Chùa Bà Ấn Mariamman và sự giao lưu văn hóa Việt Ấn ở TP Hồ Chí Minh
Kết quả nghiên cứu
1. Khái quát về lịch sử chùa Bà Ấn Mariamman
Trong buổi đầu ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, cư dân người Việt luôn cần một hệ thống thần linh để nương tựa về mặt tinh thần. Với tinh thần dung hợp văn hóa, họ đã tiếp nhận các thần linh Hindu giáo thông qua trung gian của các tộc người đến trước. Do ảnh hưởng sâu sắc bởi tín ngưỡng thờ Mẫu, người Việt đã biến các vị thần Hindu giáo thành các dạng thức thờ cúng nữ thần theo truyền thống. Chùa Bà Ấn Mariamman chính là nơi đánh dấu sự dung hợp văn hóa trực tiếp giữa người Ấn Tamil và cư dân Nam bộ trong niềm tin về tín ngưỡng thờ Bà (Mẫu).
Nhận xét về mối quan hệ văn hóa Sài gòn và miền Nam Ấn Độ thông qua các ngôi đền Ấn giáo hiện nay, nhà nghiên cứu Geetesh Sharma đã viết: “Mối quan hệ giữa Ấn Độ và thành phố Hồ Chí Minh - Sài gòn trước kia, có thể không phải là mối quan hệ hai ngàn năm tuổi như với Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam, nhưng nó vẫn có niên đại hơn hai thế kỷ khi mà những người Chettiyars (Thiết đế án nhĩ), tức cộng đồng thương nhân buôn bán ở miền Nam Ấn Độ, lần đầu tiên đến thành phố này họ đã mang theo các nhóm tôn giáo từ Ấn Độ như Hindu giáo, Ixlam giáo, đạo Sikh… Những người này tiếp tục đến Sài gòn và sinh sống tại đây. Họ cần phải xây dựng nơi sinh hoạt tôn giáo của họ…” (Geetesh Sharma, 2012, tr.118). Khoảng 200 năm về trước họ đã xây dựng hai ngôi đền: Ngôi đền đầu tiên là đền Subramariamman Swamy (còn gọi là chùa Ông), hiện tọa lạc tại số 98, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1. Ngôi đền thứ hai là đền Mariamman (còn gọi là chùa Bà), nằm ở số 45 đường Trương Định, quận 1. Đền Subramariamman Swamy chuyên làm lễ cầu nguyện cho các đám cưới, chỉ dành riêng cho người Ấn Độ, cho nên ít người biết đến. Người Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ quen biết tới đền Mariamman (chùa Bà Ấn Mariamman).
2. Tên gọi và kiến trúc của chùa Bà Ấn Mariamman
2.1. Ý nghĩa tên gọi Mariamman
Vị thần chính được thờ phụng ở chùa là nữ thần Mariamman, nữ thần dân gian ở miền nam Ấn Độ, thuộc vùng nông thôn bang Tamil, bắt nguồn từ tôn giáo của bộ lạc Dravidian bản địa. Người Dravidian sống bằng hình thức nông nghiệp sơ khai, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và mắc nhiều bệnh, phần nhiều là bệnh về da. Vì thế, họ đã tôn sùng và thờ phụng nữ thần Mariamman vì Bà là nữ thần của sự màu mỡ, phì nhiêu và tươi tốt, như một người mẹ của vũ trụ và có quyền năng đem lại mưa thuận gió hòa, mang lại sức khỏe cho người dân. Về tên gọi “Mariamman” hay “Mari” xuất phát từ tiếng Tamil, có nghĩa là “mưa” hoặc “thay đổi”.
Đền Mariamman, hay còn gọi là chùa Bà Ấn được xây dựng từ năm 1885.
2.2. Kiến trúc chùa Bà Ấn Mariamman
Chùa được xây dựng với quy mô khá lớn, gồm nhiều dãy nhà có mái viền và cột, lối kiến trúc đặc trưng của người Ấn Độ. Điện thờ lớn (điện thờ chính) thờ Parvati - hiện thân của Mariamman. Bên cạnh Mariamman là hai bảo vệ: Maduraiveeran (bên trái) và Pechiamman (bên phải). Trước mặt Mariamman là hai linga được đặt trên bệ yoni, một để nổi trên bệ đá thấp, còn một nằm trong vuông lõm dưới nền gạch có chiều cao hơn một mét. Khu vực này được rào sắt bao quanh coi như là vùng cấm địa, chỉ có người làm lễ mới được vào đây. Bên ngoài rào ngay chính giữa sảnh rộng là chỗ để cúng dường các vật phẩm như nhang đèn, hoa quả, gạo, muối, dầu đốt…Còn ngay phía trên tượng Mariamman và tượng 2 người con của Bà là Ganesha và Murugan trong tư thế tôn kính. Hai điện thờ nhỏ còn lại còn lại thì thờ “Cô” và “Cậu” (theo cách gọi của người Việt).
