Hàng nghìn kỷ vật góp chuyện lịch sử nhằm giữ gìn, lan tỏa văn hóa xưa
Ngôi nhà với hàng ngàn kỷ vật lớn nhỏ từ giấy tờ, quần áo, vật dụng gia đình đến hình ảnh… được sắp xếp một cách gọn gàng theo từng chủ đề, từng câu chuyện về các gia đình, nhân vật, hay một nếp sinh hoạt trong đời sống… Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn (67 An Dương Vương, phường 8, quận 5) thực sự khiến người xem cảm nhận như một “bảo tàng thu nhỏ” gìn giữ một nét văn hóa riêng trong đời sống đa dạng ở TPHCM. Đến đây, mọi người không chỉ được xem, mà còn được nghe chuyện cũ, tích xưa giữa nhịp sống hiện đại, ồn ã của thành phố.
Một góc phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn
Nằm ở vị trí chính của không gian trưng bày là bức tranh - kỷ vật mà ông Lục Thiên Nhiên, một cán bộ lão thành cách mạng để lại. Ông còn có tên gọi khác là Lục Quý Hợp, Lục Kiện Lương (1910-1979), nguyên quán Nhiêu Bình, Quảng Đông (Trung Quốc), sinh tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, Việt Nam. Năm 1938, thông qua cuộc đấu tranh của nông dân chống lại sự bóc lột thực dân và điền chủ, các chi bộ Đảng của huyện Cầu Kè đã kết nạp một số thanh niên ưu tú vào Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Huyện ủy huyện Cầu Kè được thành lập vào năm 1939, ông Lục Thiên Nhiên trở thành một trong 6 huyện ủy viên. Bức tranh vẽ hình con cá được treo trong không gian chính của ngôi nhà, do ông vẽ tặng con gái vào năm 1971, về sau được con trai Lục Tiến Nghĩa bảo quản và tháng 3-2020, ông Nghĩa quyên tặng Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn.
Hay những kỷ vật của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Ngọc (người Hoa nhóm ngôn ngữ Triều Châu) cũng được trang trọng để ở một không gian riêng, bên cạnh hình ảnh những người con trong gia đình mẹ. “Càng tìm hiểu về gia đình mẹ Ngọc, tôi càng nể phục một gia đình có tình có nghĩa. Cô Ngọc Liên là con của mẹ Ngọc, bây giờ cũng chăm sóc một cựu chiến sĩ cách mạng bị liệt là cô Lưu Quế. Mặc dù không có quan hệ họ hàng hay thân thiết gì hết, nhưng ngày nào cô Liên cũng đến nhà chăm sóc cô Quế và đến chiều, khi con cái cô Quế đi làm về thì cô Liên mới an tâm về nhà”, anh Dương Rạch Sanh (ngụ quận 11, người lập nên phòng trưng bày) kể.
Dương Rạch Sanh (bên trái) và họa sĩ Trần Văn Hải trao đổi về các cổ vật
Chuyện về những “chị má”, “bà cô”
Anh Dương Rạch Sanh 44 tuổi, từng có 20 năm là nhà báo viết mảng văn hóa tại Báo Sài Gòn giải phóng Hoa văn. Thời gian làm việc, anh có cơ hội gặp gỡ nhiều nhân vật, nghe những câu chuyện hay của cộng đồng người Hoa sống tại TP.HCM. Ngày nọ, một người quen báo với anh rằng có nhiều món đồ cổ của các “chị má”, “bà cô” thuộc nhóm phụ nữ độc thân đặc biệt mà anh từng tìm hiểu viết bài, cần phải dời đi vì không còn nơi chứa. Rất nhanh, anh Sanh quyết định đưa tất cả về ngôi nhà của mình.
“Tôi chưa từng nghĩ có một ngày mình làm công việc lưu giữ cổ vật, vì đây là công việc không dễ dàng, cần phải hiểu biết và có thời gian. Nhưng, có lẽ việc chọn người. Từ năm 2015, nhân một lần được nghe chuyện những món đồ cổ tại Tụ Quần Cư (nơi ở của các “chị má” - PV) không có nơi để, nếu không ai nhận giữ, chúng sẽ bị vứt, hoặc với những món có giá trị ve chai sẽ bị bán. Tôi quyết định mang về nhà và cứ ấp ủ về chuyện sưu tầm cổ vật của người Hoa. Đến ba năm trở lại đây, tôi mới tự đốc thúc mình phải hành động nhanh hơn, vì đã có nhiều điều luyến tiếc xảy ra, nếu không gấp rút sẽ thêm mất mát”, anh Dương Rạch Sanh chia sẻ.
Đồ vật nằm trong nhóm trưng bày đồ vật của “chị má”, “bà cô” Tụ Quần Cư
Theo anh Dương Rạch Sanh, câu chuyện về nhóm phụ nữ độc thân đặc biệt của Sài Gòn - Chợ Lớn truyền cho anh nguồn cảm hứng lớn, dẫn đến quyết định mở phòng trưng bày. “Những người phụ nữ đặc biệt này được gọi là “tự sơ nữ”, “chị má” hoặc “bà cô”, là nhóm phụ nữ “quyết tâm sống độc thân” của vùng tam giác sông Châu Giang, Quảng Đông, Trung Quốc, đại đa số đến từ huyện Thuận Đức và theo nghề dệt tơ tằm. Từ năm 1900 đến năm 1942, hàng ngàn phụ nữ độc thân này đã đến các nước Đông Nam Á làm nghề giúp việc, trong đó phần lớn đã đến vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi về già, họ lần lượt lập nên các ngôi nhà được gọi là “nhà bà cô” như Phổ Thắng Đường, Nhất Đắc Đường, Tụ Quần Cư… và hiện chỉ còn sót lại Tụ Quần Cư ở số 150 Trần Quý, P.6, Q.11. Những ngôi nhà khác do nhiều nguyên nhân khách quan mà nay đã không còn tồn tại”, anh Sanh kể thêm.
