Khởi nghiệp kiểu Ba Nhựt
Nông dân Ba Nhựt bên cánh đồng lúa thảo dược theo quy trình hữu cơ.
Từ nông dân đến “chuyên gia” ra nước ngoài dạy trồng lúa
Một ngày đầu tháng 4-2020, chúng tôi ghé thăm nhà Ba Nhựt khi ông đang tất bật lo xay lúa giao cho khách. Căn nhà ngổn ngang với máy cày, máy bơm còn phía sau là chuồng bò, khu sấy lúa, nhà máy xay gạo... Suốt ngày, ông hết chuyện đồng áng rồi chăm sóc đàn bò, xay lúa nên không ngơi tay. Ba Nhựt (tên thật Phạm Văn Nhựt, SN 1963, ngụ ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) từ nhỏ đã quen với việc trồng lúa, nuôi trâu kéo cày. Ông kể cuộc đời mấy chục năm làm ruộng, thành tỷ phú, tậu được đất đai “cò bay thẳng cánh” như câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Năm 1987, Ba Nhựt xuất ngũ từ chiến trường Campuchia về quê tiếp tục nghề trồng lúa của gia đình. Là con trai duy nhất trong nhà, Ba Nhựt xin cha cho ra đồng ở để vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt nhằm quyết chí tự lập. Ban đầu, vợ chồng phải ngủ chuồng trâu, trồng ba công lúa để mưu sinh. Được rèn luyện trong môi trường quân đội giúp Ba Nhựt tính nhẫn nại, cần cù, chịu khó trong việc đồng áng. Ông quyết thay đổi tập quán sản xuất cũ bằng cách bán đàn trâu, mua chiếc máy cày đi cày thuê. Hiệu quả được nâng lên gấp nhiều lần so dùng sức kéo của trâu đã giúp ông tích góp, mua thêm ruộng đất sản xuất.
Trình độ mới lớp 12, Ba Nhựt suy nghĩ, nếu không nâng cao tay nghề thì trồng lúa, làm nông nghiệp cũng không bao giờ khá lên được. Năm 2010, Ba Nhựt tham gia lớp tập huấn về phục tráng, lai tạo giống lúa do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp Trường đại học Cần Thơ tổ chức.
Sản phẩm gạo mang tên Ba Nhựt được bán trong dịp hội chợ tại Bến Tre.
Khi có tay nghề, ông tiến hành phục tráng giống OC 10 (giống lúa của địa phương đã thoái hóa), lai tạo một số giống lúa mới PM 1, PM 2 phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương... Đồng thời, tham gia câu lạc bộ những nông dân lai tạo giống lúa của các tỉnh trong khu vực để sưu tầm, nghiên cứu nhiều giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt...
Một ngày giữa năm 2017, Ba Nhựt chợt nhận được điện thoại của một công ty mời sang nước bạn Lào làm “chuyên gia”, dạy nông dân kỹ thuật trồng lúa. Mãi đến sau này, ông cũng không ngờ rằng cuộc đời mình lại được đi xuất ngoại để dạy trồng lúa. “Lúc đầu tôi suy nghĩ nhiều lắm vì mình học hành được bao nhiêu đâu mà làm “chuyên gia”, mà dạy người ta. Sau khi bàn với vợ, tôi quyết định sang nước bạn một chuyến xem như du lịch để trải nghiệm, biết thêm nhiều cái mới. Qua bên đó, tôi dạy nông dân cày xới, gieo sạ, bón phân...”, Ba Nhựt kể lại.
Sang nước bạn, Ba Nhựt mới khám phá ra, hằng ngày người dân ăn bữa chính là gạo nếp thay gạo tẻ nấu cơm như bên xứ mình. Một lần, được nông dân bên Lào dẫn đi ăn sáng với món bún làm từ bột gạo bị bở nên không ngon. Ba Nhựt phát hiện gạo tẻ bên đây rất hiếm nên “tài lanh” tiếp thị gạo ở quê mình khi xay ra làm bún, hủ tiếu rất ngon. Nghe “chuyên gia” nói vậy, người dân nước bạn nhờ gửi một ít gạo để làm bún ăn thử. Thấy ngon, họ đặt giống để trồng. Nhờ vậy, Ba Nhựt bán 3,5 tấn lúa giống OC 10 cho nông dân nước bạn. Đến nay, nông dân Lào vẫn sử dụng giống này để chuyên làm bún, hủ tiếu. Khi về nước, Ba Nhựt vẫn là “chuyên gia” cho nông dân nước bạn qua điện thoại. Lâu lâu, có người phiên dịch điện thoại sang nhờ tư vấn kỹ thuật ông đều giúp với cả tấm lòng của mình.
