Thứ hai, 27-06-2022 | 11:19GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng số lượng sản phẩm OCOP từ giống lúa mới

LNV - Được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất cả nước, hàng năm đồng bằng sông Cửu Long cung cấp cho thị trường sản lượng gạo vô cùng lớn với đa dạng chủng loại. Phát huy lợi thế sẵn có, người nông dân Việt Nam ngày đêm nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều giống lúa mới nhằm nâng cao thương hiệu, giá trị hạt gạo Việt cả ở trong nước và quốc tế.
Miền Cần Thơ gạo trắng nước trong, Vui niềm vui ấm no cuộc sống
Miền Đồng Tháp ruộng lúa mênh mông, yêu tình yêu thắm duyên mặn nồng,…
Qua câu hát ngọt ngào trên có thể thấy, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam mà còn trở thành một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á.
 

Toàn cảnh thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long
 
Với phần lớn diện tích đồng bằng được bồi đắp bằng phù sa màu mỡ từ hệ thống “sông Chín Rồng” Mê Kông gồm 2 phân lưu lớn sông Tiền và sông Hậu cùng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đã tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gieo trồng lúa đứng đầu cả nước, chiếm khoảng 55% diện tích gieo trồng lúa. Số liệu từ “Biểu số liệu lúa đồng bằng sông Cửu Long” (so sánh 5 năm một lần) cho thấy, sơ bộ năm 2020 diện tích gieo trồng lúa toàn vùng là 3.963,7 nghìn ha, chiếm 54,5% diện tích trồng lúa cả nước, năng suất đạt 60,1 tạ/ha với sản lượng 23.8 triệu tấn. Cập nhật thông tin về vụ lúa đông xuân năm 2022, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.436,6 nghìn ha, chiếm 75,2% diện tích gieo cấy lúa cả nước.
 
Sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam mỗi năm đều tăng
Sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam mỗi năm đều tăng
 
Gánh trên mình nhiều vết thương của chiến tranh, từ một quốc gia từng bị nạn đói hoành hành, nhân dân Việt Nam không ngừng cố gắng, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thực hiện cải tiến giống cây lúa và đổi mới cơ cấu giống lúa cũng như quy trình sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất. Kết quả, đất nước nhỏ bé hình chữ S đang chiếm vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, quý I năm 2021 sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,89 triệu tấn; đến tháng 01/2022 tiếp tục tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về kim ngạch so với tháng 01/2021 (thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam).
 
Bà con nông đổi mới trong canh tác lúa, thực hiện thâm canh, luân canh, xen canh và tăng vụ
Bà con nông đổi mới trong canh tác lúa, thực hiện thâm canh, luân canh, xen canh và tăng vụ

Tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có, các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thực hiện cải tiến giống lúa, chú trọng công tác thủy lợi, xây dựng đê điều để xả phèn, rửa mặn, cải tạo đất hoang hóa, chủ động trong tưới tiêu,… nhằm giúp những giống lúa mới thích nghi phát triển tốt. 

Ngoài ra, còn tập trung nguồn lực, kinh phí đầu tư trọng điểm nghiên cứu lai tạo giống lúa mới đạt năng suất, chất lượng và chống chịu tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu như: xâm nhập mặn, ngập úng, khô hạn,… Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ canh tác hiện đại vào sản xuất lúa để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành gạo thành phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, nâng cao trình độ sản xuất cho bà con nông dân, góp phần nâng cao sản lượng lúa và chất lượng hạt gạo. 
Cây lúa ngọc đỏ hương dứa được lai tạo thành công
Cây lúa ngọc đỏ hương dứa được lai tạo thành công

Không phụ sự cố gắng cũng như kỳ vọng của người nông dân, trải qua thời gian dài nghiên cứu nhiều giống lúa gạo mới đã ra đời trong niềm hân hoan và đón nhận nhiệt tình của khách hàng. Nổi bật nhất có thể kể đến thương hiệu gạo ST25 - loại gạo ngon thế giới năm 2019 được bình chọn tại cuộc thi gạo ngon “World's Best Rice 2019” tổ chức ở Manila (Philippines). Loại gạo đặc biệt này là kết quả nghiên cứu bởi nhóm khoa học gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua (Trưởng nhóm nghiên cứu - Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng), Tiến sĩ Trần Tấn Phương (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng) và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương.
 

 Thương hiệu gạo ST25 – loại gạo ngon nhất thế giới

Tương tự giống gạo trên, thương hiệu gạo ST24 của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (tỉnh Sóc Trăng) do nhóm nghiên cứu Kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo được UBND tỉnh chọn vào danh sách đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm OCOP 5 sao và vinh dự trở thành sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia năm 2021.

Gạo ST24 đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia năm 2021

Bên cạnh đó, thương hiệu gạo tím Rồng Vàng - Công ty TNHH Duy Đức Hưng (TP. Cần Thơ), gạo VD20 - Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK (tỉnh Tiền Giang), gạo Tân Tiến – Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (tỉnh Vĩnh Long), gạo ngọc đỏ hương dứa – Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An (tỉnh Đồng Tháp);… cũng xuất sắc đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 – 4 sao.
 

Thương hiệu gạo tím Rồng Vàng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của TP. Cần Thơ

Với những thành công trên, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đơn thuần là vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà dần trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hiện đại. Những giống gạo tím, gạo đỏ thơm ngon có chứng nhận sản phẩm OCOP đặc trưng địa phương hay loại gạo ST24, ST25 mang danh hiệu gạo ngon thế giới đang góp phần vào nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên thị trường trong nước và quốc tế, tạo điều kiện phát triển toàn diện ngành nông nghiệp Việt Nam.
Bài và ảnh: Cẩm Nhung