Cần tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn trong chuyển đổi số
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 30/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS).
Đây là phiên họp thứ nhất của Ủy ban kể từ thời điểm được kiện toàn từ Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Cách đây hơn 1 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1964/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban. Theo đó, Ủy ban do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Chủ tịch. Ủy ban có 2 Phó Chủ tịch gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các ủy viên.
Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Không làm hình thức
“Phiên họp đầu tiên của Ủy ban có ý nghĩa hết sức quan trọng, khởi đầu giai đoạn mới trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về CĐS, với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc. Từ xu thế thế giới, thực tiễn đất nước, chuyển đổi số là yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Chủ trương của Đảng đã xác định rõ, “vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện cho thực sự có hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, CĐS đang góp phần vào khôi phục và phát triển KTXH, phòng chống dịch có hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần vào xu thế hội nhập, nâng vao vai trò, vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước”.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, chúng ta đã thực hiện việc CĐS, “có những mặt làm được, mặt chưa làm được”. Do đó, tại phiên họp đầu tiên, Thủ tướng yêu cầu phân tích, đánh giá, nêu bật những mặt làm tốt để phát huy, chỉ rõ những gì chưa làm được, tìm ra nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở đó, định hướng, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng cho phù hợp với tình hình, điều kiện của đất nước, để có một chương trình hành động, phương pháp tổ chức công việc thực sự khoa học, hiệu quả, không hình thức, tất cả vì lợi ích chung.
Phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm đầu top 30 thế giới về truy cập số
Toàn cảnh phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. “Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về CĐS, trong đó có việc tạo ra các thể chế số”. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho CĐS thì sẽ tạo ra thị trường CĐS cho các doanh nghiệp công nghệ số. Chính phủ đi đầu về chi cho nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số nền tảng của CĐS. Đó sẽ là những cú hích quan trọng cho CĐS thành công tại Việt Nam.
“Cách tiếp cận phù hợp nhất trong bối cảnh thay đổi nhanh và khó đoán định ngày nay là bước đi nhỏ nhưng tầm nhìn xa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Một xã hội số thì điều kiện tiên quyết là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang. Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để đạt được điều này. Bộ TT&TT đang chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để Việt Nam sẽ vào nhóm đầu top 30 về truy cập số.
Thay mặt cơ quan có bước CĐS mạnh mẽ thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, kết quả nổi bật là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân. Đây là 2 dự án quan trọng, là tài nguyên quốc gia đắt giá, là dữ liệu gốc cho quá trình phát triển CĐS, kinh tế số, xã hội số.
Đến nay, Bộ Công an đã và đang phát huy hiệu quả 2 dự án này. Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ Công an “làm giàu” cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KTXH, phòng chống dịch bệnh.
Cũng là một ngành có CĐS mạnh mẽ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua số liệu thống kê của 10 ngân hàng thương mại lớn, mức đầu tư cho CĐS ước tính 15.000 tỷ đồng mỗi năm. Chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động CĐS trung bình chiếm từ 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động. Nhiều ngân hàng, 90% giao dịch thực hiện trên nền tảng số. Đồng tình với ý kiến Bộ trưởng Tô Lâm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mong muốn thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp, cho phép các tổ chức tín dụng trong hệ thống kết nối với cơ sở dữ liệu căn cước công dân để mở rộng lĩnh vực CĐS.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản dựa trên “trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng”. Đã đến lúc cần chuyển qua trông vào dữ liệu đám mây, vào các thiết bị kết nối thông minh. Nền nông nghiệp từ thói quen phỏng đoán, ước chừng, cần chuyển qua ghi nhận, thu thập rồi phân tích thông tin để kịp thời cập nhật, chuyển tải đến người nông dân, HTX, doanh nghiệp, nhà tiêu thụ, cơ quan quản lý. Nền nông nghiệp từ dựa vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, cần được tích hợp thêm tự động hóa, thương mại hóa và số hóa.
“Trong chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chúng tôi sẽ đưa tiêu chí làng thông minh dựa trên đào tạo nông dân thông minh, nông dân số vào một trong những mục tiêu trọng điểm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. “Đứng trước đoàn tàu CĐS đang tiến vùn vụt, chúng tôi không chấp nhận để lỡ chuyến tàu, đứng lại sân ga trong tiếc nuối”.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương cho biết, đã tập trung kiện toàn bộ máy thực hiện công tác này; vận hành trung tâm điều hành thông minh. Các địa phương khẳng định quyết tâm tạo bước chuyển biến căn bản về chuyển đổi số thời gian tới.
