Hà Nội: 29°C Hà Nội
Đà Nẵng: 27°C Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh: 28°C TP Hồ Chí Minh
Thừa Thiên Huế: 24°C Thừa Thiên Huế

Kỷ niệm 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (1/8/2008 - 1/8/2018): Hà Nội trên tầm cao mới

TBV - Cùng với cả nước, những ngày này, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô Hà Nội vui mừng, phấn khởi kỷ niệm tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ/QH12, ngày 29/5/2008 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan”, có hiệu lực từ ngày 1/8/2008.
Một thập niên không phải là dài so với lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước, nhưng đây là một giai đoạn đặc biệt quan trọng tạo dựng thế và lực mới cho Thăng Long - Hà Nội cùng cả nước tiến bước mạnh mẽ, tự tin trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhìn lại chặng đường đã qua với những miệt mài vượt khó, càng thêm hiểu và trân quý những thành tựu toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đạt được; để từ đó càng tự vun đắp niềm tin, thêm tự hào về hào khí Thăng Long ngàn năm văn hiến.

I. Ít có Thủ đô nào trên thế giới có bề dày lịch sử và sự phát triển phong phú như Hà Nội: Chỉ tính từ khi được vua Lý Công Uẩn khẳng định giá trị "là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời" và đặt tên gọi Thăng Long theo điềm lành rồng vàng bay lên, trong hơn 1.000 năm lịch sử đã qua, Hà Nội luôn là một trung tâm quyền lực, trong đó 850 năm là kinh đô đất nước. Trong khoảng chiều dài ấy, quy mô đô thị có lúc nhỏ hẹp, nhưng cũng có lúc rất rộng lớn; tính chất đô thị dần được định hình để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển.


Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi mít tinh kỷ niệm 10 năm hợp nhất. Ảnh: Thanh Hải


Với sự kiện lịch sử 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời và Hà Nội vinh dự được chọn là Thủ đô của nước Việt Nam. Từ đó đến nay, Hà Nội luôn là niềm tự hào, nơi có nhiều biểu tượng cho nhiều giá trị của đất nước: Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Thủ đô cùng cả nước đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1954 đến năm 2008, TP đã ba lần thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính. Những quyết định điều chỉnh này, tuy quy mô khác nhau, song đều xuất phát từ những yêu cầu khách quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng chung của đất nước và thực tế phát triển cho Hà Nội nói riêng từng giai đoạn.

Tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chậm phát triển, đất nước đã gia nhập nhóm quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình. Tiến trình vươn mình ấy gắn liền với một câu hỏi mang tầm chiến lược: Thủ đô sẽ phát triển ra sao để xứng với vị thế của một quốc gia đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiếp tục đổi thay mạnh mẽ mọi mặt?
Hội nghị lần thứ sáu (Khóa X) Ban Chấp hành T.Ư Đảng diễn ra tháng 1/2008 đã chỉ rõ đường hướng câu trả lời chiến lược để sau đó, ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/NQ/QH12 tạo dấu mốc lần thứ 4, Thủ đô được điều chỉnh địa giới hành chính, mà lý do cũng không nằm ngoài đòi hỏi của thực tiễn khách quan phát triển. Chỉ khác với ba lần trước, lần điều chỉnh này Hà Nội được mở rộng lớn nhất cả về diện tích, quy mô hành chính và dân số: Có diện tích 3.344,7km2, gấp 3,6 lần diện tích cũ, với 29 đơn vị hành chính trực thuộc, dân số hơn 6 triệu người (hiện nay là 30 quận, huyện, thị xã với dân số xấp xỉ 7,7 triệu người).

Có thể nói, đây là một quyết định mang tính bước ngoặt tiêu biểu cho tầm nhìn dài hạn; gói trọn niềm tin sâu sắc của Đảng, Nhà nước dành cho Thủ đô cùng khát vọng mới về sự phát triển sánh vai với thủ đô nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Khi nước ta đạt mức dân số ổn định khoảng 120 triệu người thì Thủ đô Hà Nội có khoảng 10% dân số cả nước, mật độ 3.500 - 4.000 người/km2, tương đương mật độ dân số ở nhiều thủ đô lớn trên thế giới như: Paris (Cộng hòa Pháp) - 3.500 người/km2, London (Vương quốc Anh) - 5.100 người/km2, Berlin (Cộng hòa liên bang Đức) - 3.740 người/km2, Mátxcơva (Liên bang Nga) - 3.629 người/km2... Vì thế, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô với quy mô, tầm vóc to lớn, còn nhằm tạo ra thời cơ, động lực mới để sớm khắc phục những khó khăn, bất cập trong quá trình phát triển, thúc đẩy Hà Nội phát huy tốt hơn vai trò của đô thị trung tâm, hạt nhân phát triển Vùng Thủ đô.

