Thứ tư, 15-03-2023 | 12:58GMT+7

Điêu khắc từ gỗ cây cafe

LNV - Buôn Ma Thuột, nơi nổi tiếng với hương vị cà phê nhưng với cây cà phê thì ít ai quan tâm đến. Nghệ nhân Võ Văn Hải đã nhìn thấy tiềm năng phát triển từ cây cà phê. Và với lòng đam mê nghệ thuật, ông đã tìm tòi để tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, từ việc tận dụng những gốc cà phê già cỗi, năng suất thấp đã bị bỏ đi.
Nghệ nhân Võ Văn Hải, người gốc Gò Công, tỉnh Tiền Giang thuộc thế hệ 5X, từng công tác trong Lực lượng Thanh niên Xung phong ở tỉnh Sông Bé những năm 1979 – 1980. Ông xuất ngũ về làm việc tại Xí nghiệp khai thác và nuôi trồng hải sản huyện Gò Công Đông. Sau khi lập gia đình, ông đã cùng gia đình đến lập nghiệp tại Thành phố Buôn Ma Thuột từ năm 1985. Thời gian đầu cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, phải trải qua nhiều công việc khác nhau như làm kem cây, bán bong bóng dạo, bốc vác, chạy xe ôm để mưu sinh.

Trò chơi lego với tạo hình con hổ được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt

Tuy cuộc sống bộn bề khó khăn, nhưng trong thâm tâm ông vẫn cháy bỏng niềm đam mê nghệ thuật. Những lúc có thời gian rảnh rỗi, ông đã chạm khắc tạo hình ra nhiều tác phẩm với nguyên liệu đa dạng từ thiên nhiên, trong đó có nguyên liệu từ cây cà phê. Thời đó, những cây cà phê sau 20 đến 25 năm tuổi, năng suất giảm dần đi, nông dân đã chặt bỏ những cây cà phê già cỗi để trồng lứa cây mới. Sau khi chặt, gốc cà phê chỉ có công dụng duy nhất là làm củi. Nhưng bằng con mắt của một nghệ nhân, ông đã nhìn ra được đằng sau khúc củi vô tri là cả một thế giới nghệ thuật đầy màu sắc. Với nguồn nguyên liệu sẵn có đó, ông đã tận dụng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Và ông cũng mong muốn từ cây cà phê có thể tạo ra một làng nghề chế tác các tác phẩm nghệ thuật, tạo ra công ăn việc làm cho người dân và cũng mong muốn đưa các sản phẩm đó ra các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Để có thể tạo ra các tác phẩm ưng ý, ông đã dành dụm tiền bạc tự trang bị các thiết bị như máy cưa, máy xẻ, máy sấy, máy mài nhẵn v.v…cho góc xưởng gia đình. Ông Hải chia sẻ: “ Để tạo được một sản phẩm ưng ý từ gỗ cây cà phê, nghệ nhân phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt gồm 2 giai đoạn: giai đoạn tạo ra gỗ thô và giai đoạn tạo hình, hoàn thiện sản phẩm. Để tạo ra gỗ thô, người nghệ nhân phải lựa chọn cây cà phê, sau đó phân loại và cắt thành từng khúc. Nhược điểm của gỗ cây cà phê là khi bị ẩm thường có mùi khó chịu. Để khắc phục, ông đã đưa ra phương pháp mới là luộc xong rồi sấy. Quy trình tạo ra gỗ thô khá công phu, từ quá trình xẻ thân cây cà phê rồi đưa vào lò hấp, sau đó tiến hành loại bỏ vỏ cây và tiếp tục đưa vào lò sấy để gỗ không bị mục, tạo ra độ trắng hơn. Sau khi đã có gỗ thô đã qua xử lý, với đôi tay khéo léo và óc sáng tạo năng động của nghệ nhân sẽ vào giai đoạn chế tác, tạo hình ra tác phẩm”.
 

Bàn ghế được làm từ cây cà phê

Nghệ nhân Võ Văn Hải đã tạo ra được nhiều sản phẩm là các vật dụng như: giá in hình phong cảnh, hộp đựng mứt, đèn ngủ nghệ thuật, khung hình nghệ thuật, đồng hồ để bàn, bàn trang điểm, đồ chơi ghép hình, bàn, ghế, chậu cây cảnh, … Ngoài ra, Ông còn tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ cây cà phê và được trưng bày ở nhiều nơi, như “Liễu Việt thư pháp”, và đặc biệt với cuốn sách mang tên “Ngoạn thạch vi ảnh” duy nhất và lớn nhất tại Việt Nam đã đạt kỷ lục Việt Nam năm 2011.
 

Cuốn sách “Ngoạn thạch vi ảnh” được làm từ cây cà phê

Năm 2012 ông đã cho ra bộ sản phẩm với chủ đề “Thiên nhiên quanh ta” bao gồm 50 con vật như hổ, rắn, rùa, … Đây là các tác phẩm được tạo ra từ cây cà phê đồng thời cũng là đồ chơi dành cho trẻ em theo kiểu lắp ghép (lego). Các sản phẩm đều ghi bằng tiếng Anh và tiếng Việt, mỗi tác phẩm đều được ghi chú các đặc điểm, đặc tính, nguồn gốc và phân bố các con vật giúp trẻ có thêm kiến thức, hiểu biết về thiên nhiên.

Vào Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 năm 2013, nghệ nhân Võ Văn Hải cũng đã tạo ra 2 tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ cây cà phê để trưng bày trong lễ hội gồm: Ghế Kpan dài 10 m, rộng 0,8 m, dày 0,1 m, trọng lượng khoảng 800 kg và bộ chiêng 10 chiếc với 7 chiêng bằng và 3 chiêng có núm.

Hiện nay, một số tác phẩm của ông vẫn đang được trưng bày tại bảo tàng lớn nhất Tây Nguyên, là bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Những tác phẩm từ cây cà phê của nghệ nhân Võ Văn Hải đã thể hiện tình yêu của ông với cây cà phê, với mảnh đất Tây Nguyên. Và cũng chính những tác phẩm đó đã lan tỏa niềm đam mê đối với cây cà phê, một biểu tượng của Buôn Ma Thuột. Kỳ vọng nghề điêu khắc gỗ cây cà phê sẽ được truyền bá, phát triển và sản phẩm sẽ nối dài danh mục sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk.
Dã Qùy