Thứ bảy, 28-01-2023 | 14:30GMT+7

Chuyện Mèo có chín cuộc đời

LNV - Mèo ở Việt Nam có vị thế nào đặc biệt so với mèo nhân loại không? Khác với Trung Quốc hay một số dân tộc châu Á láng giềng khác cùng sử dụng thập nhị chi (12 con giáp), thì người Việt lại quan niệm Mèo là chi thứ tư thay thế cho Thỏ. Có nhiều phương diện lý giải cho sự hoán đổi này. Từ góc độ ngôn ngữ, mèo và thỏ khác dấu nhưng đồng âm trong tiếng Hán. Một cách giải thích khác là do điều kiện tự nhiên và tập quán nông nghiệp đã khiến cho mèo trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam, vì thế tác động sâu sắc hơn đến tâm thức người Việt. Hoặc đơn thuần chỉ là mèo xuất hiện với tư cách là một đối trọng âm - dương với chó hay chuột trong 12 con giáp mà thôi.
“Mèo có chín mạng” – là cách nói rất phổ thông dùng để chỉ sự bền bỉ, dẻo dai, cũng như mối liên kết thần bí của mèo với thế giới tâm linh (ở một số dị bản là bảy hoặc sáu kiếp). Như một liên hệ thú vị, chúng ta cũng có thể nhìn nhận “chín cuộc đời” của mèo trong nghệ thuật Việt Nam, hay đúng hơn, những ẩn dụ nghệ thuật đa dạng và sinh động đến từ hình tượng mèo.
 

Có thể nói, ngoài bắt chuột, mèo còn làm giàu có thêm cho ngôn ngữ Việt. Mèo đóng góp khối lượng biểu tượng đồ sộ vào kho tàng văn học dân gian. Đặc biệt là trong ca dao, tục ngữ vốn là sự phản ánh kinh nghiệm sống. Tục ngữ và ca dao Việt Nam có tới hàng chục câu nói về mèo nhưng ẩn dụ sang người với nhiều hàm ý khác nhau, từ miêu tả hiện tượng cho tới khen ngợi hoặc phê phán tính cách, hành động: “như chó với mèo” (thể hiện ý về mẫu thuẫn bất hòa); “mèo già hóa cáo” (trí khôn tuổi già); “rửa mặt như mèo” (cẩu thả, hời hợt); “mèo khen mèo dài đuôi” (tự cao tự đại); “im ỉm như mèo ăn vụng” (giấu giếm tư lợi)…

Chẳng hạn, một hành động quen thuộc là bắt chuột thôi, có đến ba tục ngữ với hàm nghĩa khác nhau. “Mèo vờn chuột” biểu thị sự kiên nhẫn, thận trọng để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả nhất. “Mèo nhỏ bắt chuột con” nhắc nhở con người hãy biết lượng sức mình, tránh đảm đương việc quá khả năng để rồi chuốc lấy thất bại, trong khi “Mèo con bắt chuột cống” lại chỉ người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn không làm nổi.

Tuy nhiên, “mèo ngoạm cá” là một mô típ điêu khắc độc đáo đã được phát hiện ở một số đình làng Bắc Bộ như đình Bình Lục (Đông Triều, Quảng Ninh), hay đình Đại Phùng (Đan Phượng, Hà Nội). Nét chạm trổ tuy thô mộc, nhưng lại phản ánh rất sinh động một phần làng quê nông nghiệp dung dị, hào sảng, vui tươi. Một chi tiết thú vị, chính từ hình ảnh chú mèo to ngoạm con cá lớn này, là nguồn cảm hứng để danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác những bức tranh con giống.

Mèo cũng đi vào mỹ thuật dân gian, tiêu biểu là tác phẩm Đám cưới chuột của dòng tranh Đông Hồ với lịch sử phát triển hơn 500 năm. Bức tranh chia làm hai phần, phần trên là cảnh chuột dâng lễ cho mèo, phần dưới cảnh rước cô dâu chuột. Song điều làm nên đặc sắc cho bức tranh là ý nghĩa sâu xa mô tả xã hội phong kiến xưa. Nếu chuột là biểu trưng cho người nông dân thuần phác, thì mèo lại là hình ảnh ẩn dụ của tầng lớp quyền thế thống trị.

Mèo còn hiện diện trong văn học trung đại. Bài thơ thứ 251 trong kiệt tác Quốc âm thi tập của đại thi hào Nguyễn Trãi mang tựa đề là Miêu, dí dỏm mô tả xuất xứ, hình dạng và tập tính của loài mèo. Còn bài Vịnh con mèo của Phan Văn Trị, mang một thông điệp phản ánh xã hội giống Đám cưới chuột, mượn hình tượng mèo để chỉ trích đám quan lại giỏi nịnh hót nhằm mưu cầu địa vị.
Thanh Lam