Con Cuông (Nghệ An): Duy trì và phát huy hiệu quả các ngành nghề truyền thống
Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An)
tạo sinh kế cho bà con dân tộc.
Làng nghề mây tre đan bản Diềm nằm lọt giữa đại ngàn xã Châu Khê, huyện Con Cuông, có 153 hộ đồng bào Thái và Đan Lai sinh sống. Đất canh tác ít nên người dân chủ yếu sống dựa vào rừng, vào cây mây, cây mét. Nghề đan lát có từ xa xưa, là nghề truyền thống của đồng bào Thái nơi đây. Trước kia, bà con nơi đây chủ yếu đan các vật dụng phục vụ sinh hoạt thường ngày như rổ, rá, quat, mâm mây, thúng, mủng, gùi, ép xôi... Các sản phẩm dư thừa thì được người dân đem đưa ra chợ bán, đổi các nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên nhìn chung lợi ích từ việc đan lát các sản phẩm mây tre là không đáng kể.
Năm 2016, thực hiện việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm được thành lập, có sự hướng dẫn chung tay vào cuộc của các cấp ngành, sự cố gắng của người dân. Đây chính là bước đánh dấu sự phục hồi và đi lên mạnh mẽ của làng nghề truyền thống này. Từ bàn tay khéo léo, sáng chế ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt của các nghệ nhân, sản phẩm đan lát làng nghề bản Diềm dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm truyền thống mỹ nghệ làng nghề bản Diềm có mặt tại các Hội chợ thương mại lớn, cuộc triển lãm… và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Bà Lang Thị Hoa, Giám đốc HTX mây tre đan bản Diềm chia sẻ: Năm 2014, với sự hỗ trợ của các Dự án VIE 028, Dự án Oxfam Hồng Kong, Dự án VIRI về phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, tổ sản xuất mây tre đan Bản Diềm ra đời. Năm 2016, tổ sản xuất tham gia hội thi xóa đói giảm nghèo Trung ương và đạt giải Ba. Từ đây, tổ sản xuất được Viện Nghiên cứu Ngành nghề nông thôn Việt Nam tập huấn thêm kỹ thuật. Huyện, tỉnh và xã hỗ trợ máy móc, nhà trưng bày và đưa sản phẩm đi giới thiệu khắp nơi. Trong năm, Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm được thành lập đây chính là bước đánh dấu sự phục hồi và đi lên mạnh mẽ của làng nghề truyền thống này. Các sản phẩm mây tre đan của bản Diềm đã rời khỏi chợ quê, từng bước tìm đến các thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nhật, Đức, Pháp... Từ việc sản xuất các sản phẩm gia dụng thuần tuý, Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm đã sản xuất các sản phẩm đồ lưu niệm, trang trí phục vụ khách du lịch. Các thành viên trong hợp tác xã không ngừng sáng tạo ra những mẫu mã, hoa văn họa tiết mới, màu sắc độc lạ trên các sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ… Đến năm 2018, bản Diềm đã vinh dự được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Cũng từ thời gian này, những đơn đặt hàng từ nước ngoài như Đức, Pháp, Nhật… đến với bà con bản Diềm. Mỗi tháng, có 5-7 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm xuất ngoại đã đem lại thu nhập khá cho bà con làng nghề, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Bà Lang Thị Hoa, Giám đốc HTX mây tre đan bản Diềm chia sẻ: “Các đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao gấp 3-4 lần so với các đơn hàng khác. Do đó, thu nhập của các thành viên trong HTX cũng cao hơn, ổn định hơn, giúp bà con gắn bó hơn với nghề. Đáng tự hào hơn là thông qua kênh tiêu thụ này, làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào Thái Con Cuông được các nước biết đến”. Hàng ngày, tranh thủ thời gian nông nhàn, dưới nếp nhà sàn vững chãi, những bà, những mẹ, những chị em bản Diềm vẫn cần mẫn đan các sản phẩm mây tre, vẫn say sưa sáng tạo, đưa những tinh hoa văn hóa, đưa những nét đẹp sinh hoạt hàng ngày vào các sản phẩm mây tre, vẫn cần mẫn chẻ lạt, chẻ mây, đỏ lửa nấu nước nhuộm màu, hong khô đồ mây tre.