Xây dựng thương hiệu gạo Ba Nhựt
Nói về khởi nghiệp, Ba Nhựt cho biết: “Khi nhà nước phát động phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp”, tôi muốn khởi nghiệp lắm nhưng không biết làm cách nào. Bởi vì mình trồng lúa cả đời cũng chỉ khá chứ chưa làm giàu được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận ra nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá quá thấp. Vậy là tôi đầu tư máy sấy lúa, máy xay lúa, làm gạo bán ra thị trường để được giá cao hơn. Sau đó, tôi quyết làm lúa sạch theo quy trình hữu cơ rồi đăng ký nhãn hiệu...”.
Quy trình làm chuỗi giá trị của Ba Nhựt theo kiểu nông dân đã khép kín gần như toàn bộ, không bỏ thứ gì từ cây lúa. Khi thu hoạch lúa phần rơm đem về nuôi 20 con bò lấy phân để trồng cỏ, trồng lúa; một phần gạo được nấu rượu lấy hèm cho bò ăn; trấu cung ứng cho cơ sở nuôi gà để đổi lại phần phân gà đem về ủ làm phân hữu cơ, phần cám thu được khi xay lúa sẽ bán để làm mỹ phẩm...
Cánh đồng lúa với giống chịu mặn của ông vẫn tươi tốt.
Mấy năm trước, Ba Nhựt có đứa cháu lao động bên Nhật Bản mang về tặng một bông lúa thảo dược màu tím. Thấy giống lúa lạ, ông tỉ mỉ nhân giống rồi đưa ra trồng đại trà. Khi lúa làm ra, xay gạo nấu cơm ăn rất ngon nhưng bán chẳng ai mua vì lạ, màu tím. Khó khăn với đầu ra, ông liền nghĩ cách đem gạo gửi xét nghiệm các thành phần rồi đăng ký nhãn hiệu. Đăng ký nhãn hiệu xong, Ba Nhựt liên kết với các nông dân khác sản xuất với số lượng lớn rồi xay ra thành gạo, đóng gói để tiêu thụ khắp cả nước. Hiện tại, ông có hai nhãn hiệu mang tên mình là gạo tím Ba Nhựt và nếp cẩm Ba Nhựt được làm theo quy trình hữu cơ.
Đầu năm 2020, hầu hết những cánh đồng lúa ở địa phương mất trắng vì nước mặn. Vậy mà cánh đồng khảo nghiệm giống LH 14 của Ba Nhựt vẫn trụ vững với năng suất 3 tấn/ha khi nước mặn trên ruộng đã sáu phần nghìn. Nhiều nông dân chung quanh đến tham quan, trách ông sao không đưa giống cho họ trồng trong mùa hạn, mặn. “Tôi chỉ trồng khảo nghiệm xem kết quả như thế nào. Nếu thất bại mình tôi chịu, còn thành công thì năm sau sẽ cùng bà con làm giống chịu mặn này”, Ba Nhựt khẳng định chắc nịch.
Bây giờ, có trong tay hơn 3ha đất trồng lúa, nuôi 20 con bò mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng nhưng Ba Nhựt vẫn ngày ngày chăm chỉ việc đồng áng với mong muốn làm sao cùng nông dân làm giàu từ cây lúa. Những sản phẩm lúa sạch được ông bao tiêu với giá cao hơn nhiều so giá thị trường.
Đến nay, đã có bốn cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội... ký hợp đồng tiêu thụ gạo thảo dược của ông với số lượng ổn định tám tấn/tháng. Số còn lại ông hợp đồng với các thương lái, kênh bán hàng online... để giải quyết đầu ra cho nông dân. Giá trị từ cây lúa được ông tận thu đã tăng gần năm lần so với bán lúa tươi ngay tại ruộng. Gạo thảo dược đem lên thành phố bán với giá khá cao, nhưng nhiều người chọn mua vì sản xuất theo quy trình hữu cơ, tốt cho sức khỏe.
Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm Hồ Văn Trí cho biết: “Ông Nhựt là một trong những cựu chiến binh tiên phong khởi nghiệp của địa phương. Mô hình sản xuất lúa thảo dược và các giống lúa khác theo tiêu chuẩn hữu cơ của ông đã được UBND xã Phong Mỹ đưa vào Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp”. Hiện nay, ông đã liên kết với những nông dân tại địa phương để bao tiêu sản phẩm rồi xay thành gạo, đóng gói bán ra thị trường”.
Hiện tại, nhãn hiệu gạo Ba Nhựt được xếp hạng đạt chuẩn 3 sao trong chương trình OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Sắp tới, Ba Nhựt còn dự định sẽ liên kết với những nông dân là cựu chiến binh, nông dân có chí hướng làm lúa sạch để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Từ một nông dân chân đất, bây giờ ông đang mơ ước sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị từ cây lúa và cùng nông dân làm giàu với thương hiệu mang tên Ba Nhựt.
Ba Nhựt đầu tư máy sấy, máy xay lúa để bán gạo ra thị trường.
Theo Nhân dân
Tin liên quan
Tin mới hơn
Hòa Bình: Khởi nghiệp từ trồng rau sạch
15:15 | 12/12/2024 Khởi nghiệp
Cô gái sản xuất ra 15 dòng sản phẩm từ mo cau
11:01 | 15/11/2024 Khởi nghiệp
Phát triển sản phẩm an toàn từ mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ
22:02 | 09/11/2024 Khởi nghiệp
Gia Lâm: Tăng tốc, khôi phục sản xuất sau lũ
09:16 | 07/11/2024 Khởi nghiệp
Phụ nữ Ba Na khởi nghiệp với rượu cần
14:18 | 06/11/2024 Khởi nghiệp
Trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp Vùng khu vực miền Trung năm 2024
10:05 | 30/09/2024 Khởi nghiệp
Tin khác
Trần Quang Vũ- Người Việt Tiên Phong Mang Khát Vọng Nâng Tầm Guitar Việt Nam
11:34 | 24/09/2024 Khởi nghiệp
Phụ nữ Bình Định khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh
10:52 | 12/09/2024 Khởi nghiệp
Tiền Giang: Khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc bươu đen
10:53 | 05/09/2024 Khởi nghiệp
Khởi nghiệp mô hình rau an toàn cho phụ nữ ở Phú Thọ
16:14 | 07/08/2024 Khởi nghiệp
Lai Châu: Nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
14:13 | 23/07/2024 Khởi nghiệp
Trà Vinh: Nhiều chương trình, hành động cùng xây dựng nông thôn mới
14:19 | 03/07/2024 Nông thôn mới
Khởi nghiệp từ mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ chuối
09:50 | 02/07/2024 Khởi nghiệp
Thừa Thiên Huế: Xoá nghèo bền vững từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi
14:41 | 27/06/2024 Khởi nghiệp
Phú Yên hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp
13:56 | 18/06/2024 Khởi nghiệp
Người mạnh dạn theo đuổi nghề nuôi hươu lấy nhung
14:19 | 20/05/2024 Khởi nghiệp
Khới nghiệp từ lá dứa
09:28 | 23/04/2024 Khởi nghiệp
Từ bỏ lương kỹ sư điện ở Thành phố, chàng trai về quê nuôi gà thảo dược
09:29 | 21/03/2024 Khởi nghiệp
Bến Tre: Khởi nghiệp từ mô hình trồng nấm bào ngư đem lại hiệu quả kinh tế cao
14:04 | 13/03/2024 Khởi nghiệp
Vĩnh Phúc: Cùng đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
14:56 | 06/03/2024 Khởi nghiệp
Tuyên Quang - Khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP
10:43 | 04/03/2024 Khởi nghiệp
Khai mạc hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tại huyện Ba Vì
15:13 Tin tức
Sáng kiến Tủ sách Tiếng Việt đạt giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X
15:10 Tin tức
Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: Trình chiếu 8 bộ phim đặc sắc
15:09 Tin tức
Cu Đơ Ông Bà Thư Viện - Mật ngọt gừng cay thấm đượm tấm lòng người dân xứ Nghệ
09:00 Làng nghề, nghệ nhân
Hòa Bình: Khởi nghiệp từ trồng rau sạch
15:15 Khởi nghiệp