 2025: Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước

Hiến pháp sửa đổi năm 2025: Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước

LNV - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn kiện pháp lý có giá trị cao nhất, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đồng thời là nền tảng chính trị, pháp lý cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Sau hơn một thập kỷ thi hành Hiến pháp năm 2013, trước yêu cầu đổi mới mô hình quản trị quốc gia, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Quốc hội đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều quan trọng của bản Hiến pháp này.
Trại hè kết nối kiều bào trẻ 2025: “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình”

Trại hè kết nối kiều bào trẻ 2025: “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình”

LNV - Chiều 3/7, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về: Những chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và chương trình Trại hè Việt Nam 2025.
Chuẩn bị cho Festival Quốc tế 2025: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Chuẩn bị cho Festival Quốc tế 2025: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

LNV - Sáng 3/7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị về việc tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và đồng chí Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì hội nghị.
Thanh Hóa: Tập trung xây dựng mô hình khuyến nông trên các sản phẩm chủ lực

Thanh Hóa: Tập trung xây dựng mô hình khuyến nông trên các sản phẩm chủ lực

LNV – Trong thời gian qua, Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng được 20 mô hình trình diễn trên địa bàn 47 xã. Tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng hữu cơ, VietGAP; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cấp xã

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cấp xã

LNV - Sáng 30 tháng 6/2025 tại thành phố Hải Phòng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cấp xã kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện thành lập tổ chức đảng chỉ định cấp ủy hội đồng nhân dân ủy ban nhân dân ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố xã, phường, đặc khu .
Bà Rịa - Vũng Tàu: Thêm 2 làng nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thêm 2 làng nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

LNV - Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa hai nghề thủ công truyền thống là nghề làm bánh tráng An Ngãi và nghề làm bánh hỏi An Nhứt vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin khác

1/7/2025: Ngày hội non sông và bước ngoặt lịch sử

1/7/2025: Ngày hội non sông và bước ngoặt lịch sử

LNV - Ngày 1/7/2025 sẽ đi vào lịch sử cải cách bộ máy nhà nước Việt Nam như một dấu mốc mang tính đột phá và kiến tạo, cũng như lịch sử xây dựng và phát triển đất nước nói chung.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn nghỉ hưu, dấu ấn trọn vẹn hành trình cống hiến

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn nghỉ hưu, dấu ấn trọn vẹn hành trình cống hiến

LNV - Chiều 30/6, Tỉnh ủy Bình Định tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định nghỉ hưu đối với cán bộ thuộc diện Ban Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
TP. HCM: Chính thức sáp nhập đơn vị hành chính và công bố nhân sự mới

TP. HCM: Chính thức sáp nhập đơn vị hành chính và công bố nhân sự mới

LNV - Sáng ngày 30/6, Lễ công bố các nghị quyết, quyết định thành lập TP. HCM, Đảng bộ TP. HCM, chỉ định nhân sự lãnh đạo TP. HCM sau sáp nhập tỉnh diễn ra tại Học viện Cán bộ TP. HCM (số 324 đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh).
Lễ công bố thành lập tỉnh Gia Lai mới, một khởi nguyên lịch sử, một sứ mệnh thiêng liêng

Lễ công bố thành lập tỉnh Gia Lai mới, một khởi nguyên lịch sử, một sứ mệnh thiêng liêng

LNV - Sáng 30/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, trong không khí trang trọng, xúc động và đầy niềm tin, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân hai tỉnh Gia Lai và Bình Định cùng nhau chứng kiến thời khắc lịch sử tại Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, xã, phường.
TP. HCM: Khai mạc trưng bày chuyên đề và công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia

TP. HCM: Khai mạc trưng bày chuyên đề và công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia

LNV – Nhằm tôn vinh giá trị di sản và quảng bá Bảo vật Quốc gia, ngày 29/6, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử thành phố. Đồng thời, kết hợp khai mạc trưng bày chuyên đề “Bảo vật Quốc gia - Những kiệt tác di sản tại TP. HCM”.
Lễ công bố sắp xếp đơn vị hành chính tại Hà Nội

Lễ công bố sắp xếp đơn vị hành chính tại Hà Nội

LNV - Sáng 30-6, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Trung ương, Quyết định của địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, các xã, phường, đặc khu.
Thanh Hóa: Thành lập 26 trung tâm dịch vụ nông nghiệp mới

Thanh Hóa: Thành lập 26 trung tâm dịch vụ nông nghiệp mới

LNV – Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã ban hành Quyết định số 2069/QĐ-UBND về việc thành lập 26 trung tâm dịch vụ nông nghiệp mới trên cơ sở tổ chức lại các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, thị xã, thành phố hiện có. Các trung tâm được chuyển về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý.
Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9

Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9

LNV - Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9 vào ngày mai (27/6). Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Huyện Thường Tín (Hà Nội): Đón nhận Quyết định đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Huyện Thường Tín (Hà Nội): Đón nhận Quyết định đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

