Thứ năm, 01-12-2022 | 10:08GMT+7

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng thương hiệu vàng nông nghiệp

LNV - Hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa và xã hội toàn diện, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án Xây dựng Thương hiệu Vàng nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2030. Đề án hứa hẹn giúp TP. HCM phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của một thành phố năng động, sáng tạo, hỗ trợ xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Trong những năm qua, TP. HCM ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án hướng đến hỗ trợ hợp tác xã, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội duy trì và phát triển. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu một nông sản cho các đơn vị thuộc lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Do đó, công tác xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp rất cần thiết và phải có kế hoạch cụ thể để huy động nguồn lực, sự hỗ trợ từ các sở ban ngành. Nhận thấy tính tất yếu của dự án, ngày 24/10/2022, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 3606/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án Xây dựng Thương hiệu Vàng nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2030. 
 

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực tiêu biểu, đặc sản địa phương của TP. HCM

Theo đó, Thành phố chia lộ trình thực hiện đề án làm 02 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2022 – 2025, TP. HCM bắt đầu ban hành Kế hoạch và tổ chức phát động chương trình tìm kiếm, đánh giá thực trạng nhằm chọn lọc những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng phát triển thương hiệu. Tiến hành tổ chức tập huấn chuyên sâu về xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao trình độ cho các đơn vị nông nghiệp hiểu đúng vai trò và xây dựng chiến lược, lộ trình phù hợp với năng lực từng đơn vị. Triển khai hỗ trợ hoạt động nâng tầm thương hiệu, tư duy doanh nghiệp, hợp tác xã về xây dựng thương hiệu.

Đến giai đoạn từ 2025 – 2030, TP. HCM tiếp tục đổi mới nội dung, hỗ trợ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tôn vinh sản phẩm chất lượng, quảng bá các thương hiệu đạt danh hiệu rộng rãi ngoài thị trường trong và ngoài nước.

Để hoàn thành tốt 02 giai đoạn trên, Đề án nêu một số mục tiêu cụ thể như: Tìm kiếm, phát hiện, lựa chọn các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực và tiềm năng ngành nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đặc sản địa phương của Thành phố phù hợp với tiêu chí các giải thưởng để định hướng, có chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng kênh tiêu thụ, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao nhận thức, năng lực, khắc phục hạn chế nhằm đáp ứng các tiêu chí tham gia giải thưởng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Thành phố. Khuyến khích phát triển phong trào xây dựng thương hiệu vàng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025 tổ chức Lễ công bố giải thưởng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Thành phố lần thứ nhất; Từ năm 2025 đến năm 2030 tổ chức Lễ công bố giải thưởng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Thành phố theo định kỳ 2 năm/lần.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ thực hiện như: Khảo sát, đánh giá thực trạng và lựa chọn đơn vị tiềm năng; Tổ chức đào tạo, khảo sát, nâng cao nhận thức, năng lực kinh nghiệm; Hỗ trợ hướng tới đạt các tiêu chí tham gia giải thưởng Thương hiệu vàng nông nghiệp Thành phố; Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, mở rộng thị trường.

Với những mục tiêu to lớn trên, Đề án Xây dựng Thương hiệu Vàng nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2030 được xem là kế hoạch phát triển nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đề án nhắm vào phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực.
Bài, ảnh: Cẩm Nhung