![]() |
chuyện kỳ bí chưa kể về làng diều sáo duy nhất tại hà nội |
LNV - Ẩn mình nơi vùng ven Đan Phượng (Hà Nội), làng Bá Dương Nội gìn giữ lễ hội thả diều sáo duy nhất còn tồn tại – nơi tiếng sáo ngân nga giữa tầng không, mang theo huyền tích xa xưa, nghi lễ cổ truyền và niềm tin ngàn đời vào mùa màng no đủ. Ít ai ngờ, đằng sau những cánh diều ấy là một kho tàng di sản sống động, kỳ bí và thấm đẫm hồn cốt văn hóa Việt. |
Làng Bá Dương Nội là một ngôi làng nhỏ nằm ven sông Hồng, thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã sống gắn bó dựa vào thiên nhiên. Mỗi mùa nước lũ về, bồi đắp bãi phù sa màu mỡ nuôi dưỡng bao thế hệ con người. |
TRUYỀN THUYẾT KỲ BÍ ĐẰNG SAU CHIẾC DIỀU SÁO |
Theo lời các cụ cao niên trong làng, lễ hội thả diều bắt nguồn từ một câu chuyện huyền bí. Ngày xưa, lũ trẻ khi thấy những đàn chim tung cánh trên trời cao, chúng đã dùng tre uốn cánh, dán giấy giống thân chim, tạo thành cánh diều giấy bay lượn giữa bầu trời. Ban đầu chỉ là trò chơi vô tư của trẻ nhỏ. Nhưng rồi một hôm, chúng rủ nhau thi xem diều của ai cao hơn, chúng kéo móc dây diều trên cỏ cao, dựng một ngôi miếu nhỏ ở đó. Chúng bàn với nhau đem gạo thổi cơm chung. |
Hằng ngày, trước khi ăn cơm, chúng học theo bố mẹ cùng thần linh, chúng cầu mong gió thổi mạnh cho diều bay cao hơn. Điều kỳ lạ là từ đó, mỗi buổi chiều thả diều, trời bỗng nổi gió lớn. Diều bay cao vút giữa không trung, như được thần linh phù trợ. Thế nhưng một ngày, cha mẹ lo sợ con trẻ lấy nhầm gạo giống của làng để nấu ăn nên đã cấm chúng mang gạo đi thổi cơm. Hôm đó, chúng không có cơm để cúng thần linh. Như thường lệ, bọn trẻ mang diều ra thả, nhưng không cái nào bay lên khỏi mặt đất. |
Trời đất bỗng tối sầm, giông tố nổi lên. Ngôi Miếu và đàn trâu bỗng chốc biến mất. Bọn trẻ sợ hãi tìm đàn trâu, đứa thì chạy về báo cho cha mẹ. Dân làng nghe chuyện tin rằng – “thần linh đã hiển linh”. Lập tức, dân làng sắm lễ nghi, thành tâm cầu cúng. |
Lạ kỳ thay, ngay sau đó, trời đất tối sầm trong giây lát. Ngôi Miếu nhỏ hiện ra trước mắt, phía cuối bãi đàn trâu gặm cỏ. Sự kiện kỳ bí này xảy ra đúng ngày rằm tháng 3 âm lịch. Từ đó, dân làng xây dựng miếu thờ thần linh, lấy rằm tháng 3 làm ngày giỗ thần, đồng thời tổ chức lễ hội thả diều truyền thống hàng năm để tưởng nhớ. |
lễ hội thả diều: biểu tượng của niềm tin nông nghiệp lúa nước |
Lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội không chỉ đơn thuần là cuộc thi diều bay cao, mà còn là dịp để người dân tỏ lòng thành kính, cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống bình an. Trải qua một thời gian dài bị gián đoạn của chiến tranh. Từ năm 1989, với sự quyết tâm của dân làng và sự chung tay của các nghệ nhân diều như Nguyễn Hữu Ngọ, Phạm Văn Mai. Lễ hội diều nghìn năm của mảnh đất Bá Dương Nội đã được khôi phục và duy trì cho đến ngày nay. Hằng năm, hội thi thả diều làng Bá Dương Nội được tổ chức trong ba ngày, ngày 14 đến ngày 16 tháng Ba âm lịch, trong đó chính hội là ngày 15 tháng Ba, thời điểm bắt đầu một mùa vụ gieo trồng mới của người nông dân thời xưa. Lễ hội thả diều gồm các nghi lễ chính như: Lễ phong môn giải y, dịch phục; lễ dịch phục; lễ tuyên sắc; tế Chính tịch; lễ trình diều; lễ cầu phong (cầu gió) và tiến hành thả diều. Con diều nào đạt giải Nhất sẽ được mang vào miếu tế Thần Linh Châu Thổ… Một nghệ nhân tại làng Bá Dương Nội chia sẻ: “Lễ hội thả diều là lễ hội của cư dân nông nghiệp lúa nước nói chung và của người Việt nói riêng. Năm nào thả được diều lên cao, sáo kêu to, thì năm đó báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bệnh tật tiêu giảm.” |