Trong không gian trưng bày, anh Dương Rạch Sanh dành ra một khu vực riêng cho nhóm những kỷ vật mang về từ Tụ Quần Cư. Anh cho biết số lượng đồ vật do các “chị má” để lại chiếm khoảng hơn 200 món, bao gồm tủ bếp, huê ná, chai lọ cũ, lồng bàn, mâm thiếc, bàn may, chum vại và nhiều vật dụng khác trong sinh hoạt. Ngoài ra, anh còn tái hiện gian hàng của Cụ Văn Mai (Văn Ngọc Phương hay “cô Húc”, 1922 - 2012) - người phụ nữ cuối cùng của Chợ Lớn lúc sinh thời chuyên bán các mặt hàng bào hoa - kim chỉ trước cửa chùa Bà Thiên Hậu và chùa Quan Âm ở Chợ Lớn.
Và ước mơ về một bảo tàng thu nhỏ Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn đang ngày một nhiều thêm, khi cộng đồng người Hoa biết đến việc làm ý nghĩa của anh Dương Rạch Sanh. Số lượng kỷ vật tăng lên nhanh chóng từ hơn 1.000 món của năm trước, đến nay đã gấp đôi, và sẽ sớm đạt gấp ba trong thời gian tới.
Anh Dương Rạch Sanh gặp một số khó khăn trong quá trình tiếp nhận, phân loại, gìn giữ, vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Anh đã liên hệ một số đơn vị, cá nhân làm công tác bảo tàng để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, không gian trưng bày được anh chia ra thành các chủ đề, gồm: Nội dung về ngày cưới (bao gồm vật dụng, trang phục, giấy đăng ký kết hôn...); Nội dung liên quan giáo dục; Không gian đồng bào người Hoa với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; Không gian tri ân những vị tiền nhân làm kinh tế giỏi của Sài Gòn - Chợ Lớn; không gian tiệm tạp hóa xưa của người Hoa... Dù số lượng kỷ vật ngày càng nhiều, nhưng mỗi vật phẩm nhận được, anh Sanh đều ghi nhớ chi tiết. Trên mỗi đồ vật, anh chú thích món đồ ấy là của ai, ở đâu.
Ban đầu, mọi người hồ nghi về việc làm của anh Sanh, sợ rằng anh dùng các đồ vật được tặng để bán lại, hoặc phục vụ mục đích không trong sáng nào đó, nên quá trình vận động cũng gặp một số khó khăn nhất định. Có lần, anh Sanh tìm đến một gia đình để xin vài vật dụng, chủ yếu là giấy tờ của cụ ông đã qua đời. Gia đình đó nhất quyết giữ lại vì xem đó là vật kỷ niệm. Tuy nhiên, sau một thời gian, một người bạn của anh Sanh phát hiện đống giấy tờ quý mà anh Sanh tìm đến xin, xuất hiện tại vựa ve chai vì gia đình… đã bán đi.
“Trong 2.500 đồ vật được trưng bày và một số cất trong kho, tôi đều được các cô chú, bà con người Hoa tặng lại cho mình. Với từng món, tôi đều chú thích và ghi lại kỹ càng, để khi người nhà hỏi đến, tôi biết chúng đang ở đâu. Hoặc có đến khu trưng bày, người tặng cũng an lòng khi thấy tôi đặt để kỷ vật của họ gọn gàng, sạch đẹp. Tôi không nhận mình là chủ sở hữu, mà chỉ giống một người tập hợp và trông coi hộ. Điều tôi mong muốn nhất, là lan tỏa được văn hóa truyền thống, giới thiệu cuộc sống thời xưa của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tôi là thế hệ người Hoa thứ ba có mặt tại Sài Gòn, nếu không nhanh chóng sưu tầm, có lẽ chỉ thời gian ngắn nữa, nhiều giá trị sẽ bị mai một”, anh Dương Rạch Sanh cho biết.
Trong không gian trưng bày, nhiều đồ vật đời thường, chỉ có giá trị tinh thần gắn với gia đình, nhưng cũng có nhiều cổ vật mang tầm vóc, giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó, có đóng góp tranh, tượng của Nghệ nhân nhân dân Trương Hán Minh hay họa sĩ Lý Khắc Nhu; có huy chương của đại sứ Hồ Liễn trao tặng cho ông Lưu Vĩ An (Q.7) - người đạt giải cao nhất cuộc thi viết văn do mười tờ báo danh tiếng Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức, vào năm 1967; có những dụng cụ bào gỗ cầm tay của ông Nhậm Chí Vĩ (Q.11)... Những người quyên tặng có thể là người nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa, là những hộ dân gắn bó với Sài Gòn xưa, và những đồ vật cũ họ quyên tặng đều có giá trị.
Tại TP.HCM thời gian qua, nhiều công ty du lịch đang khai thác hình thức du lịch di sản - văn hóa, kết nối một số điểm đến là di tích, nhà cổ, để tạo nên điểm đặc sắc, cho thấy trong lòng thành phố hiện đại, vẫn còn nhiều dấu vết của một miền đất giàu trầm tích văn hóa, có bề dày lịch sử. Anh Dương Rạch Sanh mong muốn phòng trưng bày của mình là một điểm đến trong hành trình du lịch đó, để “bảo tàng mini” của anh có thể làm tốt vai trò quảng bá văn hóa, đời sống của cộng đồng người Hoa.
Bài, ảnh: Diễm Mi
Tin liên quan
Tin mới hơn

