![]() |
Màn trống khai hội đầy màu sắc tại lễ hội đình Kim Ngân |
Đên dự buổi lễ khai mạc về phía trung ương có ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Trịnh Quốc Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Về phía UBND Thành phố Hà Nội có ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Về phía quận Hoàn Kiếm có ông Phạm Tuấn Long – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cùng các phòng ban chuyên môn và đông đảo du khách thập phương, nhân dân phường Hàng Bạc tham dự.
![]() |
Ông Phạm Tuấn Long -Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu khai mạc lễ hội |
Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn là hoạt động nằm trong đề án “Nghiên cứu tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội và khu vực Hồ Hoàn Kiếm” diễn ra đến hết ngày 7/5. Bên cạnh chuỗi sự kiện hấp dẫn như lễ rước hội truyền thống, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tái hiện hoạt cảnh phố nghề..., Ban tổ chức còn tổ chức tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội” ngày 25/4 để các nghệ nhân làng nghề, phố nghề giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong công tác phát triển nghề tại địa phương. Đây cũng là dịp giới thiệu các sản phẩm và quảng bá các giá trị di sản làng nghề gắn với phố nghề, nhằm thu hút khách du lịch.
![]() |
Các đại biểu dâng hương tại đền Kim Ngân |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phạm Tuấn Long –Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh: “Lễ hội đình Kim ngân và Hội nghề kim hoàn Hoàn Kiếm” nhằm tôn vinh các vị tổ nghề, các nghệ nhân, các phố nghề - làng nghề truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế, quảng bá du lịch. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi thành phố Hà Nội đang thực hiện Đề án phát triển công nghiệp văn hóa. Các phố nghề truyền thống, các lễ hội và những nét sinh hoạt của người dân, các di tích lịch sử, đình thờ tổ nghề, đền, miếu, am, cửa ô, cùng với các công trình nhà ở có giá trị... đã tạo nên đặc trưng cho khu Phố cổ Hà Nội. Trước đây, người dân từ các nơi đã hội tụ về Kinh đô, lập nên những phường nghề. Họ đã xây dựng những ngôi đình, đền để tưởng nhớ các vị tổ nghề hoặc các vị thần bảo hộ.
Trong phố cổ, còn một số ngôi đình thờ tổ nghề như đình Kim Ngân, đình Trương Thị, đình Yên Thái, đình Tú Thị, đình Phả Trúc Lâm... Chúng ta đang ở đình Kim Ngân, nơi thờ ông tổ bách nghệ và Cụ tổ nghề kim hoàn Thương thư bộ lại Lưu Xuân Tín. Đình Kim Ngân đã được quận Hoàn Kiếm đầu tư tu bổ, tôn tạo năm 2011 và là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2012. Tổ chức “Lễ hội đình Kim ngân và Hội nghề kim hoàn Hoàn Kiếm” thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện hiện lòng thành kính, lòng biết ơn của các thế hệ sau đối với công đức của các vị tổ nghề; Có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người dân phố Hàng Bạc và các làng nghề nói riêng, của người Việt nói chung.
![]() |
Ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham quan gian hàng tại đình Kim Ngân |
Đây cũng là dịp để chúng ta tôn vinh các nghệ nhân, các làng nghề; Qua đó khuyến khích các nghệ nhân, người dân tiếp tục duy trì nghề truyền thống và có nhiều sáng tạo, đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần vào việc phát triển kinh tế, du lịch của quận Hoàn Kiếm, các làng nghề, của Thủ đô Hà Nội”.
![]() |
Thực hành nghề Kim Hoàn tại Lễ hội đình Kim Ngân |
Lễ khai mạc diễn ra từ 19h30 đến 20h40 gồm các hoạt động như: Lễ dâng hương, trống hội chào mừng, biểu diễn hoạt cảnh phố nghề, đại biểu tham quan, giao lưu với nghệ nhân, phố nghề.
Đường dẫn bài viết: https://langngheviet.com.vn/an-tuong-le-hoi-dinh-kim-ngan-va-hoi-nghe-kim-hoan-nam-2023-26569.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://langngheviet.com.vn/ All right reserved.