Mai vàng một góc nhà xưa
Nội chuẩn bị cúng ông Táo rất kỹ lưỡng. Sau khi “hóa vàng”, mỗi đứa được nội giao ôm một con cá chép ra thả lại xuống ao bên cạnh. Ông Táo về trời với nguyên đàn cá chép. Lũ trẻ chúng tôi lấy làm hãnh diện vì ông Táo nhà Nội giàu nhất xóm!
Những ngày tiếp theo, tôi phụ Nội nhổ cỏ trong những chậu bông mồng gà, bưng những cây vạn thọ ở ruộng sau nhà trồng vào chậu, xếp hàng ngay ngắn trước sân cạnh những hàng mai đã được lặt lá từ rằm tháng Chạp, bắt đầu lún phún nụ xanh lẫn lá non. Nội chỉ tôi tỉa bớt những lá non hoặc nụ lá mới nhú, chỉ chừa nụ bông. Tôi thường đứng kế bên Nội để được ngửi cái mùi bùn non ngai ngái toát ra từ người của Nội. Đó là mùi của ruộng đồng, ao đầm mà Nội gắn bó cả cuộc đời.
Sáng 30, sau khi lau dọn nhà cửa lần cuối thật sạch sẽ, Nội chưng mâm ngũ quả, cắm mấy bình bông vạn thọ, bông trường sanh trên bàn thờ gia tiên rồi chưng một bình mai vàng rực giữa nhà. Cạnh bình mai, Nội đặt thêm một chiếc bình nhỏ hơn và cắm vào đó một bụi lúa – tượng trưng cho sự no đủ, đầm ấm và một nhành cây tầm gửi – ngụ ý nhắc nhở con cháu trong nhà phải biết siêng năng lao động, không được sống dựa dẫm, ăn bám người khác. Quẩn quanh cạnh Nội, tôi lại nghe mùi bùn từ bụi lúa, từ đôi chân trần của Nội phảng phất, thơm thơm.
Nội thường chỉ cho đám cháu xem những cành tầm gửi bám trên cây mai và nói: “Tầm gửi sở dĩ xanh tốt là vì nó thuộc loại ăn bám, hút nhựa và chất dinh dưỡng từ cây khác mà sống, nếu cây nào mà bị tầm gửi bám vào, lâu ngày sẽ héo khô mà chết, thì cây tầm gửi cũng chết theo. Con người cũng vậy, nếu muốn thành công thì phải tự mình lao động, nếu cứ tập tính ỷ lại, sống bám vào người khác thì đến một lúc nào đó cũng sẽ thất bại. Giàu có vì sống bám thì sẽ nhanh chóng trắng tay”. Nội vừa bẻ những nhánh tầm gửi thả xuống đất, chỉ chừa lại một nhánh tươi tốt nhất trên cây mai để 30 chưng tết.
Ông bà Nội đi xa, để lại cho đám cháu con tình thương vô bờ bến. Từ ngày Nội mất, những gốc mai vàng cứ đứng lặng lẽ nơi góc vườn. Những cành mai vươn cao, khẳng khiu, liêu xiêu chống chọi qua bao mùa gió bất, vậy mà tết năm nào cũng sai bông. Nếu về kịp trước rằm, giống mọi năm, tôi sẽ cùng ba lặt lá mai, bẻ hết những cành tầm gửi sống bám trên thân mai và chừa lại một nhánh nhỏ để ngày 30 đem vào cắm trong nhà cùng bụi lúa, như Nội đã làm khi xưa. Mỗi lần nhìn những cây mai vàng khoe sắc, nhìn cành tầm gửi “ăn bám”, tôi lại nhớ lời dạy của Nội, nhớ mùi bùn toát ra từ người Nội, người ba.
Tôi đã sắm sẵn cho ba chiếc bình mới để chưng lúa, chưng tầm gửi, bởi chiếc bình cổ của Nội tết năm ngoái, ba đã vuột tay làm bể trong ngày hạ nêu. Nhớ bàn tay ba run run nhặt những mảnh vỡ của chiếc bình, tôi bất giác chạnh lòng, lo lắng nghĩ bâng quơ “Ba đã hơn 70 tuổi rồi”, lòng tôi lại bùi ngùi khi những cái Tết đang dần dần vắng đi tiếng cười của những người thân…
Đứng trên bến Ninh Kiều, nhìn những chiếc xuồng, chiếc ghe chở đầy những chậu mai, bông vạn thọ ngược xuôi tấp nập, tiếng người mua kẻ bán náo động cả quãng sông, càng khiến tôi nôn nao, mong sớm về nhà. Tôi về sẽ cùng chị Hai chặt những buồng trái thướt tha trên cây đủng đỉnh để trang trí nhà cửa cho đẹp trong những ngày giáp tết.