II. Niềm tin và kỳ vọng mà T.Ư Đảng, Quốc hội và Nhân dân cả nước gửi trao cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô là hết sức to lớn. Nhiệm vụ mới cũng gắn liền với những nguồn lực mới: Diện tích đất đai được mở rộng tạo thêm thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đô thị thông qua thu hút nguồn đầu tư, góp phần khai thác, mở rộng tiềm năng sẵn có. Nguồn nhân lực dồi dào sẽ gia tăng sức hấp dẫn của Thủ đô bằng lợi thế đội ngũ lao động chất lượng cao. Sự hội tụ của các nền văn hóa với bề dày truyền thống tạo thêm động lực để thúc đẩy phát triển Thủ đô bền vững... Tất cả mọi kỳ vọng và lợi thế đều hướng tới một mục tiêu duy nhất - thực sự đưa Hà Nội trở thành “Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo TP Hà Nội đi bộ tại Hồ Gươm sáng mùng 1 Tết năm 2017. Ảnh: Thanh Hải


Gắn liền với thuận lợi, TP lúc này cũng đứng trước những nhiệm vụ mới nặng nề cùng không ít khó khăn, thách thức. Từ một đô thị quy mô 921,8km2 nay mở rộng diện tích gấp 3,6 lần, dân số tăng gấp 1,8 lần với điều kiện địa lý, thói quen khác nhau; số huyện nhiều hơn số quận, số xã nhiều hơn số phường... đồng nghĩa với những bài toán mới mà ẩn số mới cũng nhiều hơn, phức tạp hơn.

Đó là những đòi hỏi cao hơn về năng lực quản lý Nhà nước đối với một đô thị mới rộng lớn, trong khi lúc đó bản thân TP đã và đang phải đối mặt, giải quyết không ít bất cập do quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh gây ra. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy với những “độ vênh” khác nhau sao cho êm thuận, hiệu lực, hiệu quả là những đòi hỏi không dễ một sớm một chiều được ngay như mong muốn. Các cơ chế, chính sách, quy mô, cấp độ, tính phức tạp trong quản lý Nhà nước giữa các địa phương còn những khác nhau, đòi hỏi phải được thống nhất lại để tạo sự phát triển đồng bộ.

Từ một đô thị có cơ cấu kinh tế tương đối hiện đại, thực hiện nhiệm vụ mới, Hà Nội phải quan tâm giải quyết ngay hàng loạt vấn đề lớn liên quan tới nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong khi lại rất thiếu những mô hình kinh nghiệm của các thủ đô khác để tham khảo; nhất là trong việc giải quyết hài hòa sự chênh lệnh mức độ phát triển giữa các vùng miền và khu vực, cũng như giải quyết những đòi hỏi nóng bỏng của cuộc sống với kỳ vọng phát triển nhanh của một đô thị lớn.

Ở góc độ khác, văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội giờ hợp lưu thêm văn hóa xứ Đoài, và một vùng Sơn Nam thượng cùng những thành tố văn hóa riêng khác cũng đặt ra không ít trăn trở về sự hòa nhập, hội tụ và phát triển.

Bên cạnh sự đồng thuận là chủ đạo, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân băn khoăn, trăn trở, thậm chí chưa có niềm tin tuyệt đối vào những mục tiêu lớn đang đặt ra. Tất cả những tâm tư đó đều được các cơ quan của TP lắng nghe, trân trọng tiếp thu, nghiên cứu một cách nghiêm túc, với tinh thần cầu thị.

Mong muốn, kỳ vọng vào tương lai phát triển Thủ đô là vậy!

Thực tế của Thủ đô khi thực hiện Nghị quyết số 15/NQ/QH12 là như thế!

