Níu giữ một chút hương sen
Chút hương còn giữ
Vào sớm tinh sương, đi qua gần hết đường Lạc Long Quân, rẽ vào con đường nhỏ bên cạnh Công viên nước Hồ Tây, đã thoảng trong gió ban mai hương sen thơm ngào ngạt. Đi thêm một chút, là một khoảng xanh ngát những đầm sen nhỏ liên tiếp nối nhau. Hàng nghìn bông sen hàm tiếu còn ngậm sương mai, đang vươn lên đón những tia nắng đầu tiên của ngày. Thấp thoáng trong đầm là những chiếc thuyền thúng nhỏ, các trai làng chống sào len lỏi hái những bông sen đến kỳ thu hoạch. Một không gian đẫm hương thực sự làm cho lòng người thư thái.
Vẫn còn sen Hồ Tây, tại sao ngoài chợ, trên đường không hề thấy bán? Đem nỗi băn khoăn này hỏi một chủ thầu đầm sen tại đây, anh Trọng, thì được biết, sen Hồ Tây giờ chỉ để bán cho những gia đình ở Hà Nội chuyên nghề ướp trà còn không đủ, hoàn toàn không có để bán buôn cho những người chơi hoa. Vào mùa sen, những người làm nghề trà sen nổi tiếng ở Hà Nội phải đặt mua sen từng ngày tại đầm. Mỗi sáng sớm, hàng nghìn bông sen được hái và lấy gạo ngay tại chỗ.
Trà sen ngon phải qua nhiều công đoạn ướp sấy cầu kỳ. Một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen vẫn còn thơm ngan ngát. Có lẽ chẳng mấy ai nói hay về uống trà sen như nhà thơ Vũ Hoàng Chương khi ông viết:
Nâng chén mừng anh thưởng vị trà
Đừng quên tan tác mấy đời hoa
Cạn từng hớp nhỏ cho sen đượm
Vớt lại trần ai một chút ta
Những gia đình người chuyên làm trà sen giờ không còn nhiều, sáng mùa sen nào cũng huy động con cháu trong nhà ra tận đầm, nhận những bông sen còn ngậm sương, hối hả tách gạo ngay trong chiếc lều nhỏ bên bờ đầm. Công việc này phải làm gấp trong buổi sáng sớm, khi nắng chưa nồng, hương sen còn ủ kín trong từng cánh, nếu chậm trễ hương sẽ tản mát…
Sen liên tiếp từ ngoài đầm được chở về lều trong những chiếc thuyền thúng. Một lứa sen mỗi sáng ở đầm có khoảng từ 3 đến 5 nghìn bông sen phải thu hoạch. Để gỡ từ khoảng một nghìn bông sen mới được một cân gạo sen, mà mỗi cân trà sen phải cần đến ít nhất khoảng một cân gạo sen mới đủ độ. Có khi khách đặt hàng còn yêu cầu trà đậm hương, bền lâu thì cần hơn nữa. Công nghệ ướp trà sen thì mỗi nhà một bí quyết, nhưng nói chung là đòi hỏi rất nhiều kỳ công và sự tinh tế. Vậy nên, giá mỗi cân trà sen bán ra thị trường hiện nay lên đến vài triệu đồng.
Ở Hà Nội có rất nhiều gia đình làm nghề ướp trà sen truyền thống. Trà sen Hà Nội nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc, sang tận trời tây, cũng bởi vì gắn liền với “thương hiệu” sen Hồ Tây. Vậy nên khi diện tích trồng sen bị thu hẹp dần, thì nguyên liệu ướp trà ngày càng khan hiếm. Những người đeo đuổi nghề trà sen gia truyền này phải bám lấy những bông sen ít ỏi còn lại bên hồ.
Dân sống quanh khu vực này cho biết, trước đây quanh Hồ Tây bạt ngàn sen, phải đến hàng chục ha. Nhưng mấy năm gần đây, nhiều hộ dân sở hữu đầm sen bán đất cho chủ nhà hàng kinh doanh, rồi thành phố lại quy hoạch kè bờ hồ Tây, nên đất sống cho sen giờ còn lại rất ít. Trước đây có đầm Trị cũng nổi tiếng ở khu vực gần Phủ Tây Hồ, phường Quảng An. Nhưng sen ở đầm Trị thì giờ hầu như không còn nữa, bởi môi trường nước nơi đó bị ô nhiễm nặng do lượng nước thải và rác từ các quán ăn đặc sản gần đó trực tiếp thải xuống lòng hồ. Mà giống sen vốn ưa sạch, nên lụi tàn dần hết. Sen Tây Hồ chỉ còn lại khoảng chưa đến 6ha ở đầm Bảy. Đây là đầm sen đẹp nhất Hà Nội, nổi tiếng từ xa xưa, nhưng so với ngày xưa thì diện tích còn lại chả đáng là bao nữa.
Mấy năm gần đây, sau khi có Công viên nước Hồ Tây, thì có thêm đầm sen này nữa. Đây là khu vực đầm do Công ty Khai thác thuỷ sản Hồ Tây làm chủ sở hữu, một số người quanh khu vực này thầu lại để trồng sen và nuôi cá. Đây là đầm sen mới, chưa có tên, nhưng ở vị trí khá thuận nên được khá nhiều người biết đến. Bởi do sen Hồ Tây rất quý với những người chuyên làm trà sen, bởi thứ hương thơm thuần khiết rất đặc biệt không phải sen ở đâu cũng có. Sen Hồ Tây bông to, màu hồng tươi, cánh có nhiều tầng, gọi là sen trăm cánh, hạt gạo (phần trắng nơi đầu nhị, bộ phận giữ hương thơm) nằm cao hơn mặt đài. Sen Hồ Tây nếu để cắm chơi cũng là một thú chơi cao nhã thuần khiết. Bởi sen chỉ tươi trong một ngày, khoảnh khắc sen nở khá ngắn ngủi, nên không dễ ai cũng là người “tri ngộ”.
Đối với phần đông người Hà Nội, sen Hồ Tây là một nỗi nhớ tiếc không nguôi mỗi dịp hè về. Nên không chỉ các bà các chị lặn lội lên tận đầm để mua cho được vài chục bông sen về cắm, mà bây giờ, khá nhiều các cô các dì và các bạn trẻ tìm đến với đầm sen còn sót lại này. Họ chịu khó thức dậy từ sáng sớm, xúi xính áo dài, các phó nháy mang theo lỉnh kỉnh máy ảnh các loại, len lỏi vào những bờ đất nhỏ cạnh hồ, thi nhau tạo nên những bức ảnh sen và chụp với sen.
Từ khi trong giới trẻ có phong trào viết trên trang mạng xã hội, thì dường như khách vãng lai đến với đầm sen cũng ngày một đông hơn. Họ luôn tìm kiếm những vẻ đẹp thiên nhiên, nên đầm sen bên bờ Hồ Tây, là một địa chỉ không thể bỏ qua. Có nhiều hôm, đặc biệt là chủ nhật, đông đến nỗi mà những người làm trà sen, vốn rất nhu mì nhã nhặn, phải phát cáu. Vì công việc tách và giữ hương sen mỗi sớm mai của họ, vừa khẩn trương nhưng lại cần hết sức tĩnh lặng, dường như đã bị xáo trộn bởi những người đi lại nói cười.
Và những người đi hái sen buổi sáng, cũng do đó mà bận rộn hơn, vì ngoài việc ngắt hoa chở vội về cho những người làm trà, thì còn thêm phần việc hái những bông hoa cả cuống dài để bán ngay tại chỗ cho khách thăm. Hầu như ai đến với đầm sen cũng mua cho được vài ba chục bông để về cắm và làm quà cho người thân. Bởi sen mua dưới phố chủ yếu là sen quỳ, thường không thơm và không nở, do người bán mang về từ các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hà Nam… hoặc một số đầm ao rải rác ở Đông Anh, Thanh Trì…. Ngay cả khi mua hoa tại đầm, vẫn có vài bạn trẻ mua nhầm quỳ. Ở khu vực này cũng có vài chỗ trồng lẫn quỳ, tuy nhiên quỳ trồng ở đất Hồ Tây này cũng bông to và thơm hơn nơi khác, nhưng màu hoa thì vẫn không được tươi thắm như sen.
Sen mua tại đầm đắt gấp dăm lần mua dưới phố. Vậy nhưng không thấy ai ngần ngại khi bỏ tiền ra cả. Chỉ một lúc sáng sớm, chủ đầm đã phải hái đến hàng trăm bông cho khách mua tại chỗ, hái không kịp bán. Đầm sen nơi đây đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Và sen Hồ Tây, một sản vật quý của Thăng Long văn hiến, vì thế mà sẽ không chỉ còn lưu giữ trong những chén trà thơm, mà sẽ hiện hữu sắc hương hơn trong lòng người?
Bài và ảnh Ninh Ngọc
Tin liên quan
Tin mới hơn

