Nhớ mâm cỗ tất niên của mẹ
Đến phiên chợ Đơ 25 tháng Chạp, mẹ đi chợ mang về mấy bó lá dong, yến gạo nếp cái hoa vàng, mấy cân đậu xanh xanh lòng, mấy cân thịt sấn vai và vài bó lạt giang chẻ sẵn. Rồi mẹ sai anh cả tôi mang cái thùng mọi năm vẫn luộc bánh chưng ra cọ rửa cho sạch sẽ. Cô út phải rửa lá dong, kêu rét cóng cả tay rồi cằn nhằn: “Sao mẹ không mua bánh chưng gói sẵn cho anh chị em con đỡ vất vả?”. Mẹ nói: “Là con gái thì phải biết nữ công gia chánh, kẻo mai kia về nhà chồng lóng nga lóng ngóng, để thông gia người ta cười là mẹ không biết dạy con”. Đến bây giờ khi chị em chúng tôi đã làm mẹ, làm bà, mới thấm thía những lời răn của mẹ.
Tôi vẫn nhớ cảnh đón Tết trong những ngày gió bấc se se. Mâm cỗ tất niên được mẹ tôi chuẩn bị công phu, cầu kỳ lắm. Thường là phải đủ 4 bát, 9 đĩa. Bát canh bóng màu vàng trong như hổ phách, vừa xốp vừa giòn được làm từ bóng cá thủ hoặc bì lợn. Miếng bóng được tẩy kỹ bằng rượu trắng và gừng giã nhỏ rồi cắt lát hình vuông hoặc hình quả trám. Su hào thái vuông quân cờ, xanh trong màu ngọc bích. Cà rốt tỉa hình, cắt lát mỏng như những đóa hoa đồng nội. Vài quả đậu Hà Lan, mấy miếng súp lơ trắng, súp lơ xanh tạo màu đẹp mắt. Nước dùng nấu canh bóng phải là nước luộc gà trong, có tí bọt nào nổi lên là phải vớt bỏ đi, cho thêm ít tôm nõn khô làm ngọt và thơm nước. Không thể thiếu mấy miếng thịt thăn thái mỏng, mấy miếng mộc nhĩ, nấm hương. Canh bóng múc ra bát rồi lại rắc thêm trứng gà tráng mỏng thái chỉ lăn tăn, vài ngọn rau mùi thấp thoáng càng làm cho sắc men trắng muốt của chiếc bát sứ thêm trang trọng, gợi thèm.
Bát canh ninh với nguyên liệu là măng lưỡi lợn và khuỷu chân giò. Khuỷu móng giò chẻ đôi, chặt thành từng miếng vừa vặn, rồi buộc chặt bằng lạt. Măng khô ngâm kỹ trong nước vo gạo, vớt ra thái vuông, luộc vài lượt cho mềm và bớt màu sẫm. Cho móng giò và măng với một ít nước luộc gà, nêm mắm muối xào kỹ cho ngấm rồi mới cho nước dùng vào ninh nhỏ lửa để nước canh không bị đục. Mỗi bát canh chỉ đơm vài cục móng giò với 7 - 8 miếng măng là vừa đủ, phía trên rải một lớp miến dong dưới mấy củ hành trần trắng muốt. Màu măng nâu nâu, lá hành xanh mướt, khúc móng giò hơi vàng như màu nghệ nhạt, nom bát canh ninh màu mỡ nhưng ăn lại không ngán.
Để nấu được bát canh mọc ngon cũng khá cầu kỳ. Phải là loại nấm hương rừng mọc ở thân cây sung dì tôi mua được của người Dao Đỏ ở Lào Cai là thơm ngon nhất. Nấm hương ngâm kỹ, rửa sạch, cắt hết chân, để ráo nước rồi mới nêm giò sống vào từng cánh nấm cho tròn đầy. Nước nấu mọc cũng là nước luộc gà, cho hạt sen trần hầm nhừ rồi mới thả nấm mọc vào. Có người còn cho thêm trứng chim cút luộc bóc vỏ chiên qua dầu mỡ, nhưng mẹ tôi bảo có mùi tanh và váng dầu mỡ nên không thích. Bát canh mọc trong veo, hạt sen trắng ngà, những cánh nấm ôm gọn miếng giò trong lòng, lơ lửng bồng bềnh bên những sợi rau mùi xanh xanh thật là bắt mắt.
Bát canh thứ tư là bát miến, nấu bằng nước xuýt với bộ lòng gà và mộc nhĩ, nấm hương thái chỉ. Xưa kia người Hà Nội toàn dùng miến Tàu làm từ bột đỗ xanh. Sau này, các nhà sản xuất đã “cải tiến”, chế biến miến bằng tinh bột củ dong riềng. Đây là món canh mát, dễ ăn, đám trẻ thích nhất.