Nhiệm vụ mới tiếp thêm quyết tâm mới - Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã chung sức đồng lòng, khẩn trương tập trung giải quyết ngay hàng loạt công việc: sắp xếp tổ chức bộ máy; rà soát, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, khớp nối các quy hoạch, dự án, tạo hành lang pháp lý thống nhất; giải quyết ngay những vấn đề bức xúc trong đời sống Nhân dân để từng bước khắc phục khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Trên hành trình phát triển Thủ đô 10 năm qua chưa bao giờ vơi khó khăn, thách thức, thậm chí có nhiều thử thách chưa từng có trong tiền lệ; nhưng nhìn lại phương châm “đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm” trên tinh thần sẻ chia, hy sinh lợi riêng vì việc chung... càng thêm tự hào về những kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực đang tỏa sáng lung linh, rạng ngời thêm truyền thống anh hùng của Thủ đô.

10 năm qua là quãng thời gian TP tập trung cao độ cho công tác xây dựng chiến lược phát triển mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Hà Nội đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 6/1/2012) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011- 2020. TP cũng tham mưu cho T.Ư phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”; “Quy hoạch tổng thể, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”... cùng với đó là hàng loạt quy hoạch về các ngành, phân khu, chi tiết. TP phối hợp với các cơ quan T.Ư nghiên cứu, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, từ đó cụ thể hóa, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển, giúp những bước đi lên thêm bài bản, vững chắc. Diện mạo đô thị Hà Nội đang thay đổi từng ngày: Những cây cầu kiêu hãnh vượt sông Hồng, sông Đà; những tuyến đường rộng dài xanh sắc màu cây; những khu đô thị, công trình hiện đại... tất cả, đang tạo dựng tầm vóc mới, vẻ đẹp mới cho Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với vị trí “là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia”, là Đảng bộ có số đảng viên đông đảo nhất cả nước, trong mọi thời kỳ nói chung, một thập niên qua nói riêng, Thủ đô Hà Nội luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là yếu tố quyết định để triển khai và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất. Cùng với cả nước, Đảng bộ TP Hà Nội đã thực hiện tốt các Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 03-CT/ TƯ, Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các quy định nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và nêu gương của cán bộ đảng viên để thực hiện đúng phương châm “xây dựng Đảng là then chốt”; không ngừng vun đắp, củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tiếp tục được tiến hành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà điểm nhấn là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39- NQ/TU của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (Khóa XII)... Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được quan tâm với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, chủ động bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị TP. Công tác cải cách thủ tục hành chính sau 10 năm đã thay đổi rõ rệt. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ngày càng phát huy hiệu quả; kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn năm 2017 đạt 97,33%. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công cơ chế “một cửa” trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và DN Nhà nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng liên tục từ năm 2012 (năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, TP, cao nhất từ trước tới nay); chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX hiện xếp thứ 2/63 tỉnh, TP. Từ thực tiễn phát triển của mình, Đảng bộ TP Hà Nội vừa khẳng định vị trí quan trọng trước toàn Đảng; là thực tiễn sinh động về triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần vào tổng kết kinh nghiệm, hình thành những chủ trương, giải pháp mới cho Đảng và Nhà nước.

Trong 10 năm qua, TP tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục kịp thời những khó khăn và đã đạt được những kết quả toàn diện: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41%/năm - quy mô GRDP năm 2017 (theo giá cố định 2010) đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2008; GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với năm 2008 (1.697 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng hiện đại: tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp năm 2008 là 56,6% - 28,7% - 4,3%, đến cuối năm 2017 là: 57,6% - 29,7% - 2,9%. Các yếu tố của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (thị trường vốn, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ...) tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển đồng bộ. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới.

Kiên trì khắc phục khó khăn bộn bề liên quan tới bài toán “tam nông” (nông nghiệp - nông dân - nông thôn) thời gian qua, những kết quả đạt được của Hà Nội hết sức đáng tự hào: Đến hết năm 2017, Hà Nội đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức); 294/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân hiện nay đạt 43 triệu đồng/người, gấp 3 lần so với năm 2008. Qua đó, khoảng cách về mức sống giữa các “quận lõi” với các huyện của tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) ngày càng được thu hẹp. Bộ mặt làng quê của Thủ đô hôm nay khang trang, xanh sạch, với nhiều công trình hạ tầng mới, nhiều tuyến đường hoa mới cùng nếp sống mới.