Đứng thứ 3 trong 63 địa phương về chỉ số CĐS năm 2020 (DTI 2020), đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, có tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện CĐS. Do đó, cần có chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Bảo đảm minh bạch, tránh tiêu cực trong quá trình CĐS là rất quan trọng, cần rà soát, có hướng dẫn cụ thể về quản lý chi phí trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh truyền thông về CĐS.
Người đứng đầu quan tâm thì mọi việc suôn sẻ
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, đề xuất kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong năm 2022 một cách cụ thể, hiệu quả, thiết thực, sát thực tế, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát.
Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động CĐS ở nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Các chủ trương, thể chế, chính sách về CĐS là tương đối đầy đủ. Các văn bản pháp lý cơ bản đã được ban hành.
Các ứng dụng công nghệ số được xây dựng nhanh chóng để cùng cả nước tham gia phòng chống dịch COVID-19; các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã tích cực sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, nhất là dịch vụ công trực tuyến.
An toàn, an ninh mạng, ngày càng được chú trọng, thứ hạng an toàn, an ninh mạng Việt Nam được cải thiện vượt bậc (năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 25 trong 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với năm 2019). Về xếp hạng Chính phủ điện tử, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016 (theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc).
“Kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói. Trong điều kiện của một đất nước đang phát triển, kết quả này là đáng tự hào, đáng trân trọng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, công tác CĐS vẫn còn những hạn chế đã được các thành viên Ủy ban chỉ ra, như xếp hạng về Chính phủ điện tử còn thấp (xếp thứ 6 trong các nước ASEAN). Việc kết nối giữa các nền tảng còn hạn chế; chưa làm tốt việc sử dụng chung dữ liệu. Việc triển khai xã hội số còn vướng mắc, nhất là cho người dân, doanh nghiệp. “Bình thường thì chúng ta khó nhìn thấy hay cảm thấy không quan trọng lắm nhưng khi có việc, có tình huống, có vấn đề như dịch COVID-19 thì chúng ta thấy rằng nền tảng số của chúng ta còn bất cập, còn phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
Từ nhận thức đến hành động còn khoảng cách, cần nhiều thời gian để lấp đầy. Một số bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng CĐS, nhất là người đứng đầu. “Kinh nghiệm cho thấy nếu có sự quan tâm của người đứng đầu thì mọi việc suôn sẻ, khó khăn được giải quyết, vướng mắc được tháo gỡ, quan tâm lãnh đạo chỉ đạo được thường xuyên, sát sao; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện hiệu quả”, Thủ tướng nêu rõ. Nếu người đứng đầu không quan tâm, chỉ đạo sát sao thì hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, bất cập vẫn là nguyên nhân chủ quan, nhất là do cán bộ, người đứng đầu. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban.
Không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm: CĐS là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. “Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”.
Thứ hai, CĐS tác động tới tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt tay vào làm, như vậy, mới tạo ra hệ thống tổng thể và liên thông, từ trung ương tới cấp cơ sở.
CĐS tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho CĐS. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình CĐS.
Thứ ba, phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS. Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực ít nhưng phải có hiệu quả lớn, sức lan tỏa rộng, mang lại lợi ích cho nhiều người, nhiều doanh nghiệp.
Thứ tư, phải có đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả. “Chúng ta phải đẩy mạnh hợp tác công – tư trong CĐS; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho xã hội để phục vụ CĐS với 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, Thủ tướng nói và lưu ý, cần nâng cao nhận thức. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó.
Phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đo lường, đánh giá hiệu quả của CĐS. Phải tăng cường công tác thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận, sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp để cùng vào cuộc với cấp chính quyền. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội để thúc đẩy công cuộc CĐS. Phát triển hài hòa, hợp lý, gắn kết giữa công nghệ và cải cách hành chính. Phát triển CĐS cần có sự kế thừa và đổi mới, sáng tạo.
Triển khai chương trình phát triển công dân số
Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giao các công việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, thứ nhất, phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu.
Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển CĐS. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách với tinh thần là xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Thứ tư, tích cực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu. Thứ năm, triển khai chương trình phát triển công dân số, “một chính quyền số mà không có công dân số thì chính quyền đấy cũng vô dụng”.
Thứ sáu, tích cực hỗ trợ hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế rộng rãi. Các địa phương, các bộ ngành phải chia sẻ dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với nhau trong CĐS, “tránh tình trạng cục bộ, có cái gì thì giữ cái đấy”. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết, chứ không vì lợi ích của cá nhân, của ngành nào, lĩnh vực, địa phương nào.
Về kế hoạch CĐS quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo đột phá.
Bộ Công an cần tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quý IV/2022. Cùng với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12/2021.
Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP và Nghị định thay thế nghị định số 43/2011/NĐ-CP; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong chuyển đổi số quốc gia.
Văn phòng Chính phủ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính thúc đẩy việc sử dụng hoá đơn điện tử. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp đột phá để phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Nội vụ thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chính phủ số. Hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, để quản lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch, kịp thời tạo nguồn dữ liệu cốt lõi cho phát triển Chính phủ số.
Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh theo Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển CĐS cho các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện tiêu chí, quy trình, quy chế về “giáo dục và đào tạo số”.
Đức Tuân/Báo Chính phủ
Tin liên quan
Tin mới hơn
Diễn đàn: "Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi: Thách thức và Cơ hội"
15:39 | 13/09/2024 Tin tức
Trưng bày hơn 300 sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu
15:34 | 13/09/2024 Tin tức
TP. Hội An: “Lễ hội Cổ Cò 2024” gần 60 gian hàng sản phẩm đặc sắc tham dự
15:34 | 13/09/2024 Tin tức
Bình Phước: Người dân thị xã Chơn Thành hướng về miền Bắc
09:57 | 13/09/2024 Tin tức
Làng nghề trồng hoa ở Hưng Yên ngập trong nước lũ
09:54 | 13/09/2024 Tin tức
Lời kêu gọi của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam về vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra
15:14 | 12/09/2024 Tin tức
Tin khác
Quảng Ngãi hướng về đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
10:41 | 12/09/2024 Tin tức
Huyện Thọ Xuân: Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh Thanh Hóa
10:35 | 12/09/2024 Tin tức
Bình Định đồng hành cùng đồng bào miền Bắc vượt qua cơn bão số 3
10:31 | 12/09/2024 Tin tức
423 sản phẩm tham dự Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN năm 2024
10:24 | 12/09/2024 Tin tức
Huyện Mỹ Đức (Hà Nội): Chủ động ứng phó với ngập úng sau bão số 3
10:21 | 12/09/2024 Tin tức
Đồ chơi Trung thu ở Hà Nội hơn 100 năm trước
11:05 | 11/09/2024 Tin tức
Đà Nẵng: Phiên chợ Nông sản và Sản phẩm OCOP
11:20 | 10/09/2024 Tin tức
Lễ hội quà tặng du lịch thu hút 100 đơn vị làng nghề, lữ hành ... tham gia
11:18 | 10/09/2024 Tin tức
Hà Nội nguy cơ ngập do nước sông Hồng gần sát mức báo động 1
10:24 | 10/09/2024 Tin tức
Thủ tướng: Khẩn trương cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bão số 3
10:01 | 10/09/2024 Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Hải Phòng
10:46 | 09/09/2024 Tin tức
Hải Phòng tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão số 3
10:25 | 09/09/2024 Tin tức
Hải Phòng : toàn hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, với tinh thần không chủ quan để hạn chế thấp nhất thiệt hại do Bão số 3 gây ra
10:12 | 09/09/2024 Tin tức
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth tổ chức kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam
19:20 | 08/09/2024 Tin tức
Huyện Hà Trung (Thanh Hóa): Triển khai sâu rộng và đa dạng các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật
09:31 | 05/09/2024 Tin tức
Làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Phát triển bền vững làng nghề gốm gắn với du lịch
17:27 Nghiên cứu trao đổi
Tơ lụa Tân Châu mang đậm dấu ấn văn hoá truyền thống
17:27 Làng nghề, nghệ nhân
Những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Cao Bằng
17:27 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền
17:26 Làng nghề, nghệ nhân
Nghề làm bút lông ở phố cổ Hà Nội
17:26 Làng nghề, nghệ nhân