LNV - Sáng ngày 28/6/2025, huyện Thường Tín (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Sự kiện không chỉ là niềm vui lớn, mà còn là minh chứng sinh động cho hành trình bền bỉ, sáng tạo, đầy quyết tâm và đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương suốt hơn một thập kỷ qua.
Thanh Hóa: Công bố huyện Ngọc Lặc đạt chuẩn nông thôn mới

Thanh Hóa: Công bố huyện Ngọc Lặc đạt chuẩn nông thôn mới

LNV - Sáng 27/6, tỉnh Thanh Hoá tổ chức lễ công bố huyện Ngọc Lặc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Vương quốc Anh kêu gọi hợp tác với Việt Nam trong Chiến lược Công nghiệp Hiện đại

Vương quốc Anh kêu gọi hợp tác với Việt Nam trong Chiến lược Công nghiệp Hiện đại

LNV - Mới đây, vào ngày 26/6, Vương quốc Anh chính thức công bố Chiến lược Công nghiệp Hiện đại (UK’s Modern Industrial Strategy) mới; kêu gọi hợp tác toàn cầu đặc biệt với những đối tác đáng tin cậy như Việt Nam cùng xây dựng một tương lai bền vững, thịnh vượng hơn.
Vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp tỉnh Gia Lai mới thông suốt

Vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp tỉnh Gia Lai mới thông suốt

LNV - Chiều 25/6, tỉnh Bình Định phối hợp cùng tỉnh Gia Lai tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm đảm bảo việc chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo mô hình tinh gọn, hiện đại và liên thông toàn diện của tỉnh Gia Lai mới.
Hướng dẫn sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế từ ngày 1-7-2025

Hướng dẫn sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế từ ngày 1-7-2025

LNV - Cục Thuế đã có hướng dẫn một số nội dung cơ bản để về việc sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế từ ngày 1-7-2025.
Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024

Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024

LNV - Ngày 30-5-2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1038/QĐ-TTg công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024.
Phái đoàn Thương mại Năng lượng Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác cho ngành điện gió ngoài khơi tại Anh

Phái đoàn Thương mại Năng lượng Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác cho ngành điện gió ngoài khơi tại Anh

LNV - Từ ngày 16 - 23/6/2025, Phái đoàn Năng lượng Việt Nam với 12 đại biểu đã thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, nhằm học hỏi kinh nghiệm quốc tế, mở rộng cơ hội hợp tác, kết nối với các đối tác tiềm năng trong ngành điện gió ngoài khơi.
Xem thêm
Mới nhất Đọc nhiều
Khi Đạo giáo trở thành điểm tựa tinh thần trong biến động lịch sử Việt Nam

Khi Đạo giáo trở thành điểm tựa tinh thần trong biến động lịch sử Việt Nam

LNV - Trong tiến trình lịch sử dân tộc, các tôn giáo không chỉ đóng vai trò tín ngưỡng mà còn là những trụ cột tinh thần, tham gia vào việc ổn định xã hội, điều tiết đời sống văn hóa và phản ánh tâm thế con người trước các biến động lịch sử. Cuốn sách “Qu
Dấu ấn văn hóa đặc sắc trong dòng chảy tín ngưỡng Việt Nam

Dấu ấn văn hóa đặc sắc trong dòng chảy tín ngưỡng Việt Nam

LNV - Trong hệ thống thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt, những công trình như đình, chùa, đền, miếu đã được nghiên cứu sâu rộng và trở thành biểu tượng quen thuộc trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, các quán Đạo giáo, nơi thờ phụng các vị thần
Quán Đạo giáo - Di sản tôn giáo độc đáo cần được bảo tồn đúng giá trị

Quán Đạo giáo - Di sản tôn giáo độc đáo cần được bảo tồn đúng giá trị

LNV - Khi các thiết chế tôn giáo quen thuộc như đình, chùa, đền, miếu đã khẳng định vị thế vững chắc trong nhận thức cộng đồng và chính sách bảo tồn di sản, thì quán Đạo giáo là một loại hình di tích gắn liền với sự du nhập và bản địa hóa của Đạo giáo ở V
Hiến pháp sửa đổi năm 2025: Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước

Hiến pháp sửa đổi năm 2025: Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước

LNV - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn kiện pháp lý có giá trị cao nhất, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đồng thời là nền tảng chính trị, pháp lý cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Cả nước đã có 16.543 sản phẩm OCOP

Cả nước đã có 16.543 sản phẩm OCOP

OVN - Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến tháng 6-2025, cả nước đã có 16.543 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao trở lên, tăng 12.056 sản phẩm so với năm 2020. Trong đó, có 73,2% sản phẩm 3 sao, 26,4% sản phẩm 4 sao, 79 sản
Giao diện di động