Thứ năm, 20-10-2016 | 14:39GMT+7

Làng nghề đúc lư đồng An Hội, Gò Vấp (TP.HCM): Thăng trầm màu thời gian

TBV - Làng nghề lư đồng An Hội danh tiếng một thời, giờ đây đứng trước nguy cơ bị mai một. Song các nghệ nhân còn lại vẫn vững niềm tin: “Khi nào còn người thờ cúng, thì làng lư đồng An Hội vẫn còn.”
Từ xưa đến nay, thờ cúng tổ tiên là một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, hình ảnh về những bộ lư đồng trang trọng, cổ kính luôn xuất hiện trên các bàn thờ tổ tiên của người Việt đã trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu.Theo tìm hiểu, làng nghề sản xuất lư đồng nổi tiếng nhất TP.HCM và còn tồn tại đến bây giờ là lư đồng An Hội.

Lư đồng An Hội là làng nghề duy nhất còn tồn tại ở TP.HCM, nhưng không phải là cái nôi của nghề đúc lư đồng. Khoảng 200 năm trước, nghề đúc lư đồng xuất hiện và phát triển tiêu biểu ở chợ Quán, Phú Lâm (quận 5). Lúc bấy giờ, ông Trần Văn Kỉnh (Năm Kỉnh) đến các lò đúc đồng ở khu vực chợ Quán để học nghề rồi ông về làng nhận dạy và truyền nghề cho con cháu trong dòng họ, từ đó nghề đúc lư đồng An Hội ra đời. Thời điểm trước năm 1975, làng nghề phát triển mạnh mẽ nhất, cả làng có đến 60 hộ với hàng trăm nghệ nhân làm nghề. Vào tháng gần Tết, làng An Hội rất nhộn nhịp, hàng làm không kịp bán. Sản phẩm lư đồng An Hội có mặt ở khắp xứ lục tỉnh Nam Kỳ và lan sang tận Lào, Campuchia, Miến Điện…
 

Lư đồng làng An Hội có 2 loại: Lư Nam có dáng vuông, lư Bắc có dáng tròn trĩnh và bầu dẹt. Lư ở đây được rất nhiều người ưa chuộng bởi màu vàng sậm, càng lau chùi thì càng bóng và giữ được màu. Tùy vào kích thước, sự tỉ mỉ, công phu của mỗi sản phẩm một bộ lư có giá dao động từ 3 triệu đến 20 triệu đồng. Sản phẩm được cung cấp cho các chùa, đền thờ, miếu và các hộ gia đình tại Việt Nam…

Mỗi bộ lư đồng làm ra phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau rất công phu và phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự kiên trì, khéo léo từ người thợ. Tất cả đều được làm thủ công, mỗi người thợ chỉ đảm nhiệm một công đoạn. Quy trình cụ thể là làm đất rồi làm khuôn, đúc, gia công chạm khắc. Được hoàn thành bằng tâm huyết, sáng tạo của người nghệ nhân gửi gắm vào, chính cái hồn và những nét tinh xảo, hình dáng trang nghiêm, cổ kính… khiến danh tiếng của làng An Hội vang xa khắp mọi miền đất nước.

Nhưng giờ đây, làng lư đồng An Hội không còn như ngày xưa nữa, chỉ còn vài hộ gia đình tiếp tục theo nghề. Đô thị hóa quá nhanh, nhiều gia đình bán đất nên không tiếp tục làm nghề, các nghệ nhân cũng đã chuyển nghề hết. Cộng thêm công việc này quá cực nhọc, thu nhập không được bao nhiêu nên lứa trẻ không còn hứng thú và tìm công việc khác để làm. Cùng với sự phát triển của xã hội, sản xuất công nghiệp chiếm nhiều ưu thế, nghề đúc đồng thủ công dường như bị lu mờ và chịu sự canh tranh gay gắt cả về giá thành, mẫu mã. Giá đồng ngày càng tăng cao, giá thu lại không được bao nhiêu. Kèm theo việc sản xuất lư đồng thủ công gây ô nhiễm môi trường nên chính quyền địa phương cũng quản lý siết chặt hơn.

Ông Hai Thắng (chủ lò lư đồng Hai Thắng) chia sẻ, giờ tụi nhỏ không còn hứng thú với nghề này nữa, đều kiếm việc khác nhẹ nhàng hơn rồi. Hiện tại, lò của ông chỉ còn 6 - 7 công nhân làm việc và mỗi tháng chỉ xuất xưởng trên dưới 100 bộ lư. Gần nửa đời người chứng kiến sự thăng trầm của làng nghề, ông tâm sự: “Nghề truyền thống của ông cha truyền lại mà mình không giữ được là có lỗi với tổ tiên. Nghề nào mà chẳng có lúc thịnh, lúc suy, quan trọng là người thợ có dám đeo đuổi đến cùng sự lựa chọn của mình không”. Cùng với ông Hai Thắng, còn có vài cơ sở vẫn hoạt động là Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ, Út Kiểng, họ đều là những anh em trong dòng họ. Bao đời nay, họ sống với nghề, nghề đã nuôi họ lớn lên, điều đó thân thuộc đến mức không thể dễ dàng từ bỏ và mong muốn dùng chút sức cuối cùng để bảo vệ tinh hoa làng nghề An Hội mà cha ông để lại.

Dù không còn như trước, nhưng chất lượng của lư đồng An Hội luôn được đánh giá cao, bởi mẫu mã đa dạng do được làm thủ công và đường nét vô cùng tinh xảo, có hồn còn sản xuất công nghiệp thường có màu xanh, xỉn màu sau vài năm sử dụng và mẫu mã không nhiều.Như một bản nhạc lúc thăng lúc trầm, lư đồng An Hội đã từng thăng hoa và giờ đang trầm lắng xuống nhưng đó không có nghĩa là sự kết thúc. Lúc này đây, các nghệ nhân còn lại vẫn đang tiếp tục bám trụ và hi vọng sẽ được giúp đỡ hồi sinh làng nghề. Việc sản xuất lư đồng gây ra nhiều khói bụi, ồn ào là điều không mong muốn, chủ các cơ sở tại An Hội rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính quyền địa phương. Bởi đây không đơn thuần là một nghề mà nó còn là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.
P.V