Bốn bát canh đặt vào bốn góc mâm đồng. Chính giữa là bát nước mắm ngon, thơm mặn mòi mùi biển. Hạt tiêu xay nhỏ rắc vào. Đầu vị là đĩa thịt gà ri luộc chặt miếng to, vuông vức xếp úp, da vàng nhẫy điểm thêm chút lá chanh thái nhỏ như sợi chỉ xanh. Giò bò, giò lụa, giò xào, chả quế, nem rán, khúc cá kho riềng, đều là những món ăn nguội, hợp với bốn bát canh tạo nên màu sắc riêng cho mâm cỗ Tết Việt Nam. Cũng không thể quên món nem chạo trộn thính và lá ổi, được bọc kín trong lá chuối tươi. Những quả nem như những chiếc kim tự tháp xinh xinh màu xanh nõn, thứ đồ nhắm này quả là tốn rượu. Bánh chưng được bóc ra, rồi dùng lạt tước nhỏ xắt thành 8 miếng. Rau sống, dưa hành cũng được đưa cả lên mới đủ vị.
Mâm cỗ tinh tươm được bày trang trọng trên ban thờ. Sáu chiếc bát sứ, sáu đôi đũa mun được sắp bên thành mâm. Cha tôi trịnh trọng thắp ba nén nhang dưới trụ hương vòng thơm ngát, rồi sửa lại khăn lượt áo the, thành kính nhìn lên bài vị rồi khấn Trời, Phật, thần linh, tổ tiên “phù hộ độ trì cho toàn gia mạnh khỏe, con cháu thông minh, học hành tấn tới…”.
Anh chị em chúng tôi hiện tại đều có cuộc sống gia đình ổn định và vẫn giữ nguyên nếp cũ của gia đình. Mâm cỗ tất niên vẫn đủ 4 bát 9 đĩa, chỉ có các món bày đĩa trên mâm cỗ bây giờ đã thay đổi đôi chút tùy theo điều kiện của mỗi nhà.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Kim Oanh
Tin liên quan
Tin mới hơn
Triển lãm 300 hình ảnh, hiện vật về “Đảng ta thật là vĩ đại” và “Hội Xuân Ất Tỵ 2025”
09:59 | 10/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Festival hoa Mê Linh lần thứ 2: Vinh danh giá trị nghề trồng hoa
10:39 | 08/01/2025 Văn hóa - Xã hội
“Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo” năm 2025
10:37 | 08/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Võ cổ truyền Bình Định hành trình ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
08:54 | 07/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Phú Yên
08:54 | 07/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Bình Định: Giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể của người Hrê
10:11 | 03/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Tin khác
Năm Ất Tỵ 2025 kể chuyện bài võ Xà quyền
10:10 | 03/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Người thi sĩ gieo những vần thơ bằng trái tim nhiệt huyết
09:53 | 02/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Festival hoa Mê Linh - Tôn vinh nghề trồng hoa
14:34 | 31/12/2024 Văn hóa - Xã hội
'Xuân về trên bản làng' - Hoạt động văn hóa đặc sắc chào mừng xuân 2025
13:44 | 31/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Ngành văn hóa Bình Định bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
23:33 | 30/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam qua lăng kính nghệ thuật thực cảnh "Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn"
15:52 | 30/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Nguyễn Phương Trà đoạt vương miện Queen Kid international 2024
15:37 | 30/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Đêm Nhạc Acoustic "Đoá xuân ngời" - Nơi những tâm lòng yêu nước hướng về
09:00 | 29/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Khai mạc Lễ hội Văn hóa – Du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
20:29 | 26/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đình Thi, tận tụy với phong trào địa phương
11:01 | 25/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Văn nghệ tri ân hướng đến kỷ niệm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng
09:24 | 25/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Giới thiệu sản phẩm lưu niệm độc đáo từ bộ tứ bảo vật của cố đô Huế
08:50 | 25/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Bình Định: Vẻ đẹp hình tượng rắn Naga trên tháp Dương Long
10:57 | 23/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 - Lễ hội hoa lớn nhất Miền Bắc
09:55 | 23/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Ngày hội tôn vinh hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”
10:24 | 18/12/2024 Văn hóa - Xã hội
Chàng trai “đất nhãn” tạo dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương
21:04 Làng nghề, nghệ nhân
Xã Thái Hòa (huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội): Ra mắt bộ máy chính quyền mới sau hợp nhất ba xã
21:03 Tin tức
Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Đào Thanh Hảo: Góp phần tạo dựng thương hiệu chè Thái Nguyên
21:03 Làng nghề, nghệ nhân
Chủ thể OCOP 5 sao nói về câu chuyện xuất khẩu
21:02 Nghiên cứu trao đổi
TP.Hồ Chí Minh: Người dân hưởng ứng lễ hội tôn vinh nông sản Việt
14:23 OCOP