Thấu suốt quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu động lực phát triển, Hà Nội luôn quan tâm chăm lo giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phong phú, đa dạng để quá trình hòa quyện, kết tinh, lan tỏa thấm sâu vào đời sống xã hội. Tỷ lệ tổ dân phố, làng, gia đình văn hóa tăng; tổ chức việc cưới, việc tang ngày càng phù hợp với nếp sống văn minh. Đặc biệt, năm 2017, TP triển khai 2 quy tắc ứng xử văn hóa ở các cơ quan và nơi công cộng, được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân hưởng ứng thực hiện. Một số di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc, 82 bia tiến sĩ triều Lê - Mạc...; Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt...). Sự nghiệp giáo dục, y tế, thể thao của TP luôn nằm trong top đầu của đất nước. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Thủ đô Hà Nội vừa vinh dự được Chính phủ giao là địa phương đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021...

10 năm qua, quá trình hội nhập của đất nước ngày càng sâu rộng gắn liền với nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế... đặt ra nhiều yêu cầu mới. Những đòi hỏi này luôn được TP tập trung thực hiện hiệu quả, khẳng định vị thế là trung tâm lớn của đất nước.

An ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội được bảo đảm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, hàng nghìn sự kiện chính trị lớn của đất nước và các hoạt động quốc tế mỗi năm; giải quyết thành công các tình huống phức tạp phát sinh; làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, TP của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2010, TP tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được dư luận trong nước, quốc tế đánh giá cao. Với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước" TP đã chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị hợp tác với các địa phương trong nước, thực hiện tích cực các nội dung hợp tác phát triển. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng 4 lần trong 10 năm qua không chỉ là minh chứng rõ nét thể hiện sự hấp dẫn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, mà còn khẳng định sự yên bình, đáng sống của “Thành phố vì hòa bình”.

Hà Nội hôm nay, tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số nhưng đóng góp tới gần 16,5% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước.

Những con số ấy là sự khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn và tầm vóc quyết sách lịch sử của Đảng, Nhà nước; khắc họa rõ nét hơn hình ảnh của Thăng Long - Hà Nội đang lớn mạnh từng ngày trong dáng rồng bay - một biểu tượng động lực và niềm tin trong phát triển của một Hà Nội bề thế, rộng lớn.

Những thành tựu đáng tự hào đến từ sự đồng lòng, nhất trí, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị TP!

III. Một thập niên vượt khó, Thủ đô Hà Nội đã căn cơ, bài bản tiến những bước dài, vững chắc. Nhưng bên cạnh đó còn không ít vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn trăn trở trên chặng đường mới.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng với tốc độ gia tăng dân số cơ học cao đã tạo ra những sức ép không nhỏ lên hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Xu thế phát triển chung của thời đại và đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với yêu cầu đẩy mạnh kinh tế tri thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ TP phải có năng lực, đủ tâm, đủ tầm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặc dù đã có bước phát triển tốt trong 10 năm qua, nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, nhất là về không gian phát triển, khai thác nguồn lực đất đai, con người. Công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định, bền vững. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém; trật tự kỷ cương, an toàn giao thông chuyển biến chậm. Môi trường sinh thái nhiều nơi còn ô nhiễm, nhất là ở một số sông hồ, kênh, mương, làng nghề, cụm công nghiệp. Những giá trị tinh thần của ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội chưa được phát huy mạnh mẽ để tạo nên động lực phát triển, tạo nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội, nhất là trong tạo chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân và khắc phục yếu kém trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội nhằm tạo môi trường tuyệt đối an toàn, ổn định cho phát triển được tiến hành trong bối cảnh đất nước phát triển nhanh, hội nhập sâu rộng với thế giới vừa có nhiều thuận lợi mới, song cũng có không ít khó khăn, thách thức mới đan xen, gay gắt, thậm chí có những khó khăn khó lường.

Điều đó đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị TP và mỗi người dân Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; có nhiều mặt tiêu biểu cho cả nước. Đó là mong mỏi, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, và cũng là niềm tin của muôn triệu người dân đất Việt gửi trao cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.