Khi Đạo giáo trở thành điểm tựa tinh thần trong biến động lịch sử Việt Nam
11:14 | 05/07/2025 Văn hóa - Xã hội

Dấu ấn văn hóa đặc sắc trong dòng chảy tín ngưỡng Việt Nam
11:14 | 05/07/2025 Văn hóa - Xã hội

Quán Đạo giáo - Di sản tôn giáo độc đáo cần được bảo tồn đúng giá trị
11:13 | 05/07/2025 Văn hóa - Xã hội

Khi vũ điệu Chăm làm 'sống' lại không gian tháp cổ
14:07 | 02/07/2025 Văn hóa - Xã hội

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai mới, dấu mốc khởi đầu hành trình mới với một niềm tin lớn
11:01 | 02/07/2025 Văn hóa - Xã hội

“Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” - Lịch sử gần gũi từ những câu chuyện dân gian
09:18 | 01/07/2025 Văn hóa - Xã hội
Tin khác

Nhà báo, nhạc sĩ, nhà thơ Đinh Văn Bình: “Không có giới hạn nào giữa báo chí, thơ ca và âm nhạc”
09:54 | 28/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Hơn 8.000 tình nguyện viên Thủ đô tiếp sức kỳ thi tốt nghiệp THPT
10:19 | 26/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Nhiệm kỳ 2021–2026, HĐND tỉnh Bình Định hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vì dân
09:14 | 26/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Kỳ họp cuối của HĐND tỉnh Bình Định, khép lại một giai đoạn, mở ra thời cơ mới
09:15 | 25/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025: Chủ động thích ứng với những điểm mới
10:03 | 23/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Bình Định ngày đầu vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền 2 cấp thuận lợi
16:15 | 21/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Trường THCS Nguyễn Trường Tộ liên tục đạt thành tích xuất sắc
10:07 | 18/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Lễ tổng kết và trao giải Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Nghề báo - Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025
10:35 | 17/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Ấn tượng đêm chung kết Hoa hậu và Nam vương siêu mẫu thể hình thế giới 2025
23:09 | 15/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Hội Nhà văn Hà Nội: Bàn về sáng tác văn học viết cho trẻ em
15:45 | 13/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định cầu nối những tấm lòng nhân ái
15:45 | 13/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Nhà báo, Nhà văn Hồ Quang Lợi ra mắt sách “Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút”
15:43 | 13/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Gia Lai: Huyện Ia Pa vận động gần 2 tỷ đồng ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát
15:43 | 13/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Bệnh viện Đa khoa Vân Đình hướng tới sự hài lòng của người bệnh
15:40 | 13/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Bình Định: Những ngôi nhà mang giá trị nhân văn
15:39 | 13/06/2025 Văn hóa - Xã hội

Khi Đạo giáo trở thành điểm tựa tinh thần trong biến động lịch sử Việt Nam
11:14 Văn hóa - Xã hội

Dấu ấn văn hóa đặc sắc trong dòng chảy tín ngưỡng Việt Nam
11:14 Văn hóa - Xã hội

Quán Đạo giáo - Di sản tôn giáo độc đáo cần được bảo tồn đúng giá trị
11:13 Văn hóa - Xã hội

Hiến pháp sửa đổi năm 2025: Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước
11:12 Tin tức

Cả nước đã có 16.543 sản phẩm OCOP
14:57 OCOP