Phần sân ngoài là khu nhà hậu cũng có hình chữ U. Điểm đáng chú ý là trên tường của khu nhà hậu này là tượng của 18 vị thần với tư thế và phong thái khác nhau được đặt trong vòm tròn. Tại ba góc đặt 3 bức tượng 3 vị thần tối cao: Tam vị nhất thể - Ba ngôi tối linh - Trimutri) trong Hindu giáo (Brahma, Vishnu và Shiva). Trước cổng Chánh điện có một con sư tử Shimha vahanam rất lớn (vật cưỡi của Mariamman). Khu vực sân thượng gồm hai tháp: Rajagopuram và Gopuram, đặc trưng cho phong cách Dravidian ở miền Nam Ấn Độ, như một đặc điểm để nhận biết đền Hindu giáo. Tháp Rajagopuram nằm ngay phía trên lối vào đền, cao 12m với 3 tầng theo cấu trúc tầng bậc, lên cao hẹp dần. Gopuram nằm ngay trên Chánh điện bên dưới với 2 tầng và đỉnh chóp tròn. Ngoài các tượng thần, ở hai tháp còn có các thiên thần, vũ nữ, loài vật, hoa văn được đúc tỉ mỉ bằng thạch cao với màu sắc sặc sỡ.
3. Giao lưu, tiếp biến văn hóa trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng
Chùa Bà Ấn Mariamman mở cửa quanh năm. Ngày thứ sáu hàng tuần, ngày mùng Một và ngày Rằm được xem là những ngày lễ trọng. Theo truyền thống tín ngưỡng dân gian của người Việt, ngày mùng Một và ngày Rằm cũng là ngày đi lễ cầu an.
Văn hóa Việt Nam lấy văn hóa thờ Mẫu (mẹ, giống cái) làm trọng. Từ tính linh hoạt, tính mềm, tính âm... đã tạo nên tính dung hợp của văn hóa Việt Nam và chùa Bà Ấn Mariamman là một trong những biểu hiện tiêu biểu cho sự giao lưu, tiếp biến, dung hợp của văn hóa Ấn Độ vào Việt Nam.
Với sự tương đồng về tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tục thờ Mẫu, thờ nữ thần, nên cư dân Việt dễ dàng tiếp nhận, thực hiện các buổi cúng lễ theo đúng nghi lễ trong Hindu giáo. Đối với người theo Phật giáo thì xem đây như chùa Phật. Những tín đồ Hindu giáo, gồm người Việt gốc Ấn và người Ấn đến thành phố Hồ Chí Minh cũng tới đây để thực hiện các nghi lễ và thể hiện niềm tin tôn giáo của mình.
4. Giao lưu, tiếp biến văn hóa trong biểu tượng, lễ vật và nghi lễ thờ cúng
Khi đến cúng lễ, cầu nguyện tại chùa Bà Ấn Mariamman, người ta chuẩn bị các lễ vật gồm hoa tươi (hoa sen, hoa hồng, hoa lài); trái cây (dừa), gạo, đường, muối, đậu xanh, nhang, dầu ăn… Vòng hoa lài (nhài) và trái dừa là những lễ vật không thể thiếu vì hoa lài là hoa yêu thích của thần Vishnu, tượng trưng cho sự khiêm tốn, tao nhã và duyên dáng. Trái dừa có đặc điểm là khi lột vỏ ngoài sẽ thấy có ba “mắt dừa”, vì thế trái dừa được sử dụng đại diện cho ba mắt thần của thần Shiva. Trái dừa là biểu tượng cho sự tinh khiết, sạch sẽ, một trái tim kiêu hãnh vì tuy vỏ ngoài của nó thô cứng, nhưng bên trong thì ngọt ngào và dịu dàng. Việc thờ cúng tại đền Mariamman được cử hành theo hai hình thức: một là cúng lễ, hai là nghi lễ hiến tế bằng lửa.
Về nghi thức cầu nguyện: Người đi lễ sẽ đến phía sau điện thờ Bà, đứng úp mặt vào tường thì thầm, bày tỏ những mong ước, nguyện vọng của mình và hai tay vỗ nhẹ vào tường để mong nữ thần có thể nghe thấy và những nguyện ước sẽ sớm thành hiện thực. Theo truyền thuyết, nếu ai không may mắn được gặp nữ thần, có thể gục đầu vào một cột đá và nói lên những nỗi lòng của mình để qua cột đá đó, bà sẽ thấu hiểu và giúp đỡ. Cuối cùng là được nhận một phần “lộc”, gồm một gói hoa và một túi gạo nhỏ. Hoa lài hoặc có thể là hoa hồng, hoa sen, sẽ được kết vòng đeo lên cổ.
Lễ hội chính của đền là lễ Vía Bà, được tổ chức vào khoảng tháng 9 - 10 Dương lịch hàng năm. Đối chiếu với văn hóa Ấn Độ, đây là thời điểm diễn ra lễ hội Navratri trong vòng 9 - 10 ngày, tôn sùng những hóa thân hoàn thiện nhất: Parvati. Từ đó chúng ta có thể thấy rằng: Nữ thần Mariamman được thờ phụng trong đền cũng có thể được xem là dạng hóa thân hoàn thiện nhất của nữ thần Parvati trong Hindu giáo. Đây cũng chính là tục thờ Mẫu trong văn hóa Ấn Độ, và cũng chính là sự hòa quyện với tục thờ Mẫu trong văn hóa Việt Nam.