Trước những thách thức, mục tiêu lớn đó, mọi cấp, ngành của TP cần kiên định, quyết tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, 8 chương trình công tác toàn khóa cùng 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 22-KL/TƯ của Bộ Chính trị về "Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”. Tư duy và hành động phải luôn thấu suốt quan điểm: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, phát triển con người vừa là mục tiêu vừa là động lực quá trình phát triển; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Trong mọi công việc luôn xác định "Nhân dân là gốc", sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân là yếu tố quyết định của mọi thành công.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đoàn kết, tập trung phấn đấu thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ sau:

Nhiệm vụ hàng đầu và mang tính lâu dài của Thủ đô là tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Tận dụng tối đa cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phát huy mạnh mẽ, hiệu quả nguồn lực đất đai, con người Hà Nội gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 7,5% trở lên và GRDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 140 - 145 triệu đồng; phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao, sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn. Phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm dịch vụ tài chính hàng đầu của cả nước. Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội.


Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: Thanh Hải


Thứ hai, quản lý chặt chẽ quá trình phát triển đô thị trên cơ sở tuân thủ các quy hoạch. Hiện nay, các quy hoạch chiến lược và tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, các quy hoạch ngành, nghề, lĩnh vực, phân khu... đã cơ bản đầy đủ. Yêu cầu hàng đầu đặt ra là phải kiên quyết thực hiện công tác quản lý đô thị, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát việc tổ chức thực hiện theo đúng các quy hoạch đã được phê duyệt. Duy trì quản lý tốt trật tự xây dựng, đất đai, dân cư, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương và văn minh đô thị. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái, khắc phục kịp thời những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từng bước phấn đấu thành đô thị xanh - sạch - đẹp.

Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên cơ sở tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống mọi mặt của người nông dân; hoàn thành chỉ tiêu trên 80% số xã, 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Quan tâm các giải pháp nhằm rút ngắn sự chênh lệch trong phát triển giữa các địa phương ngoại thành với nhau, cũng như giữa khu vực ngoại thành với nội thành.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội; hoàn thiện các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của Thủ đô đi đôi với xây dựng mới các công trình văn hóa tiêu biểu; phát triển các điểm vui chơi, giải trí gắn với thu hút khách du lịch. Tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên cơ sở thực hiện có hiệu quả 2 quy tắc ứng xử của TP. Tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo Thủ đô, giữ vững vị thế một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này. Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; hoàn thành kế hoạch giảm nghèo bền vững.

Thứ năm, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp của TP. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... qua đó phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu...; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư Đảng và TP, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn". Tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Thứ sáu, chú trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của TP, cuộc sống an lành của người dân với phương châm "Bình yên để phát triển". Bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn. TP tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết và giao lưu với các địa phương trong Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và các địa phương trong cả nước.

* * *
Hà Nội đang trong những ngày hội hân hoan kỷ niệm 10 năm thực hiện quyết định mang tính kiến tạo chiến lược - Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội. Đi trên những con đường xanh mát bóng cây ngắm nhìn tầm cao đô thị, hay sải bước trên những tuyến đường bê tông phẳng phiu rực rỡ sắc hoa nơi làng quê càng cảm nhận những đổi thay nhanh chóng và diệu kỳ của Thủ đô sau một thập kỷ "khoác áo mới". Những kết quả và thành tựu to lớn bước đầu đạt được là biểu tượng thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Thủ đô trước gửi gắm tin yêu của đất nước; là niềm vui chung của tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".

Niềm tin yêu đang tạo thêm thế và lực mới, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm làm nên nhiều kết quả và thành tựu mới trên chặng đường phát triển mới, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, TP vì hòa bình của cả nước.

Hà Nội đang đẹp lên mỗi ngày - vẻ đẹp của niềm tin tỏa sáng dáng rồng bay!

Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải


Tin liên quan

Tin mới hơn

Trại hè kết nối kiều bào trẻ 2025: “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình”

Trại hè kết nối kiều bào trẻ 2025: “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình”

LNV - Chiều 3/7, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về: Những chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và chương trình Trại hè Việt Nam 2025.
Chuẩn bị cho Festival Quốc tế 2025: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Chuẩn bị cho Festival Quốc tế 2025: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

LNV - Sáng 3/7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị về việc tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và đồng chí Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì hội nghị.
Thanh Hóa: Tập trung xây dựng mô hình khuyến nông trên các sản phẩm chủ lực

