Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp chính quyền và người dân huyện Đan Phượng đã tham gia hưởng ứng tích cực.
Nhờ đó, diện mạo vùng nông thôn đã thay đổi từng ngày, cuộc sống người dân cải thiện và nâng cao hơn so với trước đây. Không dừng lại ở đó, Đan Phượng tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước khi huyện thành quận, xây dựng NTM hiệu quả, thực chất và bền vững theo hướng đô thị xanh đến năm 2025.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/HU ngày 17/3/2021 của Thành uỷ về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 18/8/2020 của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020-2025; Huyện ủy Đan Phượng đã xây dựng chương trình số 07- CTr/HU ngày 08/2/2021 về đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và các tiêu chí quận.
Tại xã Đan Phượng một trong những địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 đạt kiểu mẫu 5 lĩnh vực: Y tế, giáo dục, tổ chức sản xuất, du lịch, môi trường. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 73,65 triệu đồng /người/năm. Trong nông nghiệp cơ cấu cây trồng được chuyển đổi mạnh, một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, công nghệ cao được hình thành và tạo được thương hiệu sản phẩm OCOP. Trở thành xã điểm trong phong trào xây dựng NTM tại huyện Đan Phượng.
Tương tự, xã Liên Hà, đến hết năm 2021, xã đạt đủ tiêu chí và được thành phố Hà Nội đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 3/5 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, tổ chức sản xuất. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Liên Hà quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Hiện, cả 3/3 trường học trên địa bàn xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó, trường mầm non và tiểu học Liên Hà được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2…
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà - Nguyễn Hữu Thinh, xã có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với nghề mộc dân dụng. Nghề truyền thống này giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 94% lao động địa phương với thu nhập ổn định. Năm 2021 đạt bình quân 75,5 triệu đồng/người, tăng 21,5 triệu đồng so với năm 2019; xã không còn hộ nghèo...
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng luôn chủ động, sáng tạo, xác định nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với từng giai đoạn. Vì thế, về phát triển kinh tế, huyện đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm.
Theo đó, nhiều mô hình nông nghiệp rau hữu cơ, sản xuất hoa lan hồ điệp, nấm chất lượng cao được mở rộng. Bên cạnh đó, các giống mới, cây con mới khảo nghiệm thành công và nhân ra diện rộng như mô hình nho hạ đen, mô hình tôm thẻ chân trắng.
Kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Đan Phượng tính đến tháng 6 năm 2023. Đến nay, huyện Đan Phượng có 13 HTX nông nghiệp được thành lập mới, tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng được 8 nhãn hiệu tập thể cho nông sản, 97 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 73 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện không có hộ nghèo. Hiện, huyện Đan Phượng có 54/58 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 33/58 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% các trạm y tế đạt chuẩn, tất cả các thôn cụm dân cư đều có vườn hoa, sân chơi đã được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời; hệ thống ao hồ, kênh, rãnh thoát nước được cải tạo đảm bảo vệ sinh môi trường. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên năm 2022 đạt 98,56% (tăng 1,16% so với năm 2020); lao động qua đào tạo đạt 78% (tăng 4,25% so với năm 2020). Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm thực hiện, tỷ lệ thôn, làng văn hóa tăng từ 62% năm 2020 lên 99,2%. Có 15/15 xã được Bộ Công an đưa ra khỏi xã trọng điểm về an ninh trật tự, xây dựng 16 mô hình camera an ninh tại 16 xã, thị trấn với tổng số camera là 1.702. Đáng chú ý, một số mô hình tiêu biểu được xây dựng như: mô hình thôn thông minh, đã thành lập được 16 tổ công nghệ số cộng đồng ở các xã, thị trấn, 129 tổ công nghệ thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên phục vụ việc tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội của thôn, xã và tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, mỗi xã đều có 01 thôn thông minh, có các hoạt động quảng bá về địa phương, các dịch vụ xã hội như y tế thông minh, nông nghiệp thông minh và sinh hoạt cộng đồng thông minh. Qua đó, cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” gắn với xây dựng tuyến đê kiểu mẫu được triển khai sâu rộng, lan tỏa rộng khắp, được nhân dân hưởng ứng tích cực. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ giải pháp của huyện Đan Phượng đến năm 2025 đó là: về sản xuất nông nghiệp huyện tiếp tục thực hiện tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm và các điểm đến du lịch. Trong đó, huyện sẽ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nông nghiệp đô thị, khảo nghiệm, đưa các giống mới, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó, huyện sẽ xây dựng bản đồ chất lượng đất làm căn cứ cho vệc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Khai thác diện tích đất nông nghiệp bãi sông Hồng và sông Đáy, tổ chức đấu giá 937 ha đất bãi sông, đất công ích để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện các phương án tuyên truyền, vận động người dân giảm dần, tiến tới không chăn nuôi trong khu dân cư gắn với công tác đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm, các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện ra thị trường.
Mục tiêu năm 2023, phấn đấu hoàn thành 3 xã Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước khi huyện thành quận. Đồng thời, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao đáp ứng tiêu chí quận.
Trong thời gian tới, huyện Đan Phượng tập trung các dự án hạ tầng khung, các dự án phục vụ GPMB đường Vành đai 4. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa lắp đặt wifi miễn phí, trồng hoa, cây xanh, trang bị dụng cụ thể thao ngoài trời, thiết bị nhà văn hóa thôn, cụm dân cư...
Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình giúp người nghèo, giảm hộ cận nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phấn đấu tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa 99%; 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất các trường học, đến năm 2025, phấn đấu trên 80% trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% trường THPT đạt chuẩn quốc gia trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trung tâm giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.
Một góc Chùa Tân Hải xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. |
Đồng thời, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT toàn huyện đạt 95%. Chỉnh trang cảnh quan môi trường, duy trì Cuộc thi “Giữ gìn thôn, cụm dân cư, tổ dân phố sáng-xanh-sạch đẹp-an toàn”, xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, bảo đảm 100% tuyến đê được phát quang, làm sạch, tuyến đê giáp với khu dân cư trồng thảm cỏ, hoa phù hợp, đảm bảo mỹ quan và công tác phòng chống thiên tai.
Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình xã, thôn thông minh. Xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng nhấn mạnh.
Đánh giá cao những kết quả huyện Đan Phượng đã đạt được, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội ông Ngọ Văn Ngôn cho hay: Đan Phượng luôn là lá cờ đầu của thành phố trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt đến nay, cả 5/5 địa phương được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đều là các xã thuộc huyện Đan Phượng.
Tuy nhiên, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu NTM kiểu mẫu chính quyền các cấp tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý điều hành chính quyền, tuyên truyền, vận động, sự chung sức của người dân cùng vào cuộc. Qua đó, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm trong các tầng lớp Nhân dân, tiếp tục giữ vững, những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đề ra.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội cho biết: Đến nay, Thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới mới, 3 huyện đang đề nghị Hội đồng trung ương đánh giá, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đây là một thành quả lớn, một minh chứng cho nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong thời gian qua đối với công tác xây dựng NTM. Mục tiêu của thành phố giai đoạn 2021-2025 là xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị (một số huyện phát triển lên quận), đây là điểm khác biệt lớn nhất so với các địa phương khác. |
(Bài viết có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội)
Bài viết: Thanh Hậu Thiết kế: Quỳnh Thơ |