Kết luận
Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc, và thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình nhất. Trong quá trình cộng cư, bản sắc văn hóa địa phương đã cùng với bản sắc tôn giáo giao thoa với nhau, cộng hưởng với nhau và chùa Bà Ấn Mariamman, vốn là đền thờ của Hindu giáo, là minh chứng cho sự thống nhất và đa dạng về văn hóa đó. Người dân Việt đã giao lưu, học hỏi, tiếp thu những hình thức sinh hoạt tôn giáo trong Hindu giáo và thực hiện những nghi lễ để bày tỏ lòng tôn kính đối với nữ thần Mariamman - một vị thần nổi tiếng được thờ phổ biến ở miền nam Ấn Độ, tương tự như tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.
Chùa Bà Ấn Mariamman đã góp phần tăng thêm sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và kiến trúc ở thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện rõ dấu ấn của văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam.
Bài, ảnh: Nguyễn Phương Lan
Tài liệu tham khảo
1. Đoàn Hòa Nam (2013), Tìm hiểu về đền Mariamman tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo thực tập tốt nghiệp Khoa Xã hôi học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường Đại học Mở - TP.HCM.
2. Shama, Geetesh (2012), Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam, Thích Trí Minh dịch, NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM.
3. Ngô Đức Thịnh (2014), Đạo thờ Mẫu ở Việt Nam, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, NXB Thời đại.
4. Nhiều tác giả (2013), Kỷ yếu Hội thảo “Dấu ấn Ấn Độ trong tiếp biến văn hóa ở Việt Nam và Đông Nam Á, NXB Đại học quốc gia TP.HCM.
5. Nhiều tác giả (2017), Tín ngưỡng nữ thần Mariamman - giá trị di sản Ấn Độ trong giao lưu văn hóa với Việt Nam, Tài liệu lưu hành nội bộ tại đền Mariamman.
6. Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan, Giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương
Tin liên quan
Tin mới hơn
Ngày hội tôn vinh hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”
10:24 | 18/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Gặp các nhân vật thuộc Cụm tình báo H63 tại buổi họp mặt truyền thống Phòng tình báo Miền
09:31 | 17/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Xuân Quê hương 2025 - Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên mới
09:16 | 16/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Bình Định: Giá trị nhân văn từ Lễ hội Thần làng
09:26 | 12/12/2024 Văn hóa - Xã hội
TP. Vũng Tàu: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM thăm, trồng cây tại Trung đoàn 251, Vùng 2 Hải Quân
14:52 | 11/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh: Xứng tầm bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu của tỉnh
09:24 | 09/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Tin khác
Quận Hoàn Kiếm tổ chức Kỷ niệm 20 năm phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia
08:58 | 03/12/2024 Văn hiến Hà Thành
Quốc Oai (Hà Nội): Hòa Thạch nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao
09:20 | 29/11/2024 Nông thôn mới
Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy di sản mộc bản
11:45 | 27/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Thạp gốm hoa nâu Hiệp An - Bảo vật quốc gia thời Trần
10:59 | 26/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Huyện Ba Vì (Hà Nội): Trường THCS tiên phong coi trọng giáo dục pháp luật cho học sinh
10:55 | 25/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Hội An - Thương cảng cổ xưa
09:56 | 25/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Phở ngô - “Sứ giả văn hóa” của vùng núi đá Hà Giang
09:56 | 25/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội là Di tích lịch sử Quốc gia
15:30 | 22/11/2024 Văn hiến Hà Thành
Bình Định: Người có uy tín, già làng tiên phong trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
15:25 | 22/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Bình Định: Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia
09:39 | 22/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Trường Tiểu học Nga Phú: Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục
09:10 | 21/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Vĩnh Long: Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh
09:08 | 21/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Huyện Ba Vì (Hà Nội): TRƯỜNG THPT MINH QUANG KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP VÀ ĐÓN NHẬN BẰNG KHEN CỦA BỘ GD&ĐT
13:58 | 19/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Vẻ đẹp độc đáo Lũy cổ Phương Mai
11:43 | 19/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Festival Thổ cẩm Lào Cai - sắc màu văn hóa giữa miền sương mây
10:07 | 11/11/2024 Văn hóa - Xã hội
Lễ hội mua sắm nông sản, quảng bá văn hóa gắn kết du lịch tại Sóc Sơn
22:00 Tin tức
Khai mạc chương trình Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP. HCM
15:59 Tin tức
Tạp chí Làng nghề Việt Nam kỷ niệm 13 năm Ngày xuất bản số đầu tiên
15:10 Tin tức
Hoài Đức (Hà Nội): La Phù nâng cấp hạ tầng đáp ứng kịp thời phát triển kinh tế
22:25 Kinh tế
Nông nghiệp xanh gắn với bảo vệ môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long
09:54 Môi trường