Rằm tháng 3 âm lịch là hội thi thả diều, nhưng từ tháng 8 năm trước, trong làng đã rục rịch chuẩn bị. Mọi người chọn tre, mua giấy, quét sáo, và làm thước dây rất tỉ mỉ, cung phu. Đầu tiên, là chọn tre để làm khung diều. Tuy nhiên, không phải loại tre nào cũng chọn được, mà phải chọn tre già, tre mọc ở đồng bằng. Thời điểm chọn tre cũng rất quan trọng, tre chặt vào mùa đông, rồi gác lên gác bếp cho đen lại. Tiếp đó, chẻ ra làm thành khung diều. Loại tre nhỏ mà đặc này, giúp diều được khung cứng, dẻo, bền mà không nặng Giấy làm diều thường là giấy gió, chất kết dính là nhựa của quả cậy. Ngâm vào nước sền sệt như nước vo gạo, đem phết lên giấy chuyển sang màu nâu, cứng chắc và không thấm nước. Việc làm dây diều cũng là cả một nghệ thuật. Xưa kia, dây diều được tuốt từ tre. Gọt hình lá hẹ, cho vào luộc với muối, đun từ 6-8 tiếng vớt ra. Đoạn dây diều này dẻo và dai, khi gặp gió dây căng và nhẹ. |
Ngoài kỹ thuật làm diều, người làng Bá Dương Nội còn có kỹ thuật làm sáo diều. Trước đây, các cụ hay dùng sáo đôi, sáo ba, sáo năm. Ngày nay, người ta chơi nhiều sáo, sáo bảy, sáo mười hai. Một nghệ nhân tại làng diều Bá Dương Nội chia sẻ: “Tiếng kêu phụ thuộc vào cách thức làm miệng sáo và độ dài của ống sáo, tiếng sáo được các nghệ nhân làm theo tiếng cầm, tiếng chiêng, tiếng còi” |
diều sáo làng bá dương nội - vươn xa cùng di sản văn hóa việt |
Làng bá Dương Nội với nghề làm diều sáo lâu đời đã vươn mình ra thế giới, trở thành biểu tượng của sự “kiên trì, sáng tạo và gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống”. Diều của làng còn vươn xa trên bầu trời trên khắp nước và các hội thả diều lớn như: Festival diều Quốc tế tại Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu; đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Festival diều Quốc tế tổ chức tại các nước Thái Lan (2010; 2014), Trung Quốc (2012); Cộng hoà Pháp (2012), Malaysia (2014)… được bạn bè quốc tế đánh giá cao về sự độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của cánh diều Việt Nam. |
Đầu năm 2024, Bộ Trưởng Bộ Văn Hoá, Thể Thao và Du lịch đã quyết định đưa lễ hội truyền thống xã hội và tín ngưỡng “Hội diều làng Bá Dương Nội” vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2982/QĐ-UBND ngày 7/6/2024 công nhận làng nghề diều sáo làng Bá Dương Nội là nghề truyền thống Hà Nội. Đặc biệt, đúng dịp lễ hội truyền thống rằm tháng 3 năm 2025 (tức ngày tức ngày 15/3/2025 âm lịch) tại di tích miếu Diều, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã đón nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội”, đồng thời trao bằng công nhận “Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội” là nghề truyền thống Hà Nội. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, đây là hoạt động nhằm nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hoá của cha ông để lại; khẳng định giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội”.tế đánh giá cao về sự độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của cánh diều Việt Nam. |
Việc được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và làng nghề truyền thống không chỉ là niềm tự hào của người dân làng Bá mà còn là lời khẳng định sức sống mãnh liệt của làng nghề nghìn năm tuổi. Thế hệ trẻ của làng cũng có nhiều người đam mê và có tài làm diều, làm sáo. Đây chính là sự kết nối để chiếc diều của làng được lưu giữ theo thời gian. Một thanh niên sinh sống tại làng Diều Bá Dương Nội chia sẻ: “Mỗi lần thả cánh diều bay lên, nó như là những ước mơ của em bay cao, bay xa” |
Dù cuộc sống có đổi thay nhưng những cánh diều sáo và âm thanh của diều vẫn bay cao, vang xa, nối dài những ước mơ về một tương lai tươi sáng cho cộng đồng và thế hệ tiếp theo. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này sẽ không chỉ giữ gìn phần lịch sử, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Lễ hội truyền thống tại làn Bá Dương Nội giúp truyền thế hệ sau, tình yêu và niềm tự hào về văn hoá của dân tộc. |
Nguyễn Thu Loan Biên tập: Thanh Hậu |