Thanh Hóa: Tập trung xây dựng mô hình khuyến nông trên các sản phẩm chủ lực

LNV – Trong thời gian qua, Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng được 20 mô hình trình diễn trên địa bàn 47 xã. Tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng hữu cơ, VietGAP; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cấp xã

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cấp xã

LNV - Sáng 30 tháng 6/2025 tại thành phố Hải Phòng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cấp xã kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện thành lập tổ chức đảng chỉ định cấp ủy hội đồng nhân dân ủy ban nhân dân ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố xã, phường, đặc khu .
Bà Rịa - Vũng Tàu: Thêm 2 làng nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thêm 2 làng nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

LNV - Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa hai nghề thủ công truyền thống là nghề làm bánh tráng An Ngãi và nghề làm bánh hỏi An Nhứt vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
1/7/2025: Ngày hội non sông và bước ngoặt lịch sử

1/7/2025: Ngày hội non sông và bước ngoặt lịch sử

LNV - Ngày 1/7/2025 sẽ đi vào lịch sử cải cách bộ máy nhà nước Việt Nam như một dấu mốc mang tính đột phá và kiến tạo, cũng như lịch sử xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Tin khác

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn nghỉ hưu, dấu ấn trọn vẹn hành trình cống hiến

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn nghỉ hưu, dấu ấn trọn vẹn hành trình cống hiến

LNV - Chiều 30/6, Tỉnh ủy Bình Định tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định nghỉ hưu đối với cán bộ thuộc diện Ban Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
TP. HCM: Chính thức sáp nhập đơn vị hành chính và công bố nhân sự mới

TP. HCM: Chính thức sáp nhập đơn vị hành chính và công bố nhân sự mới

LNV - Sáng ngày 30/6, Lễ công bố các nghị quyết, quyết định thành lập TP. HCM, Đảng bộ TP. HCM, chỉ định nhân sự lãnh đạo TP. HCM sau sáp nhập tỉnh diễn ra tại Học viện Cán bộ TP. HCM (số 324 đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh).
Lễ công bố thành lập tỉnh Gia Lai mới, một khởi nguyên lịch sử, một sứ mệnh thiêng liêng

Lễ công bố thành lập tỉnh Gia Lai mới, một khởi nguyên lịch sử, một sứ mệnh thiêng liêng

LNV - Sáng 30/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, trong không khí trang trọng, xúc động và đầy niềm tin, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân hai tỉnh Gia Lai và Bình Định cùng nhau chứng kiến thời khắc lịch sử tại Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, xã, phường.
TP. HCM: Khai mạc trưng bày chuyên đề và công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia

TP. HCM: Khai mạc trưng bày chuyên đề và công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia

LNV – Nhằm tôn vinh giá trị di sản và quảng bá Bảo vật Quốc gia, ngày 29/6, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử thành phố. Đồng thời, kết hợp khai mạc trưng bày chuyên đề “Bảo vật Quốc gia - Những kiệt tác di sản tại TP. HCM”.
Lễ công bố sắp xếp đơn vị hành chính tại Hà Nội

Lễ công bố sắp xếp đơn vị hành chính tại Hà Nội

LNV - Sáng 30-6, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Trung ương, Quyết định của địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, các xã, phường, đặc khu.
Thanh Hóa: Thành lập 26 trung tâm dịch vụ nông nghiệp mới

Thanh Hóa: Thành lập 26 trung tâm dịch vụ nông nghiệp mới

LNV – Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã ban hành Quyết định số 2069/QĐ-UBND về việc thành lập 26 trung tâm dịch vụ nông nghiệp mới trên cơ sở tổ chức lại các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, thị xã, thành phố hiện có. Các trung tâm được chuyển về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý.
Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9

Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9

LNV - Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9 vào ngày mai (27/6). Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Huyện Thường Tín (Hà Nội): Đón nhận Quyết định đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Huyện Thường Tín (Hà Nội): Đón nhận Quyết định đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

LNV - Sáng ngày 28/6/2025, huyện Thường Tín (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Sự kiện không chỉ là niềm vui lớn, mà còn là minh chứng sinh động cho hành trình bền bỉ, sáng tạo, đầy quyết tâm và đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương suốt hơn một thập kỷ qua.
Thanh Hóa: Công bố huyện Ngọc Lặc đạt chuẩn nông thôn mới