Bình Định: Huyện Tuy Phước hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
09:47 | 29/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Sôi động đêm đại nhạc hội Dạ Khúc Tháng Tư 2025: Viễn Nguyên
15:44 | 26/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Đoàn kiều bào dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào
14:36 | 24/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Phát pháo cuối cùng trong ngày lịch sử 30.4
14:34 | 24/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Bản hùng ca Ngày đại thắng mùa xuân
14:34 | 24/04/2025 Thơ làng nghề, thơ nghệ nhân

Dũng sỹ trên đồi “thịt băm”
14:34 | 24/04/2025 Văn hóa - Xã hội
Tin khác

Người giữ hồn Tây Nguyên
14:33 | 24/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Cơm nắm lá cọ ở làng cổ Phù Ninh
14:32 | 24/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Thơ người Làng nghề
14:32 | 24/04/2025 Thơ làng nghề, thơ nghệ nhân

Bánh bột lọc - Biểu tượng ẩm thực của Cố đô
14:31 | 24/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Bình Định: Huyện Vân Canh thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát
14:31 | 24/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Hương vị đặc biệt - Hủ tiếu Mỹ Tho
14:31 | 24/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Phát huy bản chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng cuộc sống
10:17 | 23/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại thành phố Hồ Chí Minh
10:03 | 23/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu về ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975
10:02 | 23/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Sống lại ký ức nơi “Đất thép thành đồng”
09:58 | 23/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Tình thơ người lính trong tâm hồn dũng sĩ diệt xe cơ giới Lê Sỹ Thái
09:17 | 22/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Bảo tồn văn hoá truyền thống qua tác phẩm truyện tranh về làng nghề
08:50 | 22/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn nghề truyền thống ở bản Sưng
08:50 | 22/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Lễ hội Tràng An - Hành trình về miền di sản linh thiêng
09:22 | 21/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Bình Định: Huyện Tây Sơn huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát
10:11 | 18/04/2025 Văn hóa - Xã hội

Phụ nữ Tây Hồ chung tay bảo tồn nghề truyền thống: Hành trình từ những búp sen
10:39 Làng nghề, nghệ nhân

Bình Định: Dân làng Canh Tiến phấn khởi đón điện lưới quốc gia
10:19 Nông thôn mới

Làng nghề làm cờ Tổ quốc tất bật trước dịp kỉ niệm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước
10:18 Làng nghề, nghệ nhân

Hà Giang: Du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống ở Hà Giang
10:09 Du lịch làng nghề

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 30/4
10:07 Tin tức