Về nhà để cảm nhận rõ hơn cuộc sống thường nhật với bao bộn bề, nỗi lo cơm áo gạo tiền dường như tan biến khi mọi người quây quần chuyện trò rôm rả bên bên mâm cơm, hoặc ngồi canh nồi bánh tét bên ngọn lửa hồng ấm áp. Về nhà dịp tết để thấy rõ hơn câu nói: “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, để cảm nhận cái tình, cái nghĩa đậm đà của bà con chòm xóm. Họ mời nhau chén trà, tấm bánh, giúp nhau lợp lại mái nhà, chằm lại vách bếp, sửa sang đón tết. Một bức tranh sinh hoạt thấm đẫm nghĩa tình.
Về nhà để được nhìn đôi bàn chân ba nức nẻ, khô khốc, mông mốc mùi bùn và đôi mắt hằn vết chân chim lúc nào cũng ánh lên niềm vui khi cả nhà sum họp. Về nhà để thưởng thức những món ăn dân dã ngon lành của má, ôm tấm lưng hơi khom của chị Hai mà ngủ một giấc ngon lành.
Lòng tôi như giục giã: “Về mau! Tết đang gõ cửa từng nhà!”
Mái nhà thân yêu ơi, hãy đợi ta về trong nay mai!
Tin liên quan
TP. HCM: Không khí rộn ràng, vàng mã đắt hàng dịp Tết ông Công, ông Táo
20:52 | 23/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Bình Định: Mai khoe sắc vàng đón Tết
10:03 | 21/01/2025 Làng nghề, nghệ nhân
Nét quê ngày Tết
09:19 | 25/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Tin mới hơn
Đảng mãi mãi là mùa Xuân
08:29 | 26/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Mai vàng một góc nhà xưa
09:19 | 25/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Tin khác
Biểu tượng hòa bình hữu nghị ở ngã ba Đông Dương
09:18 | 25/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Ấn tượng với cụm linh vật năm Ất Tỵ 2025 tại Bình Định
21:02 | 23/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Tết về gói bánh chưng xanh
21:00 | 23/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Giữ gìn nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của người Việt
20:58 | 23/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Rau dớn " gọi" mùa Xuân xứ Quảng
15:28 | 21/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Lời giải cho bài toán bảo tồn văn hóa đồng bào M’Nâm
15:00 | 20/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Trường THCS Nga Liên Giữ vững danh hiệu trường chuẩn Quốc gia
10:06 | 20/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Gốm Chu Đậu - Món Quà Truyền Thống Văn Hóa Và Niềm Tự Hào Thương Hiệu Quốc Gia Việt Nam
10:01 | 20/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Bình Định: Phù Mỹ tận tâm với công tác an sinh xã hội
09:59 | 20/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Rắn trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Việt Nam
09:57 | 17/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Người thi sỹ gieo những vần thơ bằng trái tim nhiệt huyết
09:46 | 17/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Ngân hàng thực phẩm Bình Định trao tặng thực phẩm cho người yếu thế
09:44 | 17/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Bác Hồ và những mùa Xuân kháng chiến
10:18 | 16/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Phiên chợ vùng cao cuối năm
10:16 | 16/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Đọc sách: Con Út gia đình ông Lân Trai
10:15 | 16/01/2025 Văn hóa - Xã hội
Ăn gì để thanh lọc cơ thể trong dịp tết?
08:34 Tin tức
Thư chúc mừng năm mới!
08:30 Tin tức
Nghề làm muối Bạc Liêu Tinh hoa đến từ biển cả
08:29 Làng nghề, nghệ nhân
Đảng mãi mãi là mùa Xuân
08:29 Văn hóa - Xã hội
Huyện Phúc Thọ (Hà Nội): Hướng đến “nông nghiệp thuận thiên”
08:27 Nông thôn mới