Thanh Hóa: Công bố huyện Ngọc Lặc đạt chuẩn nông thôn mới

LNV - Sáng 27/6, tỉnh Thanh Hoá tổ chức lễ công bố huyện Ngọc Lặc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Vương quốc Anh kêu gọi hợp tác với Việt Nam trong Chiến lược Công nghiệp Hiện đại

Vương quốc Anh kêu gọi hợp tác với Việt Nam trong Chiến lược Công nghiệp Hiện đại

LNV - Mới đây, vào ngày 26/6, Vương quốc Anh chính thức công bố Chiến lược Công nghiệp Hiện đại (UK’s Modern Industrial Strategy) mới; kêu gọi hợp tác toàn cầu đặc biệt với những đối tác đáng tin cậy như Việt Nam cùng xây dựng một tương lai bền vững, thịnh vượng hơn.
Vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp tỉnh Gia Lai mới thông suốt

Vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp tỉnh Gia Lai mới thông suốt

LNV - Chiều 25/6, tỉnh Bình Định phối hợp cùng tỉnh Gia Lai tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm đảm bảo việc chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo mô hình tinh gọn, hiện đại và liên thông toàn diện của tỉnh Gia Lai mới.
Hướng dẫn sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế từ ngày 1-7-2025

Hướng dẫn sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế từ ngày 1-7-2025

LNV - Cục Thuế đã có hướng dẫn một số nội dung cơ bản để về việc sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế từ ngày 1-7-2025.
Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024

Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024

LNV - Ngày 30-5-2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1038/QĐ-TTg công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024.
Phái đoàn Thương mại Năng lượng Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác cho ngành điện gió ngoài khơi tại Anh

Phái đoàn Thương mại Năng lượng Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác cho ngành điện gió ngoài khơi tại Anh

LNV - Từ ngày 16 - 23/6/2025, Phái đoàn Năng lượng Việt Nam với 12 đại biểu đã thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, nhằm học hỏi kinh nghiệm quốc tế, mở rộng cơ hội hợp tác, kết nối với các đối tác tiềm năng trong ngành điện gió ngoài khơi.
Lễ khởi công xây dựng đình làng Đốc Tín

Lễ khởi công xây dựng đình làng Đốc Tín

LNV - Sáng 19/6/2025 Đảng ủy’ HĐND, UBND xã Vạn Tín, Công ty Cổ phần xây dựng số 9; Ông Nguyễn Văn Hải Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; Ông Lê Văn Trang – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức; ông Nguyễn Văn Vỹ - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Mỹ Đức đã dự lễ khởi công xây dựng Đình làng Đốc Tín, xã Vạn Tín, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội.
Xem thêm
Mới nhất Đọc nhiều
Cả nước đã có 16.543 sản phẩm OCOP

Cả nước đã có 16.543 sản phẩm OCOP

OVN - Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến tháng 6-2025, cả nước đã có 16.543 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao trở lên, tăng 12.056 sản phẩm so với năm 2020. Trong đó, có 73,2% sản phẩm 3 sao, 26,4% sản phẩm 4 sao, 79 sản
Tuổi trẻ Lâm Đồng học và làm theo Bác

Tuổi trẻ Lâm Đồng học và làm theo Bác

LNV - Những năm qua, tuổi trẻ Lâm Đồng không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị mình. Từ đó xuất hiện nhiều công trình, phần
Nông nghiệp tạo không gian sống chất lượng cao

Nông nghiệp tạo không gian sống chất lượng cao

LNV - Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Thủ đô Hà Nội không đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo số lượng, mà hướng đến những giá trị bền vững, đặc trưng, hài hòa với quy hoạch đô thị và mục tiêu bảo
Làn gió mới cho vùng chè Thái Nguyên

Làn gió mới cho vùng chè Thái Nguyên

LNV - Với định hướng và mong muốn phát triển dài hạn tại Việt Nam, thương hiệu trà sữa CHAGEE xem việc đồng hành giúp bà con nông dân xây dựng mô hình vùng nguyên liệu thí điểm là hành động cần thiết để góp phần thúc đẩy nông nghiệp bền vững, minh bạch và
Xã Hồng Sơn: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Hồng Sơn: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

LNV - Xã Hồng Sơn được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: An Mỹ, Hồng Sơn, Hợp Tiến, Lê Thanh, Xuy Xá, Phùng Xá (huyện Mỹ Đức).
Giao diện di động