Với nghề mây tre đan, mỗi thành viên trong hợp tác xã (chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ đơn thân, sức khỏe yếu, không thể tham gia việc đồng áng, nương rẫy) có thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Khi bắt đầu tham gia 8/54 hộ gia đình ở hợp tác xã là hộ nghèo. Sau 1 thời gian với nguồn thu nhập tăng thêm, có 6 gia đình đã thoát nghèo… Trong 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, hợp tác xã vẫn đảm bảo thu nhập cho thành viên 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm với nguồn lực đầu tư ít, mang lại hiệu quả tốt. Mô hình sản xuất này đã tận dụng được nguồn nhân lực nhàn rỗi; khai thác được nguồn tài nguyên mây tre sẵn có rất lớn trên địa bàn huyện; bảo tồn và phát huy tốt nghề truyền thống… đã trở thành cảm hứng khởi nghiệp, động lực làm giàu chính đáng cho nhiều địa phương, doanh nghiệp và cá nhân ở huyện Con Cuông. Trong số đó có anh Thái Đăng Tiến, tại thôn Khe Choăng, xã Châu Khê.
Anh Tiến cho biết "Ý tưởng khởi nghiệp của tôi xuất phát từ thành công của Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm. Từ mô hình này, tôi muốn tiếp tục nâng cao giá trị của cây tre, cây mét ở địa phương thành những sản phẩm gia dụng, thủ công mỹ nghệ trang trí, trưng bày.”
Được biết anh Tiến là người đã nhiều năm đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan trở về khởi nghiệp trên quê hương. Được “truyền lửa” từ Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm, anh Tiến nhận thấy: Con Cuông là địa phương có nguồn nguyên liệu liệu tre, trúc, mét rất dồi dào, có thể tái sinh trong thời gian ngắn. Nguồn nguyên liệu này có thể tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Các sản phẩm đồ gia dụng, mỹ nghệ từ tre trúc hiện đang được thị trường ưa chuộng và trong tương lai sẽ dần thay thế cho các sản phẩm gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, ở Con Cuông có rất nhiều nghệ nhân tài hoa vẫn thường chế tác ra những sản phẩm thủ công từ tre, nứa, mét.
Năm 2019, anh Tiến đã thành lập xưởng và Hợp tác xã Trà Lân Con Cuông. Để biến trúc, tre thành sản phẩm mỹ nghệ, anh Tiến đã không ngừng học hỏi, mày mò để tìm bí quyết chống mối mọt, sáng tạo mẫu mã, để nâng giá trị cho sản phẩm. Tất cả các bộ phận cây tre, mét đều có thể trở thành nguyên liệu tốt cho các sản phẩm. Thân tre để làm cốc, ấm, bình đựng hoa, đồ trang trí. Cành thì làm tay cầm, vòi nước. Gốc tre sẽ để làm những ấm trà. Các sản phẩm chế tác từ phần gốc, rễ của cây tre dù cùng chủng loại cũng không thể giống nhau mà sẽ mang nét riêng biệt.
Trong quá trình triển khai ý tưởng, thành lập hợp tác xã, anh Tiến nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Sau 2 năm lập nghiệp, Hợp tác xã Trà Lân Con Cuông đã có thể chế tác hàng trăm loại sản phẩm khác nhau từ tre, mét, gồm: thìa tre, hộp đựng bút, thân bút bi, cốc uống nước cho đến bình hoa hay những bộ ấm chén tinh xảo, cầu kỳ…Các sản phẩm này đã được trưng bày, giới thiệu và bán cho du khách một số điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm được ngợi khen vì ý tưởng độc đáo, tính thẩm mỹ tinh tế và hữu dụng. Xưởng đã có 15 lao động làm việc (trong đó có 7 lao động lành nghề, 3 người khuyết tật), với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Anh Thái Đăng Tiến mạnh dạn tham gia cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An năm 2021” với dự án “Phát triển chuỗi giá trị cây tre bản địa theo hướng bền vững” và giành được giải Nhất.
Thành công của ý tưởng sản xuất sản phẩm mỹ nghệ của anh Tiến không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế của cây tre vốn rất nhiều ở địa phương mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời tiếp tục mở ra những triển vọng vừa phát triển kinh tế từ ngành nghề truyền thống vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào huyện Con Cuông.
