Những ai yêu Hát Xẩm khó có thể quên cố nghệ nhân Hà Thị Cầu với bài hát xẩm “Nhớ công ơn sinh thành cha mẹ” mà bà từng trình diễn trong Lễ giỗ tổ nghề hát xẩm do Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trong không gian cổ kính và uy nghiêm, nền nghệ thuật ca nhạc dân tộc được tôn vinh khiến những nghệ nhân cao tuổi rưng rưng nước mắt, còn các khán giả từ già đến trẻ, kể cả khách quốc tế thì tìm thấy bao điều thú vị ở nghệ thuật hát xẩm của Việt Nam.
Trong nghệ thuật âm nhạc truyền thống đất nước ta, có lẽ chỉ duy nhất Hát Xẩm được gọi với tư cách là một nghề. Nghề Hát Xẩm ra đời gắn với truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái khát khao cuộc sống tốt đẹp vốn là truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu (Ảnh Internet)
Nghề Hát Xẩm ra đời vào thời nhà Trần, cách đây hơn 700 năm, một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất đối với văn học nghệ thuật truyền thống. Dân gian lưu truyền ông tổ nghề hát xẩm là Trần Quốc Đĩnh, một thái tử thời nhà Trần. Do những tranh giành quyền lực đã đẩy ông đến những bước đường khó khăn phải tha hương cầu thực. Những tháng ngày đó ông được thần linh ban cho nghề đàn hát và sống nhờ sự bao bọc của nhân dân. Sau này khi trở về hoàng cung, ông một lòng đem nghề đàn hát truyền lại cho nhân dân, đặc biệt là những người khiếm thị để họ có cái nghề kiếm sống bớt đi những lo toan mưu sinh. Tưởng nhớ công ơn vị thái tử, người hành nghề Hát Xẩm, từ xa xưa đã lấy ngày 22-2 và ngày 22-8 âm lịch làm ngày giỗ tổ nghề. Vào ngày này, những nhóm xẩm dù có ở nơi đâu cũng phải tề tựu đông đủ tại một nơi thuận tiện cho việc đi lại nhất để cùng nhau tổ chức lễ giỗ tổ nghề. Cho tới giữa thế kỷ XX lễ giỗ tổ nghề Hát Xẩm vẫn được tổ chức thường niên tại Hà Nội. Rồi do thời cuộc, do chiến tranh chống ngoại xâm, những nghệ nhân hát xẩm tạm dừng tổ chức lễ giỗ tổ nghề để góp sức vào những nhiệm vụ thiêng liêng của dân tộc. Nhiều bài hát xẩm mới đã được dân gian sáng tác và truyền tụng phục vụ cho lao động sản xuất và cho cuộc kháng chiến vì đây là thể loại dễ truyền miệng và có sức lan toả trong cộng đồng. Ngày nay, Hát Xẩm đã được phục hồi với những buổi biểu diễn ở chợ Đồng Xuân, phố cổ Hà Nội mang phong cách gần gũi với công chúng đúng cách "Xẩm Hà Thành" xưa. Nhiều nghệ sĩ đã miệt mài với môn nghệ thuật này như NSND Xuân Hoạch, NSUT Thanh Ngoan...

Hiểu rõ nhất về nghệ thuật hát xẩm chính là những nghệ nhân, nghệ sĩ, những người đã gắn tiếng đàn, lời ca trong máu thịt của mình. Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch cho rằng: “Nhiều bài hát xẩm có từ xa xưa tới nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và vẻ đẹp nghệ thuật như bài “Tiễn chân anh Khóa xuống tầu” của Á Nam Trần Tuấn Khải. Việc khôi phục lại Hát Xẩm trong nhịp sống đương đại không chỉ bảo tồn được giá trị dân tộc quí báu của cha ông mà còn làm cho cuộc sống hiện tại thi vị hơn, giầu tính đấu tranh hơn…”
Lắng nghe những giai điệu hát xẩm, lúc thì mang vẻ ai oán, khi lại mang tính hài hước, châm biếm, đả kích, tôi hiểu rõ hơn vì sao mà Hát Xẩm lại được truyền tụng trong dân gian và có sức sống lâu bền. Đây thực sự là môn nghệ thuật dành cho đại chúng ./.
Thanh Thủy