Những năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế từ nghề truyền thống huyện Con Cuông đã không ngừng đẩy mạnh công tác bảo tồn, duy trì và phát huy hiệu quả các ngành nghề truyền thống. Thông qua việc thu hút các chương trình, dự án như Dự án VE028, chương trình 135 mở các lớp đào tạo nghề truyền thống; hình thành nên các làng nghề như mây tre đan Châu Khê, dệt thổ cẩm Môn Sơn, rượu cần Mậu Đức trên địa bàn; thu hút hàng trăm lao động tham gia. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm…Thực tiễn cho thấy: So với các ngành nghề khác, mức thu nhập từ những nghề truyền thống tuy chưa cao nhưng lại không kén người làm; giải quyết công việc cho người dân lúc nông nhàn, người quá tuổi lao động. Việc phát triển các ngành nghề truyền thống ở huyện Con Cuông trong thời gian gần đây đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng. Tuy vậy, trong xu thế phát triển, nghề truyền thống ở địa phương vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ, đó là: Thiếu đầu ra ổn định, lâu dài; thiếu lao động trẻ tham gia; sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm được sản xuất công nghiệp. Giải quyết khó khăn, vướng mắc này, hiện nay huyện Con Cuông đang đẩy mạnh kế hoạch mở các lớp truyền nghề, đào tạo nghề truyền thống; tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm.
Ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục kết nối mở thêm các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đến các thôn, bản và các xã vùng khó khăn cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của người dân. Một giải pháp quan trọng nữa là phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng nhằm tạo nên sự phát triển bền vững, đột phá và nâng cao mức sống cho người dân.
Bản Diềm được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp (năm 2018). Những sản phẩm của các HTX, nhóm mây tre đan bản Diềm giờ đây đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và đang vươn tầm xuất khẩu.
Bài và ảnh Chế Thị Oanh
Tin liên quan
Tin mới hơn
Festival nghề muối Việt Nam
09:51 | 15/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Giữ lửa nghề tò he Xuân La
09:50 | 15/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Đại Bái - Di sản vàng son của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam
09:50 | 15/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Quảng Ngãi: Nghề “bánh quê” rộn ràng vụ Tết
14:56 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Nghệ An: Nghề thủ công truyền thống nhiều thăng trầm
14:55 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng xôi Phú Thượng
14:55 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Tin khác
Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây vào vụ Tết
14:55 | 14/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Chàng trai “đất nhãn” tạo dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương
21:04 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Đào Thanh Hảo: Góp phần tạo dựng thương hiệu chè Thái Nguyên
21:03 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
18 điểm du lịch gắn với làng nghề và làng nghề truyền thống
14:07 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng chiếu Định Yên rộn ràng vào Tết
11:03 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Quảng bá, trình diễn nghề thủ công tại Văn miếu - Quốc Tử Giám
09:16 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Lễ giỗ tổ nghề may làng Trạch Xá: Tôn vinh nghề truyền thống và gìn giữ bản sắc tinh hoa
08:54 | 13/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Lễ công bố quyết định và giấy chứng nhận "Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gốm sứ Giang Cao, xã Bát Tràng."
21:18 | 10/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Bình Định: Làng nghề Bún – Bánh An Thái tất bật vào Tết
09:58 | 10/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Làng Nghề Nhôm Đúc Hải Vân – Nét Tinh Hoa Nghề Thủ Công Truyền Thống
13:59 | 09/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Gốm đỏ Mang Thít - Hồn gốm miền sông nước
10:21 | 09/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Hoa đào Nhật Tân sắp bung nở sắc hồng đón Tết
10:20 | 09/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Khô Cá Cơm Sông Đốc: Hương Vị Đậm Đà Từ Biển Cả
09:17 | 09/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Lượng tiêu thụ tăng vọt, người trồng rau hối hả vào vụ Tết
14:41 | 07/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
“Lụa nàng sen” và câu chuyện nghề dệt lụa tơ sen ở Mỹ Đức
08:57 | 07/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Bình Thuận: Nước mắm OCOP 4 sao và con đường xuất ngoại
10:12 OCOP
Sóc Trăng: Thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
09:54 Tin tức
Bao lì xì Tết: Nghệ thuật từ những đôi tay đặc biệt hóa thành sắc màu mùa xuân
09:51 Văn hóa - Xã hội
Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội chào Xuân 2025
09:51 Tin tức
Festival nghề muối Việt Nam
09:51 Làng